Bình luận phim

Inu-Oh: Nhạc kịch rock nổi loạn ngất ngây của nhà sáng tạo anime ngông cuồng nhất Masaaki Yuasa

21/10/2022

Xét hình thức phóng khoáng, tư duy hướng tới trong các tác phẩm hoạt hình của Masaaki Yuasa, thì thật thú vị vì bộ phim mới nhất của ông, Inu-Oh, bắt đầu bằng cách nhìn lại quá khứ.

Người đồng sáng lập studio Science Saru và là đạo diễn của Keep Your Hands off Eizouken!Ride Your Wave xuyên qua nhiều thế kỷ trong phút đầu tiên của Inu-Oh, bắt đầu từ thời hiện đại và tua lại hàng trăm năm đến một thời điểm, với các tòa nhà tự hủy trước mắt người xem. Phân rã rồi tái dựng lịch sử với nhịp độ nhanh như thế mới chỉ là một hương vị của những gì sắp xảy ra: Bộ phim gói gọn rất nhiều vào thời lượng cô đọng.

Tomona bắt đầu hành trình đơn độc làm nhạc công tỳ bà mù lang thang, lưu giữ những câu chuyện về Heike qua bài hát

Khám phá ngụy lịch sử ẩn của nghệ thuật và chủ nghĩa độc tài, Inu-Oh phát hiện háo hức mà u uất điểm giao thoa và xung đột của hai yếu tố này. Đó là một vở opera rock khoa trương, ảo giác, nhưng giữa bao nhiêu động năng đó, Yuasa ngẫm nghĩ những câu chuyện mất đi khi các thực thể xã hội có tính kiểm soát hơn nỗ lực kiểm soát cách sáng tạo và phân phối nghệ thuật.

Yuasa đã từng thực hiện các phân cảnh âm nhạc rồi: ảo giác dục vọng trong Mind Game, hài kịch sân khấu mở rộng trong The Night Is Short, Walk on Girl, nhìn lại người thân đã mất trong Ride Your Wave. Song, mặc dù dấu vết của những dự án quá khứ này được cảm nhận xuyên suốt Inu-Oh, bộ phim vẫn mang lại cảm giác mới mẻ và sáng tạo khi tập trung những điều kỳ quặc của đạo diễn vào việc xét lại lịch sử tràn ngập niềm vui lẫn nỗi bi thảm.

Dựa trên tiểu thuyết của Hideo Furukawa, bộ phim lấy bối cảnh Nhật Bản thế kỷ 14 trong thời kỳ Muromachi, điêu tàn sau Chiến tranh Genpei năm 1180-1185. Khi gia tộc Ashikaga nhẫn tâm bảo vệ quyền lực, đã lặng lẽ chôn vùi gia tộc Heike bằng cách kiểm soát lịch sử và kiểm duyệt những câu chuyện về gia tộc này.

Anh sớm gặp Inu-Oh, một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, giấu mặt sau mặt nạ hồ lô

Trong một lần lặn ngoài biển khơi tìm kho báu Heike, cậu bé Tomona, một trong hai vai chính của bộ phim, đã tìm thấy món đồ tạo tác mang đến tai họa. Tomona mất cha và thị lực ngay sau đó, và chẳng bao lâu mẹ anh cũng chết vì đau buồn. Tomona bắt đầu hành trình đơn độc làm nhạc công tỳ bà mù lang thang, lưu giữ những câu chuyện về Heike qua bài hát. Anh sớm gặp Inu-Oh (tạm dịch là “Khuyển Vương” — lần đầu tiên người xem nhìn thấy anh là cảnh anh đang ăn cùng những con chó), một đứa trẻ sinh ra với lời nguyền không rõ nguồn gốc, bị xa lánh vì vẻ ngoài của mình. Inu-Oh giấu mặt sau mặt nạ hồ lô. Lấy cảm hứng từ những truyền thuyết mơ hồ xung quanh một nghệ sĩ biểu diễn Noh có thật có tên đó, bộ phim mở rộng dựa trên thông tin hiếm hoi và tưởng tượng Inu-Oh là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, thành tựu có thật của họ bị loại khỏi ghi chép lịch sử.

Lần đầu gặp nhau, ngay lập tức hai người cảm nhận ý nghĩa vì cách Yuasa sử dụng góc nhìn chủ thể. Trước khi Tomona và Inu-Oh gặp nhau, cách nhìn của họ được đưa vào cảnh quay đối chiếu. Thể hiện cái nhìn qua lỗ của Inu-Oh chạy đua băng đường phố và trên các mái nhà, gây kinh hoàng cho người xem. Đó là một màn trình diễn quái dị châm biếm, khi anh cam chịu bị tẩy chay bằng cách nghiêng về hành vi xa lánh. Tomona tĩnh tại hơn. Việc anh thích nghi với tình trạng mù lòa được miêu tả bằng những nét vẽ sơn dầu, rộng. Âm thanh và cảm nhận mưa và các tăng nhân tỳ xuất hiện bằng ảnh cắt bóng mơ hồ qua các giác quan của Tomona, khi Yuasa tìm thấy chút khả năng âm nhạc trong các hoạt động hằng ngày, chú ý cẩn thận đến những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống của con người.

Inu-Oh kết hợp kịch Noh với trải nghiệm văn hóa đại chúng đương đại hơn

Đó là minh chứng ban đầu cho sức mạnh của cách kể chuyện bằng hình ảnh, ngay cả trong không khí âm nhạc hưng phấn của bộ phim. Và sau đó, chúng ta thấy sự phấn khích của cả hai nhân vật khi truyền tải quan điểm của họ cho người khác, sử dụng nghệ thuật của họ để miêu tả cách họ nhìn thế giới. Họ học hỏi lẫn nhau — Tomona tiếp nhận một số tinh thần ngông cuồng của Inu-Oh, trong khi Inu-Oh tiếp thu sự nhạy cảm của Tomona. Tăng nhân tỳ bà lang thang thời đó thường trình diễn những câu chuyện về Heike, nhưng cùng nhau, cả hai đã tái hiện và phục hồi xu hướng này. Mỗi khi gặp linh hồn của những người Heike đã khuất, họ sẽ tìm thấy những câu chuyện mới để kể.

Họ tìm thấy mục đích trong việc ca hát và biểu diễn câu chuyện của các thành viên trong gia tộc này với phong cách điện tử mới, và bộ phim nhanh chóng chuyển sang tiền đề thú vị: Nếu cơn cuồng Beatle xảy ra cách đây 600 năm thì như thế nào? Yuasa và biên kịch Akiko Nogi tưởng tượng ra hai phản ứng ngoại cỡ đối với sự nổi tiếng của Inu-Oh và Tomona: Công chúng trở nên cuồng nhiệt và chính quyền trở nên nghi ngờ, lo sợ tính lật đổ, đặc biệt là khi âm nhạc bắt đầu lan truyền lịch sử mà chính quyền đã chủ ý đàn áp. Nhưng xử lý sức nặng của lịch sử bao nhiêu thì Inu-Oh cũng tuyệt đối đam mê trình diễn bấy nhiêu.

Khi bộ phim tái hiện kịch tính lịch sử thành nhạc kịch, Inu-Oh và Tomona tái tạo mình thành những ngôi sao nhạc rock của kịch Noh

Là đạo diễn, Yuasa nổi tiếng với tính linh hoạt co giãn ly kỳ của các nhân vật, và tìm kiếm cùng một loại tự do hoan hỉ mà Inu-Oh và Tomona đang khám phá. Trong Inu-Oh, Yuasa và Nogi giải phóng nghệ thuật giải trí miễn phí truyền thống Nhật Bản ra khỏi những kỳ vọng của truyền thống. Inu-Oh kết hợp kịch Noh với trải nghiệm văn hóa đại chúng đương đại hơn. Inu-Oh hát ở những nốt cao xuyên thấu (do Avu-chan của ban nhạc Queen Bee cung cấp) và Tomona bổ sung cho anh giọng hát mãnh liệt, dữ dội không kém (của diễn viên Mirai Moriyama). Tiếng đàn guitar điện thay thế các nhạc cụ truyền thống, và hai người đàn ông đã hoàn thành màn trình diễn trên sân khấu với nghệ thuật biểu diễn kiểu Freddie Mercury: Một bài hát chuyển sang nhịp điệu của We Will Rock You, trong khi một bài hát khác, có tên Dragon Commander, mô phỏng ca từ dồn dập và phần hòa âm phối khí của Bohemian Rhapsody.

Thay vì ca vũ nhạc kinh điển, các phân cảnh âm nhạc của bộ phim trông như màn biểu diễn đương đại, hoàn chỉnh bằng trình diễn ánh sáng, sự tham gia của đám đông và thậm chí cả những nhân viên bảo vệ mặc đồ đen. Ngoài các bài hát, phần còn lại của nhạc phim vẫn duy trì nhịp vui tươi này, khi nghệ sĩ chơi nhạc cụ kiêm nghệ sĩ xoay bàn đĩa Yoshihide Otomo đưa các âm sắc điện tử vào thời phong kiến.

Tính cách điệu tập trung vào vẻ đẹp, khi máy quay chiêm ngưỡng Tomona — bây giờ là Tomoari — và hình thể uyển chuyển, rắn chắc cùng những động tác xoay người đầy khiêu khích khiến anh trở thành biểu tượng tình dục cho đám đông gào rú

Khi bộ phim tái hiện kịch tính lịch sử thành nhạc kịch, Inu-Oh và Tomona tái tạo mình thành những ngôi sao nhạc rock của kịch Noh. Tomona gảy đàn tỳ bà sau lưng như Jimi Hendrix, hoặc xoay người như Elvis trong bộ lễ phục tăng nhân tỳ bà được cải biên cho giống quần ống loe và áo cổ chữ V sâu của bộ áo liền quần màu thạch anh mang tính biểu tượng của Ông Hoàng Nhạc Rock. Sau đó, anh làm đám đông say mê và khiến các lãnh chúa bối rối vì phong cách thời trang ái nam ái nữ của mình.

Miêu tả phản ứng của đám đông cũng sai niên đại, khi nông dân nhảy breakdance và thậm chí nhảy qua một đường tàu Soul Train. Trong khi đó, ở nơi mà Inu-Oh từng bị coi thường và sợ hãi vì ngoại hình, thì tư cách nghệ sĩ của anh khiến chính cùng những phẩm chất đó được tôn sùng và thần thoại hóa. Và khi âm nhạc của họ xoa dịu những linh hồn Heike chưa yên nghỉ mà họ giao tiếp, cơ thể của Inu-Oh cũng biến đổi.

Thay vì ca vũ nhạc kinh điển, các phân cảnh âm nhạc của bộ phim trông như các màn biểu diễn đương đại, hoàn chỉnh bằng trình diễn ánh sáng

Tuy Yuasa phóng tay trong hình dạng khác thường của Inu-Oh, động tác khiêu vũ phi thường, và giọng hát thiên thần, ông cũng dấn vào công việc hậu cần kỹ thuật và hiệu ứng của các buổi hòa nhạc đến mức quá trình có cảm giác hoàn toàn chân thực. Ông dẫn dụ khán giả tìm kiếm điều kỳ diệu, như thể họ đang xem một màn trình diễn thực sự. Đó là hiệu ứng ảo ảnh đích thực sững sờ cho bộ phim cảm giác nhập vai hơn nữa. Đó chính là cách Inu-Oh quan tâm sâu sắc các kết cấu và cách nhìn khác nhau trong lịch sử, thể hiện qua việc kết hợp tranh cổ điển, và thậm chí là tựa đề của bộ phim xuất hiện từng miếng chắp vá trên màn ảnh, mô phỏng bộ quần áo vải vụn tự ráp sờn rách của Inu-Oh.

Yuasa lắp ráp bộ phim thông qua các loại hình truyền thông hỗn hợp, khám phá không gian với hoạt hình vi tính 3D hoặc hình ảnh hoạt hình nổi rõ hẳn. Các màn trình diễn sân khấu không phải là trọng tâm duy nhất của bộ phim — có xen chút kinh dị kiểu kẻ giết người khi một nhân vật bí ẩn rình rập và giết các tăng nhân tỳ bà lang thang, và thậm chí là trải nghiệm thoát xác sẽ khiến một số người nhớ lại 2001: A Space Odyssey.

Yuasa lắp ráp bộ phim thông qua các loại hình truyền thông hỗn hợp

Cũng có những điểm đồng điệu với Devilman Crybaby của Yuasa, trong mối quan hệ thân thiết giữa Inu-Oh và Tomona và diễn xuất linh hoạt giới tính, ghi điểm ngang bằng với khám phá chủ nghĩa bài ngoại của Devilman Crybaby. Nhưng thay cho sự xuất hiện lập dị, ở thế giới khác của Akira và Ryo trong Devilman, được Taiyo Matsumoto (luôn đồng hành với sự nhạy cảm của Yuasa, từ lần hợp tác trước đây của họ trong Ping Pong: The Animation) thiết kế, có cảm giác các nhân vật trong Inu-Oh là những con người vừa được cách điệu hóa vừa có phần thô kệch. Tính cách điệu tập trung vào vẻ đẹp, khi máy quay chiêm ngưỡng Tomona — bây giờ là Tomoari — và hình thể uyển chuyển, rắn chắc cùng những động tác xoay người đầy khiêu khích khiến anh trở thành biểu tượng tình dục cho đám đông gào rú.

Hai nhạc sĩ cũng là nhân chứng cho một lịch sử bị che giấu và có chút cảm giác bi thảm vì Inu-Oh kể chuyện của người chết. Mặc dù Yuasa đẩy nghệ thuật chống lại một chính phủ áp bức, bộ phim không ngây thơ về giới hạn trần của sự thẳng thắn. Có cảm giác cái kết luận rằng tính lật đổ của hai nhân vật là để chống đối sự bảo thủ đã bị bỏ qua. Đó vừa là lời tái bút bi thảm cho sự kết thúc thời Heike cai trị, vừa có lẽ là suy ngẫm của Yuasa về tác động mà tác phẩm của ông sẽ để lại, khả năng là gieo suy nghĩ vấn vương cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Bộ phim phát chiếu đầu và cuối câu chuyện hình ảnh các tăng nhân tỳ bà và người kể chuyện bị giết, những nhánh lịch sử bị cắt bỏ một cách thô bạo bởi những người muốn định hình lại sản phẩm cuối cùng.

Hai nhạc sĩ cũng là nhân chứng cho một lịch sử bị che giấu và có chút cảm giác bi thảm vì Inu-Oh kể chuyện của người chết

Nhưng dẫu vậy Inu-Oh vẫn có một chút lạc quan, trong hành động của các nghệ sĩ sống cho chính mình, trong sự bất tử của việc tạo ra tác phẩm để lại lâu dài, những câu chuyện phát triển vượt quá người sáng tạo và vượt ra ngoài sự kiểm soát áp bức của bất kỳ ai.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Polygon