Việt Nam

Lần đầu tiên xã hội hóa liên hoan phim

15/01/2011

Khi những người đẹp mặc áo dài và tình nguyện viên đứng đón khách bên cạnh các pano in rất nhiều logo của các thương hiệu nổi tiếng được thiết kế chuyên nghiệp dọc hai bên thảm đỏ và tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, người ta đã thấy một không khí rất khác so với các liên hoan phim “mậu dịch quốc doanh” đã diễn ra lâu nay ở Việt Nam.

Lần đầu tiên báo chí nghe nói về một liên hoan phim quốc tế sẽ được tổ chức định kỳ tại Hà Nội là cách đây hơn hai năm, qua lời úp mở của nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan - Cục phó Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lúc đó còn là trưởng phòng nghệ thuật Cục Điện ảnh.

Có lẽ vì chưa có gì chắc chắn tại thời điểm đó nên bà Ngô Phương Lan chỉ có thể nói: Nhà nước sẽ cho phép ngành điện ảnh hợp tác cùng một đơn vị tư nhân, nhưng chắc là khó, vì tư nhân đó phải đạt cùng lúc ba tiêu chuẩn: hiểu biết về công việc sản xuất phim, từng tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, có tiềm lực tài chính và phải tham gia ban tổ chức liên hoan phim với tiêu chí... phi lợi nhuận.

Khi tư nhân cùng nhà nước tổ chức liên hoan phim

Có lẽ vì sự “khó” đó mà gần một năm sau mới thấy cái tên Vietnam Media Corporation (tên quen thuộc là BHD) xuất hiện một cách lặng lẽ trong nhiều hoạt động phối hợp đối ngoại của Cục Điện ảnh và đến đầu năm 2010 mới thấy BHD xuất hiện trong các hoạt động quảng bá Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF).


Các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất Việt Nam tại lễ khai mạc
Liên hoan phim Việt Nam tối 17/10
[Ảnh: Việt Dũng]


Con số chính thức về kinh phí của VNIFF chưa được công bố, nhưng chỉ riêng hệ thống giải thưởng (giải lớn nhất cho phim truyện hay nhất đã là 10.000 USD) so với các giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam (30 triệu đồng cho Bông sen vàng, Cánh diều vàng cũng tương đương) đã là sự thay đổi đáng mừng.

Điều đáng mừng hơn nữa là sự “dám chi” và uy tín của ban tổ chức để mời được một ban giám khảo tầm cỡ quốc tế. Cái giá mà một ban tổ chức liên hoan phim phải trả để có sự xuất hiện của một tên tuổi cỡ Phillip Noyce chắc chắn rất lớn. Bên cạnh ông là Francois Cantonné - quay phim lừng danh của phim Đông Dương, người từng giành Oscar và Cesar 1993, là Marco Mueller - giám đốc Liên hoan phim quốc tế Venice và Kang Su Yeon - giám đốc chương trình của Liên hoan phim Pusan, một ngôi sao của điện ảnh đương đại Hàn Quốc.

Bà Ngô Phương Lan, thành viên ban giám khảo Netpac (mạng lưới quảng bá điện ảnh châu Á) - một ban giám khảo thường trực trong nhiều liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Thế giới có đến hơn 100 liên hoan phim, nghĩa là ba ngày lại có một liên hoan phim. Liên hoan phim nào cũng cố chứng tỏ uy tín bằng cách mời được những thành viên ban giám khảo có tên tuổi nhất. Nhiều thành viên trong các ban giám khảo phim truyện, phim ngắn và ban giám khảo Netpac gọi điện cho tôi từ sân bay để thông báo họ vừa rời khỏi một liên hoan phim hoặc một hoạt động điện ảnh nào đó, có người bay thẳng từ Pusan sang Hà Nội. Điều đó chứng tỏ VNIFF có sức thu hút nhất định."

“Hy vọng tìm thấy những Lý An và Đặng Nhật Minh mới”

Chủ tịch ban giám khảo phim truyện, đạo diễn Phillip Noyce đã trả lời như vậy khi được hỏi ông kỳ vọng gì từ VNIFF. Ông nói: “16 năm trước tại Liên hoan phim Sydney 1994, trong số hàng trăm bộ phim dự thi của hàng ngàn phim được trình chiếu, chúng tôi hân hoan tìm kiếm những tài năng mới lóe sáng từ những tên tuổi chưa được ai biết đến, từ những bộ phim chưa ai nghe tên. Và ở đó tôi đã lần đầu tiên nghe thấy cái tên Lý An, chỉ ngay sau đó đạo diễn trẻ này đã nổi danh ở Hollywood.

 

Phillip Noyce - Trưởng ban giám khảo phim truyện nhựa [Nga Linh]

 

Cũng lần đầu tiên tôi được xem bộ phim Trở về của đạo diễn Đặng Nhật Minh - người mà sau này đã trở thành đạo diễn hàng đầu của Việt Nam và hôm nay đang ngồi cùng tôi trong ban giám khảo VNIFF. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục tìm ra những Lý An và Đặng Nhật Minh mới từ liên hoan phim tại Việt Nam này."

Để xóa tan những nghi ngờ về việc khó tìm ra Lý An mới và Đặng Nhật Minh mới vì chương trình dự thi chỉ có 10 phim và không hẳn tiêu biểu cho nền điện ảnh nước đó, mà có khi chỉ vì đáp ứng tiêu chí liên hoan phim là ra mắt lần đầu, tất cả thành viên ban giám khảo từ nhà quay phim Francois Cantonné đến ông Marco Mueller và Phillip Noyce đều khẳng định: “Liên hoan phim có chương trình điện ảnh toàn cảnh và chương trình tập trung của từng nền điện ảnh, chúng tôi sẽ cố gắng xem được nhiều nhất số phim có thể, xem phim cho đến khi gục ngã."

Không thể nói là công tác tổ chức của VNIFF lần đầu tiên đã hoàn hảo: từ việc ba địa điểm chiếu phim ở cách xa nhau đến hàng chục kilômet, việc người cần vé xem phim thật sự thì khó mua, người không cần thì có giấy mời, việc phiên dịch sai và thiếu ý... nhưng có thể thấy ban tổ chức đã rất nhanh chóng tìm cách khắc phục các thiếu sót này, từ việc phó giám đốc Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh khéo léo giữ micro để dịch thay đến việc các nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam như Thế Anh, Trà Giang, Đoàn Dũng... được trân trọng giới thiệu và tiếp đón cẩn thận.

Một triển lãm hết sức công phu và trang trọng về thân thế, sự nghiệp của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Sến cho thấy ban tổ chức VNIFF đã biết nhìn lại đằng sau để hướng đến một tương lai thật sự “quốc tế” hơn. Hy vọng, như người Việt Nam vẫn nói: đầu đã xuôi thì đuôi cũng lọt.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online