Bất cứ ai từng có chút quan tâm đến phim truyền hình Anh Quốc chắc chắn
đã từng nghe đến sự đồ sộ và sức ảnh hưởng của loạt phim truyền hình
này. Nhưng tôi đến với Doctor Who không vì danh tiếng đó.
Tôi đến với
Doctor Who từ
Sherlock (một loạt phim truyền hình khác của BBC). Tôi hâm mộ tài “chơi đùa” với kịch bản của Steven Moffat trong
Sherlock, và khi thấy ông 'tweet' về
Sherlock thì ít, mà về
Doctor Who của ông thì nhiều, tôi biết rằng mình phải thử dấn thân vào
Doctor Who một lần. Và rồi, tôi đã tìm được nhiều hơn cả những gì mình từng mong đợi.
Doctor Who
là một loạt phim khoa học viễn tưởng xuất hiện trên kênh BBC vào năm
1963, với mục đích ban đầu là để phổ biến kiến thức khoa học và lịch sử
cho đối tượng người xem là khán giả gia đình. Nhân vật chính là một
người ngoài hành tinh thuộc giống loài Time Lord ở hành tinh Gallifrey
chu du khắp vũ trụ cùng một thiết bị tên TARDIS (Time and Relative
Dimensions in Space) có hình dạng một buồng điện thoại màu xanh.
Ý
tưởng về một Doctor (đây là tên của nhân vật, chứ không phải là chức
danh) có khả năng tự tái sinh khi sắp chết bằng cách thay đổi toàn bộ tế
bào trong người, mà mỗi lần tái sinh anh sẽ mang một diện mạo mới và có
chút khác biệt trong tính cách, cho phép các biên kịch thả trí tưởng
tượng tung bay và không bị hạn chế trong việc thay diễn viên khi cần.
Tính đến nay, loạt phim này đã sống được gần 50 năm (với một đợt gián
đoạn từ năm 1989 đến 2005, năm
Doctor Who được tái sinh nhiều
thay đổi) và tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ với nhiều thế hệ người Anh.
Trên thực tế, những con người nằm trong đội ngũ tái dựng
Doctor Who từ 2005 đến nay hầu hết đều là người hâm mộ của loạt phim này từ khi còn nhỏ.
TARDIS trong hình dạng một buồng điện thoại xanh đã trở nên quen thuộc với người Anh
Các Doctor xuất hiện trong thời kỳ đầu 1963-1989 được gọi là 'classic
Doctor', để phân biệt với các Doctor mới từ 2005 đến nay, được gọi là
'new Doctor'. Trong bài viết này, vì hạn chế trong khả năng tiếp cận
trọn bộ
Doctor Who từ 1963 (cùng con số tập phim dễ làm chùn
bước những ai muốn thử: hơn 800 tập), tôi chỉ nhắc tới các 'new Doctor'
(gồm ba người mới nhất số 9, 10 và 11 lần lượt do Christopher Eccleston,
David Tennant và Matt Smith thủ diễn) dưới thời hai biên kịch chính
Russell T. Davies và Steven Moffat.
Đã từng tiếp xúc với nhiều tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, tôi từng nghĩ
Doctor Who
cũng không khác những tác phẩm khác là bao. Nhưng tôi đã lầm. Không
gian ở đây không còn là một vũ trụ đơn lẻ, thời gian ở đây không chỉ là
một trục tuyến tính nằm tách biệt với hoạt động của các thực thể. Cả hai
khái niệm không gian và thời gian trong loạt phim này đều được xem như
các cơ thể sống, với các thành phần chuyển động cùng lúc và ảnh hưởng
lẫn nhau. Phức tạp nhưng không quá rối rắm, kịch bản thử thách tâm trí
người xem nhưng không làm họ quá nản mà bỏ ngang. Thế giới của
Doctor Who
đầy những gam màu khác thường nhưng không hề lạ lẫm, vì đó chính là
những sự diễn dịch khác nhau của các biên kịch về những sự vật hiện
tượng trong chính thế giới thực họ đang sống, và nó không bao giờ cố
định mà liên tục thay đổi. Đó cũng là một trong những thứ "ghi điểm" cho
Doctor Who khi thứ duy nhất người xem có thể chắc chắn về loạt phim này chính là sự thay đổi.
Tính
chất đặc trưng ấy không chỉ thể hiện trong từng tập, mà còn ở cả cách
tạo tiền đề cho loạt phim. Russell T. Davies đã tự tạo cho mình một
thách thức lớn, và theo tôi là một sự liều lĩnh đáng nể phục, khi đưa ra
ý tưởng "Doctor là Time Lord cuối cùng còn tồn tại" trong loạt hồi sinh
Doctor Who này. "Canh bạc" này có thể gây khó khăn cho kịch
bản khi không thể mang vào phim nhiều Time Lord khác như ở phiên bản cũ,
nhưng đã "vẽ" thêm một mảng tâm lý tăm tối, phức tạp hơn cho Doctor.
Thời đại của Steven Moffat cũng chứng kiến một bước xử lý táo bạo này
với Dalek (đối thủ đáng sợ nhất của Doctor).
Russell T. Davies (trái) và Steven Moffat
Điều làm tôi ấn tượng với kịch bản
Doctor Who là cách xử lý các
vấn đề khoa học và lịch sử một cách sáng tạo và khéo léo nhưng thứ để
lại cho tôi nhiều dấu ấn trong suy nghĩ của tôi nhất là cách nhìn về con
người và đạo đức trong loạt phim này. Đôi lúc người xem hoàn chỉnh một
tập phim mà vẫn khó đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi “Cái gì là đúng?
Cái gì là sai?” Vượt qua được những thử thách và cám dỗ để làm việc
nghĩa đã là khó, nhưng xác định được thế nào là chính nghĩa còn khó hơn
nhiều lần. Chính nghĩa không phải là một con đường thẳng được rọi sáng
để người ta dấn bước. Không ít lần nhân vật chính, Doctor, phải đối mặt
với câu hỏi này và không phải lần nào anh cũng tìm được câu trả lời. Nếu
phải tận diệt cả một giống loài để bảo vệ nhiều giống loài khác thì có
còn là chính nghĩa hay không? Và nếu quá trình tận diệt đó không đơn
giản chỉ là một nhát dao hay một vụ nổ, mà là cả một sự hành hạ đối với
kẻ ác thì người ra tay là anh hùng hay tội đồ? Đây chỉ là vài ví dụ
trong rất nhiều những câu hỏi được đặt ra trong suốt loạt phim này.
Quyền năng lúc nào cũng đi cùng với trách nhiệm, nhưng với Doctor, quyền
năng đôi lúc còn là sự nguyền rủa và dù đôi lúc đã hành xử đúng, Doctor
vẫn không cách nào dám nhìn lại những gì mình đã làm, vì hổ thẹn với
những gì phải bị hy sinh. Doctor số 9 có lời tự bạch rằng “Vì đó là cuộc
sống của tôi, không vui, không thông minh gì hết, chỉ là đứng dậy đưa
ra quyết định khi không ai làm điều đó.” Các nhân vật chính thường là
người làm khán giả nể phục hoặc/và thương yêu, chỉ một số ít làm khán
giả vừa yêu vừa sợ. Doctor thuộc về một số ít đó.
Với tính cách
phức tạp như vậy và vị trí của loạt phim truyền hình này trong lòng khán
giả Anh, các diễn viên nhận vai Doctor đều phải đối mặt với áp lực lớn.
Mừng thay, đến nay họ đều làm tốt nhiệm vụ của mình. Có người xoáy vào
nét này, có người đào sâu nét kia, nhưng tất cả đều mang đến cho khán
giả một Doctor mà người Anh đã yêu trong suốt nhiều năm qua. Giới hâm mộ
Doctor Who từng đùa với nhau rằng Doctor yêu thích nhất của
mỗi người thường là Doctor đầu tiên người đó xem, trừ một vài ngoại lệ,
trong đó có David Tennant. Và anh cũng chính là Doctor tôi yêu thích
nhất. Doctor của David Tennant không chỉ dừng ở mức ấn tượng, mà phải
gọi là ám ảnh. Ở anh, cơn thịnh nộ, sự bông đùa, nét phóng khoáng, sự
dằn vặt, nét mệt mỏi, sự kiên cường, nụ cười, nỗi đau không đứng riêng
lẻ theo từng phân cảnh mà pha lẫn vào nhau. Người ta có thể nhìn thấy
ánh sáng trong những góc tối, và bóng tối trong luồng ánh sáng của cái
thiện trong Doctor của anh.
