Việt Nam

Phim truyền hình dài tập: Nghịch lý lượng và chất

06/04/2011

Vài năm trở lại đây, số lượng phim truyền hình dài tập "Made in Việt Nam" ngày một tăng cao, ước tính lên tới khoảng 1.800 tập ra lò mỗi năm. Phim dài tập nhưng nội dung càng về sau càng nhàm chán với nhiều tình tiết kéo dài lê thê, tình tiết rích rắc không cần thiết và nhiều khi chẳng ăn nhập với nhau khiến khán giả không khỏi mệt mỏi. Câu hỏi đặt ra là điều gì đang xảy đến với phim truyền hình Việt khi "lượng" không song hành cùng "chất"?

"Lượng" càng nhiều, "chất" càng ít

Còn nhớ, trước đây mỗi tối, khi bộ phim truyền hình dài tập Hướng nghiệp (ban đầu 30 tập) được chiếu, khán giả đều hồi hộp theo dõi những diễn biến đầy kịch tính về một nhóm bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học trước những ngả rẽ tìm việc làm để khẳng định mình. Thậm chí, khi được chiếu lại trên một số kênh, nó vẫn thu hút một lượng khán giả không nhỏ. Bộ phim hấp dẫn bởi tính chân thực, các tình tiết câu chuyện luôn mới mẻ, với đủ các cung bậc yêu thương, hận thù, sa ngã… Sự hấp dẫn của bộ phim đã thúc đẩy nhà sản xuất khiến phần 2 của Hướng nghiệp cũng nhanh chóng ra đời. Nhưng công bằng mà nói, sức hút của phần 2 đã không còn được như phần 1, dù ê kíp biên kịch, đạo diễn, diễn viên vẫn như vậy. Thành công của Hướng nghiệp đã tạo thành hiệu ứng, hàng loạt phim truyền hình dài tập sau đó đã ra đời.

Khi phim truyền hình Việt mới ra đời, độ dài thường là 2-3 tập, sau tăng lên 10-12 tập nhưng đến nay, độ dài phim truyền hình Việt đã tính bằng con số hàng trăm. Đó tất nhiên là một xu hướng chung theo đà phát triển và nhu cầu "lấp sóng" bằng phim Việt của các kênh sóng truyền hình đang trăm hoa đua nở hiện nay. Nhu cầu ấy mạnh đến nỗi, rất nhiều nhà sản xuất đã chọn cách Việt hóa các bộ phim truyền hình ăn khách của các nước trên thế giới để đưa vào sản xuất cho nhanh. Nhưng sau hàng loạt các phim đã "chiếm sóng" như Cô gái xấu xí (118 tập), Những người độc thân vui vẻ (dự kiến 300 tập nhưng đã phải dừng phát sóng ở tập 171), Tóc rối (110 tập), Cô nàng bất đắc dĩ (dự kiến 200 tập nhưng đã đứt gánh giữa đường), Đại gia đình (100 tập), Một ngày không có em (70 tập); Bí thư tỉnh ủy (50 tập)…

Khán giả nói chung đều có một nhận định chung là phim Việt càng dài thì càng… không hay. Đa phần các bộ phim nói trên đều có những khởi đầu suôn sẻ và cách kể chuyện hấp dẫn, nhưng sau tập thứ 20 trở đi, sự non yếu trong khâu biên kịch và đạo diễn bắt đầu thể hiện rõ nét. Phim ít diễn biến, không có tình tiết mới, diễn biến chậm và chỉ xoay quanh những rắc rối nhỏ hoặc những tình tiết gây cười nhạt nhẽo. Nhiều phim đã thể hiện rõ sự "câu giờ", khiến người xem không thể chịu đựng nổi và phải chuyển kênh. Hậu quả đã thấy rất rõ qua hai bộ phim phải dừng sản xuất và phát sóng trên VTV3, đó là Những người độc thân vui vẻCô nàng bất đắc dĩ. Những cái "chết yểu" ấy khiến những nhà sản xuất phải nghiêm túc nhìn nhận lại mình, đồng thời có thái độ nghiêm khắc hơn với từng bộ phim chứ không thể mãi làm theo kiểu "tính tập ăn tiền" như vừa qua.

Độ dài và nội dung của phim Ma làng được cho là phù hợp

Có thể thấy, khi mới bắt đầu lên sóng, báo chí đã dành cho Bí thư tỉnh ủy nhiều nhận xét ưu ái, nhưng có lẽ vì độ dài "quá khổ" của một bộ phim xoay quanh những tư duy "cải cách trong nông nghiệp" của Bí thư Hoàng Kim đã khiến bộ phim bị "pha loãng" quá mức, khiến nó đã không còn hút được khán giả sau tập thứ 10 dù đã được chiếu vào giờ vàng trên VTV1. Những tình tiết xoay quanh ruộng vườn, đi đến "ba cùng" với nông dân quá nhiều và không có chi tiết kịch tính đã khiến người xem chán nản… Việc "kéo giãn" này của phim đã tạo ra một… bước lùi của đạo diễn Quốc Trọng - người từng gây tiếng vang với phim truyền hình Ngõ lỗ thủng, Mùa lá rụng. Có thể nói một cách công bằng rằng, với Bí thư tỉnh ủy, độ dài dừng ở 25-30 tập là vừa. Bởi vì ngay cả với một đạo diễn đã có kinh nghiệm làm phim về "thời bao cấp" như Quốc Trọng cũng cho thấy, ông chưa đủ sức để "nuôi" bộ phim dài 50 tập hấp dẫn cho đến những tập cuối như đã làm được với Ngõ lỗ thủng. Bởi vậy, nếu các đạo diễn không có những cân nhắc thấu đáo trước khi bắt tay với một dự án làm phim dài hơi, thì chính tên tuổi của họ sẽ bị ảnh hưởng từ hiệu ứng "tẩy chay" của khán giả. Có thể nói, "lượng" càng nhiều, "chất" càng ít là điều đang xảy ra với phim truyền hình Việt Nam, dù đó là phim thuần Việt hay phim được mua bản quyền từ các bộ phim có tên tuổi của nước ngoài...

