Tin tức

Điện ảnh Trung Quốc nửa đầu năm 2013: vẫn đang ăn nên làm ra

13/08/2013

Tân Hoa xã đưa tin doanh thu phòng vé của các rạp chiếu ở Trung Quốc Đại lục tổng cộng gần 11 tỉ nhân dân tệ (1,79 tỉ đôla) cho nửa đầu năm 2013. Theo thống kê trên trang web chính thức của Cục quản lý phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc, con số đó tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số liệu làm lên tinh thần hơn nữa đó là trong khi phim Trung Quốc chiếm chưa đến 35% tổng doanh thu nửa đầu năm 2012, thì năm nay tỷ lệ này đã vượt 63% với 6,85 tỉ nhân dân tệ.

Một báo cáo từ entgroup.cn (trang web thông tin giải trí nổi tiếng của Trung Quốc) cũng dự đoán rằng nếu số lượng phim có thể được bảo đảm, các tác phẩm điện ảnh Trung Quốc có khả năng kiếm được 7,5 tỉ nhân dân tệ nữa trong nửa cuối năm 2013.

Cảnh trong phim Journey to the West: Conquering the Demons

Với tổng doanh thu vé 1,25 tỉ nhân dân tệ, bộ phim Journey to the West: Conquering the Demons của đạo diễn Hồng Kông Châu Tinh Trì đã xếp hạng nhất trong nửa đầu năm 2013, tiếp sau là bom tấn hành động của Hollywood Iron Man 3, kiếm được 755 triệu nhân dân tệ, và So Young với 719 triệu.

Các thỏa thuận về phim Hollywood nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ ký hồi đầu năm 2012, và cả năm đó, đặc biệt là nửa đầu năm, thật ảm đạm cho ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Tổng doanh thu của 10 phim nội địa có doanh thu cao nhất nửa đầu năm 2012 là 1,28 tỉ nhân dân tệ. Năm nay, chỉ một mình phim thành công nhất cũng đã kiếm được xấp xỉ con số đó.

Đạt doanh thu kỷ lục tính đến 30/6/2012, Painted Skin II trở thành phim nội địa có doanh thu cao nhất nửa đầu năm 2012 với 126 triệu tệ. Con số này sẽ chỉ xếp thứ tám ở năm nay.

Chỉ trong vòng vài tháng đã xảy ra bước ngoặt. Doanh thu của phim nước ngoài giảm khoảng 20% từ 5,27 tỉ xuống còn 4,14 tỉ tệ trong nửa đầu năm 2013. Đây là lần đầu tiên trong ba năm qua phim nước ngoài chứng kiến tăng trưởng âm ở thị trường Trung Quốc.

Trong danh sách tốp 5, Iron Man 3 là phim nước ngoài duy nhất, trong khi 26 phim có doanh thu trên 100 triệu tệ trước khi hết ngày 14/6 đều là phim Trung Quốc.

Nhiều rạp chiếu hơn

Màn hình Digital Max (DMAX) trong một rạp chiếu ở Trung Quốc

Như nhiều người trong nghề nhất trí, đóng góp lớn vào việc tăng doanh thu phòng vé là từ việc tăng số lượng rạp chiếu, đặc biệt là những rạp xây dựng ở thành cấp hai và cấp ba.

Theo số liệu thống kê từ EBOT, một bên thứ ba về dữ liệu phim và truyền hình do entgroup.cn sở hữu, trong sáu tháng đầu năm 2013, 419 rạp chiếu phim mới đã được xây dựng trên khắp Trung Quốc, với 1.962 phòng chiếu mới, đẩy tổng số phòng chiếu phim của cả nước Trung Quốc lên con số 15.000.

Và người phụ trách một rạp chiếu ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, nói với các phóng viên từ xinhuanet.com, "Lúc này, khán giả ở những thành phố cấp một chiếm chưa đến 30%."

Trong khi một lượng khán giả lớn hơn chắc chắn đã đẩy doanh thu vé tăng lên, người xem phim ở các khu vực bên ngoài những siêu đô thi rất ít biết đến các ngôi sao Hollywood và quan tâm nhiều hơn đến phim trong nước, có những chủ đề gần gũi với cuộc sống của họ hơn.

Đạo diễn trẻ, kinh phí nhỏ

Một hiện tượng rõ rệt bắt đầu từ cuối 2012 đó là những phim có kinh phí vừa phải nhận được nhiều sự chú ý hơn và rất nhiều tên tuổi mới đang tham gia và lực lượng đạo diễn.

Finding Mr Right

Thử xét 10 phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất. Chỉ có ba phim - The Grandmaster, Conquering the Demons, và Switch - là phim bom tấn kinh phí lớn. Đa số các phim còn lại có kinh phí dưới 100 triệu tệ, theo cổng thông tin giải trí ent.qq.com. Đồng thời, hơn một nửa trong số đó do đạo diễn mới vào nghề đạo diễn (Finding Mr Right, So YoungTiny Times).

Bất chấp phản hồi trái chiều của khán giả, người trong nghề xem những hiện tượng như thế này là một xu hướng tích cực. "Giảm bớt đòi hỏi cho sự thâm nhập với những nhà làm phim trẻ, và vì thế cung cấp cho khán giả nhiều lựa chọn hơn," Kang Haitao, quản lý khu vực của Dadi Cinema Lines, nói với Global Times.

Tiếp thị phim

Tiếp thị phim ngày càng tăng tầm quan trọng đối với sự thành bại của phim nội địa. Không theo cách cũ, các công ty tiếp thị phim giờ đây quan tâm hơn đến việc tạo ra tiếng vang trên truyền thông xã hội thay vì chỉ giới thiệu bản thân bộ phim.

So Young

Ví dụ, khi So Young ra rạp, một làn sóng hồi tưởng thời thanh xuân đã dậy lên trong những người thuộc thế hệ cuối thập niên 1970 và thập niên 1980. Vời sự trợ giúp của bài hát chủ đề, slogan, ảnh nền màn hình vi tính, và trò chơi trực tuyến, làn sóng này lan rộng hơn và kéo dài lâu hơn bản thân bộ phim.

Những phương pháp tiếp thị như thế không chỉ khiến cho nhận thức về phim rộng lớn hơn trong khán giả, mà còn tác động đến các rạp chiếu dành thêm nhiều suất chiếu cho bộ phim hơn.

Kang giải thích với Global Times rằng sự bàn tán rầm rộ về một bộ phim trước khi công chiếu ảnh hưởng đến quyết định của quản lý rạp trong việc dành ưu tiên cho phim nào trên lịch chiếu.

Vấn đề đằng sau sự bùng nổ

Mặc dù các số liệu đem lại một cảm giác phấn khởi, một số vấn đề mới đã xuất hiện đằng sau sự thịnh vượng này.

Một cuộc tranh luận hiện nay là về độc quyền lịch chiếu.

Tiny Times

Như nhật báo Strait News của tỉnh Phúc Kiến đưa tin, vào ngày ra mắt Tiny Times (27/6), nhiều rạp ở Thiên Tân, Bắc Kinh, và Phúc Châu dành toàn bộ các suất chiếu cho bộ phim này. Ngay cả một tuần sau, khi Blind Detective ra mắt vào ngày 7/7, dù phim này nhận được phản hồi tốt hơn từ khán giả, lịch chiếu của Blind Detective chỉ bằng một phần ba của Tiểu thời đại, như đạo diễn Vương Tiểu Soái viết trên trang Sina Weibo cá nhân của ông.

Cũng trên Sina Weibo, đạo diễn từng đoạt Cành cọ vàng Giả Chương Kha đã dẫn lời Aurélie Filippetti, bộ trưởng Bộ văn hóa Pháp, đã nói rằng ở Pháp có luật rằng lịch chiếu của một phim không được vượt quá một phần ba năng lực của rạp chiếu để có sự đa dạng văn hóa.

Wu Hehu, nguyên phó tổng giám đốc điều hành của Shanghai United Circuit, nói với Strait News rằng cho dù có luật lệ như thế ở Trung Quốc lúc này đi nữa, hoạt động hiện thời là một kiểu đầu cơ và làm hại đến các rạp lẫn khán giả.

Ông nói thêm rằng nếu những hành vi như thế là do nhà sản xuất phim, họ có thể bị kết tội độc quyền phi pháp.

Và trong khi trước đó, một dàn diễn viên toàn những ngôi sao lớn có thể ảnh hưởng đến doanh thu của một bộ phim, hiệu ứng ngôi sao dường như càng ngày càng kém quan trọng khi giờ đây khán giả càng lúc càng đòi hỏi nội dung hay hơn.

Switch

"Với những phim như Switch, có cốt truyện đầy lỗ hổng và thiết kế nghèo nàn, ngay cả những ngôi sao lớn nhất cũng chẳng hơn gì làm cảnh," nhà phê bình điện ảnh Li Na nói với Global Times.

Theo Li Na, nhân tố then chốt mà các nhà làm phim cần phải lưu tâm trong tương lai là, "kịch bản và cốt chuyện cho diễn viên không gian để thể hiện hoàn toàn kỹ năng của họ."

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi