Bình luận phim

Theo dấu chân đẫm nước mắt của công nhân Trung Quốc

10/01/2011

Trong bộ phim tài liệu trầm lặng Last Train Home (tạm dịch: Chuyến tàu cuối cùng về nhà), những công nhân di cư người Trung Quốc nằm túm tụm trong một toa xe lửa, mồ hôi ướt đẫm trong chuyến đi về nhà ăn tết hàng năm. Một chàng trai trẻ đả kích lại phương tây, oán trách một cách chua chát rằng những người tiêu dùng Mỹ mua hàng Trung Quốc giá rẻ do anh ta làm ra cũng sẽ chi dùng số tiền lương cao hơn của họ vào những khoản tùy ý; trong khi anh ta, người làm ra những hàng hóa đó, phải gửi gần như toàn bộ thu nhập về nhà để nuôi gia đình.

Phạm Lập Hân, người quay, biên tập và đạo diễn bộ phim, có lẽ đã chọn gắn bó với đại biểu nóng nảy này của đất nước Trung Hoa mới. Thay vì ống kính của anh hướng vào một đôi trung niên đang ngồi trong im lặng. Zhang Changhua và Cheng Suqin, những người đi chuyến này hàng năm để về thăm những đứa con họ đã bỏ lại cách đây gần hai thập kỷ, thuộc về một thế hệ gần như đã bị lãng quên trong số gần 130 triệu công nhân di trú, những người đã phải hy sinh những năm tháng làm việc năng suất nhất, và có thể là cả sự toàn vẹn của gia đình họ, để phục vụ cho cuộc tấn công liều lĩnh của Trung Quốc vào vương triều kinh tế toàn cầu.

Poster phim Last Train Home

“Nhiều lần tôi đã rơi nước mắt vì những cảnh khổ cực này,” đạo diễn Phạm nói khi ngồi trong phòng chờ tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương ở Los Angeles, nơi bộ phim Last Train Home được chiếu vào tháng 5 sau khi được khen ngợi tại Liên hoan phim Sudance. “Nếu bạn ở trên chuyến tàu này với hàng trăm người di cư xung quanh – nó hôi thối, nó dơ bẩn, và mọi người đều cố sống còn, chỉ để được nhìn thấy các con của mình.”

Năm 2006, Phạm Lập Hân và nhóm ba nhân viên nòng cốt bắt đầu dẫn chứng những hậu quả của cuộc thay đổi công nghiệp vào gia đình mà anh đã cùng chung sống thỉnh thoảng trong ba năm này.

Anh Zhang và chị Cheng rời bỏ ngôi làng của họ ở Tứ Xuyên – cũng là quê nhà của đạo diễn Phạm và là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất Trung Quốc – để đến làm việc ở Quảng Châu, đầu mối sản xuất quần jean vải bông chéo lớn nhất thế giới. Bộ phim cắt giữa cảnh phân xưởng nơi hai người làm việc quần quật suốt bảy ngày trong tuần; và một miền quê điền viên nhưng nghèo kinh niên, nơi đó họ về thăm cậu con trai nhỏ và cô con gái tuổi thiếu niên của mình, được bà của chúng – một người bà mòn mỏi nhưng không hề than phiền, từng trải qua cảnh thiếu thốn thậm chí còn trầm trọng hơn dưới thời Mao Trạch Đông – nuôi dưỡng.

Phạm Lập Hân, người đàn ông 33 tuổi dong dỏng cao, vui vẻ viện dẫn khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của mình là do “chiến đấu với cô bạn gái người Mỹ gốc Hoa”, đã cho thấy sự thấu hiểu của một nhà xã hội học về cuộc thay đổi rộng rãi đã làm khổ những công nhân như đôi vợ chồng này. Việc thiếu trợ cấp cho nông trường và chiếm hữu đất trồng để xây dựng đô thị đã làm tê liệt nông nghiệp, trong khi đó hệ thống đăng ký hộ khẩu lỗi thời từ chối các dịch vụ giáo dục và xã hội cho người dân di trú từ nông thôn vào thành phố đã tạo ra sự phân biệt giai cấp sâu sắc, và tạo ra tình trạng căng thẳng không thể chối cãi trong gia đình Trung Hoa vốn có truyền thống gắn bó.

Phạm Lập Hân – người quay, biên tập và đạo diễn phim Last Train Home [Ảnh: New York Times]

Những cảnh quay trạm xe lửa xuống cấp trong phim – với cái nhìn bao quát về những đám đông nản lòng, bị kìm chặt bởi những nhân viên cảnh sát cầm dùi cui trong tay – đã tô đậm những thay đổi này cũng như bóng ma nội chiến đang lớn dần lên. “Chính quyền không có kinh nghiệm giải quyết những bất đồng,” Phạm Lập Hân cẩn thận nói. “Thế nên nội chiến có thể là chuyện khủng khiếp. Trong khi tôi thực hiện bộ phim này, rất khó để tính toán xem nên hướng tập trung vào đâu. Vào chính quyền? Vào chủ nhân các xí nghiệp và các tập đoàn? Vào phương tây? Tôi không đứng ở vị thế chính đáng để trả lời, nhưng tôi hy vọng đề ra câu hỏi này cho khán giả của tôi.”

Đạo diễn Phạm đã gặp phải một cuộc chống đối chính thức khá nghiêm trọng, có lẽ là do thái độ xuề xòa của anh, hoặc do những vấn đề mang tính quốc gia phần lớn được giữ trong bối cảnh của bộ phim sâu sắc sẽ công chiếu vào ngày 27/8 tại trung tâm IFC ở Greenwich Village này.

Để có được sự tin tưởng của gia đình công nhân này, đạo diễn Phạm và nhóm nhân viên của anh đã ăn uống cùng họ trong khu ký túc xá ở Quảng Châu, chỉ họ cách điều khiển chiếc micro không dây mà họ thường xuyên đeo, và còn ngủ trên đống quần jean ấm áp do đôi vợ chồng này làm ra trong khi đoàn phim chờ tiếp cận họ sau khi họ tan ca vào nửa đêm. “Khoảng 15 phút lên phim, sau khi chuyến tàu đầu tiên đó lướt đi,” anh nói một cách tự hào, “chúng tôi đã biết nhau cả năm trời.”

“Người mẹ từng nói với tôi là họ làm việc trong 29 ngày, 15 tiếng liên tục mỗi ngày,” đạo diễn Phạm cho biết. “Các ký túc xá ở ngay bên kia đường đến xí nghiệp, nên chỉ mất đúng một phút để đi từ máy may đến giường ngủ của họ. Thế nên đây chính là những gì họ đã làm trong tháng đó – máy may, giường ngủ, máy may, giường ngủ.”

Zhang Qin, 17 tuổi – cô bé nổi loạn, độc lập và thông minh, đã phản kháng lại cha mẹ
để làm theo cách riêng của mình
[Ảnh: New York Times]

Ở nhà, anh Zhang và chị Cheng đối mặt với cô con gái đang phẫn nộ sâu sắc của họ là Qin, 17 tuổi, cô bé phản kháng lại sức ép của cha mẹ để lấy được thứ hạng họ thấy trên hộ chiếu của cô nhằm có cuộc sống tốt hơn. Đến một điểm khi tình trạng căng thẳng đang kìm nén bỗng bộc phát, buộc đạo diễn Phạm phải quyết định can thiệp. “Con trẻ chỉ muốn chúng được chú ý hơn, và bố mẹ lại không ở gần bên,” anh nói. “Bố mẹ đều biết giáo dục là con đường duy nhất, như chúng ta gọi thế, để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng Qin, cô bé nổi loạn, độc lập và thông minh, lại làm theo cách riêng của mình.”

Phạm Lập Hân vẫn không tin rằng gia đình Trung Quốc lại gần như sụp đổ thế này. “Sâu thẳm trong lòng chúng ta vẫn hướng về gia đình. Khi Qin lớn hơn một tí, con bé sẽ hiểu ra điều đó,” anh nói.

Anh cười nói thêm: “Tôi vẫn gọi cho mẹ tôi mỗi ngày.”

Gia đình công nhân trong phim – anh Zhang Changhua, chị Cheng Suqin
và cô con gái Zhang Qin

Nếu đạo diễn Phạm thuộc về thế hệ mới các nhà làm phim thông hiểu internet, tiếp thu những tư tưởng phương tây, thì những ảnh hưởng về tinh thần, trí tuệ, và điện ảnh của anh phản ánh cả tính truyền thống cổ điển lẫn hiện đại. Cha anh là giáo sư đại học và là người điều khiển máy chiếu trong rạp hát, và đạo diễn Phạm trưởng thành cùng với việc xem các bộ phim nước ngoài. Giống như nhiều người thuộc thế hệ của mình, anh rời nhà đến Bắc Kinh, sau đó từ bỏ một công việc có uy tín ở CCTV (“Mẹ tôi đã nghĩ là tôi điên rồi”), chuyển đến Canada một thời gian ngắn trước khi làm người phụ trách tạo âm kiêm trợ lý sản xuất của bộ phim tài liệu rất được đón nhận năm 2007 Up the Yangtze, nói về một cuộc chuyển chỗ đại trà do việc xây dựng đập thủy điện Trường Giang Tam Hạp gây ra.

Daniel Cross, chủ tịch hãng EyesteelFilm ở Montreal, nơi sản xuất Up the Yangtze và là nhà đồng sản xuất của Last Train Home cùng với công ty cáp truyền hình ITVS – đơn vị giữ bản quyền truyền hình ở bắc Mỹ - đã nói: “Phạm Lập Hân không đến từ những trung tâm văn hóa chịu ảnh hưởng bởi nước ngoài. Anh ấy đến từ miền quê, và điều đó làm anh trở nên độc nhất.”

Phạm Lập Hân cho biết anh là một người sùng đạo Lão, và cách nhìn của anh về sự tác động lẫn nhau giữa cái đẹp và cái xấu chịu ảnh hưởng từ cái anh gọi là “thơ ca sử thi” của Giả Chương Kha, đạo diễn của tác phẩm The World năm 2004 kể về một nhân viên trẻ tuổi của một công viên giải trí khổng lồ đã tái tạo những địa điểm du lịch nổi tiếng của thế giới.

“Tôi nhìn thấy nhiều triết lý Trung Hoa trong phim của Giả Chương Kha,” đạo diễn Phạm nói, thêm rằng anh hy vọng gieo giống cho dự án kế tiếp của mình, một bộ phim tài liệu về “sáng kiến xanh”, tập trung vào nông trường gió do nhà nước tài trợ ở con đường tơ lụa thuộc sa mạc Gobi, bằng số tiền kiếm được từ Last Train Home.

“Tôi sẽ quay phim ở đó và ở một trường học vùng núi hẻo lánh, nơi khởi nguồn của triết lý Lão giáo. Ở đó họ thu nạp trẻ em tá điền, dạy chúng Thái cực và võ thuật. Đó là âm và dương, là giữ cân bằng giữa mong muốn của con người với những cái thiên nhiên có thể cho bạn,” anh nói.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times