Nhân vật & Sự kiện

Edward Snowden: Hành trình khác thường đến Hollywood

15/09/2016

Kỳ cuối: Đưa Snowden thật vào phim - cuộc đấu tay ba giữa luật sư Nga, luật sư Mỹ của Snowden và Oliver Stone

Luật sư Wizner, 45 tuổi, đã ở trong Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) từ 2001. Trước Snowden, ông đã cố đưa ra nhiều vụ kiện để làm tăng việc giám sát cộng đồng tình báo. Wizner hay nói ông đã dành cả thập kỷ húc đầu vào tường, và rồi có Snowden kéo đổ bức tường đó. Snowden không chỉ tiết lộ phạm vi của việc theo dõi, mà cả chuyện các quan chức chính phủ cấp cao thường xuyên đánh lạc hướng người dân về việc đó. Từ khi làm người bênh vực Snowden, Wizner đã trở thành nhân vật có giá trị không nhỏ về mặt địa chính trị. Những tiết lộ từ đó đã hình thành một nền tảng quan trọng cho các thay đổi luật pháp, và không gì làm Wizner bực mình hơn là những khả năng đe dọa vấy bẩn thanh danh của Snowden và đại nghiệp chung của họ.

Từ trái qua: Edward Snowden với nhà báo Glenn Greenwald và Ewen MacAskill trong phim tài liệu Citizenfour.

Không xa vời để nói là với Wizner, Kucherena ít nhiều đã trở thành cục nợ. Từ 2013, vị luật sư người Nga này đã thông báo Snowden có việc làm ở một trang web lớn của Nga – tin hóa ra không đúng sự thật – và đã cung cấp cho truyền thông báo chí ảnh thân chủ của mình hưởng thụ cuộc sống mới ở Nga, đi xem opera ở Nhà hát Bolshoi và vui vẻ ôm một chú chó tên Rick. (Rick hóa ra là chó của một người bạn của Kucherena.) Giờ Kucherena đã bán một quyển tiểu thuyết cho Stone, khiến như thể đạo diễn đã phải trả tiền cho một người dàn xếp Nga để tiếp cận Snowen – hay tệ hơn, Snowden đã nằm trong tay của chính quyền Nga, cho Stone mượn làm phim Hollywood.

Nỗ lực đáp trả của Wizner ở Mỹ đã thành công. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder, từng là một nhà phê bình mạnh mẽ, đã thừa nhận Snowden thực hiện “một nghĩa vụ với công chúng”. Tổng thống Obama đã yêu cầu cho cải cách cách thu thập dữ liệu điện thoại, và tháng 6 năm ngoái, Quốc hội thông qua Luật Tự do Mỹ, bộ luật nảy sinh chính từ những tiết lộ của Snowden. Snowden đã được nhìn nhận là một nhà hoạt động xã hội điềm tĩnh và nhạy cảm. Theo Wizner, anh sống một cuộc sống tự do ở Nga, xuất hiện qua các video trực tiếp và đăng bài ý kiến chống lại vi phạm nhân quyền ở Nga. “Tôi nghĩ mọi người muốn tin là Nga sẽ không bao giờ để anh ta ở lại đó trừ khi anh ta trả tiền theo cách nào đó,” Wizner nói. “Nhưng không đúng. Không những anh ta không hợp tác, mà anh ta còn thực sự phê phán.”

Khi tác giả hỏi Wizner về quyển sách của Kucherena, tác giả gặp ông tại một quán cà phê gần văn phòng của ông ở Hạ Manhattan. “Có lẽ anh nên miêu tả biểu cảm của tôi – ‘Ông ta cười khẩy,’” Wizner nói. (Ngoại trừ cái cười khẩy của ông phối hợp với một cái cau mày.)

Snowden và đạo diễn phim Citizenfour, Laura Poitras (góc phải)

Theo lời ông ta, Snowden chưa đọc sách của Kucherena. “Vấn đề là, Ed có nhiều chuyện đáng bận tâm hơn,” ông nói. “Nếu có người kêu gọi ám sát bạn, bạn sẽ phiền lòng. Nếu bạn đang đối mặt với việc bị cách ly, bạn sẽ lo ngại. Nếu ai đó viết sách ở Nga mà không ai đọc, nó sẽ chẳng là gì.”

Wizner ngần ngại nói về vai trò của Kucherena trong cuộc sống của Snowden, nhưng thừa nhận vai trò đó có phần không chính thống. “Có vẻ các luật lệ đạo đức quanh mối quan hệ luật sư-thân chủ có khác ở Nga,” ông nói. “Thật là rất bất thường khi một luật sư trong một vụ nổi tiếng lại cung cấp ảnh riêng tư về thân chủ mình cho báo chí hay viết một quyển sách chưa được cho phép và bán cho Hollywood.”

Kucherena và Wizner chưa bao giờ gặp mặt. Bất luận có khó chịu gì, Kucherena vẫn nói rất tốt về người đồng nghiệp bên Mỹ. “Chúng tôi cùng phía mà!” ông ta nói với tác giả. “Ben làm ở Mỹ, tôi làm ở Nga. Nếu anh ta muốn viết sách, tôi không thắc mắc.” Wizner nói ông không có ý định viết sách về Snowden, dù hư cấu hay gì khác.

“Nhiệm vụ đã hoàn thành,” Stone thông báo.

Stone và tác giả gặp ở bar tiền sảnh lần nữa, ngày hôm sau khi quay Snowden, và vị đạo diễn đã vui vẻ hơn. Việc quay phim diễn ra tại ngôi nhà thứ hai của Kucherena. Ngày hôm đó khá dài. Ý tưởng của Stone là phỏng vấn Snowden và quay lại khoảnh khắc xúc động cho kết phim. Nhưng những đúp đầu rất gượng. “Ed quen trả lời câu hỏi theo mức độ tình báo,” Stone nói. “Nhưng tôi quan tâm tới phần tình cảm, thì khó khăn cho anh ấy.” Cuối cùng Stone phải quay cả thảy chín đúp. Một lúc họ nghỉ và đi dạo quanh nhà Kucherena. Cuối ngày, Stone quyết định rằng ông đã bắt Snowden đi xa hết mức ông muốn. “Cậu ta rất hợp tác,” Stone nói. “Cậu ấy muốn phim có hiệu quả. Nhưng làm diễn viên – cậu ấy chưa quen. Ý tôi là, cậu ta không phải diễn viên. Và tôi không nghĩ cậu ta đã thành diễn viên ngày hôm đó.”

Snowden trong phim tài liệu Citizenfour của Laura Poitras

Để Snowden thoải mái hơn, Stone làm việc với một êkíp nhỏ gọn. Một số gặp con người tố cáo chính phủ này lần đầu và có vẻ bị choáng ngợp. “Bất thình lình con người bé nhỏ này bước đung đưa vào – một ngươi mỏng manh, đáng yêu, đáng mến, lịch thiệp, đẹp đẽ,” Anthony Dod Mantle, nhà quay phim nói. “Anh ấy như một tâm hồn già trong một thân hình trẻ. Anh ấy có ngón tay như đàn violin.” Quay Snowden khiến Mantle nhớ lại việc quay những người khác với danh tiếng đồ sộ và thân hình nhỏ nhoi. “Như là Bono hay Al Pacino,” ông nói thêm. “Những người bé nhỏ. Nhưng nếu đưa họ vào một khung hình, họ có thể to lớn như bất kỳ ai.”

Mantle đã quay Slumdog Millionnaire127 Hours của Danny Boyle, nhưng Snowden là một thử thách đặc biệt. Được thuyết phục rằng làm phim trên đất Mỹ là quá rủi ro, Stone quyết định quay ở Đức, ở đó Borman có thể được giảm thuế. Với khoảng 140 trang kịch bản phải quay trong 54 ngày, đoàn phim chạy nước rút từ Munich tới Washington, tới Hawaii, Hồng Kông, và rồi về Munich. Thông thường, Mantle không được xem địa điểm trước khi quay. Để giảm chi phí, ngoại ô Munich phải thế thân cho Maryland và Virginia, với dàn diễn viên quần chúng Munich đóng vai người Mỹ. “Ơn trời người Đức hành động giống người Mỹ,” Stone nói.

