Việt Nam

Tiết lộ bất ngờ về phim Ván bài lật ngửa

01/05/2013

Nhân dịp bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam Ván bài lật ngửa được chiếu lại trên nhiều kênh truyền hình, chúng ta cùng nhìn lại tác phẩm này qua những con số.

Ván bài lật ngửa là một trong những bộ phim ăn khách nhất
trong lịch sử điện ảnh Việt Nam sau năm 1975

1982 Đó là năm mà tập đầu tiên của bộ phim Ván bài lật ngửa ra mắt khán giả.

8 Đó là số tập của Ván bài lật ngửa, mỗi tập mang một tên riêng: Đứa con nuôi vị giám mục (1982), Quân cờ di động (1983), Phát súng trên cao nguyên (1983), Cơn hồng thủy và bản tango số 3 (1984), Trời xanh qua kẽ lá (1985), Lời cảnh cáo cuối cùng (1986), Cao áp và nước lũ (1987) và Vòng hoa trước mộ (1987).

2 Đó là số diễn viên đóng chung một vai Nguyễn Thành Luân và Thùy Dung.

Theo lời nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, khi casting diễn viên cho vai Nguyễn Thành Luân, nhà văn Trần Bạch Đằng đã nhắm vào diễn viên khác và phim đã quay hết tập 1. Tuy nhiên, khi xem lại, ông cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này. Nguyễn Chánh Tín lúc bấy giờ đang được chú ý trên sân khấu ca nhạc, được mời đến thử vai.

Theo nhận xét của ông Trần Bạch Đằng thì diễn xuất của Nguyễn Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người. Và cuối cùng sự nghiệp điện ảnh của Nguyễn Chánh Tín gắn liền với thành công của hình ảnh Đại tá Nguyễn Thành Luân.

Về vai nữ tình báo Thùy Dung, sau khi hoàn thành ba tập thì nữ diễn viên Thúy An phát hiện mình… có thai, không thể tiếp tục tham gia nên đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã mời ca sĩ Thanh Lan thay thế. Không chỉ mất vai Thùy Dung vì "lỡ có em bé" mà lúc ấy, Thúy An đã bị quy vào tội không giữ đúng hợp đồng, chịu kỷ luật.

Những hình ảnh khó quên của Nguyễn Chánh Tín trong vai Đại tá Nguyễn Thành Luân

3 Đó là số giải thưởng bộ phim Ván bài lật ngửa đã nhận. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, phim đoạt Giải đặc biệt với tập Đứa con nuôi vị giám mục; tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, tập phim Trời xanh qua kẽ lá đoạt giải Bông sen bạc, đồng thời giành luôn giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Nguyễn Chánh Tín.

300 đồng Đó là số tiền cát-xê cho vai Nguyễn Thành Luân cho mỗi tập phim nhưng phải làm việc suốt sáu tháng. Nguyễn Chánh Tín nhớ lại: "Sáu tháng trời quay một tập phim nhận được 300 đồng. Số tiền đó ăn còn không đủ lấy đâu mua áo choàng hay nón nỉ. Thời đó diễn viên nhà nước hạng A hay ngôi sao lĩnh 70 đồng/tháng cộng thêm nhu yếu phẩm. Tôi là diễn viên tự do nên chỉ có 300 đồng mà thôi.”

Cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa (sau máy quay) trong những ngày thực hiện Ván bài lật ngửa

Vì có thai nên Thúy An chỉ đóng ba tập đầu

Sự nghiệp điện ảnh của Nguyễn Chánh Tín không thể tách rời hình ảnh Nguyễn Thành Luân

1986 Đó là năm bộ tiểu thuyết từ phim Ván bài lật ngửa ra đời. Có một điều thú vị là bộ phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng, kể về quãng đời hoạt động của nhân vật lịch sử có thật ngoài đời - anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo với bí danh Chín T.

Sau khi hoàn thành tám tập phim, nhà văn Trần Bạch Đằng chuyển ngược từ phim sang tiểu thuyết, xuất bản tác phẩm Ván bài lật ngửa, đứng tên tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý.

Nguồn: VTC