Movie Blogs

Harry Potter và cơ hội Oscar cuối cùng: có bất khả thi?

24/12/2011

Tám bộ phim, với tổng doanh thu lên tới gần tám tỉ USD, Harry Potter đã khẳng định mình là loạt phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh. Nhưng sau chín đề cử Oscar ở các hạng mục kỹ thuật như Âm nhạc, Kỹ xảo hình ảnh, Chỉ đạo nghệ thuật, và Trang phục, Harry Potter vẫn không nắm trong tay tượng vàng Oscar nào.

Giờ đây, loạt phim đã đi tới hồi kết, và phần cuối, Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2 không chỉ là một trong những phim có doanh thu cao nhất năm 2011, mà còn là một trong những phim được giới phê bình đánh giá cao nhất trong năm, và chắc chắn là bộ phim Harry Potter được đánh giá cao nhất trong tám phần phim. Phần phim thứ tám này sẽ là cơ hội cuối cùng của Harry Potter trong hành trình tìm giải Oscar và hãng sản xuất, Warner Bros. đang dốc hết sức lực vận động những thành viên Viện hàn lâm tại Los Angeles với những biển quảng cáo như bên dưới:

Một mẫu biển quảng cáo vận động Oscar cho Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2

Vậy Harry Potter thật sự có đáng nhận giải Oscar không? Và dù đáng hay không, thì nó có cơ hội không?

Vào lúc này, các đề cử Oscar cũng chỉ ít lâu nữa là được thông báo, nhưng cuộc đua cho giải Phim xuất sắc nhất lại có vẻ chưa vào guồng thực sự. Điều này làm nhiều người cho rằng Deathly Hallows Part 2 rất có nhiều khả năng chen được vào danh sách đề cử Phim xuất sắc nhất kia (năm nay hạng mục này sẽ có ít nhất 5 bộ phim và có thể lên tới 10 đề cử). Warner Bros. ít ra cũng đang vận động cho hạng mục này, cùng với đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất cho David Yates.

Ở hai hạng mục danh giá nhất của giải Oscar này, tôi cho rằng Harry Potter có thể gặp nhiều rào cản. Kết quả của những năm gần đây (thật ra là của cả lịch sử giải Oscar) cho thấy Viện hàn lâm không mấy ưa chuộng phim thuộc thể loại giả tưởng. Lấy ví dụ gần đây nhất, ta sẽ thấy The Hurt Locker và Kathryn Bigalow cuối cùng vẫn đánh bại Avatar và James Cameron. Các phim đoạt giải Oscar cho phim xuất sắc nhất những năm trở lại đây phần lớn thuộc về các thể loại tâm lý, chính trị. Giải Oscar không quan tâm tới thành công thương mại của bộ phim, mà được bình chọn theo đánh giá của những thành viên Viện hàn lâm, và qua những kết quả của những năm trước, họ cũng đã thể hiện rõ quan điểm của mình về một bộ phim xuất sắc.

Hình ảnh thực tế biển vận động Oscar của Harry Potter ở Hollywood

Chẳng phải tôi đã quên kỷ lục của The Lord of the Rings: The Return of the King, bộ phim đã càn quét giải Oscar với 11 đề cử và 11 tượng vàng (trong đó có Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất)? Nhưng phải nhớ rằng, Return of the King vẫn là bộ phim giả tưởng duy nhất đoạt giải Oscar từ trước tới nay. Và thành thật mà nói, tôi có cảm giác rằng nếu so Harry Potter với Lord of the Rings thì những thành viên bình chọn của Viện hàn lâm vẫn có nhiều khả năng đánh giá Harry Potter là “trẻ con” hơn, bất chấp việc loạt phim này cũng đồ sộ về quy mô và về chủ đề không kém gì Lord of the Rings.

Cách đề cử của Viện hàn lâm cũng chẳng giúp gì cho Harry Potter. Năm nay Viện hàn lâm ra cách thức đề cử mới: để được đề cử cho hạng mục Phim xuất sắc nhất, bộ phim phải được ít nhất 5% thành viên bình chọn của Viện hàn lâm đề cử ở vị trí thứ nhất. Tức là 5% thành viên của Viện hàn lâm phải đánh giá đây là bộ phim hay nhất của năm. Họ có thể đánh giá cao bộ phim vào lúc nó công chiếu vào tháng 7, nhưng liệu khi đề cử vào tháng 1, họ có thấy nó đủ xuất sắc để xếp nó ở vị trí thứ nhất?

Nhìn chung, nếu xem xét vấn đề trước mắt một cách khách quan, tôi cho rằng Deathly Hallows Part 2 có khá ít cơ hội ở hai hạng mục Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc.

Vậy các hạng mục khác thì sao? Tôi cho rằng nỗ lực vận động ở hai hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất cho Daniel Radcliffe, Rupert Grint và Emma Watson chỉ là "vận động cho có" vì thành thật mà nói thì diễn xuất của cả ba, nhất là Daniel Radcliffe và Emma Watson, dù đã tiến bộ vượt bậc trong hai phần phim cuối, vẫn còn cách xa chuẩn Oscar rất nhiều.

Daniel Radcliffe, Rupert Grint, Emma Watson, Ralph Fiennes, Alan Rickman,
Maggie Smith, Helena Bonham Carter: ai có cơ hội tại giải Oscar?

Rõ ràng là Warner Bros. cũng đang đặt nhiều hy vọng hơn vào những diễn viên gạo cội ở các vai phụ như Maggie Smith, Helena Bonham Carter, Ralph Fiennes và Alan Rickman. Và tôi có thể khẳng định một điều ngay bây giờ: Alan Rickman cần được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. (Ralph Fiennes cũng xứng đáng với đề cử này, nhưng nếu phải chọn một, tôi không thể không chọn Alan Rickman.)

Trong dàn diễn viên phụ đầy ắp những tên tuổi sáng giá nhất của điện ảnh Anh Quốc, không ai hóa thân thành nhân vật của mình một cách toàn diện và hoàn hảo hơn Alan Rickman trong vai Severus Snape. Trong Deathly Hallows Part 2, anh vốn đã xuất sắc lại càng xuất sắc hơn. Mỗi lần Rickman xuất hiện là có một bóng đen dần bao trùm lấy cả cảnh phim, lạnh lẽo, nguy hiểm nhưng cũng đầy bí ẩn, không khác gì chính nhân vật anh đóng. Rickman thể hiện vai Snape với một phong cách điềm tĩnh đến rùng mình, kể cả trong những tình huống nguy kịch nhất của bộ phim, và chính sự điềm tĩnh lạnh lùng đó đã đưa Severus Snape trên trang sách của J. K. Rowling lên màn ảnh một cách thật nhất.

Trong sự nghiệp đã rất dài của diễn viên này, gồm những tác phẩm ở nhiều thể loại đa dạng như Die Hard, Robin Hood: Prince of Thieves, Sense and Sensibility, Perfume…, anh vẫn chưa một lần có được một đề cử Oscar. Không thể phủ nhận rằng Severus Snape sẽ là một vai để đời của anh; Alan Rickman và Severus Snape sẽ luôn luôn chỉ là một, nói về một người sẽ là nghĩ tới người kia. Tôi đã đọc và nghe nhiều đánh giá trái chiều về loạt phim Harry Potter nhưng chưa bao giờ có ai có lý do để không đánh giá cao vai diễn Snape của Rickman.

Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu Deathly Hallows Part 2 không nhận được đề cử ít nhất một hạng mục kỹ thuật như Kỹ xảo hình ảnh hay Chỉ đạo nghệ thuật. Kỹ xảo hình ảnh trong mỗi phần phim Harry Potter đều là những hình ảnh tinh vi sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất. Nhưng bộ phim cuối cùng này đã đưa tất cả những tiêu chuẩn đó lên một nấc cao hơn. Từ con rồng canh giữ Gringotts, tới cảnh chiến đấu hoành tráng với hàng nhìn con người, hàng tá những sinh vật cùng hình ảnh trường Hogwarts ngun ngút khói lửa như xuất hiện trong Deathly Hallows Part 2 chính là một sân khấu khổng lồ cho những chuyên gia kỹ xảo trổ tài.

Con rồng mù canh giữ ngân hàng Gringotts,
một trong những kỹ xảo nổi bật của
Deathly Hallows Part 2

Nói tới Oscar thì cũng không thể không nói tới Quả cầu vàng, từ lâu được cho là một cách để dự đoán những gì sẽ diễn ra tại giải Oscar. Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood đã thông báo các đề cử giải Quả cầu vàng, và đáng buồn thì Harry Potter không xuất hiện trong bất cứ một đề cử nào. Nhưng điều này không có nghĩa là cơ hội cho Oscar đã tắt, dù cũng khá đáng thất vọng.



Trailer đặc biệt dành cho cuộc vận động Oscar

Nhưng bất chấp lịch sử hay thiên vị của những thành viên bình chọn của Viện hàn lâm, nếu mục đích của giải Oscar phần nào là tôn vinh những đóng góp của những cá nhân, tập thể đối với ngành điện ảnh, thì tôi phải nói một cách rất khách quan rằng đội ngũ làm nên loạt phim Harry Potter đã có một đóng góp khổng lồ đối với ngành điện ảnh. David Heyman, nhà sản xuất tất cả tám bộ phim, đã thể hiện bao nhiêu tâm huyết và tài năng nghệ thuật trong vòng hơn mười năm qua? Dù cá nhân tôi có nhiều lần không đồng ý với những quyết định chuyển thể của nhà biên kịch Steve Kloves, cũng không thể phủ nhận lượng công việc đồ sộ ông đã phải gánh vác khi viết bảy trong tám kịch bản phim.

Phim là nghệ thuật, và Viện hàn lâm là cơ quan đánh giá nghệ thuật đó. Nhưng phim làm ra cũng có mục tiêu, đó là khán giả. Ngoài những tính chất nghệ thuật cao, ta cũng không thể phủ nhận những bộ phim đã đi sâu vào lòng khán giả. Với ngành điện ảnh ngày càng lớn mạnh, lượng phim ra rạp mỗi năm có khả năng tăng và những thể loại phim có nguy cơ bão hòa, thì những bộ phim có thể gắn bó với cả một thế hệ khán giả lại càng trở nên đáng quý hơn.

Viện hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc (BAFTA) đã nhìn nhận những đóng góp này của Harry Potter và trao giải Phim Anh Quốc có đóng góp xuất sắc cho ngành điện ảnh vào tháng 2 vừa qua. Vậy ta có thể trông chờ ít nhất là một giải danh dự tương tự từ phía Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh ở Hollywood không? Tôi hy vọng là có, vì tôi cho rằng sau mười năm, hàng nghìn công việc được tạo ra, một số tiền khổng lồ cả trong ngân sách làm phim và doanh thu thu về, Harry Potter đáng được Viện hàn lâm ở Mỹ nhìn nhận một cách chính thức là một hiện tượng điện ảnh, dù chúng thật ra là những bộ phim của Anh.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi