Movie Blogs

Đừng ngã lòng khi ngoài kia có hiệp sĩ bóng đêm!

14/01/2013

Xem xong The Dark Knight Rises. Thật sự rất tuyệt vời.

Trong các siêu anh hùng trên truyện tranh, trên màn ảnh, Người Dơi vẫn luôn là nhân vật duy nhất mình thích. Chẳng phải đột biến, hay có siêu năng lực gì, Người Dơi là một hình ảnh gần gũi với đời thực, từ cảm xúc đến suy nghĩ.

Cùng là tỉ phú, nhưng Bruce Wayne khác Tony Stark ở chỗ, Bruce rất thực, cũng như ai thôi: sợ hãi, dằn vặt, khổ đau trong những tâm sự đời thường. Và dù với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, Người Dơi (Batman) chẳng thể nào sánh được với Người Sắt (Iron Man), nhưng tinh hoa của người anh hùng nằm ở trí tuệ - "Bat-Mind".

Sau sự đi xuống của dòng phim Batman khi những cảnh hành động đặc sệt bằng tay chân chẳng thể nào sánh được với những tia lazer chói lọi hay những cuộc không chiến với những vụ nổ vang trời, quả thực Christopher Nolan đã đưa hình ảnh Batman trở lại một cách ngoạn mục, và không chỉ dừng lại ở đó, một mạch tiến thẳng đến đỉnh cao. Từ xưa đến giờ chưa có bộ phim về siêu anh hùng nào – thậm chỉ rộng ra cả những phim hành động nói chung – để lại cho mình nhiều suy ngẫm và triết lý như thế. Nolan đã “định nghĩa lại” khái niệm về phim siêu anh hùng, với tư tưởng chủ đạo mang ý nghĩa nhân văn cực kỳ sâu sắc, kể cả trong những màn cháy nổ, những pha hành động không thể gọi là quá hoành tráng nếu đặt cạnh những bộ phim bom tấn khác, dẫu cho khó có thể nói kỹ xảo của loạt phim Batman của Nolan là tầm thường.

Cái kết của phim cũng không phải là cảnh chiến đấu khốc liệt theo kiểu một mất một còn giữa người hùng và “tên trùm” như thường lệ, thậm chí, có những cái chết rất lãng xẹt, như kiểu Bane ăn quả đạn siêu mạnh của chiếc Batpod ngay giữa người mà xuống âm ty vẫn chưa biết ai vừa giết mình. Bởi nếu chỉ đơn giản là “trùm” bị diệt dưới tay “người anh hùng”, (dù với bất kỳ cách nào cũng quá thường) thì chẳng thể nào để lại ấn tượng. Nhưng The Dark Knight, đó là cả một câu chuyện mà kể bao nhiêu không hết. Bom trên hai chiếc phà ư? Đó không phải là khủng bố đòi chuộc con tin như thường lệ, mà đó chính là đe dọa tinh thần. Cầu sống trong cái chết ư? Sự thực là càng mong sống mà nhấn chiếc công tắc – cái chết càng đến sớm. Cái Joker muốn không phải là vụ nổ banh xác của chiếc phà, mà chính là sự bộc phát của góc tối bên trong. Bản thân Joker cũng là một biểu hiện rất rõ cho bản chất đó. Đằng sau một bộ mặt được vẽ miệng cười (giống xã hội đời thật) là những toan tính, nhưng mưu mô kinh khủng mà nếu được tiết lộ ra, chẳng biết mấy ai cười nổi. Và hắn cũng cho thấy: điều đáng sợ nhất không phải là lòng tham – tiền là gì đâu, hắn tưới xăng đốt dễ như bỡn – mà là sự ganh ghét, nhiều lúc đến mức căm hận với những gì tốt đẹp diễn ra xung quanh.

Nhà văn Nam Cao từng viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến cái gì khác đâu?” Ở trên cao nhìn xuống với ánh mắt vị tha thì dễ, nhưng sống trong cái cơ khổ mà nghĩ cho người khác quá khó. Chẳng thế mà quân bài chốt cuối cùng Joker chọn chính là Harvey Dent. Ngay cả những con người đứng ở đỉnh cao nhất, chẳng ai có thể gạt bỏ được hết bóng ma âm ỉ trong tâm, mà sống theo hai khuôn mặt, khi mang nỗi khổ riêng mình (là cá nhân, chứ không phải của ai khác). Rất khó để một người nào có thể giữ nguyên một bộ mặt trong mọi hoàn cảnh, vì sao? Tất nhiên là vì bản thân – bản năng sinh tồn trong mỗi chúng ta bắt phải thế - nhưng chúng ta luôn có một lý do khác để bào chữa: đó là đồng xu số phận – phó mặc cho dòng đời sấp ngửa xô đẩy.

Joker trong The Dark Knight

Joker gần như đã đạt mục đích, với bao cuộc tàn sát đẫm máu, đủ để khiến cho sự sợ hãi của những người dân Gotham đẩy Batman lên đoạn đầu đài với hy vọng tất cả sẽ thoát nạn – điều này bình thường, ai chẳng quý tính mạng của mình. Nhưng chẳng ngờ, Batman, kẻ đối địch với những cú tẩn nhau tay chân nhừ đòn với hắn, lại là người bước tới chặn con quỷ bóng tối (trong tâm) ấy. Không còn bình minh, chẳng dũng sĩ của Mặt trời nào có thể đương đầu với bóng đêm khi thiếu đi ánh hào quang. Nơi đó chỉ có hiệp sĩ bóng tối – và như tên gọi, trong màn đêm âm thầm gìn giữ cho chút ánh sáng còn le lói. Chàng giấu mặt sau lớp mặt nạ – không phải như lớp hóa trang kỳ dị với nụ cười nhân tạo – mà là để chống chọi với lũ quỷ: lòng nhân ái chẳng thể gọi thành tên. Sao lại có sự hy sinh thầm lặng vậy? Đó là vì trong bóng tối, người ta sẽ đặt niềm tin vào bất cứ thứ gì (gần như là bất cứ thứ gì) phát ra ánh sáng. Người ta sẽ chẳng nhớ nổi những ai không bấm chiếc công tắc để lỡ cơ hội để cả chiếc phà của mình được sống, nhưng sẽ không thể quên được kẻ đem lại mạng sống cho họ bằng cách bật nó (“cơ hội sống” theo lý thuyết Joker) nhưng thực ra là đang chuẩn bị đem tất cả dìm xuống đáy biển (Dent).

Phần cuối mang tên The Dark Knight Rises. Phần này Bruce Wayne trở lại làm Batman, nhưng lẽ ra nếu thế thì phải là 'Returns', chứ sao lại là 'Rises'? Phải đặt vào bối cảnh mới rõ hết: Khi tất cả đang nhiễu loạn, khi những đấu tranh cho bất công: “Anh phải tự hỏi làm thế nào mà mình đã sống trong sung túc trong khi người khác thì không có gì” bị biến tướng thành sự ganh ghét, muốn lật đổ “những hạnh phúc tạo dựng từ chính đôi bàn tay lao động của họ”. Bane chính là dã tâm đó.

Bane trong The Dark Knight Rises

Phần này, một lần nữa chiếc mặt nạ đã trở lại, phải, lại là chiếc mặt nạ. Kế tiếp mặt nạ “như cười” của Joker là chiếc mặt nạ đầy nút bịt của Bane – chẳng phải hai nửa mặt nạ này ghép lại không thành hình chiếc mặt nạ ngoài đời thực hay sao? Chiếc mặt nạ mà khi bị rò ra, người đeo nó rất khó sống, bởi vì sự đau đớn sẽ dìm anh ta trong chết dần chết mòn. Trước cái chết dần chết mòn, liệu có ai chịu ra tay cứu giúp? Cái hàng rào luật lệ và nguyên tắc sẽ là thứ để những người chứng kiến đặt mình sang bên kia của ranh giới liên quan – giống như chỗ sập của chiếc cầu ngăn trở Gotham với thế giới ngoài xa. Tất cả sẽ sụp đổ, thế giới sẽ vụn vỡ, nếu như nhân loại không có thứ gọi là lòng nhân ái.

Trong phần ba này, không phải ngẫu nhiên mà lại sắp đặt cho hai nhân vật rơi vào cùng một chỗ – cái giếng sâu. Bane nói, hãy đặt một kẻ vào tận cùng, để kẻ đó tưởng tượng ra ánh sáng hy vọng mà leo lên, rồi tuột tay rơi xuống đáy tuyệt vọng. Thật vậy: trước đó, không biết bao nhiêu kẻ đã thất bại thảm hại, tất cả chỉ vì nỗi lo sợ rơi vào tuyệt vọng. Chỉ có hai người có thể leo lên được, đó đều là vì cả hai đều chẳng cần đến một sợi dây lo nghĩ cho bản thân, nếu như không sợ mất, thì lấy đâu ra tuyệt vọng? Người thứ nhất chính là sự liều mạng, mà một khi đã liều, có còn gì để mà lo. Còn người thứ hai, người đã đưa tất cả những lý thuyết về cái giếng đó chôn vùi vào dĩ vãng – đó chính là lòng nhân ái. Một khi đã chẳng vướng bận cho bản thân, sẽ chẳng có gì phải tuyệt vọng.

Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng..." (Trịnh Công Sơn). Vì thế người thứ hai, chẳng đơn giản chỉ là “Escape” hay “Return” về với mặt đất, mà chính là “Rise”, sự trỗi dậy của Hiệp sĩ bóng đêm…

© Giang Truong @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.