Nhân vật & Sự kiện

Thị trường phim Trung Quốc bùng nổ

04/03/2011

Trung Quốc đang trên đường trở thành thị trường phim lớn thứ hai thế giới.

Doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2010 vượt mức 10 tỉ nhân dân tệ, tạo lực đẩy cần thiết cho thị trường phim không mấy sôi động của quốc gia này. Trong số các phim nước ngoài, siêu phẩm khoa học viễn tưởng của James Cameron Avatar (với định dạng 2D, 3D và IMAX-3D) có doanh thu cao nhất. Kể từ khi công chiếu vào ngày 4/1/2010, phim đạt 1,38 tỉ nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc. Inception của Christopher Nolan nhanh chóng mang về gần 500 triệu nhân dân tệ.

Các phim Trung Quốc, trong đó có bom tấn Đường Sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương và Chuyện tình dưới cây táo gai của Trương Nghệ Mưu cũng rất thành công, bất chấp kinh phí sản xuất thấp. Đường Sơn đại địa chấn đạt 670 triệu nhân dân tệ còn Chuyện tình dưới cây táo gai mang về hơn 100 triệu nhân dân tệ.

Đường Sơn đại địa chấn

Vào tháng 12 năm ngoái, Phùng Tiểu Cương và hai đạo diễn nổi tiếng khác – Trần Khải Ca và Khương Văn – giới thiệu những tác phẩm mới nhất của mình, giúp tổng doanh thu phòng vé năm 2010 đạt 10 tỉ nhân dân tệ.

Những thay đổi mang tính thị trường

Trong năm 2010, hệ thống phân phối phim tại Trung Quốc tiếp tục chuyển mình.

Ngày 9/12, Tập đoàn điện ảnh BONA trụ sở tại Bắc Kinh trở thành công ty điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán NASDAQ. Trước đây, tất cả phim Trung Quốc đều được phân phối qua Tập đoàn điện ảnh Trung Quốc do nhà nước sở hữu. Năm 2003, Cục quản lý nhà nước về phát thanh, điện ảnh và truyền hình cấp giấy phép phân phối thử nghiệm cho sáu công ty tư nhân, trong đó có BONA, phá vỡ thế độc quyền nhà nước trong phân phối phim. Kể từ đó, các nhà làm phim Trung Quốc ý thức được tầm quan trọng của quảng bá, và giờ đây việc có những chiến dịch quảng bá năng động cho các phim mới trở nên phổ biến.

Số lượng rạp chiếu phim cũng tăng lên. Tổng số phòng chiếu tại Trung Quốc hiện nay là hơn 6.000, trung bình gần ba rạp chiếu phim 450 chỗ ngồi mới được xây dựng mỗi ngày. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng nhanh chóng này vẫn chỉ đảm bảo tỉ lệ 200.000 người trên một phòng chiếu, thấp hơn nhiều so với con số 9.000 người trên một phòng chiếu tại Mỹ. Rõ ràng, một thị trường rộng lớn vẫn còn chưa được khai thác hết.

Năm 2005, Tập đoàn Wanda trụ sở tại Đại Liên đã đầu tư lớn vào việc xây dựng Wanda Cinema Line. Sở hữu trên 50 rạp chiếu trên toàn đất nước, đây là hệ thống rạp đầu tiên của Trung Quốc có doanh thu vượt mức 1 tỉ nhân dân tệ năm 2010. Theo các chuyên gia, kết quả này cho thấy sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư đối với việc phân phối phim.

“Khi ngày càng nhiều bộ phim xuất sắc được trình chiếu trước công chúng, khán giả sẽ ngày một bị thu hút đến rạp chiếu phim, điều này làm tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư đến ngành công nghiệp điện ảnh. Đây là một vòng quay đúng đắn,” Lý Hoài Lượng, hiệu trưởng trường quản lý truyền thông đại chúng thuộc Đại học truyền thông Trung Quốc, nói. “Chính phủ đã thực thi các chính sách mới, giúp kích thích thị trường trong nước đầu tiên. Khi sự liên kết chặt chẽ được tạo lập giữa thị trường trong nước và nước ngoài, các phim Trung Quốc sẽ ngày càng có ảnh hưởng và nâng cao tính cạnh tranh tại nước ngoài.”

Điện ảnh Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh, Vương Vận Minh, một nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban phát triển và cải cách Trung Quốc, nói. Sự cải cách về cấu trúc này đã được tiến hành trong lĩnh vực điện ảnh từ bảy năm trước, và trung bình doanh thu phòng vé đã tăng với tốc độ đáng ngạc nhiên 30% mỗi năm, một con số hiếm thấy trên thế giới.

“Số lượng khán giả tăng mạnh đã tạo nên một cơ hội vàng cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh,” ông nói.

Cạnh tranh gay gắt hơn

Số lượng phim truyện Trung Quốc chạm mức 530 phim vào cuối năm 2010, đồng thời số phim hoạt hình, phim tài liệu và phim thuộc các thể loại khác cũng tăng mạnh so với những năm trước. “Những con số thống kê không phải là cách duy nhất để đo lường sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh,” Trương Hoành Sâm, phó vụ trưởng vụ điện ảnh thuộc Cục quản lý phát thanh, điện ảnh và truyền hình, nói. “Tuy nhiên, số lượng tăng thì chất lượng mới có thể nâng cao.”

Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường giải trí, theo cam kết gia nhập WTO. Trước đây, mỗi năm có không quá 20 phim được nhập khẩu vào Trung Quốc. Và kết quả sẽ là sự cạnh tranh gay gắt hơn trong nền công nghiệp điện ảnh, bên cạnh nhiều cơ hội mới.

Hiện tượng “phim Tết” cho thấy cuộc cạnh tranh nóng bỏng trong thị trường phim. Hiện tượng mới này bắt đầu từ năm 1997 với Dream Factory của Phùng Tiểu Cương, phim hài có kinh phí sản xuất chỉ là 6 triệu nhân dân tệ nhưng cuối cùng thu được 36 triệu nhân dân tệ. Giờ đây có khoảng 50 phim đua tranh danh hiệu quán quân phòng vé trong mùa phim Tết kéo dài 3 tháng (từ tháng 12 đến tháng 2).

Trong khi đó, sản xuất phim đã trở thành lĩnh vực đầu tư nóng. Số lượng công ty đầu tư vào lĩnh vực này là 1.100 vào năm 2010, tăng đáng kể so với con số trung bình 400-500 những năm trước. “Nhiều nhà đầu tư tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh cho thấy ngành này có sinh lời,” Trương Hoành Sâm nói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rủi ro, ông nói. “Dù thế nào chăng nữa, mỗi năm chỉ có khoảng 100 phim được công chiếu. Thêm vào đó, chỉ một số ít phim thành công lớn tại phòng vé.”

“Nhưng sự thật là có nhiều cách khác nhau để bù đắp chi phí sản xuất phim, không chỉ từ doanh thu phòng vé.” Trương Hoành Sâm nói. “Chúng ta phải đánh giá một phim đem lại lợi nhuận hay bị thua lỗ trong dài hạn, đây là một quá trình phức tạp,” ông nói.

Hiện nay, các nhà làm phim Trung Quốc chủ yếu tự thu hút nguồn vốn, nhưng cách kênh thu hút vốn mới đang xuất hiện. “Với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, ngày càng nhiều công ty điện ảnh và truyền hình dựa vào các định chế tài chính để thu hút vốn, với doanh thu phòng vé, bản quyền và nhiều khi là danh tiếng cá nhân làm tài sản bảo đảm,” Vương Nhiễm, giáo đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn Yikai Capital cho biết.

Trước đây, Hoa Nghị huynh đệ - trở thành công ty đại chúng vào tháng 9/2009 – đã nhiều lần giúp đạo diễn Phùng Tiểu Cương có được những khoản vay ngân hàng không cần thế chấp. Danh tiếng của Phùng Tiểu Cương tại Trung Quốc đã bảo đảm cho doanh thu phòng vé. Nhưng những nhà làm phim ít tên tuổi hơn và những phim không có ngôi sao nổi tiếng, không dễ thu hút nguồn vốn như vậy.

“Để đánh giá liệu nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã đạt đến độ chín hay chưa, chúng ta cần phải xem có bao nhiêu công ty đầu tư thực sự hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực này,” Vương Nhiễm nói.

Chất lượng chưa thỏa mãn

Nhiều đạo diễn Trung Quốc tin rằng các ngôi sao nổi tiếng là cách tốt nhất để thu hút khán giả. Điều này giải thích tại sao ba đạo diễn – Phùng Tiểu Cương, Trần Khải Ca và Khương Văn – lựa chọn Cát Ưu, Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Cannes 1994 vào vai chính trong phim của họ ra mắt tháng 12/2010.

“Sự thật là không nhiều phim được đánh giá cao tồn tại được lâu trên thị trường,” Cao Quân, phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn New Film, một hệ thống rạp chiếu phim có trụ sở chính tại Bắc Kinh, cho biết. Dẫn chứng 27 phim Trung Quốc chiếu vào tháng 10/2010 làm ví dụ, anh cho biết chỉ một phim có lãi, tất cả các phim còn lại đều bị lỗ. “Cuối cùng thì khán giả quan tâm đến chất lượng phim hơn bất cứ yếu tố nào khác.”

“Tổng cộng 500 phim đã được sản xuất trong năm 2010. Nếu lấy 10 tỉ nhân dân tệ chia đều cho 500 phim thì mỗi phim chỉ có doanh thu trung bình chưa đến 20 triệu nhân dân tệ và lợi nhuận ròng cho mỗi phim chỉ là 3-4 triệu nhân dân tệ. Nói cách khác, nhiều hãng phim thậm chí không bù đắp nổi chi phí,” Cao Quân nói.

Tuy nhiên, Let the Bullets Fly của đạo diễn Khương Văn, do anh, Cát Ưu và ngôi sao Hồng Kông Châu Nhuận Phát đóng chính lại vô cùng thành công tại phòng vé. Bộ phim với kinh phí 110 triệu nhân dân tệ, mang về 400 nhân dân tệ trong hai tuần công chiếu đầu tiên.

Let the Bullets Fly

“Để thu hút 20 triệu khán giả, doanh thu phòng vé phải vượt mức 600 nhân dân tệ. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải cho 200 triệu người biết trước về bộ phim, nếu như 10% trong số đó cuối cùng sẽ đến rạp,” Mã Khả, nhà sản xuất của Let the Bullets Fly nói. Vì thế, anh đã chi 50 triệu nhân dân tệ - gần một nửa kinh phí làm phim – vào quảng cáo.

“Đương nhiên, điều kiện tiên quyết là chúng tôi phải làm một bộ phim hay, thực sự cuốn hút khán giả. Một người bỏ ra vài chục nhân dân tệ để xem phim mong muốn một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải bị lừa bởi một thứ kém chất lượng. Chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của khán giả, như thế một cách rất tự nhiên, chúng tôi sẽ được đền đáp bằng doanh thu phòng vé cao,” anh nói.

Khương Văn và Mã Khả đề cao tầm quan trọng của việc viết kịch bản, điều đảm bảo chất lượng cho bộ phim và đồng thời đem lại doanh thu cao.

Đẩy mạnh hợp tác

Năm 2010 cũng đem đến nhiều sự hợp tác giữa các nhà làm phim Trung Quốc và nước ngoài.

Sự thật là ba phim do các hãng phim Trung Quốc và Mỹ hợp tác sản xuất – Thượng Hải với sự tham gia của diễn viên người Mỹ John Cusack, Châu Nhuận Phát và nữ diễn viên Trung Quốc Củng Lợi, The Karate Kid có ngôi sao võ thuật Thành Long, và Những ngày hè nóng bỏng – đều thu hút một lượng lớn khán giả vào năm ngoái.

Cuối tháng 12/2010, đạo diễn Trương Nghệ Mưu công bố rằng nam diễn viên người Anh Christian Bale sẽ tham gia bộ phim mới nhất của ông Nanjing Heroes.

Thượng Hải

Cũng vào tháng 12, một hãng phim lớn Hollywood đã mua bản quyền làm lại Let the Bullets Fly của đạo diễn Khương Văn, và chính anh cũng được mời sang đạo diễn bản làm lại.

Xu hướng hợp tác này tiếp tục trong năm nay. Phim hoạt hình 3D, Little Big Panda, do hãng phim Trung Quốc và Đức thực hiện với kinh phí 350 triệu nhân dân tệ, sẽ trình chiếu tại Trung Quốc trong Lễ hội mùa xuân bắt đầu từ 3/2.

Một hội nghị điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc – với chủ đề hợp tác và đồng sản xuất – đã được tổ chức tại Los Angeles cuối tháng 11/2010. Điều này cho thấy thị trường Trung Quốc rộng lớn đã thu hút sự chú ý của các đạo diễn và nhà sản xuất Hollywood.

