Việt Nam

Những kẽ hở có thể xóa sổ một hãng phim

30/09/2017

Rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), về mặt hình thức sẽ khó phát hiện được nhiều sai phạm vì các bước cổ phần hóa được cho là đã diễn ra theo đúng trình tự, quy định.

Song, có hàng loạt các điều kiện vô lý mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt ra trong cuộc bán vốn nhà nước tại hãng phim, khiến hãng này sau cổ phần hóa có một tương lai bất định và tạo ra những tiền lệ xấu trong việc cổ phần hóa.

Mục tiêu cổ phần hóa không rõ ràng

Thực tế không phải chờ đến cuộc họp căng thẳng diễn ra vào cuối tuần trước của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần VFS) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - cổ đông lớn đã mua 65% cổ phần của hãng thì các vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa ở đây mới bùng phát. Từ tháng 12/2016, sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa, yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký. Tại cuộc họp của Chính phủ khi đó, trường hợp bán cổ phần của hãng phim truyện mà không tính giá trị đất đai (do thuê đất) và tính giá trị thương hiệu bằng 0 được xem là ví dụ về xác định chưa đúng giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Yêu cầu của Thủ tướng đến nay chưa được các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính hồi đáp. Có thể điều đó dẫn đến mâu thuẫn giữa những người trong cuộc tại VFS dữ dội hơn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu lập đoàn thanh tra về quá trình cổ phần hóa tại đây.

Vậy mục tiêu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khi cổ phần hóa VFS là gì? Vivaso có làm sai cam kết đã ký hay không?

Theo phương án cổ phần hóa hãng phim được phê duyệt tháng 3/2016, mục tiêu cổ phần hóa hãng phim - được định giá 50 tỉ đồng vốn điều lệ - là nhằm chuyển hình thức sở hữu 100% vốn nhà nước thành đa sở hữu, tạo sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh. Huy động vốn nhàn rỗi của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức kinh tế trong nước đầu tư phát triển doanh nghiệp. Nâng cao vai trò làm chủ của người lao động... Không có mục tiêu cụ thể nào cho thấy, sau cổ phần hóa, bắt buộc Công ty cổ phần VFS tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất phim và các ngành nghề liên quan đến phim ảnh.

Phương án đầu tư và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được công bố rộng rãi trong bản cáo bạch không cụ thể hóa thêm gì về mục tiêu tiếp tục duy trì hãng phim mà chỉ nêu ra chung chung như việc hậu CPH của các doanh nghiệp khác.

Xuất phát từ mục tiêu như thế thì không thể đòi hỏi cổ đông chi phối sau cổ phần hóa - trường hợp này là Vivaso - phải đáp ứng ngay các yêu cầu về sản xuất phim vì lộ trình đặt ra cho việc này không có, cho dù đòi hỏi của các nghệ sĩ về việc phải sản xuất phim là hoàn toàn chính đáng. Vivaso thì cho rằng trong thời gian mới chuyển sang công ty cổ phần phải sắp xếp lại bộ máy, nhân lực, giải quyết các khoản nợ thua lỗ để chậm phê duyệt, đầu tư các kịch bản mà nghệ sĩ trình ra.

Đến thời điểm này, theo nội dung các cuộc gặp gỡ vào tuần trước, chưa thấy Vivaso có những bước đi gì không đúng cam kết, ngoại trừ vấn đề chậm trả lương vài tháng nay cho các nghệ sĩ. Các tài sản có quyền sử dụng như các khu đất vàng tại Hà Nội và TPHCM trước mắt cũng chưa bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Vậy quá trình cổ phần hóa VFS có kẽ hở gì mà nhiều người trong và ngoài cuộc bức xúc?

