Phim có chất lượng nghệ thuật thì ít người xem, phim hài nhảm lại cháy
vé khiến các nhà chuyên môn phải thốt lên: Thị hiếu khán giả phim Việt
đang có vấn đề.
Những năm gần đây, nhìn cảnh nhiều người đổ xô tới rạp để xem phim hài,
chúng ta đủ thấy đa phần khán giả điện ảnh thích món ăn hài hước bên
cạnh kinh dị và hành động. Đó cũng là điều dễ hiểu vì người xem cần
những phim hài có tiếng cười để giải trí, thư giãn. Tuy nhiên, vấn đề
đáng quan ngại là phim hài càng nhảm thì khán giả càng đông.
Thích cười cợt hời hợtTrong một loạt phim hài ăn khách từ
Để Mai tính,
Long ruồi,
Cưới nhau kẻo lỡ,
Tèo em cho đến
Để Mai tính 2,
cấp độ “nhảm” ngày càng được tăng lên. Những ngón hài dơ, hài tục được
sử dụng không sót “chiêu” nào và phát triển ở cấp độ ngày càng cao, đã
nhảm càng nhảm hơn, đã tục càng tục hơn và phủ dày đặc ở suốt phim.
Trong
Để Mai tính 2
đầy rẫy những tình huống hài nhảm nhí, thô tục, điển hình là chuyện hôi
nách được miêu tả tỉ mỉ một cách quá phản cảm. Nhưng chính ở những đoạn
thô tục ấy, khán giả lại cười ngặt ngẽo, “sướng” nhất. Những tình huống
hài vô duyên, nhạt nhẽo, lãng nhách, ăn nói không ý tứ, thiếu văn
hóa... trong các bộ phim như
Hello cô ba,
Nàng men chàng bóng... cũng làm khán giả khoái chí không kém.
Ông
Trần Trọng Dần, Giám đốc Hãng phim CoCo Paris, cho rằng phần đông khán
giả đi xem phim là những người trẻ, họ không có nhu cầu tiếp nhận bài
học gì sâu xa. Diễn viên - nhà sản xuất Mai Thu Huyền (Công ty Tincom
Media) đồng tình: “Đa số khán giả vào rạp không cần những phim có tính
giáo dục nặng nề, bài học sâu sắc mà chủ yếu muốn xem phim giải trí nhẹ
nhàng, hài hước. Họ xem thấy đã mắt, nghe đã tai và cười đã miệng là đủ
rồi!”.
Thực tế, rất nhiều khán giả khi được hỏi ngay sau khi xem
phim hài nhảm đã không ngần ngại trả lời rằng “phim vui, cười thoải
mái”, mặc kệ có thô tục hay phản cảm. Rõ ràng, họ chỉ cần tiếng cười mua
vui đơn thuần, còn diễn viên chọc cười khán giả theo cách nào không
quan trọng. Những phim nghệ thuật, có chất lượng được giới chuyên môn
đánh giá cao như
Đường đua,
Thần tượng... bị hạ đo ván ngay trong phòng vé trước đối thủ phim hài nhảm nhí cho thấy công chúng nghệ thuật của dòng phim này quá ít.
Bà
Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhận định: “Sở
thích của khán giả hiện nay nghiêng hẳn về phim hài, càng nhảm họ càng
thích. Họ đến rạp theo các nhóm bạn bè, ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố
truyền miệng và sự nổi tiếng của diễn viên.” Trong khi đó, một khán giả
trẻ thừa nhận: “Mỗi khi có phim mới, bạn bè lại rủ tôi đi xem. Nếu không
xem thì mình lạc hậu nhưng có những phim xem xong, tôi thất vọng hoàn
toàn.”
Mới đây, tại buổi tọa đàm “Nhà sản xuất phim - Hiện trạng
và xu thế phát triển” do Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ điện ảnh thuộc
Viện Phim Việt Nam tổ chức ở TPHCM, những người làm nghề đã thở dài: Bó
tay với thị hiếu khán giả. Mặc cho các nhà chuyên môn ta thán, đau đầu
thì ngoài rạp, khán giả vẫn xếp hàng rồng rắn để chờ xem phim hài nhảm.
