Khán giả tập trung tại Đại học Bắc Kinh để nghe buổi thảo luận có sự
tham gia của đạo diễn Justine Triet về bộ phim kể phiên tòa xét xử một
phụ nữ tội giết chồng rành rành, đã phẫn nộ với hai diễn giả nam cướp
diễn đàn thảo luận và bác bỏ cách giải thích nữ quyền của bộ phim. Phát
biểu dài dòng của người dẫn chương trình Chen Ming, một nhân vật có
tiếng trong giới truyền hình, thậm chí còn bị khán giả ngắt lời: “Hãy để
đạo diễn nói!”
Đạo diễn Justine Triet (thứ ba từ trái) tại buổi hội thảo trước buổi chiếu Anatomy tại Đại học Bắc Kinh hồi tháng 3 năm nay
|
Sự việc đã khiến người ta chú ý đến sự thống trị của tiếng nói nam giới
trong học thuật, điện ảnh và các ngành công nghiệp văn hóa khác ở Trung
Quốc. Tuy nhiên những phim lấy phụ nữ làm trung tâm, cả trong nước và
quốc tế, gần đây ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người tại buổi công
chiếu
Anatomy đã vỗ tay tán thưởng cuộc thảo luận của Justine
Triet và giáo sư Dai Jinhua, một học giả về nữ quyền và nghiên cứu điện
ảnh, về góc nhìn nữ giới trong phim.
Anatomy tiết lộ mối quan
hệ đa tầng của một cặp vợ chồng và khám phá định kiến giới tính, đạt
8,7/10 điểm trên nền tảng Douban Trung Quốc.
Các nhà làm phim nữ
ở Trung Quốc cũng đang trở thành một lực lượng ngày càng lớn mạnh trong
ngành công nghiệp. Mặc dù nhiều nữ đạo diễn Trung Quốc vẫn còn đang
trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, nhưng tiếng nói của họ đã thêm sự đa
dạng và chiều sâu cho điện ảnh Trung Quốc. Dưới đây là năm bộ phim mới
nhất tập trung vào phụ nữ và đạo diễn nữ đằng sau.
The Woman in the Storm / Vượt qua giông bão (2023) của Tần Hải Yến
Một khảo sát năm 2011 cho thấy gần một phần tư phụ nữ Trung Quốc đã chịu
một số hình thức bạo hành gia đình. Tuy nhiên chủ đề này vẫn chưa được
khám phá nhiều trên màn ảnh rộng.
The Woman in the Storm, phim
đầu tiên của Đại lục xoay quanh một người phụ nữ bị bạo hành, dựa trên
vụ án có thật năm 2013 khi một phụ nữ giết chồng sau nhiều năm bị bạo
hành.
Trong phim, nhân vật chính đối mặt với sự chỉ trích từ
truyền thông và công chúng, trong khi luật sư của cô cố gắng thu thập
bằng chứng bạo hành gia đình. Phim cũng khám phá bạo hành gia đình được
truyền từ đời trước đến đời sau.
Sau 19 năm làm biên kịch thành
công, tác phẩm đạo diễn đầu tay của Tần Hải Yến lấy cảm hứng từ cuộc đấu
tranh ly hôn với người chồng vũ phu của người bạn thân. Sự việc này
khiến đạo diễn Tần nhận ra rằng ngay cả phụ nữ học vấn cao, khả năng tài
chính vững vàng cũng có thể trở nên bất lực khi đối mặt với bạo hành
gia đình. Dựa trên hơn một trăm trường hợp thực tế và các cuộc phỏng vấn
với nạn nhân, luật sư, và cảnh sát, phim đã nâng cao nhận thức về vấn
đề này trong toàn xã hội.
Myth of Love / Ái tình thần thoại (2021) của Thiệu Nghệ Huy
Trong phim hài lãng mạn thành thị phá cách lấy bối cảnh Thượng Hải, nghệ
sĩ nản chí Lão Bạch (Từ Tranh) bị cuốn vào mối quan hệ với ba phụ nữ,
mỗi người đều có cá tính riêng biệt: Bội Bội (Ngô Việt), vợ cũ truyền
thống và bướng bỉnh của anh; tiểu thư Lý (Mã Y Lợi), mẹ đơn thân chuyên
tâm vào sự nghiệp; và Gloria (Nghê Hồng Khiết), người phụ nữ giàu có và
quyến rũ bị chồng ghẻ lạnh. Nhưng thay vì tranh đấu để có được tình yêu
của Lão Bạch, ba phụ nữ này lại gắn bó với nhau trong tình tỉ muội.
Người
hâm mộ đã khen ngợi bộ phim vì cách miêu tả phụ nữ dí dỏm và phá vỡ
khuôn mẫu. Bội Bội biện minh sự không chung thủy của mình bằng cách nói:
“Tôi chỉ phạm phải sai lầm mà bất kỳ người đàn ông nào trên thế giới
cũng có thể mắc phải.” Đây là lặp lại câu nói nổi tiếng của ngôi sao
điện ảnh Thành Long khi anh thừa nhận ngoại tình vào năm 1999.
