Nhân vật & Sự kiện

Chú tắc kè cao bồi: Gore Verbinski tái hợp với Johnny Depp trong chuyến phiêu lưu hoạt hình miền Viễn Tây hoang dã

16/03/2011

Với việc quá nhiều phim người thật đóng có phần hình ảnh được tạo ra từ máy tính dẫn dắt, ranh giới giữa phim người đóng và phim hoạt hình đang ngày càng trở nên mờ nhạt trong những năm gần đây. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi càng ngày càng có nhiều đạo diễn phim hoạt hình, như Brad Bird và Andrew Stanton của Pixar, chuyển sang làm phim lớn với dàn diễn viên bằng xương bằng thịt, trong khi các nhà làm phim hạng A như Robert Zemeckis và Wes Anderson đang khám phá phần nghệ sĩ hoạt hình trong mình.

Đạo diễn phim người thật đóng trở thành chuyên gia phim hoạt hình gần đây nhất là Gore Verbinski, đạo diễn của ba phim Pirates of the Caribbean đầu tiên thu về hàng tỉ USD. Verbinski tái hợp với ngôi sao trong chùm phim Pirates của ông, Johnny Depp, trong Rango của Paramount Pictures và Nickeldeon Movies, câu chuyện về một chú tắc kè được thuần hóa, hay tưởng tượng, tình cờ nhận thấy mình bị bỏ rơi ở một nơi khủng khiếp như địa ngục khô cằn, không có kỷ cương luật lệ ở miền Viễn Tây hoang dã có tên là Dirt. Tại đó, qua một chuỗi sự kiện may mắn, anh được tung hô là người hùng và chọn làm cảnh sát trưởng mới của thị trấn này. Dàn diễn viên phụ gồm những người dân trấn lập dị và bọn xấu được Isla Fisher, Abigail Breslin, Alfred Molina, Bill Nighy, Harry Dean Stanton, Ray Winstone và Ned Beatty lồng tiếng.

Ý tưởng cho phim Rango, ra rạp vào ngày 4/3, có từ khoảng tám năm trước. Verbinski hồi tưởng lại lúc thảo luận khái niệm về “một phim cao bồi với các sinh vật ở sa mạc” cùng nhà sản xuất John Carls và họa sĩ minh họa sách thiếu nhi David Shannon trong một bữa sáng năm 2003. Verbinski viết bản sơ lược, làm hai phim Pirates đầu tiên, rồi quay lại bàn thảo bản sơ lược với biên kịch hàng đầu John Logan (từng làm Gladiator, The Aviator). “Chúng tôi cho ra đời câu chuyện cơ sở này kể về chuyến hành trình tìm cá tính pha với thể loại cao bồi.”

Poster Rango (2011)

“Tôi luôn ưa thích hoạt hình,” Verbinski nói về giai đoạn mới này trong sự nghiệp của ông. “Từ Tex Avrey đến Miyazaki đến Harryhausen đến Jan Svankmajer đến Ralph Bakshi, có đứa trẻ nào không trưởng thành từ hoạt hình đâu chứ? Và trong việc đạo diễn phim người thật đóng, tôi cũng phác khung câu chuyện và dựng cảnh quay nhiều đến nỗi xem ra việc này rất hợp với tôi.”

“Tôi nghĩ chúng tôi đã thực hiện 2.000 cảnh hiệu ứng đặc biệt trong phim Pirates thứ ba, nên bạn phải cộng tác với các nhà làm phim hoạt hình. Chúng tôi có mối quan hệ thực sự tốt với một đội ngũ các chàng ở ILM (Industrial Light & Magic] mà tôi thích, và chúng tôi dành rất nhiều thời gian bàn thảo về diễn xuất và sắc thái của một nhân vật hoạt hình như Davy Jones, bàn tới bàn lui cho đến khi thấy được, bạn trở thành như một gia đình. Đó là một dạng đoàn kịch, nhóm làm phim hoạt hình bạn chọn làm việc chung.”

Dĩ nhiên, nhóm diễn viên tương ứng chính là các nghệ sĩ lồng tiếng, và như Wes Anderson đã làm với Fantastic Mr. Fox, Verbinski không cô lập các diễn viên trong những buồng thu âm riêng rẽ mà tập hợp họ lại trong một căn phòng để thể hiện kịch bản cùng nhau.

“Đây là hậu quả của việc chưa làm hoạt hình bao giờ,” vị đạo diễn này giãi bày. “Mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng: Vì sao phải từ bỏ các kỹ thuật tôi đã phát triển trong phim người thật? Có một quy trình kể chuyện mà tôi đã quen, và chẳng muốn vứt bỏ.”

“Hơn nữa, bạn đang tìm kiếm tài năng, trong một khoảnh khắc chân thực hoặc khó xử. Bạn đang tìm những diễn viên có thể rời trang giấy và mang đến điều gì đó chân thực, và tôi nghĩ chuyện chỉ xảy ra khi có người khác ở đó và chuyện gì khác để phản ứng lại. Phần nhiều diễn chính là phản ứng. Tôi chưa bao giờ nghĩ làm theo cách khác.”

Nhân vật Rango

“Đó là một dàn đồng ca hỗn tạp. Bạn có kế hoạch, nhưng bạn đang quay mọi chuyện mòng mòng và cố gắng làm người ta thấy họ đang trong khoảnh khắc đó, chứ không phải đang đọc thoại. Chúng tôi tìm cách thả lỏng.”

Cách tiếp cận vui vẻ đó không được các diễn viên chào đón ngay lập tức, thậm chí với cả Johnny Depp. “Tôi nghĩ cậu ấy dần dần thấy thích nó,” Verbinsk thuật lại, “nhưng lúc đầu khá gay go. Bạn phải xong chín trang kịch bản một ngày, và với vài phim lớn như vầy thì qua được hai trang rưỡi một ngày là may mắn rồi. Bạn ở trong xe moóc của mình, bước ra, lên màn hình xanh và đọc hai dòng thoại rồi quay trở lại xe trong vòng hai tiếng. Không chỉnh sáng lại, không bố trí máy quay, chỉ chạy cảnh mà thôi. Tôi nghĩ nhiều diễn viên sẽ vào và nói: ‘Chà! Đây không phải hoạt hình! Ý ông là tôi phải thực sự thuộc thoại đấy à?’ Vâng, bạn phải thuộc mười trang thoại một ngày. ‘Vì chúng tôi làm tất cả chỉ trong 20 ngày thôi.’”

Verbinski, nói rằng ông và Depp có một bản nháp tắt giữa họ (“Tôi nói rất nhiều về hiệu ứng âm thanh và tiếng động lạ”), phát triển nhân vật Rango cùng nam diễn viên này trong suốt quá trình sản xuất hai phim Pirates đầu. “Rồi anh ấy tạm ngưng để làm việc của mình, và với thước chuyện đầu tôi và nghệ sĩ dựng khung chuyện của mình là Kim Byrkit lo tất cả giọng nói và dựng tạm toàn bộ truyện, nhưng lúc nào cũng đặt Johnny trong đầu. Khi đã làm ba phim với Johnny, chúng tôi đo ni đóng giày phim này theo thế mạnh của anh… Chúng tôi dựng mô hình chuyện dựa trên khả năng diễn không lời dạng Buster Keaton của Johnny, vừa cương vừa nhu.”

Johnny Depp (trái) và Gore Verbinski

Verbinski cho biết “hành trình người hùng” trong phim của ông đâm chồi từ nhiều nguồn ảnh hưởng, từ các chuẩn mực văn chương như Homer và Joseph Conrad đến hình mẫu của thể loại cao bồi, đặc biệt là phim của Sergio Leone. “Về mặt thẩm mỹ, [một nguồn quan trọng là] phim cao bồi hậu hiện đại, nhưng ẩn bên dưới là tinh thần sa mạc. Có một đặc tính siêu thực tuyệt vời khi bạn bước vào sa mạc một mình. Rất yên ắng, lúc đầu tưởng như đã chết, và rồi lại rất sống động. Quan trọng là phải có cảm giác ám ảnh đó, âm hưởng của thế giới đó đối với nhân vật không thực sự biết mình là ai này.”

Tương tự, thiết kế nhân vật cũng khô khốc và tóc hoa râm như các nhân vật trong phim bắn súng ì đùng của Sam Peckinpah. “Đẹp chán lắm,” Verbinski tuyên bố. “Những thứ đẹp xinh chẳng khơi được tí cảm giác quá khứ nào cho tôi. Tôi thích các nhân vật ngoài lề như những cánh cửa bạn có thể mở ra và thấy phía sau có một bộ phim hoàn toàn khác.”

Với Verbinski, thách thức lớn nhất trong việc sắp đặt bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông là “không để phim thiếu xúc cảm. Rõ ràng khó hơn tôi từng tưởng tượng. Có quá nhiều cảnh lặp lại, lặp lại vô tận: Khung hình 26, anh ấy cần chớp mắt trước, chứ không phải sau khi thoại. Cảnh anh gãi cằm cần kéo dài sáu khung, chứ không phải 12. Ta cần một tí mồ hôi bên mũi anh trong cảnh này, cần sáng hơn, hãy chỉnh ánh sáng nền lại… Cố gắng giữ chúng thô và theo trực giác trong suốt quá trình quản lý vi mô mọi việc như thế này thực sự là thách thức. Bạn có thể đi quá sâu đến mức quên đi cái đẹp tổng thể.”

Dù là làm việc với hoạt hình hay hiệu ứng thị giác, Verbinski đều háo hức bởi những khả năng của điện ảnh. “Giữa hoạt hình và trò chơi điện tử và phim ngày nay có một sự đụng độ tuyệt vời. Mọi người đều chia sẻ. Và không có gì không làm được… không có giới hạn những gì bạn đạt được trong nghệ thuật vẽ-như-chụp. Giờ đây, vật lý có thể dẫn dắt bạn: những chiếc trực thăng do máy tính tạo ra vẫn phải tuân theo quy tắc trọng lực hoặc sẽ trông giả tạo, nhưng xét trên việc chúng được dựng thế nào, ánh sáng ra sao và chúng trông thế nào, bạn có thể xem những gì Miyazaki đã làm với trái banh lông mềm mại và có sự tương đương giữa người thật với bất cứ gì máy tính tạo ra. Bạn có thể trở nên khá siêu thực – và sao lại không chứ? Vì sao hoạt hình vẫn phải bị nhìn nhận như một thể loại riêng? Không phải thế. Đó chỉ là một cách kể chuyện. Và đó là điều tôi cứ bị vướng hoài – các nhà điều hành và bộ phận quảng bá cứ nghĩ, ‘Hoạt hình là thế này,’ vì đó là đường hướng Pixar và DreamWorks đi, và họ đã và đang thành công. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể làm một phim hoạt hình xếp loại PG-13 (hạn chế trẻ em) hay R (rất hạn chế người xem). Vì sao đây phải là của những đứa trẻ hay các bà mẹ?”

Cảnh trong Rango

Xét theo cách nào đó, Verbinski xuất thân là dân hoạt hình; suy cho cùng, trong thời kỳ là một đạo diễn quảng cáo thành công trước khi làm phim điện ảnh, ông đã tạo ra những chú ếch Budweiser từng đoạt giải Clio và Sư tử bạc. Hai phim dài đầu tiên của ông, Mouse Hunt The Mexican, doanh thu cũng kha khá, tiếp bước là bản làm lại bộ phim kinh dị Nhật Bản The Ring năm 2002. Một năm sau, phim Pirates đầu tiên đổ bộ như một cơn cuồng phong phòng vé.

Phim Pirates mới, do Rob Marshall đạo diễn, sẽ mở màn vào tháng 5/2011, không có sự can thiệp của Verbinski. “Tôi đi đến quyết định là sáu năm trong đời dành cho thể loại này là quá đủ,” ông ngẫm nghĩ. “Hết còn làm tôi sợ, hết còn làm tôi lo lắng. Tôi nghĩ nếu không còn học hỏi thêm được gì nữa, vậy làm để làm gì? Đã đến lúc đi tiếp và để người khác làm, và tôi chờ xem họ làm thế nào. Rất nhiều người trong đội ngũ tôi từng làm việc vẫn còn tham gia – vẫn đội làm phim đó, vẫn biên kịch đó, và hầu như vẫn dàn diễn viên đó. Tôi mong chờ được xem. Khi tôi nhảy vào làm Pirates, tôi không biết mình đang làm gì, và tôi nghĩ quan trọng là nhảy bổ vào những dự án mà bạn không chắc ăn mình xoay sở được không. Quan trọng là được trở lại với cảm giác như thế.”

Sau tất cả sự thâm dụng hiệu ứng thị giác và công tác thiết kế của chuỗi phim Pirates Rango, liệu Verbinski đã sẵn sàng làm một phim không có hình ảnh đồ họa vi tính chưa? “Tôi mong chết đi được,” ông trả lời không do dự. “Có nhiều phim lớn sắp tới chúng tôi đang phát triển, nhưng cũng có vài phim nhỏ. Tôi thật sự thấy mình thích đi quay một phim chỉ làm việc với các diễn viên, cắt gọt phim rồi đẩy đi và xem như xong. Và không phải là 12 tháng tiền-dựng hình và dựng cốt truyện cùng 120 ngày quay và phông xanh. Đừng hiểu nhầm ý tôi, làm phim như thế rất tuyệt, thật sự tuyệt, nhưng phần lớn các phim tôi xem được làm ở thập niên 70 và tôi cứ không ngừng tự hỏi: Ôi trời, sao giờ chúng ta không làm phim như thế nữa? Tôi khao khát được quay về thời đó.”


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Journal