Hơn một thập kỷ sau khi nền tảng này mạnh tay xử lý vi phạm bản quyền,
hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình và chương trình thể thao
trực tiếp bản lậu vẫn xuất hiện.
Sau khi chi khoảng 100 triệu USD cho
Lilo & Stitch, bản làm
lại người đóng bộ phim hoạt hình năm 2002, Disney có rất nhiều lý do để
ăn mừng. Bộ phim đã thu về 361 triệu USD toàn thế giới vào cuối tuần
công chiếu hồi tháng 5 và vượt qua
Mission: Impossible — The Final Reckoning ở phòng vé.*

Nhưng công ty cũng có lý do để lo lắng. Vài ngày sau khi phim ra mắt,
Lilo & Stitch
bản lậu đã thu hút lượng xem trên YouTube, với hơn 200.000 người xem,
có khả năng khiến Disney thiệt hại hàng triệu đôla doanh thu bổ sung,
theo nghiên cứu mới từ Adalytics, công ty phân tích chiến dịch quảng cáo
cho các thương hiệu.
Những phát hiện của nghiên cứu đã làm sáng
tỏ vấn đề bản quyền từng đe dọa làm đảo lộn hoạt động kinh doanh của
YouTube. Họ cũng chỉ ra cách các nhà quảng cáo vô tình hỗ trợ nội dung
bất hợp pháp trên YouTube và cung cấp dữ liệu hiếm hoi về tình trạng vi
phạm bản quyền trên nền tảng này.
Lâu nay YouTube đã cố gắng ngăn
chặn nạn vi phạm bản quyền, nhưng nghiên cứu cho thấy những người dùng
tải phim và chương trình truyền hình ăn cắp đã sử dụng các chiến thuật
mới để trốn tránh công cụ phát hiện của nền tảng này, bao gồm cắt tỷ lệ
phim và chỉnh sửa cảnh quay.

Lilo & Stitch bản lậu đã thu hút lượng xem trên YouTube, với hơn 200.000 người xem
|
Sau đó YouTube phó mặc các video đã tải lên trang chủ của người dùng,
quảng bá việc phát trực tuyến lậu các bộ phim bom tấn phòng vé như
Lilo & Stitch hoặc các bộ phim độc quyền trên các nền tảng phát trực tuyến như
Captain America: Brave New World, theo các tư liệu chụp màn hình do Adalytics tổng hợp và một bài phân tích của
The New York Times.
Có
thể YouTube, thuộc sở hữu của Google, còn tạo ra doanh thu từ một số
video ăn cắp, mặc dù không rõ nền tảng này đã kiếm được bao nhiêu tiền.
Công
ty có một chương trình được gọi là Content ID để xác định video được
bảo vệ bản quyền. Chương trình này cho phép chủ sở hữu bản quyền chặn
video, chia sẻ doanh số quảng cáo của video hoặc nhận dữ liệu về người
xem video. Trong những năm qua, YouTube đã trả hàng tỉ đôla cho các chủ
sở hữu bản quyền. YouTube báo cáo đã gắn cảnh cáo 2,2 tỉ video vào năm
ngoái và cho biết các chủ sở hữu bản quyền cho phép khoảng 90% số video
đó được lưu lại trên nền tảng.

Jack Malon, phát ngôn viên của YouTube, nói rằng khoảng 10% số video bị
xóa theo yêu cầu của chủ sở hữu bản quyền thì công ty lại không phân
tích đến và không theo dõi xem có bao nhiêu video trong số đó là phim lẻ
thời lượng dài phát hành gần đây.
Các kênh tải lên
Lilo & Stitch và
Captain America: Brave New World đã bị khóa vì vi phạm chính sách về spam của YouTube, Malon nói.
Ông
từ chối cho biết liệu công ty có hưởng lợi từ các quảng cáo được hiển
thị trong các video có bản quyền mà Content ID không phát hiện được hay
đã tăng lượt xem trước khi chủ sở hữu bản quyền yêu cầu gỡ bỏ hay không.
Theo yêu cầu của YouTube, Adalytics và
The New York Times
đã cung cấp 200 video để YouTube xem xét, hầu hết là phim lẻ thời lượng
dài. YouTube đã phân tích các video này nhưng từ chối cung cấp thông
tin chi tiết số phim mà chủ sở hữu bản quyền cho phép tiếp tục đăng hoặc
yêu cầu gỡ bỏ chiếm bao nhiêu phần trăm.

“Gán cho những video này là ‘bất hợp pháp’ mà không xem xét trước các
lựa chọn cụ thể của từng chủ sở hữu bản quyền là hiểu sai cách hoạt động
của bối cảnh truyền thông trên YouTube hiện nay,” Malon nói. Theo ông,
mặc dù “sai sót vẫn xảy ra” trên YouTube, ông cho rằng báo cáo của
Adalytics là một nỗ lực nhằm khiến các công ty mua dịch vụ của mình.
Chủ sở hữu bản quyền của các video này, bao gồm tất cả các hãng phim lớn, đã không trả lời khi được
The New York Times yêu cầu bình luận.
Nhà
sáng lập Adalytics, Krzysztof Franaszek, người thực hiện nghiên cứu,
cho biết ông đã quan sát thấy 9.000 ví dụ về khả năng vi phạm bản quyền,
“gồm cả phim thời lượng dài đang được chiếu rạp, phim độc quyền của
Netflix như
Extraction 2, các chương trình truyền hình như
Family Guy
và các trận bóng bầu dục đại học phát sóng trực tiếp của Hiệp hội Thể
thao Quốc gia Các trường Đại học (NCAA).” Các video này đã thu hút tổng
cộng hơn 250 triệu lượt xem. Hơn 100 video trong số đó cũng đã được
The New York Times xem xét.

Adalytics phát hiện phim từ mọi hãng phim lớn đều có trên YouTube trong
các đợt tải lậu từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 5 năm nay. Khi được tóm
tắt về những phát hiện của nghiên cứu, Larissa Knapp, giám đốc bảo vệ
nội dung của Hiệp hội Điện ảnh, hiệp hội nhà nghề của các hãng phim, cho
biết bà thấy đáng lo ngại.
Làm việc với YouTube và các hãng phim
về vấn đề này, bà Knapp cho biết đã có lúc công tác chống vi phạm bản
quyền giữa các hãng phim và YouTube “hiệu quả.” “Nhưng giờ đây, dường
như một số hoạt động có thể đã đi chệch hướng nếu nội dung bất hợp pháp
được chèn quảng cáo vào.”
Nghiên cứu này gợi lại thời điểm trong
lịch sử YouTube khi Hollywood cáo buộc nền tảng này kiếm lời từ nội dung
ăn cắp. Năm 2007, Viacom đã kiện YouTube, cáo buộc YouTube vi phạm bản
quyền “trắng trợn” bằng cách cho phép tải lên nội dung của công ty
truyền thông này mà không được phép. Năm 2012, YouTube thắng kiện với
lập luận họ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật Bản quyền
Thiên niên kỷ Kỹ thuật số năm 1998, đạo luật miễn trừ trách nhiệm pháp
lý cho YouTube trong việc lưu trữ tác phẩm có bản quyền.

Eric Goldman, giáo sư luật tại Đại học Santa Clara, cho biết luật này đã
chuyển gánh nặng bảo vệ bản quyền từ nền tảng và người sáng tạo video
sang chủ sở hữu bản quyền. Ông nói rằng nếu không có quy định này,
“internet sẽ không thể tồn tại ở định dạng hiện tại.”
YouTube đã
cố gắng hợp tác với các hãng phim, kênh truyền hình và dịch vụ phát trực
tuyến để chống vi phạm bản quyền. Google, công ty mẹ của YouTube, đã
phát triển công nghệ Content ID để nhận dạng video có bản quyền, và
YouTube đã trở nên quyết liệt hơn trong việc kiểm soát vi phạm bản quyền
trên nền tảng của mình. Chủ sở hữu bản quyền có quyền yêu cầu xóa nội
dung hoặc được hưởng một phần doanh thu quảng cáo mà video tạo ra.
Theo
Liên minh Sáng tạo và Giải trí, nghiệp đoàn gồm 50 công ty giải trí
đang nỗ lực giảm thiểu nạn vi phạm bản quyền, phòng vé Bắc Mỹ (Mỹ và
Canada) thường xuyên mất 1 tỉ USD mỗi năm do vi phạm bản quyền, chiếm
khoảng 15% doanh thu hàng năm.

Google, công ty mẹ của YouTube, đã phát triển công nghệ để nhận dạng tư liệu vi phạm bản quyền
|
Tiến sĩ Franaszek bắt đầu nghiên cứu sau khi nhiều nhà quảng cáo là thân
chủ của ông nhận thấy có tới 60% chi tiêu quảng cáo của họ trên YouTube
rơi vào các video hoặc kênh được gắn nhãn “không còn tồn tại”.
Sau
khi tìm hiểu sâu hơn, ông phát hiện thân chủ của mình đã trả tiền để hỗ
trợ nội dung mà sau đó bị YouTube xóa vì vi phạm chính sách của nền
tảng này về nội dung khoả thân, bạo lực hoặc ngôn từ kích động thù địch,
hoặc vì các hành vi vi phạm khác.
Khi video bị xóa khỏi nền
tảng, YouTube sẽ xóa dữ liệu của nhà quảng cáo để họ không thể nhìn thấy
tên video nữa. Tiến sĩ Franaszek cho biết các nhà quảng cáo phải truy
cập vào liên kết của video đã bị xóa để xem liệu video đó có bị xóa do
vi phạm bản quyền hay không. Ông nói thêm rằng nền tảng này không hoàn
trả đầy đủ chi phí quảng cáo trong các video đó cho các nhà quảng cáo.

Adalytics phát hiện phim từ mọi hãng phim lớn đều có trên YouTube trong các đợt tải lậu từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 5 năm nay
|
Erich Garcia, phó chủ tịch cấp cao của Quote.com, trang web cho phép
người tiêu dùng so sánh các dịch vụ bảo hiểm, cho biết quảng cáo của
công ty ông thường xuyên chạy kèm các video đã biến mất, hạn chế khả
năng đánh giá hiệu quả quảng bá.
Ông Malon cho biết các nhà quảng
cáo trên YouTube có thể hiểu rõ hơn về những video này bằng cách yêu
cầu đại diện tài khoản của họ cung cấp thêm thông tin. Đại diện có thể
cung cấp tín dụng quảng cáo.
Quảng cáo từ Disney, Hulu, HBO Max,
Focus Features và hàng chục công ty khác thuộc nhiều ngành công nghiệp
khác nhau đã được tìm thấy đi cùng các video nội dung phim và chương
trình truyền hình trái phép, Adalytics cho biết.
Những kẻ vi phạm
bản quyền đã triển khai hàng loạt chiến thuật lừa đảo để qua mặt thuật
toán chống vi phạm bản quyền của YouTube. Một số đã tải lên và tự nguyện
gỡ bỏ các video có bản quyền trong cùng một ngày, thu hút lượng người
xem lớn trước khi bị phát hiện. Những kẻ khác đảo chiều video, đảo ngược
hình ảnh hoặc cắt xén các khung hình nhằm đánh lừa hệ thống Content ID.
Adalytics và
The New York Times phát hiện có kẻ đã chèn các
đoạn clip về người bình thường vào cuối một video phim bom tấn của
Hollywood để che đậy dấu vết thêm nữa.

Nhiều nhà quảng cáo nhận thấy có tới 60% chi tiêu quảng cáo của họ
trên YouTube rơi vào các video hoặc kênh được gắn nhãn “không còn tồn
tại”
|
Tiến sĩ Franaszek cho biết thân chủ của Adalytics đã trả tiền cho quảng
cáo trong các video bị gỡ bỏ vì lý do bản quyền chỉ có một yêu cầu đơn
giản: “được biết rõ nội dung nào mà họ đang dùng tiền quảng cáo trên
YouTube để tài trợ và quảng cáo của họ xuất hiện ở đâu.”
Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
* Tính đến ngày 17 tháng 7,
Lilo & Stitch đã trở thành phim đầu tiên của năm 2025 vượt 1 tỉ đôla phòng vé toàn cầu (
The Hollywood Reporter)