Tin tức

Trên phim trường The Adventures of Tintin

28/08/2011

Mặc dù quá trình quay thực sự của phim The Adventures of Tintin diễn ra ở Los Angeles nhưng nhà sản xuất Peter Jackson và thành viên nhóm làm hậu kỳ ở Wellington, New Zealand dựng riêng một phiên bản phim trường Tintin để trang ComingSoon.net thấy trực tiếp quá trình chuyển đổi từ dạng phim chuyển động diễn viên sang hoạt hình.

Poster phim The Adventures of Tintin: Secret of the Unicorn

Trước tiên, khu vực ghi hình chuyển động cực kỳ dễ chịu - ấm áp, với loại thảm dày, chống ồn dành cho các diễn viên mặc trang phục bắt hình động khác nhau - trong tòa nhà nơi dựng phim trường nằm sau Park Road Post (công ty của Peter Jackson). Căn phòng nhỏ hơn khu vực thu âm thông thường, kích thước khoảng 20x20 feet (khoảng 6x6 m) với nguyên một bức tường được dựng lên bằng thứ mà giám sát hiệu ứng hình ảnh Joe Letteri gọi là “Brain box” (hộp não): bốn hàng máy vi tính ở khu vực của các nhân viên thao tác hệ thống khác nhau đưa ra những lựa chọn cho các máy quay, màn hình và máy ghi âm trong phòng. Nhưng hầu hết các phòng được dùng làm khu vực ghi hình chuyển động mà Letteri gọi là “Volume”. The Volume là một khu vực trong phòng gắn đầy máy quay LED động quanh trần nhà, “nhìn thấy” và ghi lại chuyển động của bất kỳ thứ gì khớp với quả banh theo dõi trong vùng đó.

Dù thông thường việc thực hiện những phim hoạt hình bắt hình động được hiểu là diễn viên chạy loanh quanh diễn bằng điệu bộ giống một vở kịch theo kiểu thí nghiệm, nhưng khu vực Volume thực sự đầy những vật dụng sân khấu (hay chính xác hơn là các phần của vật trang trí) suốt buổi bắt hình động. Cùng lúc đó ở máy tính, bất kỳ điều gì diễn viên dự định tương tác, có thể là cánh cửa, cái ghế hay ô cửa sổ, phải được dựng và đánh dấu thực sự ở trường quay. Chuyện đó gây khó cho việc đưa ra quyết định vào phút chót khi yêu cầu diễn viên chộp lấy quyển sách hay thứ gì đó; nếu vật này không được dựng sẵn, họ phải diễn đạt bằng điệu bộ,” Jackson nói.

Các diễn viên đang diễn xuất trên trường quay

Tuy nhiên, các cảnh dựng không phải những thứ thông thường bạn sẽ nghĩ tới. Vì các máy quay bắt hình động phải thấy những vật đánh dấu từ mọi góc độ nên các cảnh và đạo cụ càng trong càng tốt. Tất cả đều là mô hình ba chiều thật, làm từ nhôm màu xám trơn và tấm đan, tuy vậy điều đó không có nghĩa mọi thứ hoàn toàn đơn giản. Toàn bộ ô tô, phương tiện đi lại và phòng ốc được tạo ra để diễn viên làm việc cùng. Jackson nói, vật dụng phức tạp nhất có lẽ là máy bay được làm như một chiếc máy bay hoàn chỉnh theo tỉ lệ với buồng lái và các nút công tắc để Jamie Bell nghịch ngợm, và một cánh và khoang máy để Andy Serkis trèo lên (giống trong đoạn phim chúng ta xem trước đây.) Máy bay còn được đặt trên thiết bị xoay đa trục lớn để mô phỏng chuyển động càng thực càng tốt trong suốt buổi ghi hình.

Sự cần thiết dựng môi trường đặc biệt đòi hỏi sự khéo léo mỗi khi các nhân vật phải mạo hiểm “bên ngoài” Jackson giải thích, bởi vì họ cũng phải dựng và đánh dấu bất kỳ địa hình nào mà diễn viên phải đi.

Cảnh trong phim The Adventures of Tintin

Có lẽ vì lí do đó mà ông quyết định đơn giản mọi thứ cho buổi diễn này, mang vào một mô hình trường quay cabin của thuyền trưởng Haddock và hành lang chính của Tintin. Hai diễn viên trong trang phục được đánh dấu (mỗi bộ phải được thiết kế riêng cho người mặc) đi vòng theo chỉ đạo của Jackson trong khi ông theo dõi họ bằng máy quay được thay đổi đặc biệt. Được nối với các máy tính bằng cả đống dây cáp, bản thân máy quay không còn ghi hình nữa – thứ duy nhất còn hoạt động theo thiết kế ban đầu là màn hình gắn liền cho Jackson thấy thứ mà máy quay đang hướng vào. Các thiết bị kiểm soát máy quay đã được thiết kế lại để kiểm soát cả hệ thống mà trước đây đòi hỏi cả một đoàn nhân viên - nâng trục, đẩy máy quay theo chuyển động, chỉnh tiêu điểm và theo sát chuyển động - cùng với ăng-ten với các viên bi theo dõi gắn trên nóc để cho máy vi tính biết máy quay đang ở đâu.

Jackson nhanh chóng và khéo léo cho thấy cách ông có thể khiến máy quay di chuyển ngược lên cầu thang trước của Tintin, trông xuống hai diễn viên đang đứng cạnh mình, và sau đó chuyển xuống dưới, “cố gắng không vấp ngã, rồi bước ra đường phố ở Brussell,” với các diễn viên (thủ vai thám tử Thompson và Thompson tại thời điểm đó). Tất cả các việc này ông đều có thể thực hiện khi đứng yên, ngoại trừ một lần xoay người.

Thompson (Simon Pegg đóng) và Thompson (Nick Frost đóng)
cùng tên trộm Silk (Toby Jones đóng)

“Có những thứ bạn vẫn phải làm như thật chứ,” ông đùa.

Để làm tất cả những thứ này, Jackson chỉ cần hai người có mặt, một người cầm dây cáp và một trợ lý dùng bộ tai nghe điện đàm trao đổi với khu vực Brainbox ở đầu kia căn phòng với những điều chỉnh phức tạp hơn như tăng tốc độ chuyển động, thay đổi thời gian trong ngày hoặc ánh sáng trong phòng.

Tuy nhiên, không hề rẻ hay dễ dàng để có được kiểu tự do chuyển động cho phép Spielberg ghi hình phim Tintin trong khoảng thời gian cực ngắn – chỉ 32 ngày – với cỡ 50 nhân viên làm phim đâu. Đoàn làm phim và khung thời gian như vậy thích hợp với phim chính kịch kinh phí thấp hơn là một phim phiêu lưu ngân sách lớn thường mất hàng tháng trời quay phim với hàng trăm người.

Nhân vật Tintin (Jamie Bell đóng) và chú chó Snowy (tiếng Pháp là Milou)

“Nhưng phim không hề rẻ hơn loại có người thật đóng đâu,” Jackson nói, vì phim cần nhiều thời gian hơn ở giai đoạn tiền kỳ và hậu kỳ thay cho lịch quay phim được rút ngắn.

Phần lớn thời gian ở giai đoạn tiền sản xuất được dùng để tìm hiểu xem chính xác các nhân vật trong phim Tintin sẽ trông như thế nào, bắt đầu với những tranh và tượng dưới sự giám sát của Richard Taylor và Chris Guise của công ty Weta Workshop. Các nhà thiết kế tập trung chủ yếu vào việc biến các bức vẽ trường phái ấn tượng của Hergé thành những khuôn mặt thật nhưng vẫn giống hình gốc. Đó là một thách thức cực khó làm tiếp ở cả giai đoạn hậu kỳ vì những họa sĩ hoạt hình tiếp tục “tút” lại ngoại hình nhân vật, đặc biệt nhấn mạnh ở đôi mắt.

“Mắt không chỉ là điểm khó bắt chuyển động và tạo sinh khí nhất,” Letteri nói, mà còn quan trọng nhất nữa. “Đôi mắt rất quan trọng,” Jackson đồng tình. “Kể từ nhân vật Gollum, chúng tôi rất tỉ mỉ ở đôi mắt bởi ở đó không chỉ có mắt mà còn tất cả các cơ quanh mắt nữa. Chúng tôi cố gắng tái tạo lại mọi chuyển động của mắt.”

Spielberg (bên phải) đang chỉ đạo diễn xuất cho
Jamie Bell (vai Tintin) và Andy Serkis (vai thuyền trưởng Haddock)
với trang phục và nón chuyên dụng cho việc ghi hình chuyển động

Với những động tác cơ thể của diễn viên, quá trình đó bắt đầu suốt thời gian bắt chuyển động. Letteri chuyền quanh một chiếc mũ bắt chuyển động chuyên dụng hoàn tất bộ phục trang của diễn viên. Một vỏ nhựa cứng màu đen trông giống chiếc nón bảo hiểm lỗi thời của phi công, được gắn những điểm đánh dấu để theo dõi cử động đầu của nhân vật, cộng thêm một máy quay nhỏ trước mặt diễn viên để ghi lại chi tiết những biểu cảm.

Thật lúng túng khi nhìn, vì vị trí máy quay cố định có nghĩa đầu diễn viên phải giữ yên trong khi cả thế giới quay tròn phía sau mỗi khi họ di chuyển. Đây là hiệu ứng gây chóng mặt vô tình mà các họa sĩ hoạt hình phải liên tục tham khảo khắp nơi. Ngoài sự chóng mặt, máy quay còn đưa ra vài trở ngại mới cho đạo diễn và diễn viên vì, giữa những thứ khác, “chuyện trở nên thú vị khi hai diễn viên hôn nhau,” Jackson nói.

Không giống lần diễn gần đây, Spielberg dùng “vôlăng” điều khiển do James Cameron thiết kế cho việc quay phim Avatar để bắt chuyển động cho phim Tintin, Jackson nói. Tuy nhiên, ông thích máy quay mô phỏng hơn cho việc bắt chuyển động của riêng ông.

Steven Spielberg sử dụng vô-lăng điều khiển

“Dù bạn có thể dùng bất cứ thứ gì nhưng tôi thích cảm giác cầm máy quay trong tay,” ông nói.

Bởi vì thiết bị bắt chuyển động, dù có là gì, thì cũng là thiết bị cầm tay, thiết bị bắt chuyển động nguyên bản có xu hướng giữ lại cảm giác đó khi được chứng thực bởi những màn hình lớn bên khu vực Volume cho thấy thứ Jackson đang quay. Dù một số cảnh quay trong bản phim cuối cùng sẽ giữ lại cảm giác đó, nhưng chuyển động thực có thể và sẽ được gọt giũa trong phim hoạt hình trở thành những cảnh máy quay di chuyển, nghiêng cần trục, hay thậm chí bị cắt bỏ hoàn toàn. Một phiên bản thu nhỏ của kinh nghiệm sản xuất phim Tintin: quá trình bắt chuyển động là phần quan trọng nhất của phim nhưng lại đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là đơn giản cài những mô hình máy tính vào phần nổi của dữ liệu ghi hình nhằm tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh.

Rất nhiều diễn giải nghệ thuật liên quan đến việc xử lý bộ phim khi quyết định mức độ giống với những biểu cảm trên mặt ban đầu. Bản chất của quá trình, và đặc biệt của một phim như Tintin có nghĩa là nhiều diễn xuất bị phóng đại, đôi khi thái quá (đặc biệt là Serkis). Và dù đứng rất gần các diễn viên của mình, người đạo diễn không thể xem trước biểu cảm của diễn viên sẽ trở thành phiên bản hoạt hình ra sao trên màn hình vì những yêu cầu xử lý của việc bắt hình động. Dù máy tính có độ phân giải cao nhưng đoạn phim bên ngoài vẫn khá thấp về chi tiết để đảm bảo tỉ lệ khung hình không đổi, điều hoàn toàn thiết yếu với quá trình bắt hình động.

Thuyền trưởng Haddock

“Cần phải để độ phân giải thấp, giống trò chơi điện tử Xbox, để đảm bảo phim chuyển động ở tốc độ 24 khung hình/giây,” Jackson giải thích.

Tuy vẫn còn một số giới hạn riêng với quá trình này, sự tự do của kỹ thuật bắt hình động cũng tạo ra một môi trường ít căng thẳng đáng kể so với việc quay phim với diễn viên thật, một động lực xa hơn cho các nhà làm phim.

“Ở trường quay có người thật đóng, bạn có hàng trăm người làm việc và nếu trời đầy mây hay mưa, mà đôi lúc xảy ra ở New Zealand, họ chỉ có thể ngồi đó chờ trời quang mây tạnh, và việc này tiêu tốn hàng trăm ngàn đôla,” Jackson nói, lưu ý rằng lịch quay và ngân sách có thể bắt đầu trở nên căng thẳng rất dễ dàng, làm tăng áp lực với họ.

Nếu so sánh thì một phần phim dùng kỹ thuật bắt hình động có thể được thực hiện ở bất cứ đâu – bằng chứng là quá trình quay đứt đoạn của phim Tintin – không cần biết địa điểm được yêu cầu hay số lượng diễn viên cần có vì rất nhiều thứ có thể được thêm vào sau khi quay.

“Bạn có thể quay lại lấy góc độ mà lúc quay bạn không nghĩ ra,” Jackson nói, hay thực hiện những cảnh quay nhỏ nhanh, giống việc họ đã làm bốn tháng trước với Bell và Serkis.

Nhưng kiểu hoàn toàn tự do như vậy cũng có “mặt tốt và mặt xấu,” Jackson thừa nhận. “Bạn cố gắng xem đó như bộ phim thực sự, cố không nổi điên với những cảnh quay khó, nhưng đôi lúc bạn lại không thể kềm chế chính mình,” ông nói. “Bạn phải biết dừng lại đúng lúc.”

Mặc dù việc trình chiếu một phim hoạt hình bắt hình động có nhiều lợi ích nhưng Jackson không có ý định từ bỏ việc quay phim người thật đóng, ông tin rằng mỗi kỹ thuật có ưu điểm riêng và cần được chọn lựa kỹ càng cho phù hợp với cốt truyện và không khí của truyện.

“Được thấy một người thật và những cảm xúc thật lúc nào cũng thú vị,” Jackson nói, “nhưng hai việc đó có thể tồn tại cùng nhau.”

The Adventures of Tintin công chiếu tại các rạp 3D, 2D và IMAX 3D ở Mỹ vào ngày 23/12.


Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Coming Soon.net