Từng đạt vinh quang tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo năm ngoái, giúp nữ
diễn viên Phạm Băng Băng giành giải Cống hiến nghệ thuật xuất sắc nhất
và Nữ diễn viên xuất sắc nhất, bộ phim Buddha Mountain (Phật sơn/Núi Quan Âm) dành cho tuổi trẻ của Lý Ngọc bắt đầu được công chiếu rộng rãi trên cả nước từ ngày 4/3.
Với kinh phí 25 triệu nhân dân tệ (3,8 triệu đôla Mỹ), Phương Lệ, nhà
sản xuất của phim, đã xác định đây là một bộ phim theo trào lưu có kinh
phí thấp. Phương Lệ nói với phóng viên của Global Time: “Đây là
một bộ phim thương mại, nhưng không giống như những phim bom tấn đang
thịnh hành khác thường ít tính nghệ thuật và hoàn toàn không thể chấp
nhận được… Buddha Mountain là một bộ phim chân thực.”
Nhà
sản xuất đồng thời cũng là đồng tác giả kịch bản của phim này đã nhớ
lại, “Bộ phim được bắt nguồn từ một cuộc tranh giải phim ngắn Hollywood
một vài năm trước đây. Chúng tôi đã viết một kịch bản với tựa đề là Affair (Chuyện tình), và đây gần như là sự khởi đầu cho Buddha Mountain.”
Poster phim tại liên hoan phim Tokyo
“Quả là một câu chuyện quá táo bạo và chắc chắn sẽ không thể nào nhận
được sự đồng ý của nhà kiểm duyệt. Khi chúng tôi gần như phải từ bỏ dự
án này thì lại xảy ra trận động đất Tứ Xuyên (2008), một câu chuyện chân
thực đã gợi cảm hứng cho chúng tôi viết về sự sống và cái chết. Vì thế
chúng tôi đã chọn câu chuyện này và hoàn thành được nó,” cô cũng nói
thêm.
Ba cô cậu thanh niên không hề hứng thú với chuyện học hành,
Đinh Ba (Trần Bách Lâm), Nam Phong (Phạm Băng Băng) và Fatso (Phì Long)
đã phiêu dạt đến thành phố, tìm kiếm một nơi mới để sống, và gặp một ca
sĩ Kinh kịch đã về hưu Trương Nguyệt Cầm (Trương Ngải Gia) đang rất đau
khổ vì mất đi người con trai của mình. Bốn con người không hề hợp nhau
đã hình thành mối quan hệ bất hoà dựa trên sự mất mát của nhau, nhưng đã
hoá giải được những mâu thuẫn bằng chuyến đi xây dựng lại ngôi đền đã
bị phá huỷ - đền Phật Sơn như tựa đề của phim.
Đạo diễn Lý Ngọc
cho biết, “Nếu phải đặt ra một chủ đề cho phim, thì sẽ có khoảng hai thế
hệ: ba nhân vật trẻ tuổi đang lạc lối và sống không mục đích. Trái lại,
trở nên già đi lại là một trải nghiệm khác; người cao tuổi thỉnh thoảng
cũng sẽ cảm thấy cô đơn và bị lãng quên.”
Cô giải thích thêm
rằng, “Hình ảnh đường sắt mang một ý nghĩa ẩn dụ cho tuổi trẻ và sự lạc
mất phương hướng. Ba nhân vật trong phim ngày nào cũng đều đi qua đoạn
đường này, cảm thấy tương lai mình thật mờ mịt đồng thời cũng thấy thực
tại thật khó thích ứng.”
Hình ảnh đoạn đường sắt cùng các nhân vật chính trong phim
Nữ đạo diễn này được biết đến với những tác phẩm đầy tính nghệ thuật như Fish and Elephant năm 2001, được xem là phim đồng tính nữ đầu tiên của Trung Quốc và đã đoạt giải các liên hoan phim Berlin và Venice. Bộ phim Dam Street (2005) của bà cũng đã tạo được tiếng vang ở thị trường điện ảnh quốc tế như Lost in Beijing (Bình Quả,
2006), bộ phim mang nội dung tình dục được thể hiện quá chân thực đã
dẫn đến một cuộc đấu tranh lâu dài và không thành công với các nhà kiểm
duyệt trong nước. Quả thực là không có phim nào của Lý Ngọc được cho
phép công chiếu ngay trên chính đất nước của cô.
Tuy nhiên bộ phim truyện thứ tư này của cô, Buddha Mountain không liên quan đến tình dục, bạo lực hay chính trị mà thực tế, lại là một câu chuyện khá nhẹ nhàng. Đạo diễn đã nói với Global Times: “Điều đó [việc cấm trình chiếu Lost in Beijing]
đã làm tôi rất phẫn nộ và không thể ngủ được trong nhiều đêm. Lúc đó
tôi đã quá cứng đầu. Giờ đây tôi đã tạo dựng được mối quan hệ tốt hơn
với các nhà kiểm duyệt, và đã tìm được một giải pháp tốt cho cả đôi bên:
một bộ phim hay đối với tôi và không gây bất kỳ vấn đề nào đối với họ.”
Dù
đặt bối cảnh ở Thành Đô, nhưng phim lại không có bất kỳ cảnh chơi mạt
chược hoặc thưởng trà vốn vẫn là nét đặc trưng thường xuất hiện trên các
phim làm về nơi đây. Lý Ngọc cho hay, “Marco Muller, chủ tịch Liên hoan
phim Venice, đã nói với tôi rằng phim của tôi cho ông thấy được một
Thành Đô khác. Tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng mọi thành phố ở Trung Quốc đều
đang trở nên giống nhau. Thành Đô cũng không còn giữ được nét đặc biệt
như trước nữa, vì thế nên cũng không có hình ảnh mang thương hiệu Thành
Đô.”
Phạm Băng Băng là cái tên cuối cùng mà một đạo diễn có thể nghĩ đến cho một bộ phim nghệ thuật như Buddha Mountain
và bất chấp thực tế cô đã nhận được giải thưởng Tokyo, trong giới
truyền thông Trung Quốc cô vẫn được biết đến nhiều nhất với những bộ
phim bom tấn thịnh hành và những chủ đề buôn chuyện nóng hổi. Tuy nhiên,
ngôi sao 29 tuổi này đã chứng tỏ được cô cũng có thể vào một vai đòi
hỏi cao như vai một cô gái trẻ nổi loạn ở tầng lớp thấp. “Tôi bước chân
vào ngành giải trí lúc 16 tuổi, và tôi đã hy sinh tuổi trẻ của mình
nhiều vì sự nghiệp diễn xuất. Nam Phong [vai diễn của cô] gợi tôi nhớ
đến thời trẻ của mình,” Phạm Băng Băng đã nói trong buổi chiếu ra mắt bộ
phim vào ngày 24/2.
Phạm Băng Băng cũng nói thêm, “Đây là bộ
phim mà tôi đã dồn nhiều tình cảm và tâm huyết nhất trong tất cả những
phim tôi đã từng đóng. Vì chúng tôi đều là phụ nữ, nên Lý Ngọc hiểu tôi
nhất và tin tưởng tôi. Thậm chí cho dù bộ phim không đoạt được giải nào
hay thất bại phòng vé đi chăng nữa thì tôi cũng không hề hối hận vì đã
được tham gia vào đó.”
Cô ấy không cần phải lo lắng về điều này.
Sau buổi chiếu trước, bộ phim đã được đón nhận nhiệt liệt từ cả khán giả
và các nhà phê bình. “Đây thực sự là một bộ phim tuyệt vời hiếm có. Quá
nhiều bộ phim tệ hại đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ (15,2 triệu
đôla),” tổng biên tập Thẩu Giang Minh của báo Esquire đã nói. “Nếu một bộ phim hay như Buddha Mountain
không thể đạt được mức 100 triệu tệ, thì đây sẽ là một điều thực sự
đáng tiếc và là bi kịch cho các nhà làm phim và khán giả trong thời đại
của chúng ta.”
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times