Việt Nam

Đầu tư làm phim: Cơ hội mới và thách thức của phim Việt

04/04/2016

Không chỉ những người trong nghề mà nhiều nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác cũng lấn sân sang phim ảnh ở các vai trò đạo diễn, nhà sản xuất, đầu tư. Doanh thu hàng chục đến vài chục tỉ đồng mỗi phim đang mở ra cơ hội tuyệt vời nhưng cũng mang lại những thách thức không nhỏ cho các nhà đầu tư.

Cơ hội rộng mở - phim đua nhau ra rạp

Từ đầu năm đến nay số lượng khán giả đến các cụm rạp CGV xem phim đã tăng 60% so với năm ngoái và số rạp chiếu của CGV cũng tăng hơn 30%. Đại diện cụm rạp CGV, rạp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam cho biết: “Khán giả đông kín những ngày qua tại các rạp. Phim nước ngoài doanh thu cao hơn phim Việt, nhưng vẫn có những phim Việt đạt doanh thu cao, thu hút khán giả như Tía tôi là cao thủ, Em là bà nội của anh...”. Đây là một tín hiệu mừng cho cơ hội ra rạp của các bộ phim Việt.

Phim Em là bà nội của anh đạt doanh thu kỷ lục 102 tỉ đồng

Nếu giai đoạn đầu chỉ những người am hiểu hoặc làm trong lĩnh vực điện ảnh mới tham gia đầu tư làm phim, thì khi thị trường nở rộ, doanh thu các bộ phim Việt tăng cao đã mở ra cơ hội tuyệt vời để thu hút các nhà đầu tư. Tiêu biểu phải kể đến bộ phim Em là bà nội của anh đã đạt doanh thu hơn 102 tỉ đồng sau hai tháng công chiếu và trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử phim Việt Nam. Hàng loạt nghệ sĩ có vốn, có tiềm năng và am hiểu phim ảnh như Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền, Ngô Thanh Vân đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất kiêm vai chính trong một loạt dự án phim như Hương ga, Truy sát, Lạc giới, Ngày nảy ngày nay

Khi cơ hội mở rộng, không chỉ các nghệ sĩ trong giới mà các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác cũng lần lượt tham gia. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đầu tư sản xuất và tham gia một vai nhỏ trong Hiệp sĩ mù, ca sĩ Thủy Tiên đang lấn sân với dự án mới Vợ ơi…em ở đâu. Một số nghệ sĩ thuộc lĩnh vực khác cũng vụt sáng chỉ sau một, hai dự án thành công như ông bầu ca nhạc Quang Huy với hai dự án phim ca nhạc đình đám là Thần tượngChàng trai năm ấy. Hàng loạt những ví dụ cho thấy tiềm năng thị trường đang rất lớn và sự lớn mạnh đó đang thu hút vào đó nhiều nghệ sĩ tài năng, đam mê sáng tạo, khát khao khám phá thể hiện và chinh phục. Mới đây, dự án phim Liên minh huyền thoại kêu gọi cả đoàn phim cùng chung sức đầu tư cho bộ phim qua hình thức góp vốn, góp cátxê càng cho thấy xu hướng đầu tư làm phim đang phát triển và nở rộ dưới nhiều hình thức.

Thách thức khi thị trường tăng nóng

Mặc dù đầu tư làm phim đang gia tăng mạnh mẽ dưới nhiều hình thức và là xu thế chung của thế giới nhưng không phải không có những cảnh báo và nguy cơ tiềm ẩn. Thực tế khi ra rạp đã có không ít bộ phim thất bại như Tây du ký hậu truyện được xem là “thảm họa mới” của điện ảnh phim Việt khi nhận được sự phản đối gay gắt từ phía khán giả. Việc quay phim cẩu thả, dựng phim rời rạc… coi thường, xuyên tạc các nhân vật đã thành biểu tượng như Hằng Nga, Thái Thượng Lão Quân, Đường Tam Tạng… cũng góp thêm phần thất bại. Hay như bộ phim được đầu tư khoản kinh phí làm phim được nói lên tới hơn 1 triệu USD (hơn 20 tỉ đồng) mang tên Lửa Phật của Dustin Nguyễn cũng không đạt doanh thu như mong muốn.

Sự kêu gọi đầu tư ngoài việc có thêm nguồn kinh phí để sản xuất, làm hậu kỳ, truyền thông và phát hành còn có ý nghĩa san sẻ lợi nhuận và rủi ro. Dưới sức ép của doanh số, nhiều ekip mải chạy theo số lượng, ít đầu tư nghệ thuật dẫn đến nhiều dự án phim dở, kém chất lượng và nhanh chóng chết yểu khi ra rạp. Bên cạnh tay nghề yếu, sự thiếu chuyên nghiệp của êkíp, sự can thiệp thái quá của một số nhà sản xuất mạnh về tiền vốn, non kém về nghiệp vụ cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng phim và khiến bộ phim đi vào bế tắc.

Khi nhiều người cùng tham gia vào thị trường thì bên cạnh những bộ phim thành công thu lợi nhuận lớn sẽ không thiếu những bộ phim thất bại, lỗ vốn. Sự sụt giảm doanh số của mùa phim Tết là ví dụ cho thấy thị trường không chỉ mang lại thành công mà vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn, với những bộ phim chất lượng kém, câu chuyện tình tiết dễ dãi khó thu hút nổi khán giả. Bên cạnh đó còn hàng loạt những vấn đề như thời điểm ra rạp, giờ chiếu, chiến lược quảng bá, sự cạnh tranh của những bom tấn ngoại, sự ủng hộ của các cụm rạp… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các bộ phim.

Và với những thành công lẫn thất bại của phim Việt trong năm qua, phần nào cũng đánh giá được thị hiếu và sở thích cũng như tầm nhìn của khán giả dành cho phim Việt cũng dần thay đổi. Sự thành công của phim không còn nằm ở những ngôi sao hay yếu tố câu khách rẻ tiền mà phải là những phim thật sự chất lượng và đáp ứng được mong muốn của khán giả. Đó mới là yếu tố thu hút, tạo nên thành công.

Nguồn: Nhân dân điện tử