Việc quay phim y như một điệp vụ ngầm, với mật danh (‘Sasha’ được chọn) và các quy trình an ninh kỹ lưỡng. Lo sợ “Sasha” sẽ bị NSA quan tâm, Borman và Stone tránh thảo luận chi tiết làm phim qua điện thoại hay email – “Đều phải viết giấy tay và các cuộc đi dạo lâu trong công viên,” Borman nói – và giữ kịch bản trong máy tính không bao giờ có kết nối Internet. Nếu phải gửi thư tín, Borman sẽ xáo các trang cho vào bốn kiện khác nhau, và gửi qua bốn công ty vận chuyển tới bốn địa chỉ khác nhau. “Chắc ai [chết tiệt] thèm quan tâm,” Borman nói. “Hoặc NSA đang cười chúng tôi kiểu ‘Nhìn lũ ngu kìa – dĩ nhiên bọn tôi sao chép mọi thứ qua DHL và FedEx rồi!”

Gordon-Levitt trên trường quay Snowden

Với các diễn viên, lịch làm việc quay cuồng và nỗi sợ hãi trên phim trường thêm vào không khí của quá trình quay phim. “Snowden đang ở trong một tình huống căng thẳng, vậy nên việc quay phim cũng hơi như thế đó,” Gordon-Levitt nói, trước khi sửa lại. “So với những gì anh ấy đã làm thì đóng phim chỉ là dạo chơi. Nhưng có những điểm cảm xúc vậy sẽ có ích khi ta diễn.”

Quyết tâm chuyển được lối nói cứng nhắc của Snowden, Gordon-Levitt lấy âm thanh từ Citizenfour và nghe liên tục trong khi ngủ. Anh cũng lo là một số lời thoại hơi nặng tay. “Oliver rất chuyên tâm tạo dựng quan điểm của mình,” nam diễn viên nói, “và nên như thế. Tôi thực sự khâm phục ông ấy vì điều đó. Nhưng tôi cảm thấy việc của tôi là nói ‘Được rồi, tôi cũng muốn tạo dựng quan điểm nữa, nhưng đây là một con người chứ không phải một cái loa.’” Stone cảm thấy cách tiếp cận của Gordon-Levitt đôi lúc hơi mang tính tài liệu. “Tôi đang cố làm nên khía cạnh chính kịch nhất có thể,” Stone nói. Fitzgerald cuối cùng được cho bay đến trường quay cho các phần viết lại giờ chót.

Cuối xuân 2015, Stone sắp sửa đóng máy thì mẹ ông, Jacqueline Goddet Stone, mất ở tuổi 93. Bà gọi cho ông ở Munich, nhưng Stone cảm thấy mình không thể đánh liều mà đi. “Đi Los Angeles sẽ khiến chúng tôi mất ba ngày,” Stone nói. “Tôi biết bà sẽ qua đời, nhưng tôi nghĩ có thể về kịp.” Stone vẫn ở trường quay khi đám tang diễn ra và tiếp tục quay phim.

Chuyến đi của Stone tới Moscow để quay Snowden thật là phần cuối ông cần để hoàn thành bộ phim. Nhưng ông vẫn lo lắng – đoạn phim sẽ bị tuồn ra ngoài, các nhà phê bình sẽ mổ xẻ nó, Snowden sẽ không thích nó. “Tôi muốn anh ấy thử trước,” ông nói. Ông đang đi New York để bắt đầu biên tập và dự định quay lại Moscow cuối mùa hè để cho Snowden xem bản phim đầu. “Được thôi anh bạn,” Stone nói, đứng dậy đi. “Hẹn gặp ở New York.”

Rồi ông biến mất sáu tháng.

Cảnh trong phim Snowden của Oliver Stone, bối cảnh phòng của Edward Snowden trong khách sạn Mira ở Hồng Kông. Từ trái qua: Melissa Leo (trong vai Laura Poitras), Joseph Gordon Levitt (trong vai Snowden), Tom Wilkinson (trong vai nhà báo Ewen MacAskill) và Zachary Quinto (trong vai nhà báo Glenn Greenwald)

Trước khi Stone làm bộ phim, ông đã gặp hai người tiêu biểu kể tự truyện về Snowden, Greenwald và Poitras. Stone và Greenwald kết thân, và khi quyển sách của Greenwald khiến Hollywood quan tâm trước khi được xuất bản, nhà báo nhờ Stone tư vấn. “Trong đầu, tôi nghĩ nếu ông ấy có ý định làm phim, đó sẽ là một bước chuyển tốt để nói vậy,” Greenwald nói với tác giả.

Ở thời điểm đó, Stone không hào hứng, và Greenwald đàm phán hợp đồng với Sony. Stone sau đó quay lại và nâng mức giá ngang Sony, nhưng Greenwald từ chối. “Tôi nghĩ ông ấy hơi rối,” Greenwald nói. Trong dàn diễn viên chính, Zachary Quinto, vào vai Greenwald trong phim của Stone, là diễn viên duy nhất không gặp nhân vật thật của mình để nghiên cứu. “Tôi luôn nghĩ vậy là hơi kỳ,” Greenwald nói. “Tôi nghĩ Oliver nghĩ tôi có sự hằn học tranh đua với dự án của ông ấy, hay ông ấy có sự hằn học – tôi không chắc.” (Theo Stone, Quinto không cần gặp Greenwald vì có nhiều băng hình về nhà báo này trên mạng rồi.)

Mùa xuân 2014, Stone bay tới Berlin gặp Poitras. Cuộc gặp không suôn sẻ. Theo lời Poitras, Stone đề nghị bà dời ngày phát hành Citizenfour, đang trong quá trình biên tập lúc đó, để ra mắt cùng với phim của ông. “Bởi phim của ông ấy là bộ phim thật – vì là phim Hollywood,” Poitras nói. “Dĩ nhiên tôi không hứng thú làm thế. Để cho một nhà làm phim khác bảo tôi hoãn phát hành phim của mình – thế hơi bị xúc phạm.”

Stone bực mình, nhưng ông ở lại làm vài cốc rượu. Họ nói về các phim mới, trong đó có 12 Years a Slave. Poitras nhớ lại, Stone thấy phim đó quá bạo lực, trong khi Poitras nghĩ sự tàn bạo là hợp lý với chủ đề. Stone càng lúc càng nổi cáu. “Đến một lúc, ông ta nghiêng qua và hai tay ông ấy tóm cổ tôi,” Poitras nói. “Theo một cách đùa. Tôi nghĩ ông ấy hơi say. Nhưng đó không phải là một buổi tối vui vẻ gì cho cam.”

Snowden và Gabriel Sol (Ben Schnetzer)

Theo Stone, ông ấy chỉ đề nghị giúp Poitras có nhà phát hành. “Chúng tôi nghĩ sẽ giúp bà ấy mang phim của bà ra cùng với phim của chúng tôi, sau hay trước cũng được, nếu có thể,” Stone nói. “Ông không nhớ đã giả vờ bóp cổ Poitras. “Tôi nghĩ khi nói chuyện với bà ấy, có cảm giác bà ta siêu hoang tưởng,” ông nói. “Nhưng tôi quý bà ấy,” ông tiếp. “Tôi kính trọng bà ấy. Tôi đã xem các phim bà ấy làm. Tôi chỉ cố gắng giúp. Nếu Laura buộc tội tôi tấn công hay giết bà ấy, bà ấy điên rồi.”

Dù đôi lúc có tính bắt nạt, Stone khao khát sự chấp thuận. Các phim của ông thường phỏng theo tính cách ông: độc đáo, mãnh liệt, giáo điều và tham vọng bướng bỉnh. Chúng thường dài ba tiếng, và ông thường bị tổn thương khi chúng không được yêu thích. Một lần, đang ở cùng Stone thì ông đưa cho tác giả một bản A Child’s Night Dream, tiểu thuyết ông viết hồi 19 tuổi. Stone bắt đầu đọc to tóm tắt sách. “Ngôn ngữ di chuyển thành dòng, luôn đầy năng lượng… như một lời cầu kinh,” Stone đọc, trích The Boston Globe. “Tôi không nhận được nhiều lời khen, nhưng đây là tốt rồi.” Tác giả bảo từ đó trở đi ông đã có nhiều lời khen. “Anh nên xem Rotten Tomatoes đi,” ông nói, ám chỉ trang thu thập bài phê bình phim.

Sự khổ sở Stone phải chịu đựng phần nào là tự chuốc lấy. Phim tiểu sử có thể là thể loại khó nhằn, và Stone lại hay gieo mình vào những câu chuyện lịch sử và sự thương lượng giữa diễn biến thực và hư cấu. Những cuộc co kéo với các nhà lịch sử và người thừa kế di sản tên tuổi người đã mất là lý do Stone từng không làm được phim về Martin Luther King Jr. và Hank Williams, và lý do ông phải đợi Richard M. Nixon qua đời rồi mới có thể làm phim Nixon. Với Stone, những nhân vật có thật trong các câu chuyện ông muốn theo đuổi đã trở thành những rào cản lẫn những người phán xét tác phẩm của ông. Đó là lý do ông đã quyết tâm không làm Snowden mà không có Snowden, và là lý do ông đưa ra những lời thỉnh cầu đối với Greenwald và Poitras để thuyết phục họ tham gia dự án phim này.

Cảnh trong phim Snowden của Oliver Stone

Nếu Poitras có phản ứng mạnh mẽ đối với đề xuất của Stone, đó là vì bà vốn đã bị Sony truy đuổi. Sau khi hãng này mua bản quyền cuốn sách của Greenwald, Poitras cho biết Sony cũng tỏ ý muốn mua quyền trọn đời của bà – một lời mời bà đã từ chối. Sony muốn bà trở thành nhà cố vấn của bộ phim, nhưng khi hợp đồng đến tay, nó viết rằng hãng phim này phải được tiếp cận tất những ghi chép và băng ghi âm của Poitras. “Tôi đã đi qua cả quá trình này rồi, khi Oliver đến đề xuất,” bà nói.

Poitras là một người phụ nữ thận trọng có giọng nói nhẹ nhàng và đã trải cả một thập kỷ vừa qua với tên trong danh sách theo dõi của chính phủ. Việc bà không muốn tham gia vào những dự án phim Snowden không phải là vì bà muốn giữ của, mà là vì muốn giữ được một chút kiểm soát đối với một câu chuyện không còn là của riêng bà. Quan điểm táo bạo của Poitras là “câu chuyện Snowden” chỉ có thể thuộc sở hữu bởi Snowden. “Tôi có thể xin anh ấy một hợp đồng quyền sở hữu trọn đời ở Hồng Kông nhưng tôi không tin vào khái niệm đó,” bà nói. “Đây là câu chuyện của anh ấy và anh ấy sẽ kể khi sẵn sàng.”

Greenwald và Poitras đều không phản đối việc Stone làm bộ phim này. Trong khi bộ phim của ông vẫn đang chật vật chưa được đưa vào sản xuất, Greenwald nghĩ câu chuyện của Snowden ít ra sẽ an toàn nhất trong tay Stone. Vụ bê bối thông tin bị rò rỉ của Sony cho thấy nỗi sợ của Stone là có cơ sở: trong một chuỗi thư điện tử về việc mua bản quyền sách của Greenwald, một lãnh đạo trong Phòng Quan hệ Chính phủ của Sony đưa ra góp ý là họ nên dùng từ giảm thiểu trong thông cáo báo chí, đổi việc dùng từ “gián điệp bất hợp pháp” thành “thu thập thông tin tình báo”, và “lạm quyền” thành “hành động”.

Stone biến bộ phim thành sự kết hợp giữa một phim ly kỳ và một câu chuyện tình, sử dụng mối quan hệ của Snowden với Lindsay Mills
(do Shailene Woodley đóng)

“Nỗi lo lớn nhất của tôi đối với Hollywood và câu chuyện Snowden là hoặc họ sẽ là những kẻ nhát gan và gột sạch tính chất chính trị trong câu chuyện,” Greenwald nói, “hoặc họ sẽ trở nên cực kỳ phiến diện và bôi xấu một bên. Người ta cứ nói Hollywood phóng khoáng thế này thế kia, nhưng thực tế họ có mối quan hệ mật thiết với chính phủ. Nói gì thì nói về Oliver, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi biết sẽ có người làm bộ phim mà sẽ không xảy ra hai tình huống trên.”

Tháng giêng vừa qua, người viết đã đến thăm văn phòng của Stone ở Tây Los Angeles để xem bản thô của bộ phim Snowden. Stone làm việc trong một văn phòng sạch sẽ và kín đáo. Nội thất rất phong phú. Có những chiếc mặt nạ của các bộ lạc, gối tựa mua từ Indoneisa, một bức tranh Che Guevara và một cây dừa cảnh trồng trong chậu.

Như Citizenfour, Snowden diễn ra tại Hồng Kông nhưng lần này câu chuyện mang cảm giác đang được tái hiện bởi diễn viên Hollywood. Stone đã đánh giá đúng về Gordon-Levitt. Diễn xuất của anh không phải là sự tiếp cận mà hoàn toàn là bản sao của những cử chỉ và giọng nói của người thổi còi anh đang đóng. Quinto vào vai Greenwald một cách mãnh liệt đến độ anh luôn trông giận dữ. Poitras của Melissa Leo thì nồng ấm và luôn bảo vệ, gần như mang chất tình mẹ.

Stone bước vào khi bộ phim vừa kết thúc. Ông đang bị cảm nhưng vẫn uống cà phê, và yêu cầu trợ lý lấy cho mình một tách Bulletproof, một thương hiệu cà phê mốt mới được làm từ “bơ ăn cỏ” “Người ta bảo có lợi lắm đấy,” Stone nói. “Không có gì cực đoan cả.”

Diễn xuất của Gordon-Levitt không phải là sự tiếp cận mà hoàn toàn là bản sao của những cử chỉ và giọng nói của người thổi còi anh đang đóng

Từ lần gặp nhau trước đó, ngày ra mắt của bộ phim đã được đẩy lùi từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016 và Stone vẫn phải chật vật lắm mới hoàn thành bộ phim đúng hạn, rồi ngày chiếu lại lùi lần nữa tới tháng 9/2016. Thách thức lớn nhất của bộ phim là mạch phim. Stone luôn thích xây dựng bộ phim của mình quanh một số cảnh chiến đấu quan trọng – những buổi hòa nhạc trong The Doors, trận bóng trong Any Given Sunday, hay trận chiến trong Alexander. Khi có câu chuyện mà kịch tính lớn nhất của nó là việc nhân vật chính download những tài liệu tuyệt mật, bộ phim có vẻ trầm hơn loại Stone đã quen làm. “Viết mã không có gì nhộn nhạo cả,” Stony nói. “Như các hoạt động công nghệ khác, trên màn ảnh trông rất chán.”

Stone vượt qua sự thầm lặng của hành động trong thực tế bằng cách biến bộ phim thành sự kết hợp giữa một phim ly kỳ và một câu chuyện tình, sử dụng mối quan hệ của Snowden với Mills để thêm yếu tố đánh cược tình cảm cho bộ phim. Bộ phim tập trung vào Snowden ở Hồng Kông và những ký ức trong quá khức của anh, bằng cách đó bộ phim lướt qua chuyện đời của Snowden trong nhạc nền techno, những lời thoại ngắn gọn giải thích những phần mềm Cơ quan An ninh Quốc gia, và góc máy quay hẹp để tạo không khí bị theo dõi. (Các cảnh như thế được quay với góc nhìn của những ống kính điện thoại – lỗ theo dõi thời hiện đại – và những cảnh kéo gần vào mắt nhân vật.)

Nhưng bộ phim cũng có những yếu tố Stone không nhầm vào đâu được. “Anh không thích nói xấu quốc gia,” Gordon-Levitt nói với Woodley lúc họ đi qua một cuộc biểu tình chống chiến tranh thời Tổng thống Bush ngay trước Nhà Trắng.

“Cũng là quốc gia của em,” Woodley nói. “Nhưng vào lúc này, tay nó đang đẫm máu.”

Người quản lý ở Cơ quan An ninh Quốc gia của Snowden mang cái tên không mấy tinh tế là Corbin O’Brian, tức nhân vật phản diện trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell (một nhà văn với nhiều tác phẩm châm biếm chính trị – ND). “Nhiều người Mỹ không muốn có tự do,” O’Brian nói với Snowden. “Họ muốn có sự an toàn.”

Oliver Stone và hai diễn viên chính tại sự kiện trình chiếu phim Snowden ở Comic-Con

Snowden có vô số người kể chuyện về anh, câu chuyện về một anh hùng. Nhưng nếu câu chuyện của Greenwald là câu chuyện báo chí, của Poitras là một bức tranh nhân phẩm tinh tế và đầy nghệ thuật, và của Kucherena là một nỗ lực tạo nên một tác phẩm văn học Nga – người đàn ông một mình trong phòng, đấu tranh với lương tâm – thì câu chuyện của Stone là phiên bản bom tấn rõ ràng, được kể với những hình ảnh bóng loáng và nhạc nền đầy cảm xúc, với những mẩu chuyện dễ chuyển tải tới một khán giả đại chúng. Như Wizner dự đoán, đây là câu chuyện Snowden điển hình trong tâm trí người Mỹ

Snowden từ chối đưa ra lời bình nào cho bài báo này, nhưng Stone cho biết, anh đã xem phim và thích bộ phim. Trong một buổi chiếu tại Comic-Con vài tháng trước, Snowden cười trước máy quay và đưa ra lời ủng hộ thận trọng của mình. “Bộ phim làm tôi rất lo lắng,” anh nói về phim của Stone, “nhưng tôi nghĩ ông ấy đã làm tốt.”

Như Stone muốn, Snowden xuất hiện ở cuối phim. Anh xuất hiện trong một căn phòng ốp gỗ trong ngôi nhà miền quê của Kucherena, một căn phòng lạ lùng, khiêm tốn, không có nhiều thứ xung quanh, ngoài một bình hoa và rèm cửa. Snowden cất tiếng nói và đây không phải hình ảnh nghiêm trang thường thấy, mà là một phiên bản đưa ra một câu nói đáng được đưa vào một bộ phim của Oliver Stone. “Tôi không còn lo lắng về việc ngày mai sẽ xảy ra điều gì nữa,” anh nói, “vì tôi đã mãn nguyện với những gì tôi làm hôm nay.” Ngay trước khi màn hình tắt, Snowden nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, một nụ cười nở trên gương mặt.

Câu chuyện Snowden của Stone là phiên bản bom tấn rõ ràng - phim có Nicolas Cage (ảnh) trong một vai khách mời

Đến mùa hè này, bất cứ lo lắng nào về bộ phim cũng đã tan biến. Hoàn thành bộ phim là Stone đã thắng được Sony. Open Road, nhà phân phối vốn khiến ông lo lắng, đã đoạt giải Oscar với phim Spotlight. Sau khi Snowden đạt được những lời đánh giá tương tự trong những buổi chiếu thử, ai ai cũng có vẻ lạc quan, nếu không phải là hơi ngạc nhiên. “Tôi cứ nghĩ phải có điều gì tồi tệ xảy ra,” Borman nói, và cũng thêm rằng ông chưa thấy phim nào được chấm điểm cao thế trong vòng 25 năm. Open Road đã thúc đẩy cho bộ phim ra mắt vào mùa thu, trong số phim dự tính sẽ tranh giải Oscar.

Gordon-Levitt cảm động với câu chuyện của Snowden đến mức anh lấy gần hết tiền thù lao của mình có được từ bộ phim này và quyên góp cho Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, và dùng phần còn lại để hợp tác với Wizner làm một số đoạn phim ngắn về đề tài dân dủ. Wizner đang chuẩn bị kêu gọi Tổng thống Obama đưa ra lệnh đặc xá của tổng thống đối với Snowden vào mùa thu này, và hy vọng phim của Stone sẽ thay đổi quan điểm của người dân. Cùng lúc đó Kucherena đã biến Time of the Octopus thành tiểu thuyết bộ ba. Trong phần hai, Cơ quan An ninh Quốc gia đưa những kẻ sát nhân đến Mỹ để “khai trừ” Joshua Cold. Anh muốn đến Mỹ dự lễ ra mắt bộ phim, vì trong phim anh có vai khách mời trong vai một chủ ngân hàng từng gặp Snowden tại một buổi tiệc. “Nếu xin được visa, tại sao không?”

Tháng 7, Stone và Wizner hợp tác trong một sự kiện của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ. Buổi tối đó được công bố là một cuộc nói chuyện với Wizner về vấn đề theo dõi công dân và Edward Snowden, với Stone làm chủ trì tại căn nhà kiểu thời Tudor ở khu Brentwood, Los Angeles.

Hàng chục người ủng hộ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ tại bờ Tây đổ đến vườn sau nhà Stone, và vị đạo diễn ngồi bên bể bơi, theo dõi buổi tiệc. Ông cũng cho biết ông vừa cắt thêm được bốn phút từ bộ phim, khiến bộ phim giờ dài 134 phút, một thời lượng vừa phải. Người viết hỏi liệu ông có tiếp tục sửa nữa hay không. “Không, xong rồi,” ông nói. “Thế là xong. Giờ tôi chỉ chờ chết thôi.”

Wizner đi lang thang, ngắm một hiên nhà với một bức tượng Phật lớn bằng vàng. Nhiều người hỏi ai là diễn viên đóng anh trong phim, luật sư này nói đùa, “Kevin Spacey, trở lại với vai diễn Keyser Soze. “Người đàn ông sau người đàn ông, trốn trong đám đông.” (Wizner không phải là nhân vật xuất hiện trong phim của Stone.)

Tuần đó, Đài phát thanh NPR phỏng vấn vị quan chức an ninh Nga từng bóng gió rằng Snowden có thể, chắc thế, hình như là đang hợp tác với tình báo Nga. Wizner lập tức phản bác. “Tất nhiên, đây là cùng thời điểm Snowden đang chỉ trích Putin trên Twitter hàng ngày. Borman cho rằng những kẻ chỉ trích Snowden sẽ nói những gì anh viết về Putin chỉ là vỏ bảo vệ. “Tất nhiên người ta sẽ nói thế,” Wizner nói. “Đây là những lời nói xấu đã được duyệt trước để trông có vẻ như anh ấy tự do nhưng người giật dây vẫn là Putin.”

Cuối cùng, mọi người vào phòng khách, một căn phòng rộng rãi sáng sủa với nhiều ảnh gia đình. Matthew Weiner, người tạo ra Mad Men, ngồi bên cạnh một chồng đĩa DVD, gồm nhiều phần bộ phim của bản thân anh. Những người khác ngồi trên những chiếc ghế nan quanh phòng. Căn phòng cảm giác như đây là cuộc họp hội phụ huynh học sinh, nhưng không có giải khát.

Wizner đứng lên nói về những nỗ lực của mình trong vai trò là luật sư của Snowden. Khi được đặt câu hỏi, có người hỏi liệu Nga sẽ giữ Snowden an toàn được bao lâu. Wizner yêu cầu Stone trả lời. “Oliver là người am hiểu về Nga,” anh nói một cách hơi hung hăng thụ động. Từ sau khi hoàn tất Snowden, Stone đang bắt đầu tìm hiểu một sở thích mới là nước Nga và bày tỏ ý muốn làm phim tài liệu về Putin. Trong những tháng gần đây, ông đã từng cùng Tổng thống Nga đến dự các buổi diễn kịch và một buổi diễu hành kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai ở Moscow. “Ông ấy tượng trưng cho một quan điểm người Mỹ không muốn nghe,” Stone từng nói với RIA Novosti, một kênh thời sự của Nga.

Khi người khác hỏi về trải nghiệm làm phim Snowden của ông, câu trả lời có vẻ buồn bã. “Đó là một trải nghiệm kinh khủng về mọi mặt.” Ai cũng cười, trừ Stone.

Khi khách khứa đã bắt đầu rời đi, Wizner còn nán lại trong sảnh, ngắm bộ sưu tập nghệ thuật của Stone, phần lớn là những bức tranh người đã khuất. Ông nghĩ một bức tranh Jean-Paul Sartre trông hơi giống Steve Buscemi và một bức khác vẽ Beethoven có vẻ trông rất giống Stone. Ở tường đối diện là một bức vẽ Thành Cát Tư Hãn. Stone gọi ông ta là người theo chủ nghĩa tự do.

“Đúng rồi, Thành Cát Tư Hãn, chỉ bị hiểu nhầm thôi,” Wizner trêu.

Oliver Stone và Joseph Gordon-Levitt tại sự kiện cho phim Snowden
ở Liên hoan phim quốc tế Toronto 2016

Stone cười và nghiêng đầu. “Nghe này, bên Liên đoàn Tự do Dân sự đáng lẽ phải bảo vệ ông ta.”

Dịch: © Phương Hà - Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times Magazine


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.