Phá vỡ rào cản văn hóa là nền móng của hợp tác song phương trong lĩnh vực điện ảnh,” Bill Mechanic, chủ tịch và giám đốc điều hành Fox Filmed Entertainment từ năm 1994 đến năm 2000, nói. Hợp tác với đạo diễn Hồng Kông Ngô Vũ Sâm, ông đang dự định quay một bộ phim về những người Trung Quốc nhập cư xây dựng các tuyến đường sắt tại Mỹ vào cuối thế kỷ 19. “Chúng tôi hy vọng sẽ sản xuất một bộ phim được cả khán giả Trung Quốc và Mỹ yêu thích,” ông nói.

Trước đây, Hollywood từng xuất khẩu rất nhiều phim Mỹ vào Trung Quốc nhưng ít khi hợp tác làm phim với nước này. Điều này sẽ sớm thay đổi. Hawk Koch, đồng chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ, đã có những trải nghiệm ấn tượng khi làm việc cùng các đồng nghiệp Trung Quốc, cho biết. Ông tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường phim lớn thứ hai thế giới trong tương lai gần.

Khán giả Trung Quốc xếp hàng mua vé xem phim

Tại Trung Quốc, có nhiều diễn viên giỏi nhưng rất ít có khả năng đảm bảo doanh thu phòng vé cao. Cát Ưu là một trong số ít đó. Đạo diễn Trần Khải Ca, Khương Văn và Phùng Tiểu Cương đều chọn anh làm diễn viên chính cho bộ phim dịp Tết 2011 của mình. Nói cách khác, Cát Ưu là sự đảm bảo cho doanh thu phòng vé cao.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng rất thích làm việc với Cát Ưu. Ông từng trao cho Cát Ưu nhiều vai diễn, trong đó có Phải sống (1993), bộ phim mang về cho anh giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes.

Mặc dù cha của Cát Ưu là diễn viên nổi tiếng Cát Tồn Tráng, con đường nghệ thuật của Cát Ưu lại không hề bằng phẳng. Sinh năm 1957, Cát Ưu về sống và làm việc ở vùng quê sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”. Công việc của anh là cho lợn ăn. Sau đó, anh thi vào nhiều đoàn nghệ thuật nhưng đều trượt. Cuối cùng, ở tuổi 25, anh được nhận vào đoàn nghệ thuật Hội liên hiệp thương mại toàn Trung Quốc với vai diễn nhỏ trong Feeding Pigs. Tuy nhiên, tên của Cát Ưu vẫn không xuất hiện trong danh sách diễn viên cho tới năm 1984, sau nhiều năm đóng những vai nhỏ.

May mắn đến với Cát Ưu vào năm 1988, khi anh được chọn vào vai chính trong The Trouble Shooters, chuyển thể từ tiểu thuyết được yêu thích của tác giả nổi tiếng Vương Sóc. Đạo diễn phim thấy ngoại hình và khả năng hài hước châm biếm của Cát Ưu rất phù hợp với nhân vật chính.

Khi đó, rất ít người từng nghe nói đến Cát Ưu. Nhưng ngày nay thì ngược lại. Kể từ khi xuất hiện trong phim truyền hình Stories From the Editorial Board năm 1992, Cát Ưu đã trở thành ngôi sao được công nhận tại Trung Quốc và đoạt rất nhiều giải thưởng.

Cát Ưu trong Feeding Pigs

Cát Ưu trở thành nhân tố không thể thiếu trong các phim Tết suốt một thập kỷ qua. Sau vai diễn thành công trong Dream Factory của Phùng Tiểu Cương năm 1997, Phùng Tiểu Cương đã sản xuất một loạt phim Tết thành công, nhiều phim trong số đó có sự tham gia của Cát Ưu. Thật ra, nhiều người tới rạp chỉ để thấy Cát Ưu. Vai diễn của anh – thường chỉ là một người bình thường trong xã hội – khiến nhiều người coi anh như một thành viên trong gia đình.

“Khi vào vai một người bình thường, Cát Ưu không khiến người xem ác cảm mà cho thấy mơ ước của mình trong cuộc sống,” Phùng Tiểu Cương nói.

Những người trong ngành điện ảnh gọi anh là “Chú Cát Ưu” vì anh khiêm tốn và dễ gần. Anh không bao giờ từ chối khi một người hâm mộ hỏi, “Anh Cát Ưu, tôi có thể chạm vào cái đầu trọc của anh không?”


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Review