Kẽ hở cổ phần hóa VFS

Thứ nhất là việc VFS đã không tính giá trị đất đai đang được quyền sử dụng vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa dù hãng phim đang được thuê lâu dài bốn khu đất có giá trị lớn tại các vị trí đắc địa Hà Nội và TPHCM. Bốn khu đất này đều được hãng phim chủ yếu sử dụng để cho thuê, liên doanh liên kết cho thuê chứ không phải phục vụ mục đích làm phim.

Cho dù Nghị định 59/2011 của Chính phủ về việc chuyển công ty TNHH 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần cho phép việc không tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời cũng không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp, song việc loại trừ lợi thế kinh doanh một cách máy móc chính là khe hở để quá trình định giá doanh nghiệp diễn ra về hình thức thì đúng luật nhưng thực tế lại là “bán rẻ” tài sản nhà nước. Bởi chính trong bản cáo bạch của hãng khi cổ phần hóa ghi rõ: “Hãng phim truyện Việt Nam có nguồn đất đai phong phú và có giá trị sử dụng lớn tại những vị trí chiến lược ở thủ đô Hà Nội và TPHCM. Đây là một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp để phát triển các hình thức kinh doanh về sau.”

Tương tự như vậy, việc xác định giá trị thương hiệu của hãng phim bằng 0 cũng chính là vấn đề. Nghị định 59 yêu cầu tính giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp vào giá trị cổ phần hóa (bao gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển). Giá trị này do cơ quan có thẩm quyền - trường hợp này là Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định. Đối với hãng phim, nếu đánh giá theo phương pháp tài sản sẽ phải tính cả giá trị thực tế của toàn bộ tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để tính ra giá trị thực tế của doanh nghiệp. Song, tại thời điểm định giá hãng phim, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt giá trị đơn vị này mà không thấy rằng, trong phương án cổ phần hóa đã không tính hết giá trị thực tế toàn bộ tài sản hữu hình của doanh nghiệp (lợi thế thuê đất và lợi thế kinh doanh sẵn có từ nguồn đất nhà nước hiện cho thuê). Đồng thời phương án cổ phần hóa cũng không tính giá trị vô hình của doanh nghiệp (giá trị thương hiệu). Việc xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp kiểu hãng phim, tuy chưa được Bộ Tài chính quy định rõ ràng, song hãng phim cũng chưa một lần đề xuất lên cơ quan quản lý hay nhờ tư vấn định giá hoặc thỏa thuận với nhà đầu tư để cho ra một kết quả - cho dù sau đó kết quả đó có được công nhận hay không.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên mới đây đã đúc kết quy trình cổ phần hóa theo cách trên tại một cuộc hội thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng, sự sôi động của cổ phần hóa (nếu có) thực chất chỉ nhờ vào các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản doah nghiệp nhà nước được bán ra do cách thức và quy trình cổ phần hóa, đặc biệt là quy trình cung cấp thông tin và định giá, thường là “lỏng lẻo” một cách có chủ đích. Nếu vì vậy mà các doanh nghiệp tư nhân nghiêm túc ít tham gia thì giá tài sản của Nhà nước sẽ càng rẻ do cầu ít, cung nhiều. “Khi đó nhiệm vụ cổ phần hóa càng phải được “quyết liệt” đẩy mạnh, khả năng lỏng lẻo quy trình càng tăng và cơ hội đầu cơ, trục lợi càng lớn,” ông Thiên nói.

Rào cản kỹ thuật... 1.000 tỉ?

Ngay từ thời điểm công bố tên nhà đầu tư chiến lược là Vivaso đến khi Vivaso trở thành cổ đông chi phối 65% vốn điều lệ tại VFS, dư luận và các cán bộ, nghệ sĩ đã thắc mắc rằng tại sao lại dễ dàng bán rẻ hãng phim cho một doanh nghiệp làm hạ tầng, đường sông.

Vậy thì phải quay trở lại vấn đề là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đặt ra những tiêu chí như thế nào và với những tiêu chí như thế thì ai có thể đủ điều kiện thỏa thuận với bộ về việc mua hãng phim?

