Việt Nam

Nói tiếp về phim Quyên: Khi tác giả tiểu thuyết đăng đàn để 'chiến đấu'

26/06/2015

Sau gần một tuần công chiếu (từ ngày 19/6), đến nay chỉ còn hệ thống rạp BHD - đơn vị phát hành phim Quyên - là “mặn mà” với nhiều suất chiếu, các hệ thống rạp khác đã rất lưa thưa, nên có thể nói việc hòa vốn là đường xa vạn dặm.

Với kinh phí đầu tư 22 tỉ đồng, cộng với truyền thông, điểm hòa vốn sẽ vào khoảng 45-46 tỉ; nếu hệ thống rạp nhà của BHD không chia tiền vé theo tỷ lệ 50/50, thì phim cũng phải cần trên 30 tỉ để cán đích, một con số bất khả.

Trong bối cảnh nhiều phim chiếu rạp đang được làm với tâm thế “mì ăn liền”, thì việc xuất hiện một phim nghiêm túc như Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) là điều rất đáng trân trọng, rất đáng chờ đợi.

Lực bất tòng tâm

Sự chờ đợi này không chỉ đến từ mức đầu tư đáng mơ ước với nhiều đạo diễn, thuộc diện rất cao nếu so với mặt bằng chung của Việt Nam. Mà còn đến từ bản thân tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đã tái bản đến lần thứ 6, nghĩa là sức hút tự thân đã có. Nó còn đến từ thái độ làm phim của đạo diễn, hai phim trước là Vũ khúc con cò (đồng đạo diễn với Jonathan Foo), Cánh đồng bất tận đã chứng minh điều ấy. Nó cũng đến từ hiệu ứng truyền thông bài bản, nghiêm túc không kém. Thế nhưng ở đời là vậy, chờ đợi nhiều thì dễ thất vọng nhiều, Quyên không đến mức tệ, nhưng quá thiếu điểm nhấn để trở thành một phim đủ làm hài lòng sự chờ đợi đó.

Một cảnh trong phim Quyên [Ảnh do BHD cung cấp]

Có vài ý kiến cho rằng nhân vật Quyên chính là nàng Kiều của thời hiện đại. Nhìn vào bề mặt các biến cố, có vẻ như vậy, khi những người đàn ông của Quyên là Hùng (Trần Bảo Sơn thủ vai), Dũng (David Trần), Hanz (Gary Daniels) cũng phảng phất tính cách của Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải… Thế nhưng sau các bi kịch xa xứ mà Quyên gặp phải, chỉ để nói rằng quê nhà vẫn là chốn quay về thì quá đơn giản, thậm chí hơi giáo điều. Đúng lý cũng nên bắt chước như Kiều, sau 15 năm lưu lạc phải nói được với người xem một số điều về nhân sinh, trong đó có quan niệm mới về chữ trinh. Quyên rời Việt Nam vì tình yêu, vì hôn nhân để cuối cùng bẽ bàng, rồi cô độc hồi hương là tóm tắt chính của phim này, vậy thông điệp là gì?

Bề nổi của Quyên là một “tiểu tự sự” về người phụ nữ đẹp gặp bất hạnh trong tình yêu, ẩn phía sau lại là bối cảnh “đại tự sự” về thân phận con người trước sự sụp đổ của cả một hệ thống lớn, họ phải ứng xử ra sao? Đạo diễn hoàn toàn có thể tách hai điều này để làm hai phim theo hai hướng khác nhau, thế nhưng do “đi hai hàng” mà đánh mất đường dây chính, thành ra cái nào cũng dang dở, mà câu chuyện về Quyên càng dang dở hơn. Kết quả lực bất tòng tâm, ý thì có mà hình chưa đủ độ ép phê.

Một giá trị chưa… khác biệt

“Nếu ai đã đọc tiểu thuyết Quyên, xin đừng so sánh giữa hai ngôn ngữ khác nhau, vì mọi thông điệp, hay cái thông điệp cốt tử trong Quyên thì tôi và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã cùng thống nhất với nhau. Phim Quyên là một giá trị khác biệt,” nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng phát biểu và chia sẻ lại trên Facebook của mình.

Nhiều người cũng nói xem phim đừng nghĩ đến tiểu thuyết, thì nói là nói cho vui vậy thôi, chứ khi xem các phim như Cái trống thiếc, Ngư ông và biển cả, Bố già, Mùi hương…, thậm chí Làng Vũ đại ngày ấy, Thằng Bờm… mà nói đừng nghĩ đến câu chuyện gốc thì khác gì nói đừng xem phim, hoặc đừng đọc sách. So sánh là điều hiển nhiên.

Điều này cũng giống năm năm trước, khi chuyển thể Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khá thành công, nhiều người - trong đó có Nguyễn Phan Quang Bình - đã rất hạnh phúc vì có một tác phẩm gốc tuyệt vời. Có khác chăng là ở cách hành xử, nếu Nguyễn Ngọc Tư chọn giải pháp im lặng, thậm chí không đọc kịch bản chuyển thể, dù được yêu cầu, thì Nguyễn Văn Thọ lại “đăng đàn” trên Facebook của mình để bảo vệ, chống chế và “chiến đấu” với các ngòi bút có điểm nhìn khác. Điều này càng làm cho phim bị lùm xùm nhiều hơn trên cộng đồng mạng, nó thêm minh chứng để thấy rằng đây chưa phải là một giá trị khác biệt.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa