Bình luận phim

American Hustle

29/03/2014

Tít đầu tiên khán giả nhìn thấy trong American Hustle giải thích rằng “một vài” trong số những gì sắp được xem đã thực sự xảy ra.

Một vài. Nhưng có lẽ không nhiều.

Trên danh nghĩa, đây là bộ phim về chiến dịch Absam, thứ đã khuấy đảo chính trị bang New Jersey trong suốt kỷ nguyên của disco. Nhưng khán giả sẽ không thấy bất cứ cái tên thật nào được sử dụng.

Từ trái qua: Amy Adams, Bradley Cooper, Jeremy Renner, Christian Bale và Jennifer Lawrence

Còn đối với những chi tiết màu mè nhất của bộ phim – một đặc vụ FBI xì-ke tóc mì tôm? Một ả vũ nữ lừa đảo với cái giọng Anh-Anh giả tạo? Một tay anh chị Miami đầy sát khí? Một người phụ nữ nội trợ không biết tự chủ suốt ngày muốn đốt nhà rồi chút nữa làm hỏng hết phi vụ?

Những điều đó giống kiểu mưu đồ của bộ phim – đối với khán giả chúng ta.

Ngoại trừ việc American Hustle xài mánh mà những tay lừa đảo cao tay sử dụng: biến bạn thành một phần của trò bịp bợm. Làm bạn thích thú với sự dẫn dụ. Và kể cả sau đó, khi bạn nhận ra mình bị lừa – tức là sau khi bạn bắt đầu nhận ra mưu mẹo gian dối từ đâu ra – bạn cũng chẳng để tâm nhiều nữa vì mọi thứ đã xong mượt cả rồi.

Câu chuyện tập trung vào nhân vật Irv Rosenfeldm của một Christian Bale đầu hói, bụng bia, ngậm xì gà rẻ tiền (kiểu đầu chải tóc che hói là một phép ẩn dụ - chẳng có lời nói dối nào của nhân vật này được chăm chút cẩn thận như kiểu tóc Trumpean của y cả).

Christian Bale đã phải tăng cân để vào vai tay lừa đảo Irv Rosenfeldm

Đầu tiên, Irv chẳng có vẻ gì là một kẻ lừa đảo cao tay - lấy phí không hoàn trả từ những khoản vay “tiện lợi” và chẳng làm gì. Nhưng rồi FBI tìm thấy y, và quyết định biến y và phụ tá giả người Anh, Sydney Prosser thành tài sản của FBI.

Irv và Sydney muốn thoát tội ư? Được thôi. Tốt hơn là họ nên giúp gã FBI nhiệt huyết này triệt hạ vài vụ lớn. Đi săn một vài chính trị gia phạm tội ở New Jersey chẳng hạn? Đời có thiếu tội phạm bao giờ.

Sự quan tâm thực sự của đạo diễn David O. Russell không nằm ở việc cảnh sát giả trang bắt tội phạm (mặc dầu có một mưu đồ thú vị bất ngờ xảy ra cuối phim); trọng tâm ở đây là tuyến nhân vật, và phong cách ăn mặc lòe loẹt của dân ngoại ô không khác gì chiếc áo măng-tô màu tím mua từ cửa hàng Wilson's House of Suede.

Đây là sự hòa trộn hoang dã các phong cách, với việc phụ nữ tranh nhau nổi bật hơn người còn đàn ông thì đi tìm (và đã thấy) đáy mới của sự lố bịch. (Trong vai thị trưởng Camden hư cấu, Jeremy Renner chưng một kiểu đầu mà đến Joe Pesci cũng phải tái mặt.)

Tuy nhiên, đó là một sự tương phản, và đôi lúc là sự mâu thuẫn, phù hợp với bộ phim, mà dường như không thể quyết định làm thế nào để dung nạp hết.

Ví như Bale và Amy Adams, trong vai người phò tá gian trá của Bale, trông như thể hai người đang trong một vở kịch về sự thật và sự lừa dối rồi ước mơ và sự tái tạo; Jennifer Lawrence, trong vai vợ của Bale, và Bradley Cooper, trong vai đặc vụ FBI, dường như lại đang trong một bộ phim hài về dân lập dị ở ngoại ô.

Lawrence là điều tuyệt nhất trong bộ phim, vẻ ngoài thuần khiết như trẻ con, ám ảnh với bộ móng và làn da nâu rám, một con chim bách thanh chói tai gây sự chú ý của tất cả mọi người xung quanh cô (rồi sau đó diễn tả cơn điên của mình chỉ là cách để nói ra sự thật). Và Bale – mặc dù rất đồng bóng và dễ dãi – làm trọn vẹn con người vụ lợi háu ăn này, bao gồm cả chuỗi dây chuyền vàng 14 kara.

Về phần Cooper lại có chút kích động, ngay từ lúc khởi đầu – anh vẫn hệt như hồi đóng Silver Linings Playbook cũng của đạo diễn Russell. Còn Amy Adams, mặc dù khêu gợi trong chiếc váy bó sát cùng những bộ đồ kiểu bìa tạp chí Cosmo, có vẻ như không ổn định - cái kiểu giọng Anh-Anh chợt đến chợt đi nhiều lúc không hợp lý.

Nhưng khán giả có thể cảm giác được niềm hân hoan phù phiếm của các diễn viên trong việc thể hiện những kẻ lập dị sống ngoài vòng pháp luật, và với việc lại được tái hợp đạo diễn Russell (dàn diễn viên phần nhiều là sự kết hợp của Silver Linings PlaybookThe Fighter – đến cả Robert DeNiro cũng có một vai khách mời). Và đạo diễn Russell nhất định rất say mê với thể loại âm nhạc đặc phong cách những năm 70, những gian bếp xấu xí và những bộ đồ bơi kiểu macramé, năng lượng nực cười của cả thời đại.

Jennifer Lawrence trong vai Rosalyn

Và khi mọi chuyện vẫn đang tiến triển – đây chính là sức mạnh của bộ phim – bạn cũng có thể cảm nhận được nó. Rất hay khi xem những kẻ lập dị này tham khảo ý kiến lẫn nhau (kể cả chẳng có điều gì là thật, mọi thứ vẫn hợp lý). Cũng vui khi được thưởng thức trò chơi lén lút, giả dối về sự tự tin của những nhân vật trong phim (kể cả khi có vẻ như có ngắt quãng về logic). Nhìn chung, American Hustle đem lại những giây phút vui vẻ - cho đến khi kết thúc.

Nhưng đừng tỏ ra nhạc nhiên nếu đến cuối, khi bước ra khỏi bộ phim, bạn tự hỏi phải chăng mình cũng bị lừa phỉnh ít nhiều.

Lưu ý phân loại: Bộ phim bao gồm một số nội dung nhạy cảm, ngôn ngữ thô tục, cảnh bạo lực và khỏa thân.

American Hustle (R) Columbia (129 phút)
Đạo diễn: David O. Russell.
Diễn viên: Christian Bale, Bradley Cooper, Jennifer Lawrence, Amy Adams

Đánh giá: ★ ★ ★

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi