Movie Blogs

Cars 2 - Khi vắng bóng người thầy trên đường đua lớn

19/07/2011

Với sự hụt hẫng được báo trước, tôi đi xem Cars 2 và ra về với cảm xúc không trọn vẹn. Bài viết có thể bớt khắt khe hơn nếu tôi không phải là một tín đồ Pixar, hay ít ra nếu tôi không phải là một khán giả lỡ cỡ.

Tôi đã quen được nằm trong số khán giả Pixar chiều chuộng: người lớn khoái hoạt hình trẻ con. Nhưng lần này, có thể dễ dàng nhận thấy "cây đèn vẽ" đã đóng chiếc đinh nhắm vào những cô cậu bé hiếu động mê trò chơi xe hơi. Dĩ nhiên ,các bậc cha mẹ cho dù có phàn nàn 'không hay bằng phần 1' thì họ vẫn hài lòng là bọn trẻ đã được vui, chúng thích những chiếc xe tốc độ và biết biến hóa. Nếu Ratatouille, Wall-E, Up không thành công ở công viên chủ đề Disney, thì Cars 2 hứa hẹn bán được vô số đồ lưu niệm, đặc biệt ở những nước đoàn đua đi qua.

Pixar đã thành công rực rỡ trong một cuộc cách mạng thổi hồn vào tất cả những đồ vật vô tri, tác phẩm của họ có sức lay động tới những ngưỡng khô khan nhất. Tôi từng không hào hứng lắm với chuyện những chiếc xe hơi thở phì phò qua lưới tản nhiệt, mấp máy nói cười bằng cản xốc và nháy mắt điệu nghệ bằng đèn pha. Nhưng giữa cuộc sống ngày càng gấp gáp lại có câu chuyện cảm động về một thị trấn bị lãng quên chỉ vì người ta muốn tiết kiệm 10 phút đi xe bằng con đường cao tốc mới, một tay đua kiệt xuất từng ba lần vô địch Piston Cup muốn lánh đời vì trong thế giới xe đua bon chen khắc nghiệt, ông không còn có thể luôn nhanh hơn đối thủ về nhì ít nhất một phần mấy giây. Nếu phải đánh đổi như vậy, tôi muốn được sống chậm hơn.

Đường đua lớn nay vắng bóng Hudson

Vì phim đang trong tuần đầu công chiếu, tôi sẽ không vô duyên "spoil" tất tần tật và miên man về diễn biến. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi nhớ "Doc" Hornet Hudson, nhớ một Pixar tinh tế đầy mê hoặc. Khi không thấy cái tên Doc Hudson trong dàn nhân vật, thoạt tiên tôi nghĩ hẳn Pixar đã phạm sai lầm khi tìm kiếm sức hút bảnh bao mới. Để rồi khi biết hãng sẽ không "quật" lên một tên tuổi gắn liền với giọng nói trầm ấm, truyền cảm của Paul Newman để tưởng nhớ nam diễn viên quá cố này, tôi hiểu Pixar chấp nhận họ không có cách gì khỏa lấp được khoảng trống ông để lại.

Vắng bóng người thầy trên đường đua lớn, Lightning McQueen mất phương hướng khi bên kia bộ đàm là một Mater cũng chẳng thể tập trung. Từ vương quốc được đẩy lên tầm thế giới, đường đua Nhật Bản - Italy - Anh Quốc cho các tay đua đủ thể thức, cộng thêm những rối rắm công phu của chuyện tình báo, âm mưu - cho dù cũng đầy đặn sự hấp dẫn và nghẹt thở - chỉ khiến những vòng đua bị cắt vụn. Cars 2 chẳng cho khán giả được thưởng thức cuộc đua trọn vẹn dù chỉ một lần!

Hãy nhớ cái cách Cars đã "đua mà không đua": thông điệp 'hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến' được gửi gắm bằng những cuộc đua không bị cắt xén. Ở Cars 2 máy quay còn mải hướng đến những chuyện đuổi bắt ngoài đường đua gay cấn hơn nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị "độ" tinh vi cho siêu điệp viên và tội phạm. Còn nhớ trước đích đến của cuộc đua ở đỉnh thắt nút cho Cars, dù bị chơi xấu đến tàn tạ, 'nhà vua phải hoàn thành vòng đua cuối cùng' nhờ sự trợ giúp của một chú ngựa non thích phô trương đã hiểu ra đâu là giá trị. Cars 2 chọn cách quảng bá bằng hình ảnh một cuộc đua World Grand Prix qua nhiều vùng lãnh thổ hứa hẹn khám phá những giá trị văn hóa nơi nó đi qua, để rồi cuối cùng chạy theo cách kể chuyện kiểu pha trộn hai loạt bom tấn hành động 007Mission Impossible.

Dấu ấn văn hóa các quốc gia nhạt nhòa qua những "slide" hình ảnh danh thắng đặc trưng ghép nối rời rạc, mặc dù đại cảnh và cận cảnh các công trình kiến trúc được làm công phu và chi tiết đủ để khán giả mãn nhãn với chiều sâu 3D thực sự ấn tượng. À mà, nếu chỉ nói riêng về 3D thì, những ai kỳ vọng được thưởng thức những chiếc xe "lậm" đà ở khúc cua lao thẳng vào giữa các hàng ghế sẽ phải ra về trong tiu nghỉu!

Độ sâu 3D của Cars 2 thể hiện ấn tượng nhất ở cảnh biển tối tăm

Sự chăm chút đến từng nhân vật phụ, đầu tư phát triển cá tính để chúng không mất hút giữa rừng nhân vật, trong một sự liên kết không thể chặt chẽ hơn, và tầm nhìn dài hạn, vốn là tuyệt chiêu của những tay tổ kịch bản Pixar. Nhưng đây lại không phải Câu chuyện đồ chơi, thế nên Pixar làm mới bằng cách "đôn" anh chàng xe kéo Mater lên làm nhân vật chính đẩy McQueen xuống hàng thứ hai, và thành thật mà nói tôi nghĩ vị trí thứ hai này thuộc về Finn McMissile (Michael Caine) bản lĩnh kia.

Tôi yêu thích anh chàng Mater xuề xòa, tốt bụng, hài hước, vậy nên tôi không thích cái cách Pixar chĩa hầu như tất cả ống kính vào cậu ta để đào sâu chuyện phân biệt đối xử những chiếc xe lỗi mốt hết thời - điều này đôi lúc khiến Mater vụng về, chất phác "nhà quê" trở nên lố bịch. Mater không đáng phải hy sinh theo cách này.

Ngoài lề một chút, tôi muốn kể cho các bạn nghe tình huống trước giờ vào rạp của tôi. Tôi đi xem bộ phim này vào ngày công chiếu thứ ba, và hăm hở tiến đến quầy bán đồ ăn mua combo Cars 2 để kiếm cho mình một trong bốn món đồ kỷ niệm (McQueen, Mater, Finn và Shiftwell). Cô bé bán hàng dễ thương nhìn tôi ái ngại như có lỗi vì đã hết xe quà tặng McQueen, rồi cười tươi nhẹ nhõm lấy cho tôi chiếc xe kéo còn lại nhiều nhất. Tôi nằm trong số ít thích chiếc xe đồ chơi răng hô, mất nắp capo, chỉ còn một đèn pha, nhiều móp méo và han gỉ.

Món quà lưu niệm gắn hình gã răng hô

Như vậy chỉ với một thống kê "tiêu thụ" nho nhỏ đã đủ hiểu được cảm xúc của những chiếc xế lỗi thời,  dẫn tới những âm mưu phá hoại do tích tụ dồn nén vì bị nhạo báng, khinh khi, đâu cần những tràng cười bất tận trong phim. Mà thôi, có chiếc xe tội phạm cũ kỹ nào chịu hoàn lương vì chân giá trị, chúng còn mải quay cuồng trong cuộc chiến năng lượng, suy cho cùng cũng chỉ vì muốn giành lại lợi ích và quyền lực thống trị lỗi thời.

Còn nữa. Đâu rồi sự nâng niu quá khứ chẳng bao giờ thiếu trong hầu hết những xuất phẩm Pixar? Những đoạn phim hồi ức vốn là một thế mạnh khác của họ: 4 phút phim không thoại về cuộc đời ông già Carl và bà Ellie làm thổn thức khán phòng (Up), đám đồ chơi hạnh phúc trong ký ức được sống và hóa thân vào những câu chuyện tưởng tượng của cậu bé Andy (Toy Story 3), món Ratatouille đồng quê của người mẹ đã sưởi ấm một ngày không vui của cậu bé Anton Ego, hay một thị trấn Radiator Springs thời kỳ huy hoàng rực rỡ lẫn những ngày dài ảm đạm. Thời gian chờ đợi năm năm từ Cars tới Cars 2 và sự hụt hẫng vì thiếu vắng Doc Hudson của tôi chỉ được an ủi bằng vỏn vẹn một thông tin: McQueen đã bốn lần bước lên bục cao nhất ở giải đấu Piston Cup nay mang tên người thầy đáng kính. Suốt thời lượng 106 phút của phim, không ai kịp sống trong hồi tưởng!

Bất chợt, tôi tự hỏi Pixar sẽ ra sao nếu một mai thiếu đi người thầy Steve Jobs 'Stay hungry, stay foolish'* (Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ)?

Pixar 25 tuổi. Với đời người đây là lúc bắt đầu cháy bỏng những khát khao đi đến vô cùng sau khi học được nhiều điều về giá trị cuộc sống. Còn với một hãng phim hoạt hình đã đạt nhiều vinh quang tột đỉnh, tôi mong họ vẫn cháy sáng những ước mơ, như ước mơ được khát khao lẫn dại khờ đi đến vô cùng của chúng tôi!

© Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com

* Trích trong phát biểu tốt nghiệp của Steve Jobs, CEO hãng máy tính Apple, tại Đại học Standford, Mỹ, 2005. Sau mười bảy năm lăn lộn kiếm sống, đã thành danh trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ thông tin và còn là CEO của Pixar Animation Studio, Steve Jobs nói giờ ông mới có điều kiện để cắp sách đến trường đại học. Toàn văn bài phát biểu tốt nghiệp dài 15 phút của ông rất xúc động với kết thúc chính là câu ngắn gọn này được nhắc lại ba lần trong 20 giây cuối cùng.