Bình luận phim

First Man: Bộ phim tĩnh lặng nhất từng được làm

20/10/2018

Quá dễ hiểu: Ryan Gosling đáp xuống mặt trăng, được đạo diễn bởi nhà làm phim thiên tài đằng sau La La Land. Nhưng chưa từng có ứng cử viên giải thưởng nào thực tế, kiềm nén cảm xúc hơn khắc họa Neil Armstrong của Damien Chazelle. Liệu bộ phim tuyệt vời về mặt kỹ thuật mà lầm lì ít nói này có vượt qua bầu khí quyển ồn ào của nó?

Tĩnh lặng. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nghe khi First Man của Damien Chazelle đến đích cuối cùng. Xảy ra trên mặt trăng, nơi không có âm thanh, chỉ có cảm giác đen tối bao trùm. Trong tám phút, hầu như không có gì ngoài bề mặt mặt trăng và màu đen vô tận. Đó là một cảnh tĩnh lặng, hấp dẫn trong bộ phim thường xuyên tĩnh lặng và hấp dẫn. First Man là phim thứ tư của Chazelle, và là kỳ công về mặt kỹ thuật bay quanh quỹ đạo của một ngôi sao không tỏa sáng. Ngôi sao này là Ryan Gosling và anh khắc họa người đàn ông có lẽ là anh hùng người Mỹ trơ lì cảm xúc nhất mà chúng ta chưa từng gặp trên phim: phi hành gia NASA Neil Armstrong.

Ryan Gosling khắc họa người đàn ông có lẽ là anh hùng người Mỹ trơ lì cảm xúc nhất mà chúng ta chưa từng gặp trên phim: phi hành gia NASA Neil Armstrong

Đó là sự tương phản hấp dẫn trong hình thức — một bộ phim chìm đắm, tràn ngập căng thẳng về thể chất xoay quanh diễn xuất tĩnh lặng và kín đáo. Đây vừa là hành động chừng mực chính xác — Chazelle phần lớn dựa theo cuốn tiểu sử nghiêm ngặt về Armstrong của James Hansen năm 2005 — lẫn là một rủi ro khác thường. Không gian đã trở thành bối cảnh cho một số bộ phim hấp dẫn nhất từng được thực hiện, bắt đầu với A Trip to the Moon của Georges Méliès từ năm 1902 và tới tận trường thiên trong ngân hà High Life gần đây của Claire Denis. Những bộ phim này thường là lãnh địa không thực tế, tưởng tượng, hoặc thêm thắt. Apollo 13 là đỉnh cao của cuộc phiêu lưu ly kỳ đời thực trong không gian. Nó cũng đầy lỗi. Nhưng First Man không giống Apollo 13 hay The Right Stuff, và chắc chắn không giống tầm nhìn kỳ ảo, hiện đại về du hành giữa các vì sao như The Martian hay Gravity. Nó không quan tâm đến sự quyến rũ hay can đảm hay phi thường. First Man chỉn chu, tập trung vào khoa học và toán học của những người đàn ông du hành không gian, ngưỡng mộ chủ nghĩa khắc kỷ và sự cống hiến của họ mà không sa vào sùng bái anh hùng hay thi vị cao bồi. Chazelle làm vậy bằng cách giữ chân mình trên mặt đất.

Vào thời của Star Wars: The Force Awakens của J.J. Abrams, chuyện các nhà làm phim rao hàng việc quay lại với “hiệu ứng thực tế” đã trở thành mốt, khi tàu vũ trụ đáp xuống hành tinh sa mạc, bề mặt hành tinh đó sẽ được làm bằng than chì và nhựa tổng hợp. Đồ thật, không phải kỹ xảo CGI. Phim của Chazelle có hiệu ứng thực tế cho một tàu bay mới. Tàu vũ trụ và các tàu thử nghiệm và các trạm phóng tàu vũ trụ được chế tạo bằng bulông, bánh răng và các phụ tùng máy móc, không phải siêu-kim loại khoa học giả tưởng bóng mượt. Lửa và không khí và hao mòn đã biến những cỗ máy này thành những con tàu không chắc chắn, lung lay khiến việc di chuyển nguy hiểm — bẫy tử thần. Và, chúng ta hiểu, lái chúng đi giữa các vì sao đòi hỏi sự can đảm phi thường — gan dạ, trí tuệ và nhiều mặt khác. Để làm được như vậy đòi hỏi một chỉ huy khác thường.

Gosling có ít lời thoại hơn bất kỳ ngôi sao điện ảnh nào trong một vai diễn ngôi sao điện ảnh

First Man cũng là một bộ phim chia sẻ những tiêu chí chủ đề với các phim trước của Chazelle, đặc biệt là nỗi ám ảnh với sự khắt khe và quyết tâm mà người trẻ áp dụng để đạt được những mục tiêu phi thường. Trong La La Land, nhân vật của Gosling đánh đổi cuộc đời mình lấy âm nhạc, với cái giá phải trả là tình yêu và phẩm giá. Trong Whiplash, nhân vật của Miles Teller đánh đổi cuộc đời mình lấy âm nhạc với cái giá phải trả là tình yêu và sức khỏe thể chất. Trong Guy and Madeline on a Park Bench, Guy đánh đổi cuộc đời mình lấy âm nhạc (và một người phụ nữ khác) với cái giá phải trả là Madeline. Có một vệt rõ ràng xuyên suốt tác phẩm của Chazelle: Sự vĩ đại đòi hỏi hy sinh phi thường.

Tất nhiên, First Man không phải về âm nhạc. Và kịch bản của nó, không giống như các phim trước của anh, không do Chazelle viết. (Nhiệm vụ đó do biên kịch từng đoạt giải Oscar, Josh Singer, xử lý.) Nhưng Neil Armstrong là một nghệ sĩ theo cách riêng. Và cũng giống như những phim khác, First Man nói về nỗi ám ảnh đó, trong trường hợp này là một nhiệm vụ không gian vượt qua các tiền nhiệm, làm một bước nhảy vọt lên bề mặt của lãnh địa chưa biết. Chazelle làm điều đó bằng sự am hiểu chắc chắn, biết rõ tầm quan trọng về cuộc chạy đua không gian, những người đàn ông đã nghiên cứu và hy sinh theo cách của họ cho các vì sao, và những người phụ nữ làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời họ.

Janet Armstrong của Claire Foy mang gánh nặng của nỗi sợ hãi và sự bất chấp

Trong Janet Armstrong của Claire Foy, Gosling có một bạn diễn ngang sức ngang tài, ủng hộ tham vọng của chồng ngay cả khi anh từ chối dành cảm xúc cho gia đình. Foy, với đôi mắt giọt sương, điệu bộ kiềm chế, và mái tóc con trai, nặng hành lý cảm xúc trong phim. Cô mang gánh nặng của nỗi sợ hãi và sự bất chấp, một mỏ neo đã đứt xích. Giữa họ có tình yêu, nhưng xuyên suốt, Janet phẫn nộ với tính khắc kỷ, kiên định của anh. (Janet và Neil Armstrong ly dị sau 38 năm kết hôn.)

Neil Armstrong của Gosling không có sức mạnh thần tượng hóa của Max Roach hay sự mong manh kiểu chiến binh-bị thương của nhân vật Teller từ Whiplash. Anh có ít lời thoại hơn bất kỳ ngôi sao điện ảnh nào trong một vai diễn ngôi sao điện ảnh. Không có phát biểu hùng hồn, không có tuyên ngôn đạo đức, không có thắt nút gây sốc. Anh là một chàng trai. Một anh chàng bình thường với những chuyến đi không bình thường.

“Chúng tôi rất quan tâm đến tính hai mặt trong cuộc sống của họ,” Gosling nói với GQ, “làm thế nào các phi hành gia này sử dụng kiến thức khoa học của họ để khám phá những bí ẩn mênh mông của không gian, và đồng thời, họ sẽ phải về nhà và cắt cỏ và đổ rác. Chúng tôi đã có thuật ngữ này cho chính mình: ‘mặt trăng và bồn rửa bát’. Và tôi nghĩ đó là điều chúng tôi thực sự cố gắng hiểu, những thái cực đó có thể ra sao — và tôn vinh chúng.”

Neil Armstrong của Gosling không trơ lì cảm xúc, chỉ là một người đàn ông làm nhiệm vụ mà thôi. Đâu đó trên đường đi, điều này trở nên bị hiểu sai.

Những cuộc tranh luận nổ ra, chất vấn lòng yêu nước trong First Man, rằng không có cảnh cắm cờ Mỹ trên mặt trăng. Đây là hậu quả của nhiều bài báo không chính xác tuyên bố rằng lá cờ Mỹ không xuất hiện trong phim, hoặc bộ phim không coi trọng nước Mỹ. Thật là vô lý khó hiểu, sơn đông mãi võ. Lá cờ xuất hiện hết lần này đến lần khác trong First Man, trên bộ đồ phi hành gia, trong những cảnh trên Trái Đất, và, có, trên mặt trăng.

Nhưng quả là không đặc tả cảnh cắm lá cờ Mỹ, vì Chazelle quyết định giới hạn cái nhìn về Armstrong và tập trung vào khía cạnh nhỏ hơn, cá nhân hơn của câu chuyện khi phi hành gia này đến được mặt trăng. Đó là một lựa chọn mang tính nghệ thuật. Điều này đã làm cho bộ phim của Chazelle trở thành đối tượng ‘lãnh gạch đá’ và là ví dụ đau đớn cho thấy sự tồn tại của truyền thông ác độc của chúng ta. First Man là một bộ phim tập trung hoàn toàn vào quan điểm của một người duy nhất ít nói và làm nổi bật lên những động cơ rồi tự nhiên lại thành một ‘bao cát để bị đấm’ trong cuộc chiến giành sự chú ý. Bộ phim không bao giờ ra mặt phát biểu nó tin tưởng cái gì, đó là một trong những phẩm chất của nó — và người ta ngờ rằng đó là vì nó nói về một trong ba hoặc bốn khoảnh khắc đáng chú ý nhất lịch sử nước Mỹ. Vinh quang của sự kiện này tự thân là một tuyên bố. Ngay cả không một lời nào thì vẫn cảm nhận được tầm quan trọng.

Lukas Haas, Ryan Gosling, Corey Stoll, và đạo diễn Damien Chazelle (đứng) trên trường quay

Do đó, First Man chịu ảnh hưởng trước những ý tưởng của bất kỳ bên nào muốn giật dây. First Man có công khai yêu nước không? Người viết không nghĩ chuyện đó quan trọng, cũng không nghĩ đó là vấn đề. Chazelle quả có vẻ quan tâm đến những biểu tượng. Anh theo đuổi thứ gì đó phù du hơn; anh ngưỡng mộ Armstrong và tất cả hàng chục người đã làm việc trong sứ mạng Gemini và Apollo, truyền cảm hứng cho một thế hệ bằng những thành tựu của họ. Anh đang cố gắng để thông qua sự tôn trọng này mà không phức tạp hóa những con người khó khăn. Đây là những ý niệm phổ biến về con người, chứ không phải là tầm nhìn về sự vĩ đại. First Man là một thành tựu hùng vĩ trong việc làm phim bởi một đạo diễn có vẻ là người không thích tranh cãi, chỉ muốn tiếp tục làm những bộ phim hay hơn nữa. Tuy nhiên, thế nào đó anh lại thấy mình vướng trong mớ hỗn độn này.

Nhớ giải Oscar năm 2017 không? Một lễ trao giải tuyệt vời. Đã không có và vẫn chưa có chương trình trao giải nào với một kết thúc kịch tính, ẩn dụ như vậy. Thật không may, điều đó đến với cái giá là La La Land của Chazelle, đã thắng và sau đó lại không thắng giải Phim hay nhất. Nhưng Chazelle đã mang về nhà tượng vàng đạo diễn xuất sắc nhất, và ở tuổi 32, anh là người chiến thắng trẻ tuổi nhất từ trước tới nay.

Không chắc người viết đúng về chuyện này. Chazelle là một trong những nhà làm phim trẻ cuốn hút nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nhưng xem First Man, người viết thấy mình thường ấn tượng hơn là say mê. Anh tự tin mình là một nhà làm phim hơn bao giờ hết, nhưng những phim trước đây của anh cảm giác giống như những tuyên bố sứ mệnh cá nhân sôi nổi. Chúng vui vẻ. Chúng siêu phàm. Điêu luyện. Rốt cuộc, chúng ta có được khoảnh khắc “Một bước đi nhỏ của một con người…” nổi tiếng của Armstrong, và đó là sự tán dương thế giới-đoàn kết và cao thượng.

Chúng ta biết phim sẽ đi tới đâu và chúng ta rất vui được đến đó. Chazelle vẫn có biệt tài cho kết phim, ngay cả với những cái kết mà chúng ta có thể nhìn từ xa cả ngàn dặm. Hy vọng lần tới chúng ta không phải nhìn thấy từ xa cỡ đó.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Ringer