Nhân vật & Sự kiện

Các xu hướng của điện ảnh Trung Quốc 20 năm qua

08/08/2013

Điện ảnh Trung Quốc đã trải qua một chặng đường dài kể từ ngày hãng Thiệu Thị của Hồng Kông thống trị thị trường thương mại Trung Quốc vào những năm 1970.

Ngành công nghiệp điện ảnh Đại lục trong 20 năm qua phát triển rất nhanh kéo theo sự phát triển nhiều chủ đề lớn nhỏ mang tính đa ngành trong nghiên cứu về điện ảnh Trung Quốc. Các xu hướng đến và đi qua nhanh chóng, và khi chúng quay trở lại thì không bao giờ giống như trước.

Sau khi cuộc cách mạng văn hóa kết thúc và các chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình vào đầu những năm 1980, nền điện ảnh Trung Quốc mở cửa. Thành công ban đầu của thế hệ đạo diễn thứ năm của Trung Quốc (những người tốt nghiệp Học viện điện ảnh Bắc Kinh năm 1982), trong đó có Trương Nghệ Mưu, Điền Tráng Tráng và Trần Khải Ca vào khoảng giữa đến cuối những năm 1980, đã mở đường cho điện ảnh Trung Quốc vươn tới tầm quốc tế, nhưng ngay cả khi ấy, chỉ những khán giả có thị hiếu phim ảnh tinh tế mới có thể hiểu rõ hoàn toàn phong cách làm phim bị ruồng bỏ của các đạo diễn này. Họ không mấy mặn mà với doanh thu phòng vé, và phần lớn các phim bom tấn Trung Quốc lúc bấy giờ đều do các nhà sản xuất Hồng Kông thực hiện và chỉ có các siêu sao Hồng Kông tham gia.

Cảnh trong phim The Horse Thief / Đạo mã tặc

Nhưng điện ảnh Trung Quốc nhanh chóng thoát khỏi cái bóng của điện ảnh Hồng Kông khi ngành công nghiệp bị thất thế đã tái xuất vươn lên nhờ vào cơ quan kiểm duyệt nhà nước. Sự phát triển thần tốc và cống hiến vượt bậc đã tạo dựng nên sự phát triển vô cùng to lớn cho nền kinh tế Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Thị trường điện ảnh Trung Quốc đã trải qua tiến trình không giống với bất cứ nền điện ảnh nào khác trong một thập kỷ qua. Từ lúc là một trong những nền điện ảnh không được chú ý nhất thế giới đến khi trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai sau Hollywood, điện ảnh Trung Quốc chắc chắn là một chủ đề đáng nghiên cứu.

Giai đoạn 1: Sự trở lại của thế hệ đạo diễn thứ năm

Xu hướng được quan tâm đầu tiên trong nền điện ảnh Trung Quốc bắt đầu từ năm 2002, với sự ra đời của phim điện ảnh võ thuật Anh hùng có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng do Trương Nghệ Mưu sản xuất và đạo diễn. Anh hùng đã thành công trong việc gieo hạt mầm tạo nên xu hướng mới cho các tác phẩm Hoa ngữ kinh phí cao. Các đạo diễn thế hệ thứ năm, được quốc tế biết đến với chủ đề hiện thực chống xã hội trong các tác phẩm trước đó của họ, bước ra khỏi khuôn khổ làm phim “nghệ thuật” độc lập để đầu tư vào những tác phẩm giả tưởng và quy mô hơn.

Anh hùng - tác phẩm khởi đầu xu hướng phim cổ trang kinh phí lớn Trung Quốc

Vào thời điểm phát hành tháng 10/2002, Anh hùng được biết đến là bộ phim điện ảnh có kinh phí và doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kinh phí thực hiện lên đến 217 triệu tệ, Anh hùng đạt doanh thu phòng vé toàn cầu hơn 1,2 tỉ tệ, một thành công đầy phi thường và kinh ngạc. Những bộ phim điện ảnh được sản xuất sau Anh hùng như Thiên địa anh hùng năm 2003, Vô cực năm 2005, Dạ yến năm 2006, và Mạch điền năm 2009, tất cả đều do các đạo diễn thế hệ thứ năm thực hiện, cố gắng ganh đua với tham vọng của Anh hùng bằng cách kết hợp bối cảnh lịch sử tương tự, âm mưu hấp dẫn và các yếu tố võ hiệp sử thi. Tuy nhiên, những bộ phim này không những thất bại tại phòng vé mà còn không gây ấn tượng và rơi vào lãng quên. Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu là tác phẩm duy nhất trong số những bộ phim sau này theo phong cách Anh hùng đạt được thành công vang dội cả trong lẫn ngoài Trung Quốc.

