Nhân vật & Sự kiện

Edward Snowden: Hành trình khác thường đến Hollywood

12/09/2016

Kỳ 1: Hành trình tiếp cận Edward Snowden ở Moscow của các nhà làm phim

Oliver Stone muốn một cú hích — và cơ hội đưa người Mỹ bất đồng chính kiến nổi bật nhất lên màn bạc. Đối tượng đó muốn phủ quyết quyền lực. Luật sư Nga muốn có người mua quyền quyển tiểu thuyết ông ta viết. Luật sư Mỹ chỉ muốn bác toàn bộ dự án điên rồ. Nhưng bằng cách nào đó một bộ phim vẫn được làm.

Nắng vàng mùa hè nhạt dần ở Quảng trường Đỏ khi Oliver Stone băng qua bar tiền sảnh của một khách sạn năm sao ở Moscow năm ngoái. Ông băng qua các bậc đá cẩm thạch và chiếc đại dương cầm đến chỗ cái bàn ở cuối phòng. Một nhóm doanh nhân mặc vest nán lại gần đó. Stone nhăn mặt.

Đạo diễn Oliver Stone

“Tôi nghĩ chúng ta nên đi thôi,” ông nói. Nhà sản xuất của ông, Moritz Borman, dẫn đường sang một góc khác. “Thế nào?” Borman hỏi.

Stone không trả lời. Ông nhìn một đôi cao tuổi đang ăn súp xì xụp và vẫn bước. Lát sau, Stone thu xếp ngồi xuống bên một cửa sổ, thoải mái ngoài tầm nghe của những người khác.

Cảnh giác an toàn như thế đã trở thành thói quen. Kể từ khi Stone quyết định làm phim tự truyện về Edward Snowden, người tiết lộ thông tin hiện ở ẩn đâu đó ở Moscow, nhà đạo diễn — đã trở thành Phật tử trong lúc làm bộ phim Heaven & Earth và từng thử lâng lâng phê thuốc để làm bộ phim The Doors — đã làm hết mọi cách. Với Snowden, ông và Borman trở nên lo lắng sự theo dõi của chính phủ Mỹ đến nỗi phải cho quét tìm bọ nghe lén trong các văn phòng của họ ở Los Angeles hơn một lần.

Nhà đạo diễn chẳng được ngủ ngon. Phim đã đóng máy cách đây một tháng, và giờ Stone tới Moscow để quay Snowden cho cái kết hoành tráng của bộ phim. Ông đã gọi cà phê không caffein và bắt đầu kể những sự kiên khiến ông và Borman lang thang ở các khách sạn Nga, trong tâm trạng dè chừng có gián điệp. “Tháng giêng năm ngoái, Moritz gọi cho tôi,” Stone nói. “Ông ta bảo: ‘Ông có cuộc gọi từ người đại diện cho Snowden. Ông được mời đến Moscow.’”

Anatoly Kucherena, luật sư Nga của Snowden

Cuộc gọi đó từ Anatoly Kucherena, luật sư Nga của Snowden. Trong hành trình sự nghiệp của mình, Kucherena từng đại diện cho chính trị gia Nga, đạo diễn phim, một vài ca sĩ nhạc pop và một bộ trưởng. Ngay sau khi Snowden đáp xuống Moscow, Kucherena liền có mặt ở sân bay Sheremetyevo chào dịch vụ. Sau đó Kucherena viết một cuốn tiểu thuyết về thân chủ của mình. Tựa đề Time of the Octopus, theo chân một người tiết lộ thông tin của Cơ quan an ninh quốc gia (National Security Agency – NSA) Hoa Kỳ tên Joshua Cold bị bỏ lại ở phi trường và luật sư Nga phóng thích anh ta. Tháng 1/2014, nhiều tháng trước khi cuốn tiểu thuyết đó được xuất bản, Kucherena gọi cho Borman hỏi liệu Stone có muốn đưa lên phim Hollywood không.

