Việt Nam

Hai Phượng giải nhiệt cơn khát phim hành động Việt

08/03/2019

Sự xuất hiện của Hai Phượng ở thời điểm này được xem như giải nhiệt cho cơn khát phim hành động bấy lâu của khán giả Việt vốn vẫn chờ đợi những bộ phim hành động “made in Vietnam” xứng đáng tiền vé.

Ngô Thanh Vân trở lại với vai trò đả nữ sau mười năm cùng bộ phim Hai Phượng

Bởi kể từ sau khi Bẫy rồng ra mắt năm 2009, mười năm nay thị trường Việt Nam dường như vắng bóng hẳn dòng phim hành động thực thụ có thể thỏa mãn thị giác, quyết liệt và “ra trò”.

Đạo diễn của Hai Phượng là Lê Văn Kiệt, đạo diễn Việt kiều khá cứng tay cho những bộ phim có góc nhìn khác lạ về Việt Nam: một Ngôi nhà trong hẻm vừa kinh dị vừa bí bách, một Dịu dàng đầy ám ảnh.

Trở lại với Hai Phượng, anh vừa có sự tiết chế từ “kinh nghiệm xương máu” của hai bộ phim Rừng xác sốngBẫy cấp 3 không qua được cổng kiểm duyệt nhưng đồng thời có cả sự háo hức khi người đồng hành cùng anh là Ngô Thanh Vân - “đả nữ” có thể xem là số 1 hiện nay của thị trường phim Việt Nam

Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) có xuất thân con nhà nòi lò võ, nhưng vì cá tính ương ngạnh, sau một lần cự cãi với gia đình cô bỏ nhà ra đi, từ đó lưu lạc trong giới giang hồ chuyên bảo kê ở các quán bar, vũ trường tại Sài Gòn.

Mọi thứ chỉ thay đổi khi Hai Phượng phát hiện ra mình đang có thai. Từ một cô gái làng chơi bất cần đời, cô lưu lạc về miền Đồng bằng sông Cửu Long sinh hạ và nuôi con một mình, kiếm sống bằng nghề đòi nợ mướn.

Hành trình cứu con bắt đầu khi cô con gái duy nhất của Hai Phượng bị bắt cóc bán cho một tổ chức buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia, nhằm trả thù người mẹ...

Theo chân Hai Phượng, đời sống của làng quê hay đô thị Việt Nam hiện lên đầy hồn vía. Đó không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng của sông nước làng mạc, sự trù phú của thiên nhiên, mà chính là cuộc sinh tồn thực thụ của con người.

Một con hẻm chật nêm người lập lòe đèn neon ở quận 4 với đủ thể loại người kiếm sống hay một phiên chợ quê nghèo náo loạn với những tiếng mắng chửi đòi nợ.

Mãn nhãn về hành động nhưng kịch bản của Hai Phượng lại đơn giản đến mức có phần khá hời hợt. Điều gì đã khiến Hai Phượng trở thành một người bất cần, bất mãn với cuộc sống đến thế khi cô sinh ra trong một gia đình khá yên ấm hoàn toàn không được lý giải.

Hơn nữa, việc toàn bộ câu chuyện xảy ra và được giải quyết gọn gàng trong thời gian 24 giờ là điều khá khiên cưỡng khiến cho bộ phim có nhiều đoạn “không tưởng”, nhất là về khả năng chịu đựng của Hai Phượng khi từ đầu đến cuối người xem chỉ thấy cô “chiến đấu” hừng hực như một robot!

Vậy nên, thành công của Hai Phượng không phải là đã kể được một câu chuyện hay, khác lạ mà nằm ở khía cạnh hành động hoàn toàn thuyết phục đối với người xem.

Dĩ nhiên, sẽ rất khập khiễng khi so sánh những bộ phim hành động của Việt Nam - bị giới hạn về kiểm duyệt, giới hạn về túi tiền - với những bộ phim hành động hiện nay của thế giới.

Dù còn tiếc nuối, với Hai Phượng khán giả hoàn toàn có thể tự tin: Việt Nam có thể làm được những bộ phim hành động ra tấm ra món với chất liệu Việt phong phú. Những pha giao chiến cận cảnh trên đoàn tàu đang di chuyển, hay những pha hành động một chọi một giữa Hai Phượng cùng nữ đại ca trong phim đều khiến khán giả “ê ẩm” mình mẩy!

Ngô Thanh Vân đã hóa thân thuyết phục trong vai một người mẹ đi tìm con có lúc đầy hy vọng, có lúc ê chề trong tuyệt vọng và bất lực. Cô đã có một vai diễn đầy máu và nước mắt - đúng nghĩa, với Hai Phượng lần này.

Phim phát hành cùng lúc tại Việt Nam và Mỹ

Hai Phượng đang gặt hái được những “thành quả” đầu tiên khi tranh tài với 14 bộ phim đến từ các quốc gia khác để lọt vào vòng đề cử Phim xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á Osaka sẽ diễn ra tháng 3 năm nay.

Bộ phim cũng sẽ là một trong những bộ phim hiếm hoi cùng lúc được phát hành tại thị trường Việt Nam và Mỹ vào ngày 22-2 - một nỗ lực rất đáng ghi nhận đúng theo “cam kết” của Ngô Thanh Vân với cuộc chơi điện ảnh từ những ngày đầu: quảng bá điện ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.


Nguồn: Tuổi Trẻ