Không ai có thể định hướng sáng tác trong khi chính khán giả là người
trực tiếp “móc hầu bao” mua vé lựa chọn phim để thưởng thức. Do vậy,
phim hài nhảm sốt vé là chuyện dễ hiểu.
Chạy theo thị hiếu dễ dãiNhiều
người đổ lỗi do trình độ dân trí thấp nên có sự tiếp nhận dễ dãi nhưng
thực tế, khán giả tới rạp hiện nay chủ yếu ở độ tuổi 16-35, phần đông là
khán giả trẻ, có điều kiện vật chất, có trình độ học vấn. Chính những
đối tượng khán giả này lại có thị hiếu thẩm mỹ hời hợt và tiếp nhận tác
phẩm quá dễ dãi. Đây là nguyên nhân đẩy phim hài nhảm lên đỉnh cao doanh
thu.
Diễn viên Thái Hòa trong Để Mai tính 2 - bộ phim được cho là hài nhảm
nhưng đạt kỷ lục doanh thu [Ảnh do đoàn phim cung cấp]
Sau khi xem phim
Để Mai tính 2, bà Ngô Ngọc Ngũ Long đã phải
thốt lên: “Đến chuyện tế nhị như hôi nách mà cũng mang lên chọc cười thì
không còn gì để nói. Chọc cười thô thiển như vậy mà khán giả vẫn cười
rần rần mới sợ chứ!”. Diễn viên Mai Thu Huyền cũng lắc đầu: “Nhiều khi
mình cố tình tìm xem trong tình huống đó có gì đáng cười không nhưng vẫn
không thể cười được, chỉ thấy khó chịu. Vậy mà không hiểu sao khán giả
lại cười rung cả ghế. Các phim này liên tiếp thắng lớn về doanh thu, tôi
thấy thật bất công cho những phim đầu tư chất lượng nghệ thuật và làm
nghề nghiêm túc.”
Các nhà chuyên môn nhận định rằng một bộ phận
khán giả không có hoặc chưa được trang bị về tính thẩm mỹ trong thưởng
thức nghệ thuật, dẫn đến tiếp nhận bằng cảm quan vô tư, bằng trình độ
nhận thức đơn giản, dễ dàng, thiếu chọn lọc. Chính sự dễ dãi ấy đã giúp
sức cho những bộ phim hài nhảm tồn tại một cách ngang nhiên. Trước đây,
công chúng nâng đỡ nghệ thuật, giúp nghệ thuật thăng hoa nhưng nhiều
khán giả ngày nay lại góp phần làm nghệ thuật đi xuống.
“Nếu khán
giả quay lưng, quyết nói không với phim hài nhảm thì chẳng có nhà sản
xuất nào dám đầu tư nữa. Có cầu thì có cung, công chúng có nhu cầu quá
lớn nên buộc nhà sản xuất phải đáp ứng” - diễn viên - nhà sản xuất Mai
Thu Huyền trăn trở.
Nghệ thuật xuống cấp còn do người làm
Trong quan hệ hai chiều tác động đến nhau giữa khán giả và nghệ thuật,
rõ ràng khi người xem còn tiếp tục chi tiền cho những phim hài nhảm thì
đạo diễn, nhà sản xuất lại càng có lý do để mạnh tay đầu tư. Khi Charlie
Nguyễn - một đạo diễn có nghề, nổi tiếng với phim Dòng máu anh hùng
từng được đánh giá cao - bỏ “mác” đạo diễn trở về từ Hollywood để làm
những phim hài nhảm, nếu không phải chạy theo thị hiếu số đông của công
chúng thì là gì?
Theo diễn viên Hồng Ánh, nghệ thuật xuống cấp
hay không là do người làm. Chính những đạo diễn, nhà sản xuất chạy theo,
chiều chuộng thị hiếu của phần đông khán giả có “gu” thẩm mỹ thấp đã
làm cho nền nghệ thuật điện ảnh “hỏng” trầm trọng. |
Nguồn: Người lao động