Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Công viên kỷ Jura

03/06/2013

Dựa theo tác phẩm nổi tiếng nhất của Michael Crichton, có vẻ như Jurassic Park (phát hành ở Việt Nam với tựa Công viên kỷ Jura) được định sẵn điều tuyệt diệu của điện ảnh với giả thuyết về về những con khủng long đã tuyệt chủng từ lâu được nuôi dưỡng ở thời nay trong một công viên giải trí.

Năm 1993, Steven Spielberg đã nâng kỹ xảo điện ảnh lên tầm cao mới, và khiến khán giả ngưỡng mộ với những cảnh con người và khủng long tiếp xúc với nhau tạo hiệu quả sinh động. Sau đó phim đoạt giải Oscar ở cả hạng mục Hiệu ứng hình ảnh và Hiệu ứng âm thanh nhờ tái hiện trung thực những quái vật thời tiền sử, và đạt doanh thu hơn 900 triệu USD toàn cầu. Cho nên, khi xu hướng tái phát hành những phim bom tấn cũ bằng hiệu ứng 3D chuyển đổi hậu kỳ bùng nổ, thì việc Universal trở lại Công viên kỷ Jura chỉ còn là vấn đề thời gian.

Người viết vẫn nhớ như in lúc xem bộ phim này ở rạp hồi còn nhỏ. Đó là lý do tác giả đi xem lại Jurassic Park một buổi chiếu mùa thu năm ngoái. 20 năm sau vẫn thấy phim ly kỳ này đáng sợ, thú vị và cực kỳ thỏa mãn như vậy. Đã xem cảnh khủng long bạo chúa và khủng long bay ở dạng 2D nguyên thủy nên người viết lại tò mò không biết 3D có thể thêm gì vào trải nghiệm kỳ diệu này. Vì vậy, khi đi xem Jurassic Park 3D để viết bài cho mục này, người viết chỉ chú trọng xem 3D được dùng như thế nào.

Tính phù hợp

Chắc bạn cũng nghĩ đến điều này. Các cảnh hành động đặc biệt và cảnh khủng long bạo chúa rượt đuổi mà bọn khủng long đang gầm rống đuổi bén gót Malcolm (Jeff Goldblum) và bạn bè xem ra hoàn hảo để dùng 3D. Vấn đề là kỹ thuật quay phim của bản gốc lại mâu thuẫn với 3D. Nhưng góc quay tốt nhất để sử dụng hiệu ứng này lại không được dùng đến, vì không được cân nhắc trong bản 1993. Và dù kỹ thuật quay phim của Dean Cundey hoàn toàn phi thường, thì bộ phim vẫn đầy chuyển động cận cảnh gây khó chịu nếu ở dạng 3D. Cơ bản là máy quay tập trung cận cảnh, theo lời của Ellie (Laura Dern) khi cô nói một câu thoại quan trọng, rồi tiêu điểm chuyển từ cô (không tập trung vào cô nữa) sang một ai đó phía sau, chú trọng vào phản ứng của họ. Kiểu quay phim này là công cụ tuyệt vời ở dạng 2D, nhưng sang 3D trông rất kỳ cục khi tiêu điểm là mọi thứ sẽ tạo chiều sâu rất tốt. Tương tự, khi các yếu tố cận cảnh hoặc nền không nằm trong trọng tâm nữa, thì sẽ phí cả 3D. Và trong trường hợp thỉnh thoảng ống kính lóe lên, 3D thực sự rất nhàm chán và gây khó chịu.

Điểm: 3/5

Kế hoạch & Công sức

Người viết cam đoan đây không là một nỗ lực bị xem nhẹ. Bảo đảm họ đã không mất chút phí tổn nào để chuyển đổi bộ phim. Nhưng khi một bộ phim được quay ở dạng hai chiều, thì khó mà cải tiến sang 3D một cách mẫu mực. Là thế này, kế hoạch trước đó không hề tồn tại, nhưng nỗ lực gắn thêm công cụ 3D vào từng cảnh rõ ràng rất nghiêm chỉnh. Kể cả cận cảnh cũng có thêm chút chiều sâu bằng những mặt phẳng được chuyển đổi hậu kỳ. Nhưng bản gốc bỏ qua nhiều chướng ngại để khiến bản làm lại này sánh ngang với những phim được làm dưới dạng 3D ngay từ đầu.

Điểm: 3/5

Trước màn ảnh

Đây là hạng mục khiến nhiều người xem hào hứng đối với 3D. Trước màn ảnh hợp với những yếu tố trong phim có thể trồi ra ngoài rạp, khiến trẻ em cố với tới và chạm vào vật thể trông như chỉ cách chừng chục cm! Một điều người viết vô cùng muốn “xem” đó là những cái dạ dày đầy răng bén nhọn của bọn quái vật khổng lồ thò ra khỏi màn hình. Có ít cảnh kiểu này (ví dụ khi một con khủng long ăn thịt lao vào Ellie), nhưng lại dàn trải, và mấy cảnh này càng ngắn gọn thì hiệu ứng 3D càng không có tác động mạnh mẽ như người viết hy vọng.

Điểm: 2/5

Sâu trong màn ảnh

Một lần nữa kỹ thuật quay phim lại chọi với 3D. Jurassic Park ngập tràn những phong cảnh bạt ngàn, trập trùng, nhưng vì phần lớn thời gian những cảnh vật ấy không nằm trong tâm điểm – để làm nổi bật các nhân vật chính - cảm giác về không gian bị mất đi. Song, cảnh trong nhà bếp được thêm một lớp kịch tính nhờ việc đẩy mạnh hiệu ứng 3D đã tăng chiều sâu cho các lối đi bằng kim loại và gạch lát mà móng vuốt của bọn khủng long gõ cồm cộp lên. Cảnh trực thăng cũng cho thấy chiều sâu của cánh đồng một cách đáng kể.

Điểm: 3/5

Độ sáng

Đây là phần mà trước đó người viết lo lắng vì nhiều cảnh hành động thú vị nhất của Jurassic Park diễn ra trong khung cảnh tăm tối. Nhưng Universal đã tránh sảy chân ở đây, và điều chỉnh phù hợp để khán giả có thể thấy mọi thứ khi khủng long bạo chúa tấn công, con khủng long hai mào lén đi theo Dennis (Wayne Knight đóng) hay những hành lang tối đèn trong nhà kho như hang động mà Ellie phải vào để tái kích hoạt nguồn điện và đối mặt với ba con khủng long tinh quái lần đầu tiên.

Điểm: 5/5

Thử bỏ kính

Bạn thấy được bao nhiêu 3D? Cách dễ nhất để đánh giá là bỏ kính và xem hình ảnh mờ đến đâu. Có vẻ như mỗi khung hình của Jurassic Park đều được thêm hiệu ứng 3D, kể cả những chỗ hoàn toàn không cần thiết, chẳng hạn cảnh giới thiệu đoàn phim trên nền đen cuối phim.

Điểm: 5/5

Sức khỏe của khán giả

Việc chuyển đổi cận cảnh thường xuyên cùng với 3D có làm người viết hơi nhức đầu vào cuối phim, nhưng một cuộc khảo sát không chính thức những khán giả khác cho thấy đây không phải vấn đề phổ biến.

Điểm: 4/5
BẢNG ĐIỂM
Tính phù hợp
3
Kế hoạch và công sức
3
Trước màn ảnh
2
Sâu trong màn ảnh
3
Độ sáng
5
Thử bỏ kính
5
Sức khỏe của khán giả
4
Tổng điểm
25 (trên tối đa 35 điểm)

Kết luận: Tóm lại, lời của tiến sĩ Malcolm phản ánh đúng suy nghĩ của tác giả nhất: "Họ quá bận tâm với việc họ có làm được hay không mà quên mất liệu họ có nên làm không!"

Nói cho rõ nhé. Là một bộ phim, Jurassic Park vẫn hấp dẫn và thú vị. Nhiều kỹ xảo và hiệu ứng hình ảnh vẫn chân thật và hoành tráng. Cốt truyện vẫn kinh điển và diễn xuất vẫn lôi cuốn và ấn tượng. Bộ phim không cần đến 3D để tương xứng với giá vé. Và kể cả mức vé 3D có cao hơn thì người viết vẫn khuyến khích bạn xem lại Jurassic Park. Phim rất hay nhưng bản thân 3D thì không.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi