Giải thưởng - LHP

Cannes 2018: Đây không phải giải Nobel Hòa bình, đây là Cành cọ vàng

10/05/2018

Liên hoan phim Cannes kỳ thứ 71 kéo dài 12 ngày đã khai mạc với một nụ cười gượng ở Riviera nước Pháp hôm thứ ba 8/5 khi thành công nấp sau lưng diễn viên hạng A Cate Blanchett của Hollywood, trong vai trò chủ tịch ban giám khảo, và lảng tránh các câu hỏi về Harvey Weinstein, phong trào #MeToo và kỷ lục ảm đạm về sự công nhận các nhà làm phim nữ tài năng của liên hoan năm nay.

...

Cate Blanchett, chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Cannes lần thứ 71, trên sân khấu lễ khai mạc

Weinstein có lẽ không có mặt trong gian phòng mà Blanchett đến dự buổi họp báo sau khi chụp ảnh với tám thành viên ban giám khảo khác trên Boulevard de la Croisette, đối diện khách sạn Majestic, một trong hai khách sạn nơi ông Weinstein bị buộc tội tấn công bốn phụ nữ, nhưng cái bóng của ông ta vẫn lù lù lúc chiếc mic được chuyền từ nhà báo này sang nhà báo khác trong phòng.

Hầu hết mọi người đều muốn biết, thông qua các câu hỏi đóng khung, Liên hoan phim Cannes sẽ thay đổi như thế nào, phản ứng ra sao với văn hóa phớt lờ những người phụ nữ tài năng trong ngành công nghiệp điện ảnh, và liệu liên hoan sẽ có hành động quả quyết, trong việc quyết định trao Cành cọ vàng năm nay cho ai, không.

“Đây không phải giải Nobel Hòa bình, đây là Cành cọ vàng,” Blanchett nói, cố gắng đặt sự việc vào đúng bối cảnh. “Để những thay đổi sâu sắc xảy ra, cần phải diễn ra qua những hành động cụ thể,” cô nói thêm.

Mặc dù chỉ có ba phim do phụ nữ đạo diễn trong số 21 phim được chọn cạnh tranh chiếc cúp danh giá còn được gọi là Cành cọ vàng, Blanchett không hề nao núng vì cô đã có chỗ dựa vững chắc là một ban giám khảo đa dạng.

Cate Blanchett, giữa, cùng các giám khảo nữ khác gồm nữ diễn viên Lea Seydoux, thứ hai từ trái qua; đạo diễn/biên kịch Ava DuVernay, thứ tư từ trái qua; nữ diễn viên Kristen Stewart; và ca sĩ Burundi Khadja Nin, phải

Trong số chín thành viên ban giám khảo, năm người là phụ nữ. Trong số năm người này, một là đạo diễn người Mỹ gốc Phi Ava DuVernay (được đề cử Quả cầu vàng cho phim Selma, 2014), và có Khadja Nin, ca sĩ-nhạc sĩ đến từ Burundi.

Trong số ba giám khảo nữ da trắng, hai người — ngay chính Blanchett và nữ diễn viên người Pháp Lea Seydoux (Blue is the Warmest Colour) — đã công khai nói ra việc bị Weinstein quấy rối tình dục.

Và trong số bốn giám khảo nam thì một là diễn viên Trung Quốc (Trương Chấn), một đạo diễn người Canada (Denis Villeneuve), biên kịch-đạo diễn người Nga Andrey Zvyaginstsev đã làm Loveless, vẫn là một trong những phim hay nhất năm 2017.

“Liệu (MeToo) sẽ có tác động trực tiếp đến các bộ phim tranh giải năm nay, sáu, chín tháng tới không? Không rõ. Có nhiều phụ nữ trong hạng mục cạnh tranh nhưng họ không ở đó vì giới tính của họ, họ ở đó vì chất lượng tác phẩm của họ… Tôi có muốn thấy nhiều phụ nữ hơn tranh giải không? Nhất định là muốn rồi. Tôi có hy vọng và hy vọng rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai không? Tôi hy vọng thế,” cô nói.

Giám đốc Liên hoan Cannes, T. Frémaux (thứ hai từ phải qua), cùng dàn diễn viên và đạo diễn bộ phim Everybody Knows, phim khai mạc hạng mục tranh giải Cành cọ vàng

Mặc dù Blanchett và tám thành viên khác của ban giám khảo nói rằng các bộ phim sẽ được đánh giá dựa trên phẩm chất, sẽ rất khó lòng phớt lờ các yếu tố ngoại vi và nội tại đi cùng với nhiều phim.

Trong số các đạo diễn, ban giám khảo sẽ xem xét để trao tặng Cành cọ vàng — được Chopard chế tác thủ công nặng 118 gram vàng 18 cara và trị giá khoảng 20.000 euro — có hai người bị quản thúc tại quê hương.

Iran Jafar Panahi, có phim 3 Face dự tranh, và đạo diễn phim Leto (hay Summer) Kirill Serebrennikov người Nga, là những người chỉ trích chính phủ nước họ và sẽ không có mặt để nhận giải thưởng nếu giải thưởng đến với họ.

Rồi phim Dogman của đạo diễn người Ý Matteo Garrone có diễn viên chính, Aniello Arena, đã bị kết tội bắn ba côn đồ Naples vào năm 1991, và đang bị tù chung thân. Anh được ra ngoài trong ngày để quay phim, và trở về nhà tù mỗi tối.

Cảnh trong phim Dogman

Số phận của bộ phim bế mạc liên hoan, The Man Who Killed Don Quixote của Terry Gilliam, thường được gọi là “bị nguyền rủa” vì mất 20 năm triển khai, vẫn còn vướng kiện tụng.

Nhà sản xuất người Bồ Đào Nha Paulo Branco tuyên bố ông có quyền đối với bộ phim và kiện các nhà tổ chức Cannes ngăn không cho họ trình chiếu bộ phim.

Theo báo chí đưa tin là có ngân sách 20.000.000 euro, liên hoan đã đặt niềm tin vào đạo diễn Gilliam và đang chống án, với hy vọng rằng phán quyết hôm thứ tư không gây ngăn trở.

Liên hoan làm điều này bất chấp việc đạo diễn Gilliam đã công khai chỉ trích phong trào #MeToo.

Terry Gilliam (phải) trên trường quay The Man Who Killed Don Quixote, phim bế mạc Cannes. Tin mới nhất cho biết nhà đạo diễn bị tai biến nhẹ trong lúc chờ đợi phán quyết của tòa án*

“Harvey mở cửa phòng cho một vài người, một đêm với Harvey—đó là cái giá mà bạn phải trả... Tôi nghĩ có người đã được lợi rất nhiều từ việc gặp gỡ Harvey và có người không... Những người đã có lợi, biết họ đang làm gì. Đây là những người lớn; chúng ta đang nói về những người lớn có rất nhiều tham vọng,” ông đã nói trong các cuộc phỏng vấn.

Vào tối thứ bảy tuần này, khoảng 100 nữ diễn viên và đạo diễn nữ hàng đầu sẽ biểu diễn một cuộc biểu tình trên thảm đỏ tại Liên hoan phim Cannes để ủng hộ phong trào #MeToo chống nạn quấy rối tình dục, với sự hỗ trợ của Liên hoan phim Cannes.

“Không chỉ Cannes, mà cả thế giới đã thay đổi vào tháng 9 năm ngoái... Đó sẽ là một cuộc diễu hành dành riêng cho những người phụ nữ của ngành điện ảnh,” giám đốc Cannes Thierry Fremaux nói.

Cành cọ vàng danh giá

Tất cả các thành viên nữ của ban giám khảo đều giơ tay khi được hỏi liệu họ có tham gia cuộc diễu hành hay không. Bộ phim nào họ sẽ giơ tay vào cuối liên hoan mới là chuyện mọi người muốn biết.

Dữ kiện cho bạn một cái nhìn khác về Cannes

Nằm trong hạng mục mới Cannes Classic của Liên hoan phim Cannes, một bộ phim tài liệu về đạo diễn nữ đầu tiên của điện ảnh sẽ ra mắt vào cuối tuần này.

Đối với nhiều khán giả, Be Natural: The Untold Story of Alice Guy-Blaché có thể sẽ là lần đầu tiên họ biết đến Alice Guy-Blaché, người phụ nữ Pháp đạo diễn 1.000 bộ phim câm và sở hữu hãng chế tác lớn nhất bên ngoài Hollywood. Blaché — và nhiều đạo diễn nữ khác làm việc trong thời phim câm — đi tiên phong trong mô hình đương đại về một đạo diễn điện ảnh.

Alice Guy-Blaché, người phụ nữ Pháp đạo diễn 1.000 bộ phim câm và sở hữu hãng chế tác lớn nhất bên ngoài Hollywood

Giữa bao nhiêu liên hoan phim trên đời này, có một sự mỉa mai không thể phủ nhận trong việc một bộ phim tài liệu về nhà đạo diễn nữ tiên phong ra mắt ở Cannes. Năm 1993, Jane Campion trở thành nhà làm phim nữ đầu tiên đoạt Cành cọ vàng, vinh dự cao nhất của liên hoan (thực ra, cô đã chia sẻ giải thưởng với đạo diễn Trần Khải Ca). Và cho đến tận năm ngoái, Campion vẫn là người phụ nữ duy nhất giành được Cành cọ vàng. Trong 63 năm Cành cọ vàng lấp lánh đã được trao cho các đạo diễn, chỉ có The Piano của Campion được cho là xứng đáng với những gì mà giám đốc liên hoan Thierry Frémaux gọi là “chén thánh khiến các nhà làm phim quay quắt vì ham muốn.”

Thống kê này đại diện cho vấn đề lớn hơn của Cannes với sự cân bằng giới trong dàn phim Cannes. Năm nay, chỉ có ba trong số 21 phim hạng mục tranh giải do phụ nữ đạo diễn — một sự cải thiện so với các kỳ liên hoan năm 2005, 2010 và 2012, khi không có phụ nữ nào được đưa vào hạng mục tranh giải. Mặc dù hơn 20 phụ nữ sẽ ra mắt phim của họ ở khắp các hạng mục tại Cannes, hầu hết là thuộc hạng mục Un Certain Regard, nơi công nhận những người mới. Những bộ phim này không đủ điều kiện tranh Cành cọ vàng.

Một số cảnh trong bộ phim tài liệu Be Natural: The Untold Story of Alice Guy-Blaché

Năm ngoái, Campion bày tỏ sự ngạc nhiên về việc bà vẫn là người phụ nữ duy nhất thắng giải, sau ngần ấy thời gian. “Quá lâu! Hai mươi bốn năm! Và trước đó, không có ai. Thật là điên,” Campion nói trong một phỏng vấn với Vulture. Ít ra vào kết thúc liên hoan năm ngoái, Sofia Coppola đã ghi một chiến thắng cho phụ nữ. Với bộ phim The Beguiled, Coppola trở thành nhà làm phim nữ thứ hai ra về với giải Đạo diễn xuất sắc nhất (người phụ nữ khác chiến thắng vào năm 1961). Coppola và Campion tìm thấy mình thuộc vào một câu lạc bộ loại trừ. Phụ nữ thường không giành được giải thưởng ở Cannes. Theo một phân tích do Agence France-Press tiến hành, trong số 268 nhà làm phim từng thắng ba giải thưởng hàng đầu của Cannes, chỉ có 11 người là phụ nữ.

So với các liên hoan phim danh giá khác, Cannes có phần là một ngoại lệ. Tại Liên hoan phim Sundance năm nay, 21 trong số 56 phim cạnh tranh do phụ nữ đạo diễn. Dàn phim của Liên hoan phim Tribeca năm 2018 có đến 46% phim có đạo diễn nữ, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử liên hoan này. Những liên hoan tự hào về nỗ lực dung hợp của họ. Keri Putnam, giám đốc Sundance Institute, mà liên hoan là một phần thuộc tổ chức này, cho biết viện đã “tự hào về sự đa dạng trong dàn phim năm nay.”