“Mà tôi thì biết anh từ việc làm, bao nhiêu nhỉ, ba phim phải không?” Stone nói ở quầy rượu.

“Năm,” Borman đáp.

Lúc đó, Stone và Borman mới nói chuyện lại sau khi bất hòa trong lúc làm phim Savages, phim ly kỳ bãi biển do Blake Lively đóng chính. “Chúng tôi đã cãi nhau,” Stone nói. “Ông biết đó, anh ta người Đức; tôi người Mỹ.” Ông không nói thêm chi tiết.

“Ông ta gọi, và tôi nói: ‘Ồ, [khỉ thật]. Lại nữa rồi,’” Stone tiếp tục. Không chỉ là Borman. Stone chẳng muốn làm phim tâm lý tài liệu chính trị nào nữa. Ông đã dành hai thập niên cố gắng đưa phim tự truyện về Mục sư Martin Luther King Jr. cất cánh, chỉ để thấy Selma được làm để giới phê bình khen ngợi. Rồi có phim về thảm sát Mỹ Lai. Merrill Lynch đầu tư, Bruce Willis được mời đóng chính và Stone xây dựng nguyên một ngôi làng ở Thái Lan. Khi kinh tế khủng hoảng năm 2008, tiền bốc hơi. “Bạn có những vết sẹo, và chúng không mờ đi,” Stone nói.

Edward Snowden

Thế nên Stone yếm thế. Nhưng đây là Snowden, người đơn thương độc mã tiết lộ việc theo dõi ở tầm cỡ khủng khiếp mà Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã tiến hành trên công dân của mình. Hơn nữa, đạo diễn Stone cần một cú hích. Sau những thành công sớm như Platoon Wall Street, những phim gần đây hơn của ông không nhận được sự chú ý như mong muốn. Câu chuyện Snowden có tất cả mọi yếu tố cho một phim sử thi của Stone: chính trị, âm mưu của chính phủ, và, trung tâm của tất cả, một người Mỹ yêu nước đánh mất niềm tin. Nếu thành công, đây có thể là Born on the Fourth of July của Stone ở thiên niên kỷ kế tiếp – bộ phim về cuộc đời Ron Kovic đã đem về cho ông Oscar năm 1990.

Nhưng đầu tiên Stone và Borman phải biết chắc Kucherena thực lòng. Borman yêu cầu vị luật sư này gửi sách và hai vé hạng nhất bay đến Moscow. Cả hai thứ đến ngay hôm sau. Phòng khi họ vẫn còn ngờ vực, văn phòng của Kucherena đã cung cấp cho Borman một số điện thoại. Đầu dây bên kia là nhân viên lãnh sự Nga ở San Francisco, hóa ra là ‘fan’ nhiệt thành của The Life of David Gale, bộ phim do Borman sản xuất. Họ được cấp hộ chiếu trong cùng tuần đó. (Kucherena phủ nhận đã mua vé hạng nhất cho Stone và Borman hay giúp xin hộ chiếu cho họ.)

“Khi mọi chuyện xong xuôi,” Borman nói, “tôi nghĩ, O.K., có lẽ Kucherena kiểm soát được mọi việc.”

Trong đời thực, câu chuyện của Snowden rất hấp dẫn. Sự biến chuyển từ một chàng trai tuổi 20 e thẹn — tràn đầy kiểu lý tưởng ở lứa tuổi đó — thành một người bất đồng chính kiến khiến anh trở thành nhân vật anh hùng. Sinh trưởng trong một gia đình công chức liên bang, Snowden lớn lên gần Pháo đài Meade, gia nhập quân đội, làm việc cho Cục tình báo trung ương và trở thành chuyên gia công nghệ cho NSA. Tính đến hè năm 2013, anh đã tải xuống hàng ngàn tài liệu, bay sang Hồng Kông và đề nghị hai nhà báo Glenn Greenwald và Laura Poitras gặp anh ở đó.

Những tiết lộ ban đầu hết sức nhạy cảm. NSA không chỉ theo dõi các cuộc điện thoại, email và hoạt động trên mạng của hàng triệu người Mỹ, mà còn xâm nhập hệ thống mạng của Google, Yahoo và các công ty khác để theo dõi. Tờ báo The Guardian xuất bản các tiết lộ, và cuối cùng Greenwald công bố danh tính của nguồn tin trong một video do Poitras quay. Tùy cảm nhận của bạn về an ninh quốc gia mà sẽ thấy những hành vi của NSA hoặc là cần thiết hoặc là vi phạm hiến pháp. Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập Apple, gọi Snowden là người hùng. Ngoại trưởng John Kerry gọi anh là kẻ phản bội. Donald Trump kêu gọi xử tử anh.

Ben Wizner, luật sư Mỹ của Snowden

Khi Snowden trở thành một người nổi tiếng, một sự kiện chính nghĩa và lịch sử, mạng lưới những người muốn dự phần vào đó ngày càng mở rộng. Hầu hết đều muốn kiếm chác, nhưng câu chuyện của anh cũng cần một người phát ngôn thuyết phục. Các luật sư về quyền tự do công dân muốn đại diện cho anh. Các nhà báo hoạt động xã hội muốn tiếp cận anh. Các nhà xuất bản hối hả in sách, trong đó có The Snowden Files: The Inside Story of the World’s Most Wanted Man, do Luke Harding của The Guardian viết, và The Snowden Operation: Inside the West’s Greatest Intelligence Disaster, do Edward Lucas của The Economist viết. Bất chấp hứa hẹn cái nhìn “trong cuộc”, không tác giả nào có gặp Snowden.

Những người có hiểu biết gần gũi cũng viết lại trải nghiệm đó. Năm 2014, Greenwald xuất bản cuốn No Place to Hide: Edward Snowden, the N.S.A. and the U.S. Surveillance State, kể lại một cách kịch tính việc Greenwald tiết lộ câu chuyện như thế nào. Thu năm đó, Poitras phát hành bộ phim tài liệu Citizenfour căng thẳng đầy sợ hãi về một gián điệp trẻ khiêm tốn trốn trong chăn trong lúc gõ laptop. (Phim đoạt giải Oscar 2015 phim tài liệu xuất sắc.)

Trong khi đó, Snowden ở lại Nga. Anh đã lên máy bay đi Ecuador, nhưng Mỹ thu hồi hộ chiếu của anh giữa chừng chuyến bay, bỏ anh ở Moscow. Đối với nước Nga, Snowden như con chim bay qua một cửa sổ mở — hay, như Putin nói đùa, một món quà Giáng sinh không mong muốn. Nhưng nói một cách chính trị, anh có thể hữu ích. Sau khi chịu đựng những bài giảng bất tận về nhân quyền của nước Mỹ, Điện Kremlin bất ngờ chào đón một người phanh phui cái đạo đức giả của Mỹ ở quy mô lớn.

Kucherena bước vào câu chuyện như phao cứu sinh của Snowden, hay ít nhất là một người có thể giúp anh rành rẽ luật tị nạn chính trị của Nga. Là một luật sư già dặn kinh nghiệm, vụ của Snowden là một cơ hội mới. Kucherena mất một tháng đàm phán việc ở lại của Snowden và ba tháng để viết Time of the Octopus.

Citizenfour, Oscar phim tài liệu xuất sắc 2015

Cuộc gặp đầu tiên của Stone với Kucherena là một thảm họa. (“Tôi nghĩ ông ta là một con gấu thô lỗ,” Stone nói với tác giả bài này.) Nhà đạo diễn muốn gặp Snowden, nhưng Kucherena nói Snowden chỉ gặp khi nào họ thỏa thuận mua quyền Time of the Octopus. (Kucherena phủ nhận chuyện này.) Theo Stone và Borman, đến cuối tuần lễ mệt mỏi đó, họ đạt được một thỏa thuận giữa những quý ông: Stone sẽ mua quyền cuốn tiểu thuyết — nếu Kucherena có thể cung cấp sự tiếp cận thường xuyên với thân chủ của ông ta.

Tác giả bài này lần đầu nói chuyện với Stone hồi tháng 6/2015, sau khi đọc tin ông đang làm phim dựa theo cuốn tiểu thuyết của Kucherena. Ông nói sẽ trở lại Moscow vào tuần đó để quay Snowden và đồng ý cho tác giả đi cùng. Một ngày sau, một Borman cáu kỉnh gọi cho tác giả. “Ông không được mời,” ông ta lạnh lùng nói.

Trong 24 tiếng đó, tạp chí The New York Times đã liên lạc với Ben Wizner, luật sư của Snowden tại Liên đoàn Tự do dân sự người Mỹ, sắp xếp một cuộc phỏng vấn với thân chủ của ông ta. Kucherena có thể là đại diện của Snowden ở Nga, nhưng ở Mỹ, Wizner mới là người điều khiển chương trình. Wizner nổi giận. Không chỉ vì Stone đã mời một phóng viên đến Moscow, mà vì tất cả chuyện này trông thế nào: rằng Snowden liên quan đến một phim Hollywood và rằng toàn bộ xuất phẩm đó dường như do một luật sư thân cận với Kremlin môi giới. Về sau Borman bảo tác giả rằng đó là sự đột kích vào lãnh địa của đủ loại sứ thần của Snowden. “Có hai cách để tiếp cận anh ấy: Một là Kucherena và một là Wizner, và hoàn toàn là chính trị,” Borman nói. “Đây là một hoàn cảnh chính trị lơ lửng trên đầu.”

Khi Wizner và tác giả cuối cùng gặp nhau trên điện thoại, ông ta đang trong trạng thái kiểm soát thiệt hại. Ông ta bảo rằng Snowden không kiếm tiền từ phim của Stone theo bất cứ cách nào. “Một quy tắc nhanh-và-mạnh mà Ed luôn sử dụng là, tôi không bán quyền làm phim cuộc đời tôi,” Wizner nói. Sự tham gia của Snowden vào một phim Hollywood sẽ chỉ đổ thêm dầu vào chỉ trích — rằng anh là kẻ yêu bản thân hám tiền. Dù vậy, phim của Stone sẽ được hàng triệu người xem, tức nó có thể áp đặt quan điểm của công chúng. “Chúng tôi phải chọn một trong hai lựa chọn đều xấu,” Wizner nói. “Không chừng anh ta sẽ ngoan cố lánh mặt và không cung cấp thông tin gì sất. Hoặc anh ta có thể cung cấp chút thông tin và thỏa hiệp một mối quan hệ có khoảng cách. Và tôi không biết nên tư vấn anh ấy thế nào.”

Theo Wizner, Snowden đã gặp Stone chỉ để đảm bảo rằng bộ phim kể một câu chuyện chính xác. “Chúng tôi đang đi dây giữa việc rõ ràng là không có liên hệ chính thức nào với dự án — không thu lợi từ đó — với việc cũng không muốn chỉ cứ trơ mắt nhìn Oliver Stone làm ra cái gì,” Wizner nói. Bất chấp một số bực dọc ban đầu, anh ta có vẻ lạc quan ướm thử. “Có lẽ sẽ tốt thôi,” Wizner nói thêm. “Anh biết đó, Oliver Stone đã viết kịch bản phim Scarface.”

Tuy nhiên, Stone vẫn đi Moscow để quay Snowden cho một cảnh xuất hiện trong phim, điều được coi là một sự chứng thực. Soát xem sự kiện có đúng không là một chuyện, đóng vai khách mời là chuyện khác. “Nghĩa là, tôi không hoàn toàn thoải mái với chuyện đó,” Wizner nói.

Wizner đã phải đàm phán quyền phủ quyết bất cứ đoạn phim nào có Snowden trong phim. Sau khi trò chuyện, luật sư này nói đã yêu cầu Borman viết điều đó thành văn bản. Ông cũng nói đi nói lại rằng nếu Stone đem phóng viên theo, Snowden sẽ không tham gia. Cuối cùng Stone và tác giả bài viết này đi đến một thỏa hiệp: tác giả sẽ không xem cảnh quay, nhưng sẽ vẫn đến và gặp Kucherena.

Vài ngày sau, tác giả gặp Stone ở Moscow. Vị đạo diễn 69 tuổi có dáng đi nghiêng người về phía trước và cặp chân mày bất trị, nên trông ông hơi giống một con bò tót lúc nào cũng chuẩn bị húc. Ông xuất hiện ở thang máy khách sạn với một vẻ mặt đau khổ. Trời đang mưa phùn, và mái tóc của Stone, có màu sẫm của xi đánh giày, chải sang bên. “Tôi có vài tin xấu,” ông nói. “Tôi không đưa Anatoly tới được.” Ông vừa gặp Snowden, đã liên lạc với luật sư Wizner và rất tức giận, Stone nói. “Ed nói không muốn Anatoly nói chuyện với anh, và cậu ta nói điều đó hết sức rõ ràng,” Stone thêm.

Edward Snowden (thứ hai, từ trái qua) rời sân bay Sheremetyevo ở Moscow
với luật sư Anatoly Kucherena (kế bên)

Tác giả dành nhiều ngày sau đó cắm chốt ở khách sạn. Khi Stone không quay, họ gặp nhau ở sảnh khi ông tiếp tục kể về việc làm phim.

Ngay sau khi chọn tiểu thuyết của Kucherena, Stone trở lại Moscow với đồng biên kịch, Kieran Fitzgerald, một sinh viên mới tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật Đại học Texas. Đoán trước một Snowden nhớ nhà, Fitzgerald lôi ra một ba lô đầy những món đại diện cho Giấc mơ Mỹ: mì ống phô mai Kraft, thạch Jell-O, bánh Oreos, bánh quy Pepperidge Farm, kẹo dẻo Twizzlers, bơ lạc, thịt hộp Spam, mũ lưỡi trai bóng chày Orioles và một đôi giày thể thao Converse. “Giống như thể mang đồ cứu tế cho một cậu bé ở trại hè,” Fitzgerald kể với người viết. Anh cũng tuồn vào một bản The Odyssey do ông nội anh, Robert Fitzgerald, dịch. “Tôi nghĩ thế cũng hợp lý, khi mà Ed cũng đang trong hành trình của riêng mình trở về quê hương.”

Snowden và Stone có một khởi đầu chậm rãi. Snowden khá đắn đo với một bộ phim được làm về cuộc đời anh. Về phần mình, Stone nói bộ phim sẽ được làm dù Snowden có đồng tình hay không. Fitzgerald nói anh phải vào vai trọng tài. “Oliver có chút cứng đầu,” Fitzgerald kể. “Ông ấy quen với những người cứng rắn cần được nắn, nhưng Edward Snowden không như thế. Anh ấy không phải kiểu đàn ông hình mẫu. Anh ấy rất nhạy cảm. Thế nên tôi đã nói: ‘Mọi thứ sẽ ổn thôi. Ông ấy là người rất khá. Đó sẽ là bộ phim hay.’ “Cuối cùng, Snowden bắt đầu cởi mở hơn, trả lời những câu hỏi về thời thơ ấu; cô bạn gái Lindsay Mills; và những gì anh có thể nói về công việc ở NSA.

Khi Fitzgerald trở lại Austin để tập trung viết kịch bản, Stone thu xếp để cắm cờ vào câu chuyện Snowden. Ở Hollywood, chuyển thể văn học tương đương với đặt gạch, và Stone có đối thủ. Tháng 5/2014, Sony Pictures đã chọn No Place to Hide của Greenwald. Đến tháng 6, Stone tuyên bố ông đã có bản quyền cuốn sách của Kucherena và The Snowden Files của Harding. Cách này có hiệu quả. Hãng Sony hoảng hốt. “Giờ làm sao?” Amy Pascal, chủ tịch đương nhiệm của Sony, viết cho một chuyên viên cấp cao. (Thư điện tử bị lộ trong vụ hack Sony.) Đồng nghiệp của Pascal nhắc bà về trường hợp hai phim tiểu sử Steve Jobs – Jobs với Ashton Kutcher, có thể ra trước, nhưng Steve Jobs, với Michael Fassbender, mới là phim khá hơn. Pascal không bị thuyết phục. “Oliver Stone không phải là Ashton Kutcher,” bà trả lời. Bà viết cho George Clooney để dò ý anh chuyển thể cuốn sách của Greenwald, nhưng Clooney bỏ qua. “Stone sẽ làm bộ phim đâu ra đấy, và nó vẫn sẽ là bộ phim về Snowden,” Clooney trả lời.

Đạo diễn Oliver Stone đi tìm kiếm cảnh quay cho bộ phim Snowden
ở Washington DC ngày 4/4/2015

Với Stone, dự án dang dở của Sony là tiếng chuông cảnh báo. Fitzgerald mang tới bản thảo đầu tiên, và mùa thu đó Stone chào các hãng phim với kinh phí 50 triệu USD cùng ngày phát hành trong tháng 12/2015. Lần lượt bị từ chối, và Stone bị thuyết phục rằng các hãng phim muốn dẹp dự án này đi bởi chủ đề gây tranh cãi của nó. “Đây là lý do tại sao các hãng phim thuộc tập đoàn lớn không phải là lựa chọn hay,” ông chia sẻ.

Trong khi Borman lao đi tìm nguồn vốn độc lập, Stone tập trung vào chọn diễn viên. Với vai chính, ông chọn Joseph Gordon-Levitt, người con tự do từ miền đất Sherman Oaks, California, cựu diễn viên nhí vẫn giữ được vẻ ngoài kháu khỉnh dễ chịu. “Có một sự dịu dàng thú vị ở cậu ấy giống như cách Jimmy Steward có thể được coi là dịu dàng,” Stone nói. “Có sự trung lập ở đây, cho phép cậu ấy có thể ảnh hưởng tới bạn.” Shailene Woodley được chọn đóng Lindsay Mills, Zachary Quinto vào vai Greenwald và Melissa Leo trong vai Poitras.

Đầu năm 2015, Borman và Stone đã vay được vài trăm ngàn USD, nhưng tiền vẫn thiếu. Việc ghi hình cuối cùng bị hoãn ba tuần để đi gom thêm một số nhà đầu tư châu Âu nữa. Ở Mỹ, Snowden được hãng phim Open Road Films chọn, một hãng sản xuất nhỏ đã phát hành Jobs – phiên bản Kutcher.

“Thật buồn chúng tôi rốt cuộc lại về với nhà phát hành độc lập này,” Stone chia sẻ.

Borman tỏ ý rằng Open Road cũng không còn độc lập lắm.

“Tôi chưa từng nghe về hãng này,” Stone nói, thêm vào: “Trước đây tôi có từng đến đó, nhưng không phải ở mức này và không phải tuổi này. Thế nên với tôi khá là khó chịu về mặt cá nhân.”

Bìa tiếng Nga cuốn tiểu thuyết Time of the Octopus của Anatoly Kucherena

Bìa cuốn Time of the Octopus có hình ảnh Snowden và quả địa cầu bị bóc vỏ như trái cam để lộ biểu tượng CIA. Trong ảnh tác giả, Kucherena trông khá là râu ria, khuôn mặt tròn, tóc bạc xỉn và điện thoại di dộng ốp vào tai phải – như thể đang giữa một cuộc thương lượng. “Toàn bộ sự thật về đặc vụ Mỹ trên đường chạy trốn,” bìa sách khoe khoang. Thêm nữa: “Oliver Stone hiện đang quay một bộ phim dựa trên cuốn sách này.”

Stone cho tác giả cuốn sách luôn. Ông nói. “Anh biết đấy, đó không phải là nền tảng của bộ phim. Nhưng cũng thú vị. Tôi thích đọc nó.”

Time of the Octopus diễn ra trong một buổi tối. Nhân vật chính, Joshua Cold, trú trong một căn hầm ở sân bay Sheremetyevo, nơi chỉ có vị luật sư người Nga của anh bầu bạn. Các chương đổi qua lại những cuộc đối thoại đánh dấu thời gian và những thứ được đóng mác dữ liệu số (“File 004.wav”), hàm ý rằng chúng là những bản ghi được in ra của luật sư. Những sự thật căn bản trong trường hợp của Cold nghe rất quen, cũng như tên các nhân vật: Có các phóng viên tên Boitras và Greywold và một tổ chức tên Mikileaks do Augusto Cassangie điều hành. Phần lớn, Cold và luật sư ngồi nói chuyện đời, trích lại lời Lão Tử cho người kia nghe. Nhưng cũng có một tông điệu hậu Liên Xô không lẫn đi đâu được trong tiểu thuyết này, đọc vừa giống một lá thư tình gửi văn hóa Mỹ - Steven Spielberg, B.B. King, The Terminator, tạp chí Penthouse, nhân vật hoạt hình Popeye, phim The X-Files, Paul Newman, Bon Jovi, Spider-Man, Braveheart, Quentin Tarantino và Tupac Shakur đều được nhắc đến – vừa giống lời chế giễu chính quyền một cách sung sướng. “[Cold] không chỉ bẻ mỏ đại bàng Mỹ,” Kucherena viết, “mà còn cho nó một cú đá đau và rất bẽ mặt nữa, như thể nó không phải là một kẻ săn mồi đáng sợ mà là một con gà mái quê.”

Dưới hầm, Cold thích ăn pizza và uống rượu whiskey, nhưng anh lo điệp viên Mỹ sẽ tới bắt anh về. “Tin tôi đi, Nga không phải là lựa chọn tồi nhất cho anh,” luật sư nói với Cold. “Và anh không nên đánh giá chúng tôi với sự ngờ vực như thế.”

Joseph Gordon-Levitt vào vai Snowden trên phim

Đến khi Cold được cấp quyền lưu trú, công tác tuyên truyền được đưa lên. “Tôi sẽ làm việc ở Nga và tìm một căn hộ!” Cold tuyên bố. “Tôi cứ nghĩ tôi sẽ dành hết phần đời còn lại trong căn ngục dưới đất này.”

“Như những gì tôi biết về Putin, ông ấy không phải người dễ dàng thay đổi suy nghĩ,” vị luật sư thuyết phục anh. “Tất cả sẽ ổn thôi.” Tiểu thuyết kết thúc khi Cold hứa sẽ học uống rượu như người Nga, nhưng vị luật sư gợi ý anh nên thử Kvass, một loại rượu làm từ lúa mạch đen. (“Đây là Coca Cola của người Nga,” vị luật sư này nói.) Và rồi họ rời khỏi hầm trú.

“Kỳ, nhỉ?” Fitzgerald nói sau khi người viết hỏi về cuốn tiểu thuyết. Thực sự, không người nào có liên hệ hoặc với Snowden hoặc với phim Snowden muốn nói về nó. “Tôi không muốn nói điều gì chính thức về cuốn sách đó,” Gordon-Levitt nói.

Theo WikiLeaks, Stone trả một triệu USD cho Time of the Octopus, có vẻ là một con số đậm đà cho nguyên liệu mà Stone thừa nhận ông không có kế hoạch sử dụng. (Đó cũng là con số Sony trả cho bản quyền Eat, Pray, Love.) “Chúng tôi mua nó bởi chúng tôi đúng là đã có được con đường tiếp cận tới Ed,” Stone giải thích. “Anh ấy phải được đi cùng.”

Trong chuyến thăm của Stone, Kucherena tiếp đãi vị đạo diễn tại nhà hàng yêu thích và trong ngôi nhà ở ngoại ô Moscow. “Họ có kiểu như tình cảm anh em,” Fitzgerald nói với người viết. Ảnh từ chuyến đi trông như bưu thiếp nghỉ mát, với Stone và Fitzgerald cười toe toét trong những chiếc mũ Hồng quân (quà từ Kucherena) còn Fitzgerald và Gordon-Levitt đăng một bức hình tự sướng trước Nhà thờ ở St. Basil. Khi ở nơi công cộng, mọi người gọi Snowden là “Sasha”, một biệt hiệu Kucherena đặt cho anh.

Từ trái qua: Oliver Stone, Edward Snowden, Anatoly Kucherena
và Kieran Fitzgerald tại văn phòng của Kucherena ở Moscow

Kucherena và người viết cuối cùng cũng nói chuyện qua điện thoại. Ông nói ông ta viết cuốn tiểu thuyết đó bởi nhận được điện thoại từ nhiều “đại diện Hollywood”, biên kịch và các nhà làm phim. “Đến một thời điểm, tôi chỉ tự nghĩ, Tại sao mình không thử viết một cuốn sách?” ông nói. Người viết hỏi biên kịch và đạo diễn nào đã gọi. “Rất nhiều người gọi tôi,” ông trả lời. “Nhưng giờ thực sự tôi không còn nhớ tên họ.”

Kucherena nói ông được truyền cảm hứng từ các tác giả yêu thích của mình, bao gồm Tom Clancy, Aldous Huxley và George Orwell. “Con Bạch Tuộc trong tiểu thuyết của tôi là, bạn có thể nói rằng, con đẻ của Anh Cả,”* ông nói. Như đa số tiểu thuyết gia, Kucherena từ chối nói về việc phần nào của cuốn sách dựa trên thực tế. “Một người chỉ có thể cởi mở với ai đó mà họ tin tưởng,” Kucherena nói. “Và ở đây, bởi anh ấy không có ai, hóa ra tôi lại đóng vai cả cha lẫn mẹ. Theo đó, chúng tôi có những cuộc đối thoại bí mật dưới nhiều hình thức.”

Kucherena không thấy xung đột lợi ích trong việc viết cuốn tiểu thuyết. “Tôi viết một cuốn sách nghệ thuật,” Kucherena nói. Bởi ông đại diện cho Snowden không vụ lợi, Kucherena không trông đợi lợi dụng mối quan hệ đó. “Tôi không muốn lấy tiền cậu ấy,” Kucherena nói. “Cậu ấy cũng chẳng có gì. Nên tôi viết một cuốn sách, đúng, phải. Thế nên tôi có một chút, như ta nói trong tiếng Nga.”

Bất chấp là người đưa dự án “Snowden” lên phim, Kucherena tránh mọi công trạng. “Tôi còn xa mới dám nhận,” ông nói. “Tôi chỉ là một người biện hộ. Nhìn xem tôi ở đâu và Hollywood ở đâu!”

Đạo diễn Oliver Stone đang chỉ đạo Joseph Gordon-Levitt
trên trường quay
Snowden

Khi người viết kể với Wizner rằng Stone nói ông mua cuốn sách của Kucherena để được tiếp cận Snowden, giọng của Wizner lại lên thêm vài quãng tám. “Gần như tất cả những người khác từng gặp Snowden, và có khoảng vài tá, đều thông qua tôi, và chúng tôi kết nối họ,” Wizner nói. Ông kể ra một vài cái tên, bao gồm đạo diễn phim Doug Liman, cũng như diễn viên Jared Leto và John Cusack. (Cusask đưa cho Snowden bim bim Cool Ranch Doritos, cùng các đĩa phim NetworkDr. Strangelove.)


Dịch: © Yên Khuê - Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times Magazine


* Nhân vật trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.