Nhân vật & Sự kiện

Emperor Motion Pictures: Nhà sản xuất phim lớn nhất Hồng Kông

14/01/2024

Ba năm qua đã chứng kiến một thời kỳ sản xuất sung mãn của Emperor Motion Pictures (EMP, Tập đoàn Anh Hoàng) Hồng Kông, thậm chí còn vượt quá sản lượng trước đại dịch.

Hãng đã phát hành 27 phim kể từ năm 2020, bao gồm các bom tấn phòng vé như Raging Fire, Detective vs Sleuths và Cliff Walkers, đồng thời quay 26 xuất phẩm sắp ra mắt như The Goldfinger (phát hành cuối năm 2023), Custom FrontlineUnder Current, đưa EMP trở thành nhà sản xuất lớn nhất ở Hồng Kông.

Raging Fire của cố đạo diễn Trần Mộc Thắng năm 2021

“Đại dịch có thể đã gây ra đình hoãn cho việc phát hành và sản xuất của chúng tôi, nhưng nhìn chung tác động đối với chúng tôi là không đáng kể,” Thiệu Kiếm Thu, tổng giám đốc sản xuất và phát triển dự án tại EMP có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết. “Những gì Covid đã gây hại cho ngành công nghiệp này là làm lung lay niềm tin của chúng tôi, khiến chúng tôi thận trọng và bảo thủ hơn. Nhưng EMP đã không hề chậm lại vì niềm tin vững chắc của chủ tịch Dương Thụ Thành của chúng tôi.”

Trước khi mở hãng EMP vào năm 2000, từ rất lâu Dương Thụ Thành đã đầu tư vào phim đầu tiên là Encore năm 1980, với sự tham gia của Trần Quốc Khôn và Trương Quốc Vinh thời trẻ, và công việc kinh doanh của gia đình ông có lịch sử phong phú khởi từ năm 1942 khi người cha quá cố của ông là Dương Thành mở một cửa hàng đồng hồ. Kể từ đó The Emperor Group đã phát triển thành một tập đoàn, với sáu công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, bao gồm dịch vụ quản lý tài sản, tài chính, đồng hồ và đồ trang sức, đồ dùng gia đình và giải trí.

Lưu Thanh Vân (trái) trong cảnh phim Detective Vs Sleuth năm 2022

Hoạt động kinh doanh giải trí bao gồm toàn bộ chuỗi công nghiệp từ sản xuất và phân phối thông qua EMP đến xuất bản âm nhạc và quản lý nghệ sĩ thông qua Emperor Entertainment Group và trình chiếu thông qua Emperor Cinemas Group.

EMP nổi tiếng với những phim hành động hồi hộp bom tấn có dàn diễn viên hạng A như Tân câu chuyện cảnh sát / New Police Story năm 2004, Nhân chứng / The Beast Stalker năm 2008 và Thiếu lâm tự năm 2011. “Những phim ly kỳ đầy cảnh hành động như vậy, mang lại cảm giác hưng phấn cho khán giả, là dấu ấn của điện ảnh Hồng Kông — những xuất phẩm xuất khẩu thành công nhất từ Hồng Kông sang thị trường quốc tế,” tổng giám đốc Thiệu nói.

Trong những năm gần đây, nhiều phim hành động ly kỳ chủ đề cảnh sát hoặc tội phạm là những tác phẩm then chốt hợp tác sinh lợi với Trung Quốc. Raging Fire, phim cuối cùng của nhà làm phim quá cố Trần Mộc Thắng với sự tham gia của Chân Tử Đan và Tạ Đình Phong, và Detective vs Sleuths, do Vi Gia Huy đạo diễn, với Lưu Thanh Vân và Thái Trác Nghiên, là những phim Hồng Kông có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc trong hai năm qua, lần lượt ghi nhận doanh thu phòng vé là 192 triệu USD (1,33 tỉ nhân dân tệ) vào năm 2021 và 103 triệu USD (712 triệu nhân dân tệ) vào năm 2022.

Tạ Đình Phong trong phim Customs Frontline của đạo diễn Khâu Lễ Đào

Một số phim rất được mong đợi thuộc thể loại này, quay trong thời kỳ đại dịch, đã sẵn sàng ra mắt. Bao gồm Customs Frontline của Khâu Lễ Đào, với sự tham gia của Trương Học Hữu, Lâm Gia Hân và Tạ Đình Phong; Under Current của Mạch Triệu Huy, với sự tham gia của Quách Phú Thành và Ngô Trấn Vũ — cả hai đều đang trong giai đoạn hậu kỳ; và The Goldfinger của Trang Văn Cường với Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa, phát hành cuối năm 2023.

Custom Frontline phải hoãn quay một tháng khi số ca nhiễm Covid gia tăng ở Hồng Kông,” Thiệu Kiếm Thu cho biết. “Chúng tôi dự định quay những cảnh ở châu Phi. Với hạn chế về việc đi lại, cuối cùng chúng tôi đã xây dựng bối cảnh một làng chài châu Phi ở Hồng Kông. Không thể quay phim ở nước ngoài có lẽ là bất tiện lớn nhất đối với chúng tôi trong thời kỳ Covid.”

Các tựa sắp ra mắt

Ra mắt tại Filmart 2023 là một chuỗi các tựa phim hoàn toàn mới dẫn đầu là New Police Story 2, đánh dấu sự ra mắt trong vai trò đạo diễn của nam diễn viên Tạ Đình Phong và do Thành Long sản xuất, cũng đóng cùng Tạ Đình Phong, và một phim ly kỳ về cảnh sát Hồng Kông của đạo diễn Operation Red Sea Lâm Siêu Hiền, với sự tham gia Trần Vỹ Đình.

Lương Triều Vỹ trong cảnh phim The Goldfinger, đã phát hành cuối năm 2023

Ngoài ra, trong đội hình còn có một phim chính kịch thập niên 1940 của đạo diễn The Goldfinger Trang Văn Cường, một phim hành động của đạo diễn Quách Tử Kiện (Antiques in Plans) và một phim tâm lý tội phạm với sự góp mặt của bộ ba thần tượng nhạc pop nhóm Mirror.

EMP sẽ đóng vai trò là nhà sản xuất chính cho các xuất phẩm hợp tác do Hồng Kông chỉ đạo với sức sản xuất và sáng tạo mạnh mẽ từ vùng lãnh thổ này. Các công ty Trung Quốc Đại lục như Lian Ray Pictures, Beijing Super Lion Culture Communications và Tencent Video sẽ tham gia với tư cách đồng đầu tư và cũng là nhà phân phối tại các rạp chiếu để giúp EMP phát hành phim ở Đại lục.

Mặt khác, EMP sẽ đảo ngược vai trò là nhà đồng đầu tư cho các xuất phẩm do Đại lục chỉ đạo, chủ yếu lấy bối cảnh ở Trung Quốc với dàn diễn viên, đoàn làm phim và các chủ đề địa phương. Hai phim Trận chiến hồ Trường Tân, My Country, My Father, Cliff Walkers của Trương Nghệ Mưu và gần đây nhất là Lưu lạc địa cầu 2 là một trong những thành công đáng chú ý. Với tư cách là người đồng giới thiệu, EMP thường sẽ phụ trách việc phân phối cho Hồng Kông và Đông Nam Á.

EMP là nhà đồng đầu tư cho các xuất phẩm do Đại lục chỉ đạo. Ảnh: Cliff Walkers của Trương Nghệ Mưu năm 2021

Loại phim thứ ba của EMP là các xuất phẩm vừa và nhỏ, nhằm mục đích mang lại cơ hội cho các nhà làm phim mới nổi và diễn viên đang lên. Những phim nhỏ hơn như vậy chủ yếu dành cho thị trường Hồng Kông và Đông Nam Á, nhưng những tựa phim gần đây như Mama’s Affair của Bành Tú Huệ, với Khương Đào và Liễu Ứng Đình từ Mirror, và Everything Under Control của Ưng Trí Uân, với Ngụy Tuấn Sinh, Hồng Gia Hào và Hoàng Chính Nghi, đã tìm được kênh phân phối quốc tế, bao gồm phân phối đa kênh đồng thời với Hồng Kông ở Mỹ, Canada và Anh.

“Việc phát hành rạp ở Trung Quốc có thể không khả thi đối với các phim Hồng Kông nhỏ hơn vì chi phí quảng bá có thể lên tới 1,5 triệu USD (10 triệu nhân dân tệ) nhưng các phim này có thể làm tốt trên các dịch vụ trực tuyến,” Thiệu Kiếm Thu nói. “Chúng tôi đưa những phim này lên các nền tảng phát trực tuyến như Tencent Video, iQiyi và Youku.”

Cảnh phim Everything Under Control của Ưng Trí Uân đã tìm được kênh phân phối quốc tế, bao gồm phân phối đa kênh đồng thời với Hồng Kông ở Mỹ, Canada và Anh

Màn ảnh rộng gặp khó

Mặc dù việc sản xuất vẫn tiếp tục bất chấp các hạn chế về đại dịch ở Hồng Kông, nhưng với rạp chiếu phim thì không được vậy. Đèn trong rạp chiếu phim đã tắt 267 ngày trong các năm từ 2020 đến 2022. Ngay cả khi rạp chiếu phim được phép mở cửa kinh doanh, các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến sức chứa bị giới hạn ở mức từ 50% đến 85% trong 732 ngày. Những hạn chế này cuối cùng đã được gỡ bỏ vào ngày 22 tháng 12 năm 2022.

Một thời kỳ đen tối trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông. Vào năm 2021, UA Cinemas đóng cửa chuỗi rạp sau 36 năm hoạt động ở vùng lãnh thổ này.

“Chúng tôi đang ở thế rất bị động và không thể làm gì nhiều ngoài việc nhận một số trợ cấp của chính phủ và miễn tiền thuê nhà để giải quyết mọi việc,” Viên Ngạn Văn, tổng giám đốc Emperor Cinemas Group, công ty điều hành tám rạp chiếu phim ở Hồng Kông và một ở Macao cho biết. “Nhà hàng có thể chuyển từ ăn tại chỗ sang mua mang về để giảm tổn thất, nhưng rạp chiếu phim lại là một trường hợp khác. Chúng tôi hợp tác với Food Panda để giao xúc xích và bỏng ngô cho những người xem các dịch vụ phát trực tuyến tại nhà nhưng doanh thu rất nhỏ.”

Năm 2021, UA Cinemas đóng cửa chuỗi rạp sau 36 năm hoạt động ở Hồng Kông

Kỳ diệu là, phòng vé Hồng Kông đã bất ngờ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Lần đầu tiên kể từ năm 2004, bốn phim nội địa — phim khoa học giả tưởng Minh nhật chiến ký / Warriors of Future, phim hài gia đình đa nội dung Table for Six, phim tâm lý thần tượng nhạc pop Mama’s Affair và phim chính kịch về đề tài pháp lý The Sparring Partner — được xếp hạng trong số 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất năm 2022.

Đà mạnh mẽ này tiếp tục với việc A Guilty Conscience trở thành phim nội địa đầu tiên vượt qua 100 triệu đôla Hồng Kông (12,7 triệu đôla), một cột mốc chỉ có các phim bom tấn của Hollywood như Top Gun: Maverick Avatar: The Way of Water đạt được.

“Khi mọi người không thể đi du lịch vì Covid, họ vẫn cần giải trí,” Viên Ngạn Văn, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Rạp chiếu phim Hồng Kông, cho biết. “Năm 2022, một số phim nội địa chất lượng đã thu hút được sự quan tâm của khán giả và họ bắt đầu chú ý hơn đến phim nội địa. Khán giả trong nước không thể bị lừa. Họ sẽ chỉ ủng hộ khi phim hay. Những buổi gặp gỡ với sự tham gia của đạo diễn và diễn viên trước hoặc sau buổi chiếu cũng giúp thu hút khán giả quay trở lại rạp chiếu phim.”

A Guilty Conscience trở thành phim nội địa đầu tiên vượt qua 100 triệu đôla Hồng Kông (12,7 triệu đôla)

Sau khi cầm cự trong đại dịch, Emperor Cinemas Group hiện mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Hai rạp chiếu phim mới được mở ở Hồng Kông trong năm 2023, cùng với bốn rạp chiếu phim khác ở Trung Quốc. Nâng số rạp chiếu phim ở Trung Quốc Đại lục của Emperor lên 12 trên chín thành phố. “Một cơ hội tốt đến từ Covid là giá thuê bất động sản đã giảm, giá cả phải chăng hơn,” Viên Ngạn Văn giải thích.

“Hoạt động kinh doanh đang khởi sắc nhưng vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn,” Viên Ngạn Văn nói thêm. “Phòng vé dự kiến sẽ không trở lại mức trước Covid trong năm 2023. Phải đến năm 2025.”

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily