Giải thưởng - LHP

Hollywood trắng

10/03/2011

Chen chúc trong danh sách mười đề cử Oscar phim xuất sắc là các quý tộc nước Anh, cặp đôi đồng tính nữ Los Angeles lái xe Volvo, một bầy thiên nga, một nhóm lập trình viên máy tính ở Harvard, nhóm võ sĩ quyền Anh Massachusetts và những kẻ buôn bán ma túy ở Missouri, cũng như những kẻ săn người ở thế kỷ 19, những thám tử trong giấc mơ và những món đồ chơi sống động. Đó là một lựa chọn khá đa dạng về thể loại, chủ đề, tính nhạy cảm, phong cách và tham vọng. Nhưng đây cũng là lựa chọn thuần chủng hơn – nhiều nghệ sĩ da trắng hơn – so với mười phim tranh giải Phim xuất sắc năm 1940, khi Hattie McDaniel trở thành người Mỹ da đen đầu tiên đoạt giải Oscar cho vai diễn Mammy trong Gone With the Wind. Nhìn lại lịch sử gần đây thì sắc trắng của Giải thưởng Viện hàn lâm năm 2011 có chút sáng lòa.

Chín năm trước, khi Denzel Washington và Halle Berry thắng giải Oscar – anh mới chỉ là người Mỹ gốc Phi thứ hai giành giải Nam diễn viên xuất sắc và cô là người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Nữ diễn viên xuất sắc – cả hai đều dành một phút nhìn lại những nghệ sĩ thế hệ trước đã đấu tranh chống lại định kiến và chiến đấu giành lấy sự công nhận thường không dành cho họ.

“Khoảnh khắc này quan trọng hơn nhiều so với bản thân tôi,” Berry nói, trước khi xúc động khóc nức nở. “Khoảnh khắc này dành cho Dorothy Dandridge, Lena Horne, Diahann Carroll.” Khi Washington lên sân khấu, anh tạ ơn Chúa và công nhận một con người vĩ đại hơn, Sidney Poitier, được trao giải Oscar danh dự ở đầu buổi lễ tối hôm đó, vì đã phá bỏ ranh giới màu da trong phim. “Tôi sẽ luôn đuổi theo anh, Sidney,” Washington nói, hướng tượng vàng Oscar về phía Poitier, “Tôi sẽ luôn theo bước anh.”

Hattie McDaniel và Fay Bainter năm 1940 (trái); Halle Berry và Denzel Washington năm 2002 (phải), khi đoạt giải Oscar

Những thay đổi thực sự đã đến với phim ảnh, hay ít nhất là với Viện hàn lâm, nơi đã trao tượng vàng cho tổng cộng bảy diễn viên da đen trong 73 năm qua. Sau Washington và Berry là Jamie Foxx và Forest Whitaker (Nam diễn viên xuất sắc); Morgan Freeman (Nam diễn viên phụ xuất sắc); Jennifer Hudson và Mo’Nique (Nữ diễn viên phụ xuất sắc). Việc củng cố sự xuất hiện của các diễn viên da đen trong phim điện ảnh và truyền hình không báo hiệu một Hollywood không còn phân biệt chủng tộc, chẳng hơn gì việc Barack Obama đắc cử năm 2008 vẫn không chấm dứt được tình trạng phân biệt chủng tộc kéo dài 400 năm tại nước Mỹ. Nhưng với thập kỷ vừa qua, có thể tin rằng vài con quái vật cổ lỗ của sự nghi ngờ và loại trừ cuối cùng chịu ngủ yên.

Liệu giải thưởng Oscar sắp tới có là một tín hiệu bất thường, hay đáng lo của thời đại hay không? Dù gì Viện hàn lâm cũng không làm việc trong môi trường chân không. Nhìn lại các phim Mỹ năm 2010 cho thấy có ít thể loại phim hơn – tự truyện như Ray hay phim chính kịch lấy bối cảnh thành thị như Training Day – từng đưa các diễn viên, biên kịch và đạo diễn da đen vào cuộc đua trong những năm gần đây. Với một vài ngoại lệ, như Just Wright lãng mạn hay trò hài hước ở khu ổ chuột Lottery Ticket, có lẽ đây là năm “trắng” nhất của Hollywood kể từ thời kỳ hậu Richard Pryor, tiền Spike Lee những năm 1980. Thể loại siêu người hùng, viễn tưởng và hành động đều bị tẩy trắng. Phim chính kịch về đời sống đô thị lấy bối cảnh khu vực New England của người Mỹ gốc Ireland. Thậm chí cả phim về hai người bạn, biểu tượng cho sự gắn kết giữa các chủng tộc kể từ năm 1958, khi Poitier và Tony Curtis sát cánh bên nhau trong The Defiant Ones, cũng trở thành tình bạn giữa những người da trắng.

Năm 2005, Jamie Foxx giành giải Oscar Nam diễn viên xuất sắc cho vai diễn Ray Charles trong Ray

Khả năng một phong trào phim độc lập mới của người da đen – hoặc thậm chí là một nền điện ảnh giao thoa thực sự – nổ ra sau Precious: Based on the Novel ‘Push’ by Sapphire, giờ đây dường như cũng xa vời hệt như trước khi hiện tượng phim độc lập này phát triển, với sự hỗ trợ của Oprah Winfrey và Tyler Perry, từ Liên hoan phim Sundance đến Oscar. Mặc dù Winfrey và Perry, với tư cách nhà sản xuất, đã mang sự chú ý đến với câu chuyện một cô bé da đen bị ngược đãi, giờ đây Precious có vẻ giống như điều chỉ xảy ra một lần duy nhất chứ không phải là dấu hiệu cho sự thay đổi, giống như một đề cử khác vào năm ngoái, The Princess and the Frog, phim đầu tiên của Disney có một cô công chúa da đen. (Công chúa mới nhất của Disney, Rapunzel trong Tangled, cũng có mái tóc vàng giống Người đẹp ngủ trong rừng năm 1959).

Chuyện gì đã xảy ra? Liệu 2010 có phải một ngoại lệ với quy luật chung rằng sự đa dạng ngày càng tăng? Hay Hollywood, một nơi được cho là pháo đài của tự do, hăm hở giúp Obama bước chân vào Nhà trắng năm 2008, đã trở về với con đường cũ kỹ, nhút nhát của mình?

Với cách thức khiêm tốn của riêng mình, điện ảnh Mỹ đã mở đường cho nhiệm kỳ tổng thống của Obama bằng việc phổ biến và chuẩn hóa hình ảnh tích cực của người đàn ông da đen. Các diễn viên như Poitier và Harry Belafonte đã tạo nên bước nhảy, giúp những người đàn ông da đen thoát khỏi hình ảnh phu khuân vác hay kẻ dẫn khách cho nhà chứa để vào vai thám tử, thẩm phán, người hàng xóm, Chúa trời và người nắm quyền quyết định trong Phòng bầu dục. Cùng lúc đó, mặc dù các vai diễn ngày càng đa dạng, chủ nghĩa bảo thủ đặc trưng chịu giới hạn bởi tính thương mại của điện ảnh Mỹ – với sự ưu ái và ưa thích những thể loại nhẹ nhàng, nhất định phải có những hình mẫu và công thức, kẻ xấu xa và người anh hùng – đồng nghĩa rằng những hình ảnh này được điều chỉnh cho phù hợp thay vì phá vỡ hay làm thay đổi khuôn mẫu. Chắc chắn đây không phải là một nền điện ảnh phù hợp với điều ông Obama nói trong cuốn hồi ký năm 2007, Dream from My Father, "trạng thái linh hoạt của sự đồng nhất".

Cảnh trong Guess Who’s Coming to Dinner

Việc công nhận tính linh hoạt đó và khai thác nó nhằm mục đích sáng tạo và thương mại, từ kỷ nguyên nhạc jazz cho tới hip-hop, diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc Mỹ hơn là điện ảnh. Một phần vì phim ảnh vẫn là dạng nghệ thuật từ cao xuống thấp, và cần nhiều vốn, chúng thường cẩn trọng và mang tính giải trí nhiều hơn thay vì phá vỡ định kiến của khán giả. Ở Hollywood màu da thường là một vấn đề xã hội, nếu gọi một cách chính xác (rồi bỏ sang một bên), hay một thách thức mang tính thị trường. Vào những năm 1960, các hãng phim tự chúc mừng mình vì đã làm những bộ phim nghiêm chỉnh với suy nghĩ đúng đắn, thường có sự tham gia của Poitier như In the Heat of the NightGuess Who’s Coming to Dinner, cả hai đều ra mắt năm 1967 và đem về tổng cộng 17 đề cử Oscar.

Vài năm sau đó, khi một thế hệ diễn viên và nhà làm phim mới nổi lên từ đống đổ nát của hệ thống hãng phim cũ, Poitier không còn cô đơn nữa bởi những người Mỹ gốc Phi bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh và đằng sau máy quay với một quy mô chưa từng thấy. Những gương mặt và giọng nói từng chỉ xuất hiện trong các “phim về chủng tộc” hay phim độc lập như Shirley Clarke (The Cool World) đã bước vào dòng phim trào lưu. Có nhiều phim khai thác đề tài người da đen thành công như Shaft, cũng như các phim chính kịch có sự giao thoa (Sounder) và phim hài đại chúng, trong đó có bộ ba phim Uptown Saturday Night, Let’s Do It AgainA Piece of the Action, do Poitier đạo diễn, anh và Bill Cosby đóng chính. Lĩnh vực phim độc lập có sự nổi lên của các đạo diễn ngoài Hollywood như Charles Burnett, Haile Gerima, Billy Woodberry và Julie Dash.

Sidney Poitier - người da đen đầu tiên thắng giải Oscar Nam diễn viên xuất sắc với vai diễn trong phim Lilies of the Field năm 1963 (ảnh chụp khi ông nhận giải thưởng danh dự tại lễ trao giải Oscar năm 2002)

Phân biệt chủng tộc trong điện ảnh Mỹ chưa bao giờ đơn giản là một quá trình tuần tự. Đó là một quá trình ngắt quãng, với những bước lùi ngay sau những thành tựu, và những thời kỳ tranh cãi căng thẳng được nối tiếp bằng sự im lặng khó chịu. Vì thế, những năm 1980, với một vài ngoại lệ – có lẽ chỉ là ngoại lệ của Eddie Murphy trong 48 Hours, Trading PlacesBeverly Hills Cop – để lại dấu ấn bằng sự giảm bớt nạn phân biệt chủng tộc cũng như việc củng cố tâm lý làm phim theo hướng bom tấn. Đáng hy vọng hơn, kết thúc thập kỷ đó đã mở ra một thế hệ các nhà làm phim da đen tự thân vận động, nổi tiếng và thẳng thắn nhất là Spike Lee, từng cố gắng tấn công hệ thống hãng phim nhưng sau đó lại gia nhập.

Murphy, Lee và các ngôi sao người Mỹ gốc Phi khác bước sang những năm 1990 và thập niên sau đó – đáng chú ý là Will Smith, Morgan Freeman, Jamie Foxx và đương nhiên cả Washington – thường phải mang trên vai trách nhiệm đại diện cho màu da của mình khi theo đuổi những tham vọng riêng. Hầu hết các ngôi sao này giành vị trí dẫn đầu tại phòng vé với những câu chuyện không liên quan đến vấn đề chủng tộc, còn những phim đề cập đến chủ đề này một cách trực tiếp hơn – như AliDreamgirls – thường giữ một khoảng cách an toàn mang tính lịch sử. Có vẻ như với sự tiến lên của từng cá nhân các ngôi sao da đen, Hollywood không còn thấy cần thiết phải kể những câu chuyện về người da đen với tư cách một nhóm chủng tộc.

Từ trái sang: Spike Lee, Lee Daniels và Tyler Perry

Việc rút lui khỏi vấn đề chủng tộc của những hãng phim lớn phần nào giải thích cho sự nổi lên nền điện ảnh da đen mới riêng biệt có ngôi sao (Morris Chestnut, Vivica A. Fox), nhà làm phim (Ice Cube, Tyler Perry) và thể loại riêng (trong đó có việc tán tỉnh giữa đôi trai gái da đen thuộc tầng lớp trung lưu như Two Can Play That Game và những nỗ lực của cộng đồng người da đen như loạt phim Barbershop). Nổi lên bên cạnh dòng phim trào lưu và phim độc lập, Perry, với vô số tác phẩm, đã trở thành một trong những đạo diễn và nhà sản xuất thành công nhất không phân biệt màu da. Năm ngoái, anh đạo diễn bộ phim bị chê bai rất nhiều, chuyển thể từ For Colored Girls Who Have Considered Suicide When the Rainbow Is Enuf của Ntozake Shange. Có người phàn nàn rằng Perry đã cắt bớt tác phẩm nổi tiếng đầy nữ tính, nhưng anh đã làm nên bộ phim của riêng mình, hoàn thiện với những đường nét xúc động và những nữ ca sĩ nổi tiếng như Janet Jackson.

Lee nằm trong số những người phê bình Perry. “Chúng ta có một tổng thống da màu và chúng ta thụt lùi,” Lee nói vào năm 2009. “Hình ảnh người da đen đang gây nên sự lo lắng, và trở về thời kỳ Amos ’n’ Andy (tên bộ phim hài về người Mỹ gốc Phi được yêu thích từ những năm 1920 đến 1950 tại Mỹ).” Triết gia Cornel West rộng lượng hơn (“Người anh em Tyler có thể trưởng thành”) và năm ngoái anh đã đặt một khung hình lớn hơn xung quanh vấn đề phân biệt chủng tộc và điện ảnh Mỹ, cho thấy với “tất cả sự đầy đủ trong cuộc sống của người da đen hiện nay,” rằng “thứ duy nhất Hollywood đem đến cho chúng ta là bệnh lý học da đen. Hãy nhìn vào giải Oscar. Ngay cả Precious, với cô em gái yêu quý của tôi Mo’Nique, cái gì thế này? Cưỡng hiếp, bạo lực, cách ly khỏi xã hội. Nếu không bạn sẽ nhận được thái độ mang tính tuyên truyền của người da trắng đối với người da đen. The Blind Side? Chúa ơi! Năm 2010? Tôi tôn trọng tác phẩm của Sandra Bullock nhưng đó không phải là nghệ thuật.”

Năm 2010, Mo'Nique nhận giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc với vai diễn trong
phim
Precious: Based on the Novel 'Push' by Sapphire.

The Blind Side có thể không phải là nghệ thuật nhưng cùng với ba phim được đề cử Phim xuất sắc khác – Precious, District 9Avatar – bộ phim có đặt vấn đề về mối quan hệ giữa người da trắng và da đen. Ở cốt lõi của The Hurt Locker, bộ phim đoạt giải Phim xuất sắc, là tình bạn chuyển biến giữa hai người lính, một chuyên gia gỡ bom nóng nảy người da trắng do Jeremy Renner đóng và trung sĩ da đen thận trọng do Anthony Mackie đóng. Phân biệt chủng tộc trong bộ phim không phải là chủ đề hay vấn đề cần giải quyết mà là một sự thật tinh tế và phức tạp của cuộc sống. Những đề cử này mang đến nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với một vấn đề chuyển biến, từ ngụ ngôn đến tâm lý tình cảm đến nhiều dạng khác nhau của chủ nghĩa hiện thực.

Có phải các nhà làm phim đã khai thác cạn kiệt chủ đề này? Hay nền tảng văn hóa đã thay đổi và, với cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều vấn đề khác trở nên cấp thiết hơn? Mặc dù có vẻ quá suy diễn khi móc nối những hoàn cảnh khác nhau trong The King’s Speech, The Kids Are All RightThe Social Network, thật khó thoát khỏi ấn tượng rằng vấn đề tầng lớp xã hội đã trở lại trong năm 2010. The Fighter là câu chuyện về tầng lớp lao động, hai anh em võ sĩ quyền Anh đến từ Massachusetts, từng là thành phố của những nhà máy. Lấy bối cảnh vùng núi Ozarks, Winter’s Bone kể về thế giới bạo lực và đậm chất thị tộc của những người sản xuất thuốc gây nghiện có tổ tiên có lẽ làm nghề kinh doanh rượu lậu. The Town, mang về cho Renner đề cử Oscar thứ hai trong hai năm, cũng miêu tả hoàn cảnh tương tự, nhưng là về những tên cướp ngân hàng Boston.

Vậy phải chăng phân chia tầng lớp là một kiểu phân biệt chủng tộc mới? Thật hấp dẫn khi nghĩ như vậy, với tình hình kinh tế hiện nay và những gì có trong các bài diễn thuyết chính trị, nhưng hai điều này chưa bao giờ thực sự tách rời nhau trong cuộc sống của người dân Mỹ. Và sự phức tạp về chủng tộc trong đời sống nước Mỹ dường như, ít nhất là ở thời điểm này, đã cản trở trí tưởng tượng của ngành công nghiệp điện ảnh. Có lẽ năm tới sẽ đem đến nhiều sự thay đổi hơn mà chúng ta có thể tin tưởng. Tuy nhiên, bây giờ, nhìn lại danh sách các phim được yêu thích ra mắt năm 2010, chỉ có một phim có khả năng được công nhận và kể câu chuyện hiện thực đời thường hoàn hảo về một người da đen làm lao động chân tay. Đó là Unstoppable của Tony Scott, không ai khác ngoài Denzel Washington đóng chính. Dường như, phần còn lại của Hollywood sẽ luôn phải theo đuổi anh.


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times