Việt Nam

Phim Việt thắng ít, thua nhiều

06/08/2016

Thị hiếu khán giả không còn dễ dãi là nguyên nhân dẫn đến thất bại doanh thu của nhiều phim Việt ra rạp gần đây.

Hơn 20 phim Việt ra rạp từ đầu năm đến nay góp phần làm thị trường điện ảnh sôi động nhưng chỉ một vài phim tạm gọi có lãi.

Kiểu nào cũng “chết”

Không ngoài dự đoán của nhiều người trong giới, 2016 là năm “bùng nổ” về số lượng phim Việt. Nếu không tính các phim ra rạp dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, có hơn 20 phim Việt đủ thể loại từ hành động pha hài, kinh dị pha trinh thám và hài hước, ngôn tình pha liêu trai... đã được giới thiệu đến khán giả. Phim Việt được sản xuất ngày càng nhiều, tiền đầu tư cho mỗi phim cũng tăng hơn so với trước đây, không ít phim có vốn đầu tư trên 20 tỉ đồng, được trông đợi là “bom tấn”, tạo cơn sốt phòng vé như: Truy sát, Fan cuồng. Thế nhưng, đa phần chất lượng phim chỉ ở mức trung bình, không nổi bật. Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu không đạt mức ấn tượng như từng thấy ở phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Em là bà nội của anh... Đặc biệt, những phim được kỳ vọng như Truy sát, Fan cuồng không nhận được sự ủng hộ từ khán giả dù quy tụ êkíp làm phim đẳng cấp, quá trình quảng bá bài bản. Phim “Bao giờ có yêu nhau” dù được khen ngợi quay đẹp, nội dung nhiều thông điệp, hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội khá tốt nhưng cũng không đột phá về doanh thu.

Một cảnh trong trailer Fan cuồng, phim được kỳ vọng nhiều nhưng không thắng về doanh thu [Ảnh do đoàn phim cung cấp]

Lý giải điều này, một đại diện của CGV (đơn vị phát hành hiện chiếm 40% tổng số rạp cả nước) cho biết: “Đầu năm đến nay, cũng có một số phim có lợi nhuận như: Taxi, em tên gì?, Bệnh viện ma... Thực tế, số lượng phim Việt được cho là thắng phòng vé ít hơn nhiều so với tổng số phim ra rạp. Điều này cũng dễ hiểu vì năm nay, phim Việt quá nhiều, gấp đôi, thậm chí gấp ba, so với cùng kỳ các năm trước. “Ăn nhiều sẽ ngán”, ngày xưa ít phim Việt, khán giả tranh thủ xem hết còn bây giờ, họ có nhiều sự chọn lựa nên chỉ xem phim có chọn lọc: hay nhất theo quan điểm riêng của họ hoặc theo đám đông, tức là phim nào được khen nhiều trên mạng xã hội họ sẽ xem”.

Một lý do khác khiến phim Việt khó đạt doanh thu cao là do số lượng phim ngoại nhập ra rạp quá nhiều, thời gian để các phim trụ rạp không cao, mỗi tuần lại có một phim mới thế chỗ.

Thị hiếu thay đổi

Nhiều người trong giới nhìn nhận hiện thị hiếu khán giả không còn như xưa. Họ vẫn yêu thích phim Việt, muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà nhưng khắt khe hơn trong chọn lựa phim để xem. Nếu cảm thấy hay, họ không ngần ngại chia sẻ lên trang mạng xã hội Facebook và ngược lại. Những phim thể loại hành động hài vốn ăn khách trước đây dần nhường chỗ cho thể loại tình cảm pha chút hài hước có cốt truyện, thông điệp nhân văn. “Tôi nhận thấy dấu hiệu thay đổi thị thiếu tích cực của khán giả Việt qua phim Me Before You. Khi vào rạp, tôi quan sát thấy nhiều khán giả cười, khóc cùng nhân vật. Phim có cốt truyện tình cảm nhẹ nhàng, diễn viên ổn, nhạc hay, cảnh quay đẹp, tất cả góp phần tạo điểm sáng thu hút khán giả” - nhà biên kịch Bích Thủy, Giám đốc sản xuất của Công ty Senafilm, cho biết. Theo bà, những biểu hiện này cho thấy khán giả thay đổi thị hiếu, họ tinh tế hơn trong việc tiếp nhận phim. Trong khi đó, các phim Việt ra rạp vừa qua nhìn chung chất lượng ở dạng làng nhàng, dễ thấy các nhà sản xuất chạy theo số lượng nhiều hơn là tập trung chất lượng khiến phim nhiều nhưng chưa có phim nổi bật. Một số muốn thử nghiệm dạng phim mới nhưng lại không đúng thị hiếu khán giả dẫn đến thất bại như trường hợp phim Fan cuồng.

Hẳn nhiên, nhà sản xuất nào cũng muốn phim mình có doanh thu để tái đầu tư. Tình trạng phim ra rạp cứ bị thua lỗ, nhà sản xuất chẳng còn động lực tiếp tục làm phim mới. “Chúng tôi hiện chỉ lo số lượng phim nhiều mà chất lượng không có sẽ khiến khán giả chán, quay lưng như trước đây. Phim ra rạp tăng cũng là điều tốt vì tạo sự sôi động cho thị trường, tăng tính cạnh tranh nhưng nếu chỉ chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng là không nên” - diễn viên, nhà sản xuất phim Mai Thu Huyền nhận định.

Phim Việt ra rạp thắng ít, thua nhiều như hiện nay sẽ tác động đến thị trường năm tới bởi thực tế này buộc các nhà sản xuất tỉnh táo chọn lọc dự án để đầu tư nghiêm túc. Nhà biên kịch Bích Thủy nhận định thời kỳ làm phim kiểu “ăn may” đã qua. “Khán giả Việt thay đổi nhanh, nhà đầu tư như chúng tôi phải chạy theo họ. Công thức làm phim gom nhiều sao hài hoặc pha chút hài hước, kinh dị để thu hút khán giả đã qua rồi. Khán giả ngày nay đòi hỏi được xem tác phẩm điện ảnh đích thực” - bà Bích Thủy nói.

Chờ... cuối năm!

Tình hình doanh thu phim Việt nửa đầu năm 2016 không khả quan nhưng do “cú hích” từ thành công về doanh thu của các phim ra rạp cuối năm 2015 nên hiện còn rất nhiều phim Việt đang xếp lịch ra rạp đến cuối năm. Những phim được trông đợi “làm nên chuyện” sắp tới có: Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Nắng, Cô hầu gái. Diễn viên kiêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền kỳ vọng: “Từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều phim ra rạp để chúng ta xác tính thêm mức độ ăn khách của phim Việt. Không loại trừ nhiều nhà sản xuất đang ấp ủ dự án phim lớn sẽ tung ra rạp vào mùa cuối năm, dịp lễ lớn như Quốc khánh, Giáng sinh, tết Tây, Tết ta... trong số đó có những phim làm nên chuyện”.

 

Nguồn: Người lao động