Giai đoạn 2: Ảnh hưởng của Hồng Kông

Bất chấp xu hướng phát triển của các tác phẩm bom tấn Trung Quốc, Đại lục vẫn phải vận hành trong sự ảnh hưởng của Hồng Kông. Anh hùng của Trương Nghệ Mưu là phim đồng sản xuất với Hồng Kông, và các nhà phê bình tin rằng sự hội tụ của các siêu sao Hồng Kông như Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc và Chân Tử Đan là điều chủ yếu góp phần tạo nên thành công của bộ phim. Thậm chí nam diễn viên Trung Quốc Lý Liên Kiệt được chào đón như một diễn viên Hồng Kông bởi vì anh nổi tiếng nhất với các phim điện ảnh Hồng Kông. Bản thân Anh hùng cũng được truyền cảm hứng từ thể loại phim hành động đã có vị thế vững chắc của điện ảnh Hồng Kông.

Cảnh trong phim Hoàng Kim Giáp

Chịu ảnh hưởng của danh tiếng và sự thịnh vượng của nền công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, hầu hết các bộ phim bom tấn của Trung Quốc trong suốt thời kỳ này đều đồng hợp tác với các hãng phim Hồng Kông, với sự tham gia diễn chính của các diễn viên Hồng Kông. Trương Nghệ Mưu được cho là đạo diễn Trung Quốc duy nhất đạt thành công về mặt thương mại vào thời điểm bấy giờ, ra mắt bộ phim điện ảnh cổ trang ăn khách kinh phí lớn mới nhất của ông, Hoàng Kim Giáp năm 2006, với sự tham gia diễn xuất của nam diễn viên Châu Nhuận Phát.

Hoàng Kim Giáp cũng là bộ phim cuối cùng của một đạo diễn Trung Quốc có thể càn quét phòng vé Đại lục. Những bộ phim sau này của Trương Nghệ Mưu như A Simple Noodle Story, Under the Hawthorn Tree / Chuyện tình cây táo gaiKim Lăng thập tam thoa đều đạt doanh thu bình thường. Bộ phim Back to 1942 của đạo diễn được giới phê bình ca ngợi Phùng Tiểu Cương cũng gây thất vọng. Thời hoàng kim của các bộ phim điện ảnh lịch sử Trung Quốc đã qua, và dường như khán giả Trung Quốc không còn hứng thú xem lại các bộ phim võ thuật tương tự được xào đi xào lại nhiều lần.

Thành công của Anh hùng ở Trung Quốc đã làm cho con đường tìm kiếm những cơ hội mới ở Đại lục của các đạo diễn Hồng Kông trở nên dễ dàng hơn, và từ năm 2005 trở đi, điện ảnh Trung Quốc đã chứng kiến sự trỗi dậy của lớp đạo diễn Hồng Kông đảm nhận các dự án phim tiếng phổ thông. Điều này bắt đầu khi Từ Khắc trình làng bộ phim võ hiệp Thất kiếm của ông với Đại lục. Bộ phim là phóng tác “Thất kiếm hạ Thiên Sơn” của nhà văn Lương Vũ Sinh, cuốn tiểu thuyết võ hiệp này chỉ có một bản chuyển thể thành phim điện ảnh Hồng Kông vào năm 1959 trước bản làm lại của Từ Khắc.

Cảnh trong phim Thất kiếm

Tiếp nối thành công doanh thu phòng vé của Thất kiếm, Trần Khả Tân, Châu Tinh Trì, Ngô Vũ Sâm, Nhĩ Đông Thăng, Mạch Triệu Huy, Trang Văn Cường, và các nhà làm phim Hồng Kông khác đã thẳng tiến phát hành các bộ phim điện ảnh thành công về mặt thương mại ở Trung Quốc. Giống như những gì Trương Nghệ Mưu đã làm trong Anh hùng, các đạo diễn Hồng Kông hy vọng mang đến cho khán giả các bộ phim kinh phí lớn, ngôi sao nổi tiếng, và đậm chất nghệ sĩ của chính họ.

Phong cách làm phim chớp nhoáng theo kiểu Hollywood của Hồng Kông đã thu hút khán giả Đại lục. Những bộ phim cổ trang được mang trở lại phòng vé, và các phim điện ảnh lịch sử Hồng Kông như Mặc Công, Đầu danh trạng, Giang sơn mỹ nhânHọa bì đã trở thành những suất chiếu bỏng ngô không thể nào quên.

Giai đoạn 3: Sự tuột dốc của điện ảnh Hồng Kông

Sau Xích Bích của Ngô Vũ Sâm, các đạo diễn Hồng Kông gặp phải bế tắc trong ngành công nghiệp điện ảnh Đại lục. Phim điện ảnh cổ trang do Hồng Kông đạo diễn đạt thành công duy nhất sau Xích BíchĐịch Nhân Kiệt của Từ Khắc. Hình ảnh 3D của loạt phim Transformers của Hollywood đã thay đổi suy nghĩ hạn hẹp rằng khán giả Trung Quốc thì phải đi xem phim Trung Quốc, và các phim như Anh hùng của Trung Quốc cũng không còn