Myth
là phim truyện dài đầu tay của Thiệu Nghệ Huy. Thuộc thế hệ 9x, Thiệu
Nghệ Huy đã sống trong một con hẻm truyền thống ở Thượng Hải sáu năm sau
khi tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, một trải nghiệm đã truyền
cảm hứng cho phim này. Phim được các hãng phim chọn tại Liên hoan phim
FIRST vào năm 2020. Thiệu Nghệ Huy hiện đang làm phim thứ hai,
Herstory, dự kiến ra mắt năm 2025. Phim tiếp tục khám phá chủ đề về tình yêu hiện đại và nữ giới.
Sister / Ngã đích thư thư (2021) của Ân Nhược Hân
Khi An Nhiên (Trương Tử Phong) 24 tuổi mất cha mẹ trong một tai nạn giao
thông, cô phải chăm sóc em trai 6 tuổi của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cô
đã nhiều năm bỏ bê cô vì cô không phải là con trai khiến họ thất vọng.
Giờ đây, trở thành người giám hộ của em trai đồng nghĩa với việc hy sinh
sự nghiệp và chuyện yêu đương cho đứa trẻ đã chiếm lấy tình yêu của cha
mẹ.
Tình huống gia đình này đã gây xúc động mạnh với nhiều khán
giả nữ có cùng trải nghiệm lớn lên trong một nền văn hóa trọng nam khinh
nữ — hơn 80 phần trăm khán giả trong rạp là phụ nữ.
Sister
thành công đình đám, thu về hơn 800 triệu nhân dân tệ ở phòng vé. Trên
nền tảng đánh giá Douban, một khán giả có biệt danh “conghuasiyue” đã
khen ngợi bộ phim: “Chỉ có nhà làm phim nữ mới chọn những chủ đề sắc sảo
và thực tế như vậy để diễn tả chính xác nỗi đau của phụ nữ... Trong
thời đại tự hoàn thiện bản thân, phụ nữ vẫn không ngừng ở trong tình
trạng tiến thoái lưỡng nan giữa bản sắc cá nhân và gia đình.”
Sister là phim thứ hai của đạo diễn Ân Nhược Hân, đã thắng giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á năm 2021.
The Crossing / Quá xuân thiên (2019) của Bạch Tuyết
Bội Bội (Hoàng Nghiêu), một học sinh trung học 16 tuổi, bị mắc kẹt giữa
hai thế giới: ban ngày cô đến trường cùng những bạn học giàu có ở Hồng
Kông và tan học trở về nhà trong căn hộ nhỏ với mẹ đơn thân của mình tại
thành phố Thâm Quyến ở Đại lục.
Là đứa con ngoài giá thú, thỉnh
thoảng Bội Bội nhận được tiền trợ cấp từ người cha xa cách, một tài xế
xe tải ở Hồng Kông đã có gia đình riêng. Trong lúc đi qua hải quan ở
biên giới Thâm Quyến-Hồng Kông, cô tình cờ gặp một băng buôn lậu iPhone
và được họ tiếp nhận, mang lại cho cô cảm giác gần gũi cần thiết. Cô đã
phải lòng một chàng trai trẻ trong băng nhóm và bị cuốn sâu hơn vào phạm
tội.
Đạo diễn Bạch Tuyết tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh
năm 2007 và đã nói về việc mình thiếu cơ hội trong ngành điện ảnh vào
thời điểm đó. Trong thập kỷ tiếp theo, Bạch Tuyết kết hôn và có con,
nhưng vẫn viết kịch bản. Cô nói cuộc sống gia đình hạnh phúc đã nuôi
dưỡng sức sáng tạo của cô. “Tôi có thể vừa làm bánh bao vừa quay phim,”
cô nói với Duyao, một tài khoản WeChat chuyên đánh giá phim vào năm
2019.
The Crossing đã được đề cử phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2019.
Girls Always Happy / Nhu tình sử (2018) của Dương Minh Minh
Sau khi nổi tiếng với phim ngắn thể loại giả tài liệu tiểu sử
Female Directors năm 2012, Dương Minh Minh đã khám phá mối quan hệ yêu-ghét mẹ-con gái trong phim dài năm 2018
Girls Always Happy, do cô viết kịch bản, đạo diễn và đóng chính.
Người
viết kịch bản tự do Tiểu Vụ (Dương Minh Minh) và người mẹ góa của cô
(Nại An) thường xuyên cãi vã về thói quen sống và lựa chọn cuộc sống.
Mâu thuẫn của họ leo thang khi mỗi người đối mặt với những thất bại và
thất vọng trong cuộc sống cá nhân. Người mẹ góa của Tiểu Vụ không phải
là hình mẫu lý tưởng và điển hình về tình thương và sự hy sinh, thay vào
đó, bà là người phức tạp, thích kiểm soát và bị ám ảnh bởi những bất an
của mình. Giữa mẹ và con gái có tình cảm sâu đậm, nhưng họ cũng có thể
gây nỗi đau khủng khiếp cho nhau. Năm 2018, phim đã được đề cử phim xuất
sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The World of Chinese