Bình luận phim

Động đất và dư chấn của những nỗi đau

28/01/2011

Gọi Đường Sơn đại địa chấn (Aftershock) là một bộ phim bi tráng không thực sự thể hiện sự đánh giá đúng đắn với bộ phim này.

Ngay sau khi bộ phim của Phùng Tiểu Cương vừa mới bắt đầu, một người phụ nữ có chồng vừa mới tử nạn trong trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp năm 1976 ở Đường Sơn đã ngước lên trời mà gào thét: “Trời ơi! Anh ngốc này!” Và mọi chuyện xuống dốc kể từ đây. Trước cả khi bạn ý thức được, cô đã phải đứng trước một sự lựa chọn sống còn liên quan đến hoàn cảnh của hai đứa con cô bị mắc kẹt dưới một tấm bê tông.

Những cảnh này, trong đó có một phân đoạn mô tả rất hiệu quả trận động đất đã cướp đi sinh mạng của khoảng 240.000 người được giải quyết rất nhanh gọn. Nhưng nỗi đau chỉ vừa mới bắt đầu. Vẫn còn đó sự việc nhận con nuôi, việc mang thai ngoài ý muốn, căn bệnh giai đoạn cuối, hai cuộc phẫu thuật cắt bỏ chi, ba cuộc đoàn tụ đầy xúc động, bốn lần bỏ rơi và hơn ba mươi năm của những chịu đựng, tội lỗi và oán giận tột cùng cho tới khi một kết thúc mang tính cứu vãn dường như quá tốt để trở thành sự thật được đem lại bởi trận động đất năm 2008 ở Tứ Xuyên.

Hình ảnh Từ Phàm cõng nhân vật của Trương Tịnh Sơ lúc nhỏ trong Aftershock [Ảnh: New York Times]

Ngạc nhiên là trong khi bạn nhận thức được rằng Aftershock lấy đi nước mắt của khán giả một cách dữ dội, mãnh liệt nhưng việc đó không nhất thiết đem lại cảm giác lạm dụng, bạn có thể thoải mái để bản thân mình hòa nhịp cùng bộ phim. Và rất nhiều khán giả tới rạp Trung Quốc đã làm như thế: Aftershock (tên gốc dịch là Đường Sơn đại địa chấn) là bộ phim nội địa đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, doanh thu 100 triệu USD kể từ khi bộ phim phát hành vào tháng 7 đã đưa bộ phim lên đứng trước Kiến quốc đại nghiệp (The Founding of a Republic) mặc dù vẫn xếp sau Avatar.

Phùng Tiểu Cương, đạo diễn của bộ phim hành động lãng mạn Thiên hạ vô tặc (A World Without Thieves) và bộ phim hài lãng mạn Phi thành vật nhiễu (If You Are The One) (xếp thứ ba trong bảng xếp hạng phòng vé), từng được gọi là Spielberg của Trung Quốc. Trong Aftershock sự so sánh này có lý khi liên quan đến phạm vi vượt ra ngoài thành công thương mại. Bằng cách nào đó ông đã làm dịu bớt những cường điệu tồi tệ nhất trong kịch bản của Tô Tiểu Vệ. Tuy rằng đây có thể không phải là một bộ phim sắc bén, nhưng Aftershock hiếm khi ủy mị - ngoại lệ là diễn xuất của Từ Phàm, vợ đạo diễn Phùng, trong vai một người mẹ phải đằng đẵng chịu đựng khổ đau – và đôi khi khá cảm động. (Khán giả phương Tây vẫn sẽ cảm thấy một số quan niệm về tội lỗi gia đình là hơi phóng đại nhưng là do họ không quen với sự hiếu thảo được thừa nhận và chính sách một con.)

Nếu như diễn biến của tác phẩm - không kể những trận động đất làm khung - cần thiết là một bộ phim bi tráng nội địa này bắt đầu trở nên dài dòng, một phần là bởi vì Aftershock (giống như rất nhiều bộ phim điện ảnh ngân sách lớn đương thời của Trung Quốc) dường như cảm thấy có nhiệm vụ phải bao hàm trong bản thân tác phẩm, ở mức độ hình tượng, những nỗi kinh hoàng và những chiến thắng trong lịch sử Trung Quốc bốn thập kỷ vừa qua, từ Cách mạng văn hóa tới những kỳ tích kinh tế. Khi chúng ta được nghe tại kết phim rằng Đường Sơn đã vươn lên như một chú phượng hoàng từ trong đám tro tàn, thì điều đó được hiểu rằng không chỉ có Đường Sơn đang ở trong bối cảnh đó. Trong suốt bộ phim, máy quay đã lùi lại để cho chúng ta thấy những cảnh quan thành phố mới mẻ và rực rỡ hoặc hàng hàng cần trục; những định kiến truyền thống đối với con gái hoặc người bị khuyết tật về thể chất được đưa vào kịch bản với mục đích giáo dục.

Aftershock không chỉ đơn thuần thể hiện sự tàn phá của thiên tai

Cũng như việc một số thứ phải được thêm vào thì cũng có một số thứ khác cần phải bị loại ra. Chính phủ và chế độ quan liêu vắng mặt một cách khó hiểu trong Aftershock, một bộ phim mà rốt cuộc là về những hậu quả tức khắc và kéo dài của một thảm họa tự nhiên. Khoảnh khắc chính trị công khai duy nhất là một cảnh lệch lạc, nằm ngoài nội dung của phim, chiếu hình ảnh cuộc biểu tình của quần chúng tại quảng trường Thiên An Môn khi Mao Trạch Đông mất. Tuy nhiên có sự xuất hiện của lễ kỷ niệm hoành tráng của Quân đội Giải phóng Nhân dân, những người đã hành quân trong những đội ngũ chỉnh tề để tới giải cứu các nạn nhân Đường Sơn. Nhân vật đáng ngưỡng mộ trọn vẹn duy nhất trong phim là người cha nuôi - một sĩ quan quân đội tốt bụng, do nam diễn viên xuất sắc Trần Đạo Minh (phim Anh hùng) thể hiện.

Đạo diễn Phùng đã thể hiện sự táo bạo đáng kể khi bàn luận về điều kiện làm việc cho các nhà làm phim Trung Quốc tại quê hương. Tờ China Daily Anh ngữ cho biết rằng tại một cuộc hội thảo tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải vào tháng 6 ông từng nói: “Bởi vì sự kiểm duyệt tại Trung Quốc mà các nhà sản xuất địa phương hiếm khi thu hút được khán giả nước ngoài.”

Thật dễ dàng nhận thấy những hậu quả của áp lực đó trong Aftershock và cũng có thể đoán được ở những khoảnh khắc đạo diễn Phùng cố gắng truyền đạt một thông điệp khác, như hình ảnh nổi bật trong kịch bản của một chiếc cặp sách in hình quảng trường Thiên An Môn, hay việc – mà không có bất cứ sự nhận xét nào trong phim – trong một thời gian dài sau trận động đất năm 1976 không ai tới để giúp đỡ.

Cũng có những khoảnh khắc thể hiện những chi tiết tinh tế của đạo diễn Phùng: hai đứa trẻ, trước trận động đất, cùng đu đưa trước một chiếc quạt đang quay; cảnh người sĩ quan tới thăm cô con gái nuôi của mình ở trường đại học và mở ra chiếc vali đựng thức ăn mang từ quê nhà; nỗi đắng cay đột ngột của một người phụ nữ lớn tuổi: “Nó cao lắm” khi nhớ lại cậu con trai đã chết trong một tòa nhà đổ nát.

Aftershock, bộ phim Trung Quốc được đề cử cho giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất của Oscar 2010, đang được phát hành rộng rãi trên nước Mỹ. Nhưng bộ phim vẫn chỉ giới hạn ở 20 rạp chiếu trong những khu vực có đông dân cư người châu Á, điều này có thể khiến sự dự đoán của đạo diễn Phùng về sức hấp dẫn của tác phẩm của ông đáng để thảo luận.

Aftershock - Đường Sơn đại địa chấn

Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Kịch bản: Từ Tiểu Vệ; dựa trên cuốn tiểu thuyết của Trương Linh
Chỉ đạo hình ảnh: Lữ Lạc
Biên tập: Tiểu Dương
Thiết kế sản xuất: Hoắc Đình Tiêu
Âm nhạc: Vương Lê Quang
Sản xuất: Vương Trung Quân, Gio Yanhong và Hàn Tam Bình
Phát hành: China Lion Film Distribution.
Độ dài: 2 giờ 10 phút
Tác phẩm không được xếp loại
Các diễn viên: Trương Tịnh Sơ (Phương Đăng); Trần Đạo Minh (ông Vương/cha nuôi), Lý Thần (Phương Đạt), Từ Phàm (người mẹ), Trần Cấn (người mẹ nuôi), và Trương Quốc Cường (Phương Cường)


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times