Tại buổi giới thiệu bộ phim The Piano với đạo diễn Jane Campion (trái) và nam diễn viên Sam Neill ở Cannes ngày 17/5/1993 — Jane Campion là nhà làm phim nữ đầu tiên thắng giải Cành cọ vàng

Bạn sẽ không gặp phải khoe khoang tương tự từ giám đốc Liên hoan phim Cannes, nơi sự dung hợp dường như bị đối đầu với nghệ thuật. Fremaux, giám đốc liên hoan, kiên định rằng các lựa chọn của Cannes là, và sẽ luôn là, “được chọn vì phẩm chất”, không phải vì người tạo ra chúng. Nhưng điều gì tạo thành “phẩm chất” cho đội ngũ lên chương trình của Cannes? “Cho đến nay, giá trị cốt lõi của cơ chế cổ hủ của Cannes vẫn không thay đổi,” Kate Muir, nhà phê bình phim và nhà hoạt động Time Up, nói với The Guardian. “Tôn vinh nhà làm phim nam giới là trên hết; tác phẩm của phụ nữ là không quan trọng.”

Rất dễ thấy Muir rút ra kết luận của mình từ đâu. Cannes là một liên hoan khét tiếng dành cho những nhà làm phim nam gây tranh cãi. Năm ngoái, Cannes ra mắt một phim của Roman Polanski. Năm nay, Lars Von Trier trở lại sau khi bị cấm tham dự liên hoan vào năm 2011 vì đùa cợt về Đức Quốc xã trong buổi họp báo cho bộ phim của ông. Trong khoảng thời gian tiếp sau đó, Von Trier bị Björk cáo buộc quấy rối tình dục, một cáo buộc mà ông phủ nhận. Von Trier sẽ không có buổi họp báo — nhưng ông sẽ chiếu bộ phim của mình, The House That Jack Built.

Lars Von Trier (giữa) trên trường quay The House That Jack Built, bộ phim sẽ trình chiếu không tranh giải ở Cannes năm nay nhưng nhà đạo diễn nhiều tai tiếng này sẽ không có họp báo

Chúng ta có thể mong đợi một sự thay đổi trong bộ phận này? Trả lời câu hỏi về cân bằng giới giữa các đạo diễn tại Cannes, chủ tịch ban giám khảo Cate Blanchett nói, “Ủy ban tuyển chọn hiện có nhiều phụ nữ hơn so với các năm trước, rõ ràng sẽ làm thay đổi lăng kính mà qua đó các bộ phim được chọn. Nhưng sự việc sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.” Ở đây, Blanchett đưa ra một điểm quan trọng: Đa dạng hóa êkíp lên chương trình liên hoan có thể mở rộng khái niệm “chất lượng” của Cannes và mở cánh cửa cho một dàn phim dung hợp hơn.


Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Asian Age và Refinery


* Theo tin mới nhất trên Variety, hôm thứ tư 9/5, một tòa án ở Pháp đã bác yêu cầu của nhà sản xuất Paulo Branco đòi cấm Liên hoan phim Cannes chiếu bộ phim The Man Who Killed Don Quixote của đạo diễn Terry Gilliam, mở đường cho liên hoan này tiến tới với kế hoạch đêm bế mạc của họ.

Tuy nhiên, tòa án ở Paris này nói rằng trước buổi chiếu bộ phim vào ngày 19/5 phải có thông báo nói rằng buổi trình chiếu ngoại lệ này không gây tổn hại cho quyền của Branco đối với Don Quixote hay vụ kiện đang diễn ra. Ngoài ra, tòa tuyên rằng Gilliam, Star Invest Films France, và đại lý Kinology mỗi bên phải trả cho Branco 1.500 euro (1.800 đôla) để giúp ông trả án phí.