Nhiều cảnh trong phim Bí thư tỉnh ủy bị cho là quá dài dòng

Phim dài tập - con dao hai lưỡi

Phim dài tập rất có lợi cho nhà sản xuất về mặt doanh thu cũng như các nguồn thu khác từ quảng cáo. Vì thế, nhiều bộ phim nhận được hiệu ứng tốt từ khán giả, nhà sản xuất đã nhanh chóng nhắm đến mục đích sản xuất phần 2 như Hướng nghiệp, Chạy án, Kính vạn hoa, Lập trình cho trái tim… Nói chung, một bộ phim dài tập bao giờ cũng có lãi hơn một bộ phim ngắn tập, và tiền thù lao cho các thành viên trong ê-kíp làm phim bao giờ cũng "hấp dẫn" hơn... Vì thế, sức hấp dẫn của những phim dài tập là điều khó cưỡng đối với biên kịch, đạo diễn, diễn viên. Nhưng theo đuổi những dự án ấy tốn một sức lực không nhỏ khiến nhiều nghệ sĩ bắt đầu tỏ ra ngao ngán, mệt mỏi. Diễn viên sau một hồi trau chuốt cho hình ảnh nhân vật thì bắt đầu diễn như cái máy. Đạo diễn thay vì có những đòi hỏi khắt khe ban đầu trong diễn xuất thì cũng có những biểu hiện dễ dãi. Nhất là với sức ép hiện nay, một tập phim chỉ được thực hiện trong thời gian 2-3 ngày thì không thể đòi hỏi nó được thực hiện một cách tâm huyết, kỹ càng.

Phim truyền hình Việt trong thời gian qua không phải không có những phim được khán giả theo dõi say mê, nhưng hầu hết đều là những phim dao động trong khoảng 20-40 tập như Gió nghịch mùa, Chạy án, Ma làng, Ngõ lỗ thủng, Cuồng phong và gần đây là Đầm lầy bạc (hiện đang chiếu trên VTV3). Nhiều người cho rằng, thời lượng 20-40 tập là lý tưởng nhất cho một phim truyền hình và nhất là phù hợp với năng lực sản xuất phim vốn còn nhiều hạn chế ở Việt Nam như kinh phí ít, thiếu trường quay... Ở nhiều nước trên thế giới, những bộ phim vài ba trăm tập không thiếu, nhưng mỗi tập phim đều để lại cho khán giả những ấn tượng riêng và nhiều tình tiết hấp dẫn khiến họ không thể không đón xem tập tiếp theo. Nhưng ở Việt Nam, có khi bỏ cách quãng vài tập, thậm chí hàng chục tập phim, đến khi xem cũng không có gì bất ngờ bởi sự "loanh quanh" một cách rất… thiếu thuyết phục. Đạo diễn Hồng Sơn - người đạo diễn phim truyền hình Chạy án cho biết: "Ở Việt Nam, tư duy làm việc tập thể trong biên kịch, đạo diễn còn mờ nhạt nên việc thực hiện một bộ phim dài hơi, lên đến hàng trăm tập chưa thể khả thi được…". Còn với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người có dạo khiến khán giả truyền hình phát sốt với phim Ma làng thì luôn tỏ ra hối tiếc vì đã để nhân vật chính (do diễn viên Bùi Bài Bình thủ vai) chết vì rắn cắn ở cuối phim. Ông tự tin cho biết: "Nếu không, tôi chắc chắn sẽ làm tiếp phần 2 và tôi cũng chắc chắn rằng nó còn hấp dẫn chẳng kém gì phần 1". Nhưng với con mắt của một khán giả, tôi lại cho rằng, với phim Ma làng, kết thúc ở tập 28 như thế là… vừa đẹp và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không có gì phải hối tiếc. Bởi vì, cũng ăn theo "đề tài nông thôn" của Ma làng, song Gió làng Kình của ông đâu có tạo nên "cơn sốt" nào nữa, dù trong phim ông vẫn sử dụng những tên tuổi đã đưa vào Ma làng?

Hiện tượng "thích làm phim dài tập" hiện nay cũng xuất phát từ việc có quá nhiều công ty tư nhân hiện đang tham gia chia khẩu phần từ "miếng bánh giữa làng" này nên áp lực về doanh thu từ quảng cáo rất lớn. Không có tiền quảng cáo, họ sẽ không có tiền tái đầu tư sản xuất phim. Nhưng nếu cân nhắc không kỹ để bị rơi vào chết yểu như trường hợp của Cô nàng bất đắc dĩ thì đúng là lợi bất cập hại không chỉ cho nhà sản xuất mà cho cả khán giả.


Nguồn: Công an nhân dân