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt điều kiện cổ đông chiến lược phải là tổ chức trong nước có kinh nghiệm, năng lực, đã từng là cổ đông chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc bộ này. Tổ chức đó phải có tổng tài sản bình quân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong ba năm liên tiếp (từ 2012-2014), có vốn chủ sở hữu tối thiểu 300 tỉ đồng trong ba năm như trên, lợi nhuận sau thuế ba năm liên tiếp gần nhất dương...

Một câu hỏi đặt ra là khi bán cổ phần doanh nghiệp có tổng tài sản 91 tỉ đồng và vốn điều lệ 50 tỉ đồng như VFS, có cần đặt điều kiện nhà đầu tư chiến lược có tổng tài sản lên đến 1.000 tỉ đồng (bên mua phải có tài sản lớn gấp 9,1 lần bên bán)?

Chưa hết, với điều kiện đối tác muốn mua “không là cổ đông lớn, hay sáng lập sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim ảnh nào tại Việt Nam” thì bất kỳ công ty lớn nào trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phim ảnh tại Việt Nam cũng đều không “có cửa” chen vào mua cổ phần nếu muốn. Bởi các doanh nghiệp cùng ngành, nếu có tài sản lớn thì đều là cổ đông sáng lập các doanh nghiệp khác, có cổ phần của nhà đầu tư ngoại hoặc nhỏ thì không vượt qua được điều kiện “tổng tài sản ba năm liên tiếp là 1.000 tỉ đồng/năm”.

Giới chuyên môn về cổ phần hóa nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng, tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược kiểu trên được gọi là “dựng hàng rào kỹ thuật” có lợi cho bên này, hoặc không có lợi cho bên khác, tùy mục đích của bên bán cổ phần là gì. Như vậy thì điều kiện tổng tài sản lớn, vốn chủ sở hữu lớn có phải là nhằm loại những đối tác nhỏ hơn Vivaso ngay từ vòng đầu tiên?

Có lẽ do tư duy chọn mặt gửi vàng trước nên mới có chuyện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không thẩm tra thêm về Vivaso để biết rằng tháng 6/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã phải ra quyết định lập đoàn xác minh tố cáo việc cổ phần hóa tại Vivaso khi việc này bị nêu ra tại Quốc hội, trong khi đối tác mua Vivaso và đối tác đề nghị mua VFS là một. Và đến nay, ít ai để ý rằng Vivaso cũng chưa là đối tác của doanh nghiệp cổ phần hóa nào thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ yêu cầu đối tác Vivaso “hỗ trợ công ty cổ phần một hoặc một số lĩnh vực như chuyển giao công nghệ mới, phát triển mở rộng thị trường... trong lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh” hay cam kết bằng văn bản hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa bố trí việc làm đúng năng lực, chuyên môn công tác của người lao động... Nếu chỉ đặt yêu cầu hỗ trợ, vậy lấy đâu ra điều kiện bắt buộc nhà đầu tư phải làm phim và bố trí công việc đúng chuyên môn cho nghệ sĩ?

Quay trở lại vấn đề, nếu các quy định về cổ phần hóa có những “kẽ hở” như trên thì các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm sẽ bị xử lý như thế nào? Nghị định 59 chỉ quy định chung chung rằng “Những vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra sau khi doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì mọi tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định hiện hành. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm phát luật về hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.” Điều đó cho thấy, cho dù có sai phạm và ai bị xử lý đi chăng nữa thì mọi kết quả đã hoàn tất là không thể thay đổi được.

Từ việc rà soát lại quá trình cổ phần hóa một hãng phim, hy vọng cơ quan quản lý sẽ có nhiều bài học trong việc bán tài sản nhà nước, sao cho nhà đầu tư nghiêm túc còn muốn tham gia, nhất là đối với việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập - một hình thức tổ chức doanh nghiệp không khác gì hãng phim sau này, cũng đang rối như hẹ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn