Huỳnh Hiểu Minh và Song Hye Kyo trong phim
Nhưng có ba con nhỏ đi xem phim vì một anh đầu đã hói, mắt lại còn hí,
đã thế còn đóng vai phụ * (lại bị dọa là đóng vai xúc than xoẹt qua một
cái trên con tàu).
[Bước vào rạp chiếu phim trong tình trạng:
căng da bụng, trùng da mắt, đầu óc không được minh mẫn. Bảo nhau, "thôi
chết kiểu này nhỡ ngủ gục làm sao ngắm dung nhan của anh?" Thôi thì nếu
có gục, phân công nhau gục để đứa này ngủ đứa kia thức kịp thời đánh
thức nhau khi anh xoẹt qua màn ảnh.]
May quá, không phải đợi thấy
tàu mới thấy anh. Anh xuất hiện nhanh ra phết, dù cảnh đầu tiên không
được đặt trọng tâm nên đã bị xóa phông (nhưng với kinh nghiệm gần 20 năm
xách dép chạy theo thì "fan-gơn" (fan girl) này vẫn kịp nhận ra). Trong
suốt hai tiếng rưỡi gật lên gật xuống, tập được vài động tác yoga, tra
hết nửa lọ thuốc nhỏ mắt, thì thấy anh xuất hiện được khoảng ba lần,
thay hai bộ đồ, và nói vài câu thoại đã được lồng tiếng phổ thông nghe
hết sức là hoảng hốt.
Thiên hạ khóc cười gì đó cũng không để ý,
nhưng ba "fan-gơn" mỗi lần anh xuất hiện là: cười như nắc nẻ (phản ứng
tự nhiên), nước mắt chảy ròng ròng (vì cố tra Rhoto cho tỉnh táo) và
ngáp lên ngáp xuống.
Áp phích phần hai của Thái Bình Luân
Riêng phần một khán giả bị Ngô Vũ Sâm cho ăn quả lừa to tướng. Quảng cáo là
Titanic châu Á nhưng mãi không thấy con tàu, mà thấy rồi thì nó cũng sừng sững trơ trơ (ý là cố đợi phần hai
coming soon
mới đến đoạn chìm). Phim hơi bị dài dòng, cảnh thừa rất nhiều, từ lợi
dụng đến lạm dụng góc quay, lia và đảo tròn máy làm khán giả chóng mặt
muốn chết. Phim gì mà lộn xộn, có Nhật có Trung lại cả Đài, có Tôn Trung
Sơn, Tưởng Giới Thạch lại thêm Mao Trạch Đông.
Đến cuối cùng thì chốt lại: phim hay và ý nghĩa hay không, phải đợi phần
coming soon mới rõ. Huỳnh Hiểu Minh chết tự nhiên thấy hơi tiếc, nhưng vai của Huỳnh Hiểu Minh có "đi bán muối" thì vai của "anh
chai mắt hí" nhà mình phần hai mới có cơ vùng lên.
Phần
một dài lê thê lại còn dở èng ẹc (với mình, chứ đánh giá khách quan nó
cũng được 6/10) nhưng có phần hai vẫn đi xem. Chỉ sợ lúc đó nhà rạp Việt
Nam không nhập về nữa ta lại phải xài bản lậu vậy. Gớm làm phim mà cứ
như bí kíp võ công, quyển thượng quyển hạ, có mỗi việc đợi tàu chìm mà
nó không chịu chìm.
Kim Thành Vũ trong cảnh tàu chìm cuối phim
Sau một năm chờ đợi, quả nhiên không nhà rạp nào chịu chiếu nữa thật. Cuối cùng "fan-gơn" đã lọ mọ xem hết phần hai của phim
Thái Bình Luân trên một website xem phim HD trực tuyến.
Chốt
thế này nhé, cái đoạn "Titanic châu Á" đó nó xảy ra HẲN 20 phút cuối
phim trong tổng thời lượng dài khoảng gần 5 tiếng của hai phần. Ngô Vũ
Sâm làm phim cho Tây và Hồng Kông có vẻ ổn mà sao dính đến Đại lục lại
biến thành thể loại vừa dài vừa dai vừa nhạt vừa lộn xộn, với "n" nhân
vật và "n" diễn viên từ ngôi sao thực lực đến bình bông di động.
Nếu
như đoạn 20 phút đấy có thể biến thành 120 phút, cộng thêm rút gọn 240
phút còn khoảng 60 phút để làm thành một bộ phim tầm ba tiếng thì phim
sẽ sâu hơn rất nhiều.
Xem phim rút ra kết luận: đúng kiểu Trung
Quốc Đại lục kết hợp với Hàn Quốc ngôn tình. Em nào "bánh bèo" chỉ mỗi
việc cười rồi khóc, nhe răng rồi lau nước mắt... đến cuối vẫn sống mạnh
(ví như Song Hye Kyo). Ai tốt bụng nghĩa hiệp kiểu gì cũng chết (đến
lượt anh Kim Thành Vũ). Đoạn cuối bạn Chương Tử Di bơi giỏi đến nỗi cá
gọi bằng cụ. Bơi qua bơi lại, lặn lên lặn xuống, hết đánh người này bảo
vệ người kia… mà vẫn không chết dưới biển.
Chương Tử Di (trái) không thể bị nhấn chìm
Thôi nói qua nói lại, phải nói đến nhân vật của "anh
chai mắt
hí". Một đội "fan-gơn" kéo nhau vào rạp xem phần một chỉ vì ảnh. Cũng
may phần hai không chiếu ở Việt Nam chứ xem anh trong phần hai chắc cả
lũ lại phải diễn cảnh vừa khóc vừa cười, bị đuổi ra khỏi rạp thì vui!
Phần hai đất diễn của anh có vẻ nhiều hơn, với những cảnh xem xong e là
phải phóng tốc độ ánh sáng về nhà lôi anh Hai Nguyên** ra ngắm cho đỡ bị
phá hình tượng. Chứ vai phản diện gì mà không những lãng xẹt lại còn
"dê già" là sao đây…
(Đội hình "fan-gơn" ai chưa xem thì ráng coi nốt cũng được coi như là ủng hộ ân tình 20 năm qua nhé!)
Nếu
so ra thì phần hai nhỉnh hơn phần một, vì nó giải quyết kha khá những
điều đặt ra ở phần một. Cơ mà mình vẫn thấy quá dàn trải. Cô đọng hơn
rồi tống tất cả lên tàu, giải quyết từ vụ tình cảm đến vụ chìm tàu xem
sẽ hay hơn.
Tạo hình của "anh trai mắt hí" trong phim
© Sansan @Quaivatdienanh.com
* Nam diễn viên Hồng Kông Lâm Bảo Di.
** Vai diễn Tăng Gia Nguyên của Lâm Bảo Di trong phim bộ TVB
Truy tìm bằng chứng.