(Từ trái qua)các Doctor số 9,10, và 11 lần lượt do Christopher Eccleston, David Tennant, và Matt Smith thủ diễn
Tuy nhiên, áp lực khi vào vai không phải chỉ nặng ở phía Doctor, mà còn ở
phía các bạn đồng hành của anh. Một Doctor như thế đòi hỏi người bạn
chu du cùng cũng phải là một người đặc biệt. Họ không đặc biệt vì các
khả năng siêu nhiên, mà đặc biệt trong nhân cách và tấm lòng của mình.
Doctor sẽ không du hành cùng một kẻ ngốc, nhưng trí thông minh không
phải là tiêu chuẩn chọn bạn đồng hành của anh. Thay vào đó, họ chính là
biểu hiện cho những gì anh không có, hoặc không muốn đánh mất. Từ khi
loạt phim này ra đời đến nay, rất ít khi nào Doctor chu du đơn độc,
không phải vì anh không thể, mà một phần vì những ai từng theo dõi
Doctor Who đều không đành lòng để anh chịu đựng một mình.
Khi
nghe đến chữ “khoa học viễn tưởng”, nhiều người thường mong chờ được
xem kỹ xảo bắt mắt – thứ phụ kiện thường đi kèm với thể loại này. Trong
Doctor Who,
các hiệu ứng đặc biệt này vẫn được chăm chút cẩn thận nhưng không phải
là yếu tố hàng đầu. Vì xét cho đến tận cùng, Doctor không thành công vì
khả năng siêu nhiên hay những món “đồ chơi” siêu hạng, mà bằng kiến thức
– thứ vũ khí cực mạnh mà ai cũng có thể có. Điều này hoàn toàn phù hợp
với mục đích ban đầu của những nhà sáng lập nên loạt phim, và cũng tạo
cảm giác gần gũi cho người xem khi họ nhận ra thứ năng lực trí óc đó là
thứ mình có thể làm được. Thực ra, thứ “phụ kiện” nổi bật của
Doctor Who,
với tôi, chính là âm nhạc. Cũng đã lâu rồi tôi mới lại được nghe những
đoạn nhạc phim lúc da diết, lúc hào hùng, mạnh mẽ mà không kém phần lãng
mạn đến vậy. Nếu có ai muốn thử bắt đầu nghe,
Doomsday là một lựa chọn sáng suốt.
Doctor thứ 10 cùng các bạn đồng hành
Có hai điều thú vị bên lề khiến tôi đã thích lại càng thêm yêu loạt phim
này. Một là những trang web đi kèm với nội dung phim, thuộc về chiến
dịch quảng bá và xây dựng mối liên hệ với khán giả ngoài màn ảnh. Điều
này làm cho khán giả thấy mình được “sống” trong, chứ không chỉ là xem,
cuộc phiêu lưu đã mê hoặc họ qua nhiều năm. Hai là niềm tự hào của người
dân Anh về đất nước họ được thể hiện khá ý nhị và hài hước trong loạt
phim.
Có ai đó trên mạng từng đùa rằng “Hãy dùng
Doctor Who
để bắt chuyện với người Anh, bạn sẽ không thất bại.” Dĩ nhiên câu nói
này vẫn mang tính thậm xưng nhưng không phải không có phần đúng. Sẽ
không phải là hàm hồ khi nhận xét rằng
Doctor Who đã "trèo" từ
màn ảnh nhỏ ra đời sống của người dân Anh trong mấy chục năm nay. Riêng
tôi vẫn tin rằng trong một thời gian dài sắp tới, sẽ còn rất nhiều người
muốn thấy chiếc buồng điện thoại xanh và nghe Doctor mời họ chu du qua
không gian và thời gian với câu nói quen thuộc “Trust me, I am the
Doctor.”
© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi