Nhân vật & Sự kiện

Du hiệp nhi Hồ Kim Thuyên - người mở ra sự nghiệp của Từ Phong và điện ảnh võ hiệp Đài Loan

26/02/2024

Huyền thoại dòng phim kiếm hiệp Hồng Kông Hồ Kim Thuyên đến Đài Loan vào năm 1967 và mở ra sự nghiệp nữ hiệp màn ảnh lừng lẫy của Từ Phong.

Tựa bài được phỏng dịch theo tên bộ phim võ hiệp năm 1970 của đạo diễn Trương Triệt, do hãng Thiệu Thị Huynh Đệ sản xuất và phát hành. (ND)

Nữ diễn viên võ hiệp nổi tiếng Từ Phong thích kể lại chuyện bà suýt trở thành công nhân nhà máy. Nhưng lời mời đóng một vai nhỏ trong bộ phim từ Union Film Company đã đến vài ngày trước khi bà bắt đầu làm việc ở nhà máy, và ngay lập tức bà ký hợp đồng sáu năm.

Cảnh chiến đấu kinh điển trong rừng tre của Từ Phong trong A Touch of Zen / Hiệp nữ

Cha dượng bà phản đối. Ông nói diễn viên thời gian làm việc rất dài và lương thì thấp. Nhưng cô gái 16 tuổi khi đó vẫn nhất quyết làm.

"Tôi không xinh xắn. Tôi không có thân hình đẹp. Tôi dè dặt và tôi học cũng không giỏi. Tuy nhiên, trong số 3.000 ứng viên Đạo diễn Hồ [Kim Thuyên] vẫn chọn tôi. Sao tôi lại không ký chứ?”

Lựa chọn của bà được đền đáp. Sau vai diễn đầu tiên trong bộ phim ăn khách Dragon Inn / Long Môn khách sạn năm 1967, Từ Phong được chọn vào vai nữ kiếm thủ đứng đầu phe nổi loạn trong A Touch of Zen năm 1971.

Từ Phong đoạt Ảnh hậu (nữ diễn viên chính xuất sắc) tại lễ trao giải Kim Mã 1976 với vai diễn trong phim Assassin / Thích khách

Thời gian của Từ Phong với Union Film kéo dài chỉ hai phim, nhưng đủ gây ra cơn sốt võ hiệp ở Đài Loan, Hồng Kông và các vùng nói tiếng Hoa khác. Từ Phong đóng vai chính trong bốn phim nổi tiếng khác của Hồ Kim Thuyên.

Năm 2022, Viện Điện ảnh và Nghe nhìn Đài Loan đã đưa sự nghiệp của họ thành tâm điểm để kỷ niệm 25 năm ngày mất của Hồ Kim Thuyên. (Sinh nhật lần thứ 80 của ông là vào ngày 29 tháng 4 năm 2022.)

Triển lãm Thể loại Võ hiệp ở Đài Loan đã diễn ra tại Viện Điện ảnh và Nghe nhìn Đài Loan năm 2022.

NHỮNG NGHỆ SĨ VÕ THUẬT

Nhà làm phim võ hiệp Hồng Kông Hồ Kim Thuyên tìm thấy thành công to lớn sau khi chuyển đến Đài Loan vào năm 1967

Hồ Kim Thuyên sinh ra trong một gia đình nghệ thuật và trí thức ở Bắc Kinh, sang Hồng Kông năm 18 tuổi sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền. Ông khởi nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh với tư cách là một diễn viên của hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ nổi tiếng. Mặc dù không được đào tạo về võ thuật, nhưng ông thông thạo kinh kịch truyền thống và có thể thích nghi.

Hồ Kim Thuyên cuối cùng tìm thấy tài năng của mình trong lĩnh vực đạo diễn, và bộ phim đầu tiên của ông, Come Drink With Me / Đại túy hiệp năm 1966, đã thành công ngoài mong đợi. Hồ Kim Thuyên, được cho là không hài lòng với những người chủ của ông, đã chuyển sang làm việc cho Union Film Company của Đài Loan. Có thể trong việc này ông đã được đồng nghiệp và người thầy cũ là Lý Hàn Tường, cũng đã chuyển đến Đài Loan để thành lập Grand Motion Pictures, khuyến khích.

Được thành lập vào năm 1953, Union Film lúc đầu phát hành phim từ Hồng Kông và các nước khác, chỉ tham gia sản xuất một số nguyên tác kinh phí thấp. Vào những năm 1960, họ đã mua gần 50.000 mét vuông đất ở Đào Viên và xây dựng một phim trường hiện đại dành riêng cho các bộ phim tiếng Quan Thoại. Hồ Kim Thuyên là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của họ.

Hồ Kim Thuyên (phải) và Từ Phong (giữa) ra mắt A Touch of Zen tại Liên hoan phim Cannes

Lâm Lượng Văn viết trong A Hundred Years of Taiwan Film History in 22 Movies rằng Hồ Kim Thuyên có xu hướng chọn diễn viên có ngoại hình trung bình, dạy họ võ thuật và kỹ thuật diễn xuất và biến họ thành những nghệ sĩ giải trí hàng đầu.

Cả hai phim của Hồ Kim Thuyên với Union Film đều lấy bối cảnh thời nhà Minh. Người ta nói ông ám ảnh tới từng chi tiết đến mức đã xin “giấy phép đặc biệt” để vào kho lưu trữ của Bảo tàng Cung điện Quốc gia để xem một bức họa Minh Thần Tông du ngoạn. Việc chụp ảnh bị cấm nên Hồ Kim Thuyên và hai nhân viên của bảo tàng đã vẽ tay sao chép bức họa.

Vào thời điểm đó, Từ Phong 16 tuổi đang khao khát có một công việc toàn thời gian. Cha bà qua đời khi bà mới 5 tuổi, và người chồng mới của mẹ bà coi bà như người giúp việc, buộc bà phải chăm sóc các em kế và nấu tất cả các bữa ăn cho gia đình.

Thị trưởng Phố Lý thời đó Mã Văn Quân, phải, và nhà làm phim Chen Nan Yao quảng bá Liên hoan Nhạc xưa Phố Lý 2007 trên một chiếc xe với hình ảnh từ Dragon Inn của Hồ Kim Thuyên

Từ Phong gia nhập Union Film với mức lương ít ỏi chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhưng tác phẩm thứ hai đã ngay lập tức đưa bà trở thành một ngôi sao.

MỘT NỮ ANH HÙNG XUẤT HIỆN

Dragon Inn thành công vang dội, đứng đầu phòng vé ở Đài Loan và phá kỷ lục cho phim Đài Loan ở Hồng Kông và Đông Nam Á. A Touch of Zen nổi tiếng là khó thực hiện do xung đột giữa Hồ Kim Thuyên và Union Film. Trong thời gian đó, ông cùng ba đạo diễn nổi tiếng đã thực hiện Four Moods (tạm dịch: Hỉ nộ ai lạc) để giúp Union Film trả nợ. Hồ Kim Thuyên chỉ đạo phân đoạn “nộ”.

Dù Từ Phong nhút nhát, bà nổi tiếng là người dám đứng lên chống lại bất công. Truyền thông đưa tin về lần bà uy hiếp những tên côn đồ có vũ trang đến phim trường để thu tiền bảo kê.

Vai diễn đầu tiên của Từ Phong trong bộ phim ăn khách Dragon Inn

Trong A Touch of Zen, Từ Phong vào vai Dương Tuệ Trinh, kẻ đào tẩu điêu luyện bị cơ quan mật thám Đông Xưởng do các hoạn quan gian ác điều hành truy nã.

Các cảnh chiến đấu phải chân thực nhất có thể, và Từ Phong kể lại với Taiwan Panorama về một phân cảnh khi bà vô tình chém vào trán nhân vật phản diện do Điền Bằng thủ vai, khiến nam diễn viên phải chịu sáu mũi khâu và 11 ngày nằm viện. May mắn thay, đó là một cú quay máy rộng không cần kiếm thật. Nếu quay cận cảnh, hậu quả đã có thể gây tử vong.

Mặc dù không thành công như Dragon Inn nhưng A Touch of Zen đã mang tính đột phá ở nhiều cấp độ. Vũ đạo rất phức tạp, và cảnh chiến đấu trong rừng tre đã trở thành một yếu tố chính của thể loại này — Lý An đã tri ân cảnh đó trong Ngọa hổ tàng long. Bộ phim cũng thu hút sự chú ý đáng kể của phương Tây và A Touch of Zen đã thắng giải thưởng lớn về kỹ thuật tại Liên hoan phim Cannes năm 1975.

Lần hợp tác tiếp theo của Hồ Kim Thuyên với Từ Phong nhận được sự chú ý rộng rãi là Legend of the Mountain

CÁC GIẢI KIM MÃ

Hồ Kim Thuyên làm rất ít phim vào thời điểm đó, và lần hợp tác tiếp theo của ông với Từ Phong nhận được sự chú ý rộng rãi là Legend of the Mountain / Sơn Trung truyền kỳ năm 1979, dài 184 phút. Theo Taiwan Panorama, bộ phim đã bị chỉnh sửa mà không có sự cho phép của Hồ Kim Thuyên thành một phiên bản dài 110 phút để phù hợp với thời lượng chiếu rạp. Mặc dù các nhà phê bình ngạc nhiên trước kỹ thuật quay phim tuyệt đẹp và sự kết hợp cẩn thận của nhiều nghệ thuật truyền thống vào bức tranh thị giác, nhưng họ đều cho rằng cốt truyện thật tồi tệ.

May mắn thay, hội đồng giải Kim Mã đã nhận được bản đầy đủ và Legend of the Mountain đã thắng sáu giải, bao gồm phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc và quay phim xuất sắc.

Từ Phong trong phim The Pioneers năm 1980 đưa bà lần thứ hai đoạt Ảnh hậu Kim Mã

Các tác phẩm của Hồ Kim Thuyên đã làm rộ lên cơn sốt võ thuật, với các phim đáng chú ý của Union Film bao gồm The Swordsman of all Swordsmen / Nhất đại kiếm vương của Quách Nam Hoành và A City Called Dragon / Long Thành thập nhật của Đồ Chung Huấn.

Từ Phong đoạt Ảnh hậu Kim Mã đầu tiên năm 1976 với Assassin của Đồ Chung Huấn, và giải thứ hai vào năm 1980 với The Pioneers / Nguyên. Tuy nhiên, giải thưởng lớn nhất của bà lại đến với tư cách là nhà sản xuất cho Bá vương biệt Cơ, bộ phim đã thắng giải Cành Cọ Vàng năm 1993 tại Liên hoan phim Cannes.

Năm 2017, bà được trao Kim Mã thành tựu trọn đời, trên sân khấu nhận giải bà cảm ơn Hồ Kim Thuyên đã trao cho bà cơ hội và “sự huấn luyện nghiêm khắc”.

Giải thưởng lớn nhất của bà lại đến với tư cách là nhà sản xuất Bá vương biệt Cơ, bộ phim đã thắng giải Cành Cọ Vàng năm 1993 tại Liên hoan phim Cannes. Ảnh (từ trái qua): Trương Quốc Vinh, Từ Phong và đạo diễn Trần Khải Ca

“Phim ảnh ăn sâu vào máu tôi,” bà nói, đồng thời bà hy vọng sẽ quay lại đóng phim khi giờ các con bà đã lớn.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Taipei Times