Phim gợi cảm năng động của David O. Russell, American Hustle,
mở đầu một cách lạ lùng. Một dòng chữ trên nền đen hiện ra: “Một số sự
kiện này từng xảy ra.” Có vẻ là một câu thông báo khá rõ ràng, nhưng lại
là một thông điệp quyến rũ.
Như sơn móng tay của Jennifer Lawrence trong phim, dòng chữ này hút hồn
khán giả. Ta tự hỏi, bao nhiêu chuyện thác loạn điên rồ này đã từng xảy
ra? Vài giờ tới có thể cho chúng ta những trải nghiệm vừa thót tim vừa
giải trí trong một thế giới tiệc tùng rượu chè bù khú hay không?
Tất
nhiên, người xem nhiều khi lại thích thấy dòng quảng cáo “dựa trên câu
chuyện có thật” khi xem phim Hollywood. Xem như thế có nghĩa khi rời rạp
chúng ta sẽ không phải nhảy vào máy tính đọc thông tin trên Wikipedia,
hay đọc tác phẩm gốc của bộ phim – dù đó là một cuốn sách hay bài báo –
và có thể yên tâm rằng bộ phim đã kể hết những chi tiết chúng ta cần
biết. Theo cách đó, vé xem phim bỗng trở thành “cánh cửa tri thức”, một
cách trải nghiệm những sự kiện mới mẻ này qua phim. Qua những bộ phim
này, chúng ta có được sự kết hợp của bài học lịch sử, trải nghiệm vui
vẻ, tất cả đóng góp vào doanh thu phòng vé và nhiều khi cũng còn khiến
Viện Hàn lâm phải trở nên khâm phục.
Jennifer Lawrence (trái) và Amy Adams trong American Hustle
Nhưng trên thực tế, “dựa trên câu chuyện có thật” của một bộ phim thường
nên được hiểu là “bản cải biên câu chuyện có thật bằng cách thêm
hormone tăng trưởng của loài người”. Tác dụng phụ của hiện tượng này là
việc tạo nên một bộ phim với thành công khổng lồ ở phòng vé, quyến rũ
các nhà phê bình và trở nên khó cưỡng lại đối với Viện Hàn lâm.
Năm ngoái,
Argo
của Ben Affleck đã thay đổi khá nhiều dòng lịch sử trên con đường dẫn
tới giải Oscar cho Phim xuất sắc của mình, gồm việc làm giảm vai trò của
Canada trong nhiệm vụ CIA (“Chúng tôi bỗng trở thành những kẻ trông
khách sạn ngồi chờ CIA cứu rỗi,” Ken Taylor, Đại sứ Canada ở Iran vào
thời điểm đó, phàn nàn), tới việc tạo ra một nhân vật nhà sản xuất phim
hoàn toàn hư cấu do Alan Arkin đóng. (Bộ phim còn đánh bại
Lincoln và
Zero Dark Thirty tại giải Oscar. Hai phim này cũng dựa theo sự kiện có thật, với nhiều chi tiết xuyên tạc.)
Giờ đây, với một mùa giải thưởng khác đã tới, một số phim dẫn đầu cuộc đua Phim xuất sắc năm nay gồm
American Hustle, The Wolf of Wall Street, Saving Mr. Banks, và
12 Years a Slave.
Cả bốn phim “dựa theo câu chuyện có thật” này đều được giới phê bình
đánh giá cao, nhưng ta có thể học được bao nhiêu lịch sử từ những phim
này, và những chi tiết quan trọng nào đã bị lu mờ khi đưa lên màn ảnh?
Amy Adams và Christian Bale trong American Hustle
American Hustle dựa trên câu chuyện có thật, kể về nhiệm vụ
Abscam của FBI — một nhiệm vụ kỳ quái diễn ra vào cuối thập kỷ 70, đầu
thập kỷ 80, liên quan tới việc hai đặc vụ FBI đóng giả thành tộc trưởng
Ảrập giàu có, những nhà chính trị gia tham ô, một nhóm xã hội đen, một
tên lừa đảo, Mel Weinberg, được FBI thuê để dàn dựng tất cả. Đạo diễn
David O. Russell thừa nhận ông đã hư cấu hóa phần lớn câu chuyện để bộ
phim trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn.
“Sự thật kết thúc ở đâu
và hư cấu bắt đầu ở đâu?” Russell nói trong họp báo ở New York. “Tôi làm
phim điện ảnh, vì thế tôi sẽ kể những truyền thuyết hay nhất, những câu
chuyện hay nhất, những vở kịch hay nhất, kết hợp từ những chuỗi sự kiện
có thật mang lại cho tôi cảm hứng, pha trộn với hư cấu và trí tưởng
tưởng, và những gì các diễn viên đem lại.”
Vì thế trong
Hustle,
tất cả các tên đều thay đổi. Mel Weinberg trở thành Irving Rosenfeld,
do một tắc kè hoa Christian Bale (đẹp trai hơn người thật rất nhiều)
đóng trong khi vợ anh Cynthia Marie Weinberg, giờ mang tên Roslyn
Rosenfeld. Những kiểu tóc đẹp mắt trong phim đều là hư cấu. Mái tóc hói
chải ngang của Rosenfeld còn xấu hơn của Weinberg thật. Đặc vụ FBI
Anthony Amoroso, giờ là Richie DiMaso (Bradley Cooper đóng), nhưng phiên
bản thật không phải là anh chàng vạm vỡ với mái tóc xoăn tít, mà có tá
người nặng nề với tóc thẳng và hai cằm. Vợ của Weinberg không hề có mái
tóc búi tuyệt đẹp như của Rosalyn (Jennifer Lawrence đóng). Russell cũng
biến các nhân vật trở nên trẻ hơn phiên bản thật - ở độ tuổi 30 thay vì
50 và 60. Vời thời điểm vụ điều tra Abscam diễn ra, Weinberg 56 tuổi và
vợ ông 48 tuổi, trong khi Bale 39 tuổi và Lawrence 23 tuổi.
American Hustle
Rồi còn những cô nàng nóng bỏng khác trong phim nữa. Amy Adams vào vai
Sydney Prosser, người tình và đồng lõa của Rosenfeld. Prosser là một vũ
nữ thoát y đến từ miền tây nước Mỹ giả giọng Anh và có biệt danh “Tiểu
thư Edith”, người tình thật của Weinberg là một người phụ nữ người Anh
chính cống mang tên Evelyn Knight, và cũng cùng tham gia một số vụ lừa
bịp cùng Weinberg, nhưng không có vai trò gì trong vụ Abscam (và không
hề tán tỉnh đặc vụ FBI Amoroso). Evelyn cũng kém Weinberg 19 tuổi. Trong
phim, Roslyn của Jennifer Lawrence là một cô nàng điên rồ không thể ở
một mình một ngày mà không làm cháy nhà. Cô khiến bộ phim trở nên hài
hước hơn và Lawrence thực sự tuyệt vời trong vai này. Thực tế, Cynthia
Marie Weinberg, theo tạp chí
People, “là một người phụ nữ chua
ngoa không hạnh phúc, đang đòi ly dị Mel và buộc tội ông chiếm hết số
tiền 45.000 đôla tiền thù lao và đem cho hết số đồ đạc và quần áo đắt
tiền của họ.” Bà không bao giờ được chia chút gì trong số tài sản đó.
Vào ngày 28/1/1982, người ta tìm thấy bà trong trạng thái treo cổ. Một
tờ giấy trên bàn viết: “Tội lỗi của tôi là muốn yêu và được yêu, không
hơn không kém. Nhưng Mel đang có một chiến dịch bôi nhọ tên tôi. Tôi
không còn sức chống lại anh ta… Tất cả những gì tôi nói đều là sự thật.”
Tuy vậy,
American Hustle vẫn là một bộ phim giải trí đẹp mắt, gợi cảm và đầy đủ lộn xộn của các mối quan hệ chắp chéo.
The Wolf of Wall Street
của Martin Scorsese dựa theo hồi ký cùng tên của Jordan Belfort, kể về
những thăng trầm trong sự nghiệp của một tay chơi chứng khoán ma mãnh.
Leonardo DiCaprio thêm cho nhân vật Belfort đủ sức quyến rũ của một ngôi
sao màn bạc khiến bạn muốn trở thành anh ta, bất chấp bản tính thiếu
đạo đức của nhân vật. “Hồi ký” của Belfort trắng trợn về mọi mặt, từ
việc sử dụng ma túy tới mại dâm không ngừng nghỉ. Phim của Martin
Scorsese cũng vậy. Phim thổi phồng yếu tố tình dục và chất kích thích
tới mức hãng phim đầu tư ban đầu Warner Bros., đã từ bỏ nó, và Scorsese
phải tìm tới hãng phim độc lập Red Granite Pictures.
The Wolf of Wall Street
Wolf kể về Giấc mơ Mỹ nổi loạn, vì thế cả cuộc chơi được cường
điệu hóa. Tên hồi ký và phim cũng không chính xác cho lắm. Công ty của
Belfort, Stratton Oakmont, còn không nằm ở Phố Wall mà ở Long Island, và
hoạt động môi giới chứng khoán kiểu chớp nhoáng, với Belfort và đội ngũ
của anh điều khiển số cổ phiếu giá rẻ bán ra. Công ty này kiếm tiền
bằng cách moi móc tiền lương hưu và tiền tiết kiệm của những người trung
lưu – số người này không hề xuất hiện trong phim – và tài sản của
Belfort có thời điểm lên tới 200 triệu USD. Cánh tay phải của Belfort
trong phim là Donnie Azoff, một anh chàng mập mạp, đeo kính do Jonah
Hill đóng. Trong đời thực, anh ta là Danny Porush, cao ráo, đẹp trai
(không đeo kính).
Nhưng yếu tố kém chính xác nhất của
Wolf
là cái kết. Trong phim, những con người ban đầu vui vẻ này nhanh chóng
trở thành những con thú dữ, và sau đó bị tống vào tù. Họ có vẻ đã bị
trừng phạt và học được bài học của mình, cho ta thấy rằng phim ảnh không
bao giờ lãng mạn hóa – mà còn có thể chỉ trích – hành vi tự tôn tự đại
hoang đường. Nhưng sự thực lại không như thế, theo lời kể của Josh
Shapiro, một lính hải quân sau này trở thành người môi giới chứng khoán
từng làm việc với Belfort và Porush ở Stratton Oakmont.
“Madoff
bị ngồi tù nhiều năm, nhưng hai người này được tha bổng – Belfort chỉ
phải chịu tù 22 tháng, và Porush 39 tháng — dù đã cướp tới 200 triệu,”
Shapiro kể với tờ
New York Post.
Jonah Hill và Leonardo di Caprio trong The Wolf of Wall Street
Chính thế, Belfort từng bán bản quyền hồi ký của mình với giá lên tới
bảy chữ số cho Red Granite Pictures và công ty của DiCaprio, Appian Way,
và giờ rao giá 20.000 USD tiền thù lao cho mỗi lần phát biểu. Porush
hiện là một triệu phú sống trong biệt thự ở Boca Raton, Florida, nơi anh
điều hành công ty dược Med-Care Diabetic & Medical Supplies Inc.
Ngoài ra, ta còn có ví dụ kinh điển,
Saving Mr. Banks, phim người thật đóng mới nhất của Disney kể về quá trình làm phim
Mary Poppins năm
1964 của hãng. Trong phim, Walt Disney (Tom Hanks đóng) thuyết phục tác
giả P. L. Travers (Emma Thompson đóng) bán bản quyền truyện của bà. Sự
tranh giành đáp ứng yêu cầu của hãng phim và những đòi hỏi của Travers
hiện diện trong suốt bộ phim, tạo nên một câu chuyện hấp dẫn nhưng không
chính xác.
Các diễn viên thực sự tuyệt vời trong phim này và
hóa thân vào vai diễn một cách vĩ đại. Thompson cho biết cô đã nghe
nhiều băng thu âm giọng Travers trong quá trình viết kịch bản
Mary Poppins (tổng cộng 39 tiếng), và Hanks đã xem nhiều phỏng vấn Disney để nhại được chất giọng của ông. Trong
Banks,
Disney được mô tả là một nhân vật lương thiện hết mức, nhưng thật vậy
không? Tùy việc bạn tin ai thôi. Ngoài đời thực, ông từng bị buộc tội
ghét người Do Thái và đối xử phân biệt chủng tộc, và từng vạch tội nhiều
người trước Ủy ban Điều tra Hoạt động phản-Mỹ của Hạ viện. Nhưng vì đây
là phim của Disney, kể về Disney, họ còn không thể cho hình ảnh nhà làm
phim này hút thuốc trên phim.
Tom Hanks và Emma Thompson trong Saving Mr. Banks
Cái kết của phim cũng đặt một câu hỏi. Ở cuối phim, Travers tỏ ra xúc động khi tham dự buổi công chiếu
Mary Poppins
đầu tiên, cho bộ phim có được cái kết có hậu nổi tiếng của Disney. Trên
thực tế, Travers đã đùng đùng xông ra khỏi rạp chiếu và yêu cầu Disney
phải thay đổi bộ phim, gồm cả việc bỏ những con chim cánh cụt biết nhảy
múa. Disney nổi giận, cho Travers biết rằng “thuyền đã rời bến” và không
thay đổi bộ phim, và cả hai không bao giờ nói thêm lời nào với nhau
nữa, theo tờ
The New York Times.
12 Years A Slave
hết sức cảm động của Steve McQueen, lại là một kiểu tiếp cận việc
chuyển thể lịch sử theo nghĩa đen. Phim dựa theo hồi ký của Solomon
Northup, một người đàn ông da đen tự do bị bắt vào năm 1841 và bị bán
làm nô lệ ở miền nam nước Mỹ. McQueen cho biết hồi ký của ông “đọc giống
kịch bản phim” và bộ phim bám rất sát nguyên bản, không thêm thắt chi
tiết nào dù chỉ để khiến bộ phim kịch tính hơn. Theo
The New York Times,
bộ phim “cho ta thấy những gì còn thiếu trong những phim khám phá các
vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa trong các phim nô lệ trước đây: sự đau
đớn của con người.”
Phim của McQueen tái hiện một cách thẳng
thắn văn hóa buôn nô lệ của những năm đó, từ những ông chủ nô lệ “rộng
lượng” như nhân vật của Benedict Cumberbatch tới những kẻ độc ác như
người Michael Fassbender đóng, cho thấy phim không cần quá nhiều chi
tiết thổi phồng hay hư cấu cũng có thể tạo tác động mạnh mẽ. Tuy vậy, có
lẽ việc bộ phim muốn bám sát lịch sử một cách chặt chẽ, giữ nguyên
những vết thương xấu xí, là yếu tố dẫn tới việc phim chỉ thu về 40 triệu
USD ở phòng vé trong nước, so với số 90 triệu đang tăng của
American Hustle và 65 triệu và đang tăng của
The Wolf of Wall Street.
12 Years A Slave
Sự thiếu sáng tạo của Hollywood không có gì là mới. Và Viện Hàn lâm vốn
vẫn thích trao giải cho các phim được cường điệu hóa với mác “dựa trên
câu chuyện có thật”, từ
Titanic tới
Argo. Nhưng để làm
gì? Có thể những phim “lịch sử” này là một lời kêu cứu – để được có
những phim mới mẻ có thể khai sáng và giải trí. Ngày nay, khán giả dường
như muốn phải được dẫn đường tới rạp – qua sự kiện lịch sử hay việc
phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng, hay một phần hai chẳng ai
muốn có, trong khi trong cơn khát khán giả, các hãng phim thì cho rằng
ngôi sao không còn kéo người ta đến rạp nữa, nên luôn đáp ứng những yêu
cầu đó.
Her của Spike Jonze, bộ phim mang tính đột phá
về một người đàn ông cô đơn (Joaquin Phoenix đóng) đem lòng yêu hệ điều
hành máy tính biết suy nghĩ của mình (do Scarlett Johansson lồng tiếng),
không dựa trên câu chuyện nào có sẵn, nhưng lại kể về thế giới chúng ta
đang sống và cách chúng ta tồn tại ngày nay hơn bất cứ phim nào trong
các phim trên. Có lẽ chúng ta nên giữ lịch sử trong các lớp học, nơi
người ta có thể học hỏi được vài thứ, và cứ giữ rạp chiếu phim là nơi
trốn thoát khỏi thực tế, chứ không phải bị ép tiếp thu một phiên bản
thực tế nửa thực nửa giả.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi