Nhân vật & Sự kiện

Giải Oscar phân biệt chủng tộc khi từ chối vinh danh những người hùng da màu thời hiện đại

27/01/2016

CreedStraight Outta Compton chỉ nhận được một đề cử Oscar mỗi phim – và thuộc về người da trắng. Và cộng đồng người da màu đang phát điên và không chịu nổi nữa.

Công bố các đề cử Oscar được cho là một cơ hội để Hollywood giới thiệu những phim hay nhất, diễn viên và nhà làm phim xuất sắc nhất năm 2015 – khúc dạo đầu cho màn trao giải cầu kỳ và hoành tráng nhất. Thay vì vậy, có bằng chứng rằng Hollywood vẫn đầu tư nhiều vào việc làm nổi bật và tôn vinh chỉ những phim và nhà làm phim da trắng, không có đề cử nào trong 20 đề cử thuộc về diễn viên da màu. Vào đêm trao giải Oscar, người da màu duy nhất trên sân khấu là những người dẫn chương trình, The Weeknd, và Chris Rock. Và năm thứ hai liên tiếp, giới truyền thông phản ứng lại bằng một sự chế nhạo chính đáng với hashtag #OscarsSoWhite. Ngay cả Rock cũng không thể nhịn việc chế giễu giải Oscar, gọi đây là “White BET Awards” trong một 'tweet'.

Phim Creed

Vào giữa những năm 2000, khi những diễn viên da màu như Jamie Foxx, Morgan Freeman, và Forest Whitaker đoạt tượng vàng Oscar, tác giả nghĩ mọi thứ đã chuyển biến tốt hơn. Tác giả cảm thấy được động viên trước giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất của Mo’Nique. Tác giả được động viên bởi năm 2014 thắng lớn của 12 Years A Slave. Queen Latifah, Chiwetel Ejiofor, Sophie Okonedo, Eddie Murphy, Octavia Spencer, Djimon Hounsou, Taraji P. Henson, Don Cheadle, Viola Davis, Terrence Howard, Jennifer Hudson, Will Smith, Gabourey Sidibe, Quvenzhané Wallis, và Ruby Dee gần đây tất cả đều được đề cử hoặc đoạt giải Oscar trong một thập kỷ từ 2002 đến 2012. Song hai năm qua cảm giác như một sự đi lùi đáng báo động; và, thẳng thắn mà nói, Viện hàn lâm đã xây dựng gần như một thế kỷ ác ý về sự thừa nhận thành tựu điện ảnh da màu.

Rất dễ gạt bỏ sự chính xác của những lời phê phán giải Oscar – dù gì thì mới hai năm trước 12 Years a Slave đã mang về giải Phim hay nhất – một bộ phim với một đạo diễn da màu cũng mang về đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Ejiofor và giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Lupita Nyong’o. Nhưng quan trọng phải nhớ những sự kiện văn hóa đã xảy ra trong hai năm đó: sau vụ bắn chết Mike Brown và Eric Garner, khẩu hiệu Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng người da đen cũng quan trọng) trở thành lẽ sống của một thế hệ. Cùng thời điểm đó, nhiều nhà làm phim và phim xuất hiện chạm vào tinh thần đó, từ phim hùng tráng về quyền công dân Selma tới sự giận dữ đường phố phản ánh trong Straight Outta Compton. Những bộ phim này mang tính cấp bách và thời điểm, tuy nhiên Viện hàn lâm không xem trọng chúng cho lắm.

Abraham Attah và Idris Elba, phải, trong Beasts of No Nation

Andrew Gruttadaro của Complex nhận xét rằng, trong khi Viện hàn lâm rõ ràng sai trái vì thiếu sự đa dạng sắc tộc, “sự thật là ở thời điểm này, Viện hàn lâm thực ra không làm gì sai trái quá đáng khi để các diễn viên/nhà làm phim da màu bên ngoài hòm phiếu. Năm nay, không người da màu nào đáng được đề cử.”

Thái độ của Andrew Gruttadaro là khinh thường và không trung thực. Ta không thể cho là mọi ứng cử viên da trắng từng được đề cử Oscar đã đáp ứng tiêu chí bí ẩn nào đó ngoài sở thích của Viện hàn lâm, và chúng ta không nên cho là những sở thích này không hề dựa trên những thiên vị mỹ thuật – bao gồm cả về màu da. Mọi năm, giới phê bình và người hâm mộ lên tiếng phê phán những bộ phim và màn diễn xuất họ cảm thấy không xứng đáng với sự chú ý của Viện hàn lâm, và Gruttadaro không thể giả vờ rằng phần lớn các phim về/có người da màu của 2016 kém chất lượng một cách đặc biệt và rõ ràng. Fatal Attraction có phải là một phim đáng nhớ không? Bộ phim được đề cử Phim hay nhất. Driving Miss Daisy có khó quên hơn Do the Right Thing năm 1989 không? Trong thế giới mà Crash (phim tình cảm bi lụy thiếu trung thực qua những câu chuyện đạo đức giả tạo) và Birdman (tiểu xảo hình ảnh không thể che nổi tuyến truyện đứt đoạn) có thể thắng Phim hay nhất, ta không thể bào chữa việc Beasts of No Nation hay Creed không được chú ý là bằng chứng đơn giản của những “yêu cầu khắt khe”.

Straight Outta Compton nhận được duy nhất đề cử Oscar Kịch bản gốc xuất sắc
cho Jonathan Herman và Andrea Berloff - là hai người da trắng

Đến 2014, Viện hàn lâm có 94% là người da trắng, 76 là nam giới, và độ tuổi trung bình là 63. Những nam giới da trắng 63 tuổi có thể đồng lòng được với phim tự sự nhạc rap phong cách gangster bối cảnh cuối thập kỷ 80 không? Họ có nhìn chúng trong phong cách hào hoa họ nhìn, ví dụ, một phim về một ngôi sao nhạc đồng quê ở thập kỷ 50 hay một ngôi sao nhạc rock ‘n’ roll yểu mệnh trong thập kỷ 60? Những từ chửi bậy trong nhạc phim khiến họ càng khó đánh đồng bộ phim với các phim về Steve Jobs hay Brian Wilson? Có lẽ họ chỉ thông cảm được với sự chật vật của người da màu khi chúng được co kéo trong một thành phẩm họ thấy chấp nhận được, như phim tự sự về một ca sĩ nhạc soul họ nghe từ bé tới lớn hay một phim cổ trang về một người nô lệ bị đánh đập đấu tranh cho tự do của anh. Có lẽ những ông già da trắng chả biết cái quái gì về điện ảnh da màu hiện đại.

Creed của Ryan Coogler vượt lên cái mác là phần tái khởi động của loạt phim Rocky để trở thành một phim thành công cả về mặt phê bình và thương mại; thành công của phim là minh chứng cho cách tiếp cận có tầm nhìn của Coogler – bộ phim một phần là hồi tưởng, phần là một chương mới đầy táo bạo – và vẻ quyến rũ trên màn ảnh của ngôi sao Michael B. Jordan. Nhưng khi Viện hàn lâm công bố các đề cử, đạo diễn da màu trẻ tuổi và ngôi sao da màu trẻ tuổi của anh bị lờ đi. Đề cử duy nhất của bộ phim thuộc về cựu binh của loạt phim Sylvester Stallone, là người da trắng. Tài đạo diễn của Coogler không “đủ giỏi” đẻ hưởng một đề cử, diễn xuất của Jordan cũng không “đủ hay” – nhưng của Stallone thì rõ là đủ? Nếu Sylvester Stallone có mang tượng Oscar về nhà năm nay, nó sẽ là từ bộ phim của một đạo diễn da màu.

Will Smith trong phim Concussion

Vụ lùm xùm của Creed còn đáng lo hơn khi so sánh với phim Rocky gốc. Khi hai phim này khá ngang nhau về chất lượng, thì Rocky nhận 10 đề cử Oscar, đem về giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Vậy điều gì về Creed khiến nó bị vùi dập vậy? Chắc chắn không phải vì nó là phần khởi động lại, khi mà Mad Max: Fury Road nhận 10 đề cử Oscar. Vậy thì là gì?

Sự thật là các hãng phim lớn không bật đèn xanh sản xuất nhiều câu chuyện về người da màu – điều đó quá rõ. Nhưng công nhận điều này không có nghĩa là hạ thấp giá trị của những câu chuyện đã được sản xuất. Selma, Straight Outta Compton, Beasts of No Nation, Creed, Concussion, Fruitvale Station, The Butler, Dope, và Girlhood không hề thua kém mặt nào so với bất kỳ phim về người da trắng đã được đề cử Oscar trong ba năm qua; cho thấy có nghĩa là ta vẫn đang vận động trong một tư thế thiên vị văn hóa cho rằng tính sáng tạo của người da màu là không xuất sắc bằng nếu muốn ngồi chung với phim của người da trắng mà chỉ có thể gọi là tốt – mà chưa chắc đã hay thật (nói đằng ấy đấy, The Danish Girl).

Và ngành điện ảnh cần phân tích xem giải Oscar có nghĩa ra sao với các nam nữ diễn viên da màu. Lupita Nyong’o nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2014; từ đó, cô đã xuất hiện vai phụ trong phim hành động đáng quên có Liam Neeson vai chính (Non-Stop) và lồng tiếng một người ngoài hành tinh nặng nề kỹ xảo trong Star Wars: The Force Awakens. Trong khi Jennifer Lawrence, sau khi nhận đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Winter’s Bone năm 2010, nhanh chóng nhận những vai diễn thành sao có đất diễn trong các loạt phim như X-MenThe Hunger Games – tiến đến những cơ hội vào vai chính trong các phim hài chính kịch câu Oscar của đạo diễn David O. Russell.

Sau 12 Years a Slave, Lupita Nyong'o chỉ có một vai chính trong năm dự án tiếp theo của cô.
Ảnh trên: Lupita Nyong'o trong phim
Non-Stop

Từ năm 2001, Halle Berry, Jennifer Hudson, Mo’Nique, và Octavia Spencer đều thắng giải Oscar nhưng chỉ có Berry – lai da trắng – có được sự nổi tiếng hạng A hậu Oscar chung với những nữ diễn viên da trắng thắng giải hay được đề cử. Những diễn viên như Nicole Kidman, Charlize Theron, Hillary Swank, Reese Witherspoon, Sandra Bullock, và Natalie Portman đều là những cái tên cứng trong nhóm sao hạng A – nhiều người chẳng cần thắng giải Oscar để được vào đây, nhưng đều tìm đường tới các dự án cao cấp sau này. Điều này cũng áp dụng với những người thằng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất – những ngôi sao như Anne Hathaway, Penelope Cruz, và Renee Zellweger. Những người chiến thắng duy nhất không đáp chân được vào hạng A của Hollywood là những phụ nữ da màu không có tên là "Halle" hay "Whoopi".

Có người nhìn vào chuyện như danh sách đề cử trắng mù quáng của Oscar và quyết định rằng người da màu cứ kêu gọi các giải thưởng là vô nghĩa. “Hãy tự làm một giải riêng” họ nói. “Đừng cầu xin sự chấp nhận và đồng thuận nữa.” Nhưng người da màu đã có những giải thưởng riêng rồi; và người da màu không quan tâm đến sự đồng thuận của người da trắng. Nhưng khi những diễn viên, đạo diễn, và biên kịch da màu phải đi tìm việc từ các hãng phim và nhà sản xuất lớn, khi các hãng phim và nhà sản xuất này kiếm tỉ đôla từ việc kể các câu chuyện của người da màu cho khán giả da trắng, thì quá là nên có sự công nhận cho sự sáng tạo và nội dung của người da màu. Nghệ thuật của người da màu không thể bị gột trắng khỏi xã hội và văn hóa Mỹ. Là một dân tộc, họ thành lập cộng đồng và ủng hộ lẫn nhau – trái với những điều mọi người hay tin. Nhưng khi họ tiếp tục xây dựng và ủng hộ tinh thần da màu, họ không thể chấp nhận các diễn đàn chính thống vùi đi công đóng góp của họ khi truyền bá nội dung với thế giới.

Ở giải Oscar lần thứ 60 năm 1988, Eddie Murphy (ảnh trên) đã chỉ trích tính thiên vị Oscar của ngành điện ảnh.

“Khi họ đến nói với tôi rằng họ muốn tôi trao giải Phim hay nhất… phản ứng đầu tiên của tôi là, ‘Không, tôi không đi đâu,’” Murphy tiết lộ. “Bởi họ chưa từng công nhận những cá nhân da màu trong ngành công nghiệp điện ảnh.”

“Có lẽ nói điều này xong thì tôi sẽ khỏi thắng Oscar nào nữa, nhưng dù gì tôi cũng nói đây,” Murphy tiếp tục, trước khi đùa vui, “Thực ra chắc tôi không việc gì, vì cứ cái đà 20 năm mới được một giải này thì chúng tôi sẽ không xuất hiện tới tầm năm 2004, đến lúc đó chuyện này cũng lắng xuống rồi.”

“Tôi đứng đây để trao giải, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi cần được công nhận là một nhóm người. Tôi chỉ muốn mọi người biết rằng người da màu sẽ không chỉ ngồi ở toa cuối trong xã hội hay đứng cuối hàng nữa.”

Có lẽ Viện hàn lâm không nghe Eddie nói hồi năm 1988. Coogler cũng nói về tính đa dạng sắc tộc của Hollywood trong bài phát biểu của anh tại lễ trao giải của Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles tuần trước. Thay vì đồng thuận hay chấp nhận, cuộc đấu tranh là về cơ hội.

Ryan Coogler, đạo diễn phim Creed

“Tìm kiếm sự đa dạng. Tìm kiếm những giọng nói ở những nơi bạn không nghĩ mình sẽ tìm, bởi sẽ thật tuyệt vời được thấy thế hệ tiếp theo,” anh nói. “Có lẽ sẽ có nhiều người trong số họ giống Sue [Kroll, chủ tịch Warner Bros.]. Có lẽ nhiều người sẽ giống tôi và Mike [Jordan.]. Có lẽ nhiều người sẽ giống như [nhà phê bình phim] Justin [Chang].”

Điều này có vẻ hợp lý. Điều này xem ra là tốt nhất cho mọi người. Không sớm thì muộn, ta cũng phải tự hỏi sao Hollywood tiếp tục giả điếc như vậy.

Dịch: © Minh Phát - Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.