Không phải vì nó có gì “giật gân”, ly kỳ, kịch tính – thật ra, ngay từ đầu phim kết thúc đã được kể trước theo lời người dẫn truyện rất rõ ràng. Cũng không phải vì tôi quá thích cách dựng phim của Kurosawa – vì tôi thích lối quay vô cùng tỉ mỉ, chậm rãi và đơn sơ, ví dụ, của Ozu, hơn. Thế nhưng Ikiru là một bộ phim chứa đựng những cảnh quay thật mãnh liệt và biểu cảm khiến người xem không thể không rung động theo từng cái chau mày, nụ cười hay cái ngước nhìn của nhân vật. Qua những cảnh quay tuyệt đẹp đó (tôi sẽ giải thích ý của mình khi dùng cụm từ này sau), Kurosawa dẫn ta đi qua những tháng ngày ngắn ngủi của ông Watanabe – trưởng phòng ban công vụ, một nhân viên công chức lâu năm sắp về hưu vừa biết rằng mình bị ung thư dạ dày và chỉ còn sống được từ sáu tháng đến một năm. Người con trai ông hằng yêu quý không để ý đến ông; anh ta và vợ chỉ lo đến món tiền ông để lại và quyền thừa kế căn nhà. Ở công sở, ông không hề có bạn bè và những người cấp dưới cũng chỉ chờ ông về hưu để họ được lên thay thế. Họ cũng như ông – và có lẽ cũng như hầu hết những người sống trên đời này – ngày qua ngày làm việc như những con ong chăm chỉ nhưng không thật sự quan tâm đến công việc của mình, làm, chỉ để mà làm và chỉ vì công việc đó được giao cho họ chứ tuyệt đối không có bất kỳ đam mê nào với công việc. Ông sống, nhưng không phải là đang sống. Chỉ đến khi cái chết cận kề, ông mới tự hỏi trong thời gian qua ông đã làm gì, đã lãng phí cuộc sống như thế nào, và quyết định làm một điều ý nghĩa trước khi chết.
Hệ thống quan liêu trong phim
Ngay từ đầu phim và đến cuối phim, Kurosawa liên tục chỉ ra sự lãng phí thời gian và vô tích sự đến nực cười của hệ thống quan liêu với những nhân viên hoàn toàn không có hứng thú với công việc – họ đùn đẩy việc cho nhau, chỉ một việc nhỏ là đi dọn sạch chỗ nước đọng để trẻ em chơi nhưng họ đẩy những bà mẹ đi từ phòng Xây dựng sang phòng Vệ sinh sang phòng Phòng chống côn trùng sang phòng Xây dựng công viên (!!!) và cuối cùng… quay trở lại phòng Công vụ! Lúc này Watanabe cũng như mọi người, thờ ơ trước lời kêu thán của các bà mẹ và tiếp tục đóng mộc lên những văn bản, mà theo cách quay của Kurosawa, ông không hề nhìn xem ông đang đóng mộc vào văn bản nào.
Trong cảnh trên, ông ngồi nhìn những người nhân viên một cách hết sức thờ ơ như thể tự hỏi, “Có chuyện gì à?” trong khi ở ngoài các bà mẹ đang hết sức kêu réo. Máy quay quay từ phía sau lưng nhân vật, không cho thấy vẻ mặt của ông – bởi vì lúc này vẻ mặt ông không có gì thay đổi, vẫn vô cảm như bất kỳ giây phút nào khác – và với cách quay này, khán giả cũng nhìn về phía những nhân viên với cùng góc độ của ông. Như vậy, ông nhìn các nhân viên của mình cũng không khác cách chúng ta, những người ngoài cuộc không hề liên quan, nhìn họ. Ông nhìn họ, như thể ông – và cũng như chúng ta – không hề liên quan đến những gì họ đang thảo luận, thậm chí với ánh mắt chê trách là tại sao họ không tiếp tục làm việc. Ngay khi cô gái trẻ phá tan bầu không khí im lặng bằng một câu đùa thì mọi người nhìn cô như thể cô đang lãng phí thời gian, mặc dù họ cũng không tận dụng được thời gian của họ cho bất kỳ mục đích hữu ích nào.
Hệ thống quan liêu lại tiếp tục vòng tuần hoàn của nó ở cuối phim, khi mọi người quay về thái độ làm việc thờ ơ cũ của họ, dù họ đã hết lòng ca ngợi ông Watanabe ở đám tang của ông và cũng tự hứa với lòng sẽ thay đổi để được giống như ông. Một người như ông Watanabe hay thậm chí người phụ tá của ông và cô gái trẻ không thể thay đổi cả một guồng máy quan liêu đã đi vào kỷ cương quá lâu, nhưng ít nhất họ có thể thay đổi được mục đích sống của họ, và ít nhất họ có thể sống.
Sống, tuổi trẻ, và các cảnh quay phim đắt giá
Trong suốt bằng đó năm, ông Watanabe mới nhận ra rằng mình không sống. Ông đi đi lại lại như một xác chết, chính cô gái trẻ cũng gọi ông là “xác ướp”, và sự cô đơn tột bậc của ông được Kurosawa thể hiện qua một loạt các cảnh quay từ phía sau lưng mà không chiếu mặt ở đầu phim. Khi ông gọi người con trai Mitsuo từng hồi liên tục rồi muốn chạy lên phòng anh ta để trò chuyện, ông bước lên cầu thang nhưng dừng lại giữa chừng, và cả cảnh ông đến trước bàn thờ của vợ đều được quay từ sau lưng. Cũng dễ hiểu, khi ông sống vì con, và cũng chính vì anh ta, ông chưa từng sống, hay nói đúng ra là chưa hề sống cho bản thân, chưa hề tận hưởng những gì cuộc đời có thể trao ban. Những phân đoạn ông đi chơi với nhà văn gặp ở quán rượu rồi ngồi chung với các cô kỹ nữ đều thể hiện một con người sống mà như đã chết, thậm chí những tình cảm căn bản nam nữ cũng không hiện diện trong đời sống của ông. Cảm động nhất là cảnh ông nhào đến cô nhân viên trẻ mà hỏi, “Làm thế nào để tôi có thể sống như cô?” Lúc đầu sự quan tâm đặc biệt của ông dành cho cô nhân viên không khỏi khiến người xem có phần nghi hoặc tính đứng đắn trong sự quan tâm đó, nhưng dần dà ta mới hiểu ra sau bao nhiêu năm Watanabe thật sự không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với bất cứ ai trong cuộc sống, và ngay cả con trai ông cũng không muốn nói chuyện hay chia sẻ điều gì với ông. Cô nhân viên là mối liên hệ duy nhất mà ông có được sau bao nhiêu năm làm “xác ướp”. Suy cho cùng, con người ta làm sao có thể sống mà không có đồng loại của mình? (Đây cũng là một đề tài được đưa ra trong phim Air Doll của Koreeda Hirokazu) Và vì vậy, khi ông nhào đến hỏi cô nhân viên làm thế nào để sống, ta không thấy ghê sợ ông mà chỉ thấy thương cảm cho một người khao khát được sống khi đã không còn bao nhiêu thời gian. Thế nhưng không có gì là quá muộn, và dường như ông Watanabe đã dùng 6 tháng cuối đời của mình để bù đắp cho 30 năm lãng phí. Tiếp tục nhấn mạnh việc sống cho bản thân, Kurosawa cho thấy ông Watanabe cuối cùng đã tìm được mục đích để sống tiếp – mặc dù bị con trai ruồng rẫy, đó là sửa lại công viên cho lũ trẻ nhỏ.
Theo cảm giác của tôi, việc xây công viên cho lũ trẻ nhỏ, mà không phải là một điều gì khác, có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đây là một điều khá đơn giản, và cũng là nhiệm vụ của phòng Công vụ mà lẽ ra họ phải lo từ lâu, nhưng vì bộ máy quan liêu biếng nhác nên việc này lại phải do mình ông lo. Sau nữa, việc xây công viên cho trẻ nhỏ, chăm lo cho thế hệ mới, cũng là biểu tượng của cuộc sống, vì trẻ nhỏ và những lúc chúng vui đùa luôn là dấu hiệu tươi đẹp nhất của sự sống. Hình ảnh những đứa trẻ vui đùa trong công viên hoàn toàn tương phản với hình ảnh ông Watanabe luôn luôn cúi khom lưng sợ sệt đi đi lại lại trong chính văn phòng nơi mình làm việc. Và ông cũng chết khi ngồi đánh đu trong công viên vừa hoàn thành, cũng chính là cảnh quay dưới đây.
Không lấy gì làm lạ khi cảnh quay này được lấy làm poster cho phim. Những thanh chắn cho trẻ em chơi đùa tựa như khung cửa sổ – là khung cửa sổ mà khán giả đang quan sát ông Watanabe. Trước khi chết, ông thực hiện một hành động tượng trưng cho sự sống sơ khai nhất, đó là đánh đu y như những đứa trẻ con. Tương phản với hình ảnh đó, trời đổ tuyết, báo hiệu cho cái chết của ông. Cảnh quay nà và cảnh ông Watanabe bước trên cầu lúc hoàng hôn có lẽ là hai cảnh phim tôi sẽ không bao giờ có thể quên, và phải thốt lên rằng, hai thước phim trắng đen này sao mà đẹp một cách diệu kỳ đến thế? Để biết rằng, đẹp không có nghĩa là cảnh quay lung linh màu sắc, mà là một cảnh quay khiến người ta phải rung động cho dù nó có là thước phim trắng đen, cho dù màu sắc có đơn điệu – ta có thể hình dung ra trong khung hình ở công viên trên, tuyết màu trắng và ông Watanabe mặc quần áo màu tối – thì khán giả vẫn cảm thấy bị khung ảnh đó chinh phục. Một khoảnh khắc thôi, một cảnh quay thôi, đã có thể nói lên toàn bộ nội dung và triết lý của bộ phim. Đó là cái tài của Kurosawa – sự cô đọng, cảm xúc mãnh liệt và táo bạo – chỉ trong một cảnh quay.
Bên cạnh hai cảnh kể trên, Kurosawa thường dùng cách quay thật cận mặt nhân vật Watanabe để thể hiện rõ cảm xúc của ông. Ấn tượng nhất là những cảnh ông đau khổ khi bị đứa con trai Mitsuo ruồng rẫy, và sau cùng, cảnh ông mỉm cười không sợ hãi khi bị đe dọa ở văn phòng làm việc. Trong cảnh quay dưới đây, ông Watanabe bật khóc khi nghe các cô vũ nữ nhảy múa, ông cất tiếng hát lên bài Gondola no Uta. Cảnh quay này cũng như những cảnh quay cận mặt khác, riêng nó có thể trở thành một tấm ảnh riêng rẽ để nói lên chủ đề cuộc sống ngắn ngủi.
Tính hài hước trong Ikiru
Nếu phải miêu tả không gian và hội thoại của Ikiru chỉ trong một câu ngắn gọn, có lẽ tôi sẽ phải nói, “Hóm hỉnh nhưng đau buốt”. Thật vậy, khi cô nhân viên trẻ gọi ông Watanabe là “xác ướp” một cách ngây ngô và ngây thơ hoàn toàn không có ác ý, khi ông đi với những cô kỹ nữ mà chỉ lo giữ cái mũ của mình khỏi bị người ta lấy mất, khi những bà mẹ đi một vòng sang mười văn phòng khác nhau rồi lại phải quay về phòng Công vụ, khi họ hàng và người quen cảm thấy ông Watanabe thật “sa đọa” chỉ vì ông có cái mũ mới, khi ông sợ hãi đánh rơi cả mũ và áo khoác lúc bác sĩ bảo ông “không sao đâu”, “không cần mổ” và “tự nó sẽ khỏi”, tất cả đều thật hóm hỉnh, và tất cả những chi tiết đó đều khiến tôi phải đau lòng một cách khó tả, vì sự cô đơn của ông Watanabe và những năm tháng ông tự cô lập mình, sống như một cái máy vì con trai, vì sự lười nhác và thiếu hiệu quả của những nhân viên trong bộ máy quan liêu, và vì khát vọng được sống cho đúng với nghĩa của từ “sống” của ông Watanabe – vừa ngây ngô như đứa trẻ, vừa tuyệt vọng như một người già đang hấp hối. Ikiru không thê lương, không lấy nước mắt người xem một cách sáo mòn nhưng đầy mỉa mai châm biếm và hóm hỉnh, mà chính cái hóm hỉnh đó lại đẩy bi kịch của ông Watanabe lên một mức độ cao hơn nữa.
Dĩ nhiên, không có bộ phim nào là hoàn hảo, và vì mục đích muốn lột tả chủ đề tồn tại khác với sống, phim hay dùng lời dẫn khiến mạch phim đôi khi hơi bị ngắt đoạn và không được tự nhiên cho lắm. Tuy vậy với tôi, Ikiru vẫn là một tác phẩm quá hoàn hảo vì ảnh hưởng ý nghĩa của nó và những cảnh quay khiến tôi phải bàng hoàng. Chưa bao giờ tôi thấy phim trắng đen đẹp như vậy. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi có nhiều thời gian để sống đến vậy, và chưa bao giờ tôi bị ám ảnh bởi một cảnh quay duy nhất như cảnh ông Watanabe ngồi đánh đu, miệng hát “Cuộc sống ngắn ngủi”, và trời đổ tuyết trắng xóa như thế.
Ikiru, hóm hỉnh nhưng đau đớn, trầm buồn nhưng dữ dội và mãnh liệt, không giáo điều, nhưng vẫn khiến người ta khát khao được sống bởi vì con người chỉ có ý nghĩa khi họ thực sự sống cho bản thân chứ không phải cho ai khác. Dù có đồng ý với triết lý này của Kurosawa hay không, tôi cũng tin bằng đây là một bộ phim phải xem để có thể cảm nhận được hết không gian đầy khát vọng sống mà nó đem lại.
Đạo diễn: Kurosawa Akira
Sản xuất: Motoki Sojiro
Kịch bản: Hashimoto Shinobu, Kurosawa Akira, Oguni Hideo
Diễn viên: Shmura Takashi
Công ty phát hành: Toho
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com