Tin tức

Cái chết của phim tài liệu

02/09/2011

Các nhà phê bình phim kêu gọi các rạp chiếu phim Trung Quốc nên quan tâm hơn tới phim tài liệu.

Phim tài liệu thiên nhiên năm 2009 của Pháp, Oceans, với lời thuyết minh của đạo diễn, diễn viên Khương Văn, cuối cùng cũng được ra mắt ở Trung Quốc vào đầu tháng này. Tuy nhiên bất chấp sự chào đón của giới truyền thông, bộ phim chỉ được chiếu ở 1.000 rạp khắp quốc gia, dẫn tới tình trạng các nhà phê bình phim kêu gọi các rạp chiếu phim Trung Quốc nên quan tâm hơn tới phim tài liệu.

Sự cạnh tranh dữ dội

Việc Oceans đã có được Khương Văn làm người thuyết minh cũng đã giúp nó có chỗ đứng hơn ở nước này, và được khen ngợi nhiều trên mạng internet. “Các quản lý rạp không cảm thấy khả quan lắm về Oceans và nhiều rạp thậm chí còn từ chối chiếu phim này,” Meng Yao, đại diện công ty phân phối Oceans ở Trung Quốc, cho biết.

Gần đây, phim tài liệu Trung Quốc, Yu Lu, của nhà sản xuất Giả Chương Kha, cũng đối mặt với vấn đề tương tự. “Chúng tôi trông đợi nhiều vào sự giúp đỡ từ bạn bè. Một chủ rạp ở Vân Nam thích Yu Lu và cho nó cơ hội chiếu ở rạp nhưng cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi,” Giả Chương Kha cho biết.

Nhưng theo ông Meng, mọi sự có vẻ khả quan hơn đối với Oceans của đạo diễn Jacques Perrin và có hơn 100 loại động vật từ năm vùng biển khác nhau.

“Tuần này, sự phân phối đã mở rộng ra 1.400 phòng chiếu mỗi ngày. Một số rạp chiếu còn cho nó thời gian chiếu tốt nhất trong ngày… điều này có nghĩa là nhiều người đang coi trọng phim tài liệu hơn,” Meng cho biết. Nhưng với sự cạnh tranh như từ Transformers 3Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2, Oceans có khá ít cơ hội thành công.

Năm ngoái, chỉ có 13 phim tài liệu được chiếu ở rạp chiếu phim Trung Quốc, không có phim nào kiếm đủ hòa vốn, với phim tuyên truyền Phục hưng chi lộ có doanh thu cao nhất, 2 triệu NDT. I Wish I Knew của Giả Chương Kha chỉ thu về 500.000 NDT.

Thành công nước ngoài

Ngược lại, những phim tài liệu lại rất được đón nhận ở nước ngoài. Những phim tài liệu từng có doanh thu cao như Fahrenheit 9/11 (2004) của Michael Moore thu về 120 triệu USD, rồi March of the Penguins (2005) cũng có doanh thu 77.437.223 đôla và An Inconvenient Truth của Al Gore có doanh thu 24.146.161 đôla. Oceans xếp thứ tám trong số các phim tài liệu có doanh thu cao toàn cầu, với doanh thu chỉ dưới 20 triệu đôla. Ở Nhật Bản, doanh thu ngày ra mắt phim này đã vượt qua kỷ lục Avatar.

“Khán giả Trung Quốc có ít hiểu biết về phim tài liệu,” Giả Chương Kha cho biết. “Ở Trung Quốc, phần lớn phim tài liệu chiếu trên truyền hình và internet, người xem không có thói quen ra rạp xem, họ cho rằng phim tài liệu là phim miễn phí.”

Làm phim tài liệu ở Trung Quốc ngoài những khó khăn về phân phối còn những khó khăn về vốn từ ban đầu. Oceans có ngân sách 55 triệu euro, dù Perrin cho biết có được lượng ngân sách này là khá khó khăn. Nhưng đối với phim tài liệu Trung Quốc, lượng tiền như thế là không thể có được và lượng vốn tốt nhất có thể hy vọng là ở khoảng 20.000-50.000 NDT.

“Ở châu Âu, còn có các tổ chức và quỹ ủng hộ phim tài liệu và phim nghệ thuật. Có thể là các tổ chức chính phủ hoặc tư nhân. Bạn chỉ cần nộp đơn xin đầu tư và nếu dự án của bạn đủ tốt thì bạn được tiền,” Giả Chương Kha cho biết. Theo ông, dự án gần đây của ông nhờ 70% vào đầu tư từ nước ngoài.

Kém khả quan

Ngoài vốn đầu tư cao, Oceans còn mất bảy năm để hoàn thành, với 12 đội làm phim nhỏ chia ra quay phim ở 54 địa điểm khác nhau. Nhiều khán giả kinh ngạc với phong cảnh đa dạng và không tin rằng các nhà làm phim Trung Quốc có thể làm được phim như thế.

“Nếu đạo diễn người Trung Quốc có được số tiền và đội ngũ như thế, tôi nghĩ họ cũng không thể làm được một bộ phim như thế,” khán giả 29 tuổi, Yao Yu, nói với tờ Global Times.

“Những nhà làm phim tài liệu không có được phản hồi từ khán giả vì phim của họ chiếu trên truyền hình và nói về các vấn đề tuyên truyền. Đó là lý do phim tài liệu gần như đã chết ở Trung Quốc,” nhà phê bình phim Hu Liang nói.

Giả Chương Kha thì cho rằng, “Chúng là những bộ phim 30 phút có lời bình và không phù hợp với rạp chiếu. Nhưng nếu có chủ đề tốt và đội ngũ làm phim giỏi thì nó cũng có thể thành công.”

Những hệ thống rạp chiếu phim thân thiện với phim tài liệu là điều cần có. Rạp chiếu Broadway của Bắc Kinh là rạp chiếu phim nghệ thuật đầu tiên của Trung Quốc. Nhiều phim độc lập được chiếu ở đây với kết quả tốt.

“Phim tài liệu thường không có ngân sách lớn. Với lượng khán giả thấp bộ phim vẫn có thể hòa vốn. Nhưng cùng lúc đó nhiều người yêu phim tài liệu lại chẳng biết xem ở đâu. Cần có nhiều rạp như Broadway thì sẽ có lợi hơn với phim tài liệu.”

The Stone Age bắt đầu

Do nhà làm phim trẻ Vương Tống đạo diễn, bộ phim ngân sách thấp The Stone Age đã bấm máy vào tuần cuối tháng 8 vừa rồi, với các diễn viên chính là Diệp San Hào, Hoàng Lộ và Cung Bội Bật.

Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, nói về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính, Diệp San Hào đóng, vào thời kỳ đồ đá. Theo đạo diễn Vương, San Hào và Hoàng Lộ sẽ cùng đóng vai những người hời kỳ đồ đá, mặc quần áo da động vận và cũng còn có cảnh “gần gũi”.

Bộ phim dự tính ra mắt vào tháng 3 sang năm.


Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Tân Hoa xã