Nhân vật & Sự kiện

Tại sao Hollywood không làm phim cho người trưởng thành?

17/04/2017

Không ai trên 18 tuổi chịu thừa nhận đâu.

Đó là điều mà như thể hầu hết áp phích phim bây giờ đều nói. Dịp nào trường học nghỉ cũng đầy ắp thú biết nói; thứ sáu nào trong mùa phim hè cũng có một phiên bản người đóng cho một món đồ chơi của màn ảnh nhỏ.

Bạn muốn phim cho người trưởng thành ư? Này, Netflix mà còn ớn lạnh đó, Ngoại ơi.

Dàn diễn viên bô lão của bộ phim Going in Style tại sự kiện chiếu ra mắt ở Nhà hát SVA New York ngày 30/3/2017

Chả có bí mật lớn nào cả; thế hệ bùng nổ trẻ em (baby boomer) đều biết thừa Hollywood không có nhắm vào họ. Nhưng còn điều mà Hollywood không biết là đây nè – bằng việc phớt lờ khán giả lớn tuổi, Hollywood cũng xóa sổ một nhóm lớn khán giả trung thành và sinh lợi cho việc kinh doanh của mình luôn.

Hiệp hội người về hưu Mỹ (AARP) mới đây đã thuê hãng phân tích dữ liệu marketing Movio làm khảo sát về người Mỹ trên 50 và điện ảnh. Hai tiết lộ lớn nhất là? ‘Fan’ cao tuổi thực sự có khuynh hướng đi xem phim chiếu rạp hơn thế hệ trẻ - và chiếm tỷ lệ 31% chắc nịch trong số khán giả.

Đúng, nhưng đâu phải là đa số. Thực tế, các nghiên cứu chi tiết mới đây của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America – MPAA) chốt tỷ lệ người xem phim dưới 25 tuổi chiếm 42% số người mua vé – lứa tuổi từ 2 đến 11 chiếm 12%, 12 đến 17 chiếm 14% và 18 đến 24 chiếm 16% còn lại.

Nhưng con số của nhóm 50+ dễ dàng cân bằng nếu bạn mở rộng nhóm này ra với những người xem phim trong độ tuổ 40-49. Còn nữa, theo cùng nghiên cứu này, khán giả tuổi 40+ chiếm trong cơ cấu dân số duy nhất thực sự làm tăng lượt người xem phim; tất cả các nhóm dưới 40 đều thể hiện sự sụt giảm.


‘Fan’ điện ảnh thế hệ bùng nổ trẻ em không phải là quá khứ. Họ là tương lai.

Thế tại sao họ không thể tìm được nhiều phim mà họ muốn xem? Tại sao Hollywood không phục vụ họ? Đó là vì các hãng phim thực sự nghĩ, nhưng chỉ dành nỗ lực tối thiểu, mình đang cung cấp những phim dỗ dành, và phần nào kẻ cả.

Suy nghĩ đó cho phép khán giả cao tuổi nói chung rơi vào hai dạng rập khuôn. Thứ nhất là Phim Toàn Bô lão – gồm những ngôi sao kỳ cựu, hài nhẹ nhàng hoặc hành động phiêu lưu lãng mạn, khá địa phương và, có lẽ, một cái chết lấy nước mắt. Loại thứ hai là Chính kịch Câu Oscar Bô lão – thể hiện một huyền thoại lập dị, một bạn đồng hành trẻ chịu đựng, một chút melodrama và một cú vồ trơ trẽn giải thành tựu trọn đời.

Tuy từng ví dụ riêng lẻ có thể là hay - The Second Best Marigold HotelPhilomena đều tìm được ‘fan’ – các phim này có khuynh hướng na ná dễ đoán một cách bực mình, như Last Vegas, Grudge Match hay The Last Word. Và trong việc theo đuổi những thể loại cũ rích với một ý định duy nhất, và một suy nghĩ giản đơn, người ta phớt lờ tất thảy những loại phim khác mà thế hệ bùng nổ trẻ em thích – và thường ủng hộ, với số lượng áp đảo.


Ví dụ, theo dữ liệu của Movio, khán giả cao tuổi thích những phim dựa vào đức tin (chiếm 56% số vé bán). Họ là những người hâm mộ ‘khủng’ phim nước ngoài, phim độc lập, phim tài liệu và những phim tinh tế khác (chiếm đến 75% lượng vé phim nghệ thuật). Và họ đặc biệt hâm mộ những phim chính kịch có các diễn viên cao tuổi họ yêu mến (57% những người ngồi xem các suất chiếu Sully là ‘fan’ 50+ của Tom Hanks.)

Tuy nhiên, đây không phải chuyện quan trọng. Thế hệ bùng nổ trẻ em cũng thích thoát ly đời thực vậy – nhất là phim có những ngôi sao ở tuổi họ, hay những câu chuyện đã lớn lên cùng họ. ‘Fan’ 50+ đã cho Liam Neeson sự nghiệp thứ hai làm một người báo thù cáu kỉnh (các phim hành động giai đoạn sau này của anh thu hút 51% khán giả từ thế hệ người cao tuổi). Và mặc dù những người xem phim ấy giờ đây tóc đang bạc đi rồi, họ đã đi xem khi phim Star Wars đầu tiên ra rạp – và họ trở lại khi The Force Awakens mở màn, chiếm đến hơn một phần tư lượng khán giả.

Họ là những người xem phim trung thành có sở thích đa dạng và có thu nhập để chi xài. Vậy tại sao Hollywood lại không yêu phân khúc dân số này?

À, có một lý do: ‘fan’ cao tuổi cũng – ừ – biết suy xét lắm.

‘Fan’ 50+ của Tom Hanks đã đi xem anh tái hiện phép màu trên sông Hudson trên phim Sully

Thật không may, bị thôi thúc bởi cơn khát lợi nhuận lớn hơn, nhanh hơn, Hollywood đã phát triển một mô hình kinh doanh mạo hiểm dựa trên việc làm những bộ phim cực kỳ đắt đỏ và quảng cáo rùm beng chúng bằng công tác marketing cũng đắt đỏ y như vậy. Đây là một canh bạc đặt cược quá cao, lệ thuộc vào việc nhào nặn và tẩy não đủ số lượng người để các hãng phim có thể nhanh chóng lấy lại tiền, với những tuần mở màn ồ ạt và kinh doanh vật phẩm ăn theo sớm.

Ngoại trừ một chuyện ở đây: Người xem phim cao tuổi không quan tâm ba cái trailer, chiến dịch quảng cáo hay là marketing trên mạng đâu. Họ không theo bầy đàn, chú ý đến sự cường điệu hay tin mấy nhân vật hành động. Điều họ làm là đọc các bài bình luận phim, trò chuyện với bạn bè, ra những quyết định đã cân nhắc đầy đủ thông tin – và rồi, cuối cùng, đi xem phim mà họ thấy thích muốn chết. (Một phát hiện khác của Movio – khán giả 50+ thường đi xem phim sau khi đã công chiếu được hai tuần.)

Những người tiêu dùng có ăn có học, điềm tĩnh – đúng thế – đúng chóc loại khán giả mà Hollywood không nhắm tới.

'Fan’ 50+ đã cho Liam Neeson sự nghiệp thứ hai làm một người báo thù cáu kỉnh

Mà, tất nhiên, đó là lý do vì sao các hãng phim tiếp tục chằm hăm vào những người dễ bán phim cho – con nít và đám trẻ choai. Đó mới là tiêu điểm của các hãng phim; nếu có khi nào sở thích và nhu cầu của khán giả cao tuổi được đáp ứng, thì hầu hết là ngẫu nhiên thôi. Sao phải để ý tới họ khi có những kẻ dễ dãi hơn để mà khai thác chứ? Sao phải cố làm ra một phim chính kịch tĩnh lặng, phát triển theo nhân vật khi bạn có thể bắt đầu một chuỗi phim siêu anh hùng khác nữa chứ (hay, thậm chí dễ hơn, khởi động lại một chuỗi phim cũ)?

Nhưng không có ngành kinh doanh nào lại vứt bỏ gần một phần ba khách hàng của mình (lại là những khách hàng trung thành nhất) mà không lãnh hậu quả – ngành kinh doanh phim ảnh đã thể hiện dấu hiệu suy thoái rồi đó.

Lợi nhuận có tăng, nhưng chỉ là vì giá vé tăng, được trợ thủ bằng phụ phí IMAX và 3D lố bịch. Tổng lượt xem phim là đường ngang phè, cũng chính là lý do tại sao các phim lớn bắt đầu cố thỏa mãn những nước khác một cách không biết ngượng, nuốt lấy nuốt để vốn đầu tư của họ và rồi chọn diễn viên một cách hèn nhát (và kiểm duyệt) phim của mình nhằm thu hút ‘fan’ nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện đó không còn hiệu quả nữa.

Và có lẽ Hollywood đã bắt đầu nhận ra.

Nam diễn viên được thế hệ bùng nổ trẻ em yêu thích Richard Gere, trái, trong phim Norman mới ra rạp

Nhìn lại những phim phát hành tháng 4 năm nay mới phát hiện ra một vài phim thực sự nhắm vào khán giả cao tuổi. Đã ra rạp có bộ phim bô lão Going in Style, với dàn diễn viên toàn sao kỳ cựu. Và có hai phim dành cho người trưởng thành ra rạp ngày 14/4 – Norman xuất sắc, với nam diễn viên được thế hệ bùng nổ trẻ em yêu thích Richard Gere đóng vai một con buôn người New York, và A Quiet Passion cảm động, với Cynthia Nixon tuyệt hay trong vai Emily Dickinson.

Nhưng chỉ có ba phim, trong một tháng đánh dấu bởi hơn ba tá phim mới phát hành. Nếu có lúc nào thế hệ bùng nổ trẻ em muốn có phần công bằng hơn trong số những phim ra rạp, thì còn nhiều việc phải làm – có những việc họ phải làm, và hầu hết thì các hãng phim phải làm.

Trước tiên, tuy khẩu vị có suy xét của khán giả cao tuổi khiến họ chính là họ, thời gian họ ra quyết định lại làm loãng đi quyền lực của họ. Các hãng phim căng thẳng đặt các lựa chọn marketing của họ dựa vào việc phim làm ăn ba ngày đầu tiên ra sao; đến lúc mà ‘fan’ cao tuổi thường đi xem thì, mấy gã đếm tiền đã chuyển sang đếm cái gì khác rồi. ‘Fan’ cao tuổi không phải cắm trại bên ngoài rạp chiếu với bọn trẻ, mà chọn buổi mở màn một phim hay khác thay vì suất chiếu cuối cùng trong tháng giúp hấp dẫn những ai coi tiền quan trọng hơn hết. Sự ủng hộ của họ trở nên hiển hiện, và có ảnh hưởng hơn.


Với các nhà làm phim, hãng phim và chủ rạp – họ cần mở mắt, và nắm bắt sự đa dạng, không chỉ về tuổi tác mà cả chủng tộc, giới tính và trải nghiệm. Hai trong số những phim lớn nhất gắn kết với giới phê bình lẫn khán giả của năm ngoái là Hidden FiguresFences – những phim không chỉ có diễn viên cao tuổi, không chỉ có diễn viên Mỹ gốc Phi cao tuổi, mà cả phụ nữ Mỹ gốc Phi cao tuổi, có lẽ là phân khúc khán giả ít được phục vụ nhất trong tất cả. Tại sao lại không thể có thêm nhiều câu chuyện như thế? Tại sao chúng ta không thể thấy những ngôi sao vĩ đại nhất khác từ thập niên 70, 80 và 90 trở lại màn ảnh? Và không chỉ diễn viên da trắng, mà cả Mỹ gốc Phi, gốc Latinh, gốc Á?

Và tại sao lại không thể có những loại câu chuyện khác? Going in Style thể hiện những Michael Caine, Ann-Margret, Morgan Freeman và Alan Arkin đáng kính – thậm chí cho một phim hài nhỏ phản ánh cuộc sống thật của con người, và có chút gì đó là sỉ nhục thẳng thừng. (Ít ra, phim bỏ qua vụ tuyền tiền liệt và nói đùa về Viagra, nhưng thể hiện chứng mất trí để làm trò cười – điều mà không phim nào dám làm với chứng liệt não, hay hội chứng Down.) Sao ta không thể thấy nhiều phim hơn về người cao tuổi hài hước và bị chọc điên, già đi mà vẫn khỏe mạnh, tự tin và tiếc nuối, bị thách thức nhưng quyết tâm? Phim về người cao tuổi là, bạn biết đó – con người.

Và tại sao các hãng phim và chủ rạp chiếu có niềm tin để thực sự mang lại cho chúng ta những phim đó? Kể cả khi có những phim khôn ngoan hơn nhắm vào người cao tuổi, thì xem ra chúng thường mắc kẹt ở bên kia bờ sông Hudson - hay, ở mức tốt nhất, được giao cho một vài phòng chiếu ở Montclair và Red Bank. Hẳn phải có vô khối cộng đồng, và rạp chiếu, sẵn sàng dành cơ hội chiếu những phim này – tuy không quá thường xuyên, nếu bạn xem xét các suất chiếu ở một cụm rạp ngoại ô, nhìn chòng chọc vào các tấm bạt trên Đường 10, bạn không gặp may đâu.

Trên: Hidden FiguresFences – những phim không chỉ có diễn viên cao tuổi, không chỉ có diễn viên Mỹ gốc Phi cao tuổi, mà cả phụ nữ Mỹ gốc Phi cao tuổi, có lẽ là phân khúc khán giả ít được phục vụ nhất trong tất cả

Các hãng phim, hãy dành cơ hội cho ngoại thành. Các chủ rạp, hãy cố gắng dành phòng chiếu nhỏ nhất của mình cho những phim nhỏ hơn. Nếu quý vị chiếu, người ta sẽ đi xem.

Suy cho cùng, họ vẫn luôn đi xem mà.

Hãy nhớ, họ là thế hệ đã bắt đầu thói quen đi xem phim vào những năm 50 và 60, với các suất chiếu phim trẻ con mở đường cho những buổi hẹn hò xem phim tối thứ bảy. Chuyện đó đã cho điện ảnh lần phục hưng thứ hai những năm 70 và 80, ủng hộ những tài năng mới của nước Mỹ và những bậc thầy vĩ đại của châu Âu. Những con người đó giữ lòng trung thành với điện ảnh, dù cho con cái họ đã bỏ rơi rạp chiếu để chơi video game, mạng xã hội và những chương trình truyền hình thực tế đáng sợ.

Đây là một thế hệ sẽ không bao giờ không yêu điện ảnh.

Đã đến lúc điện ảnh hãy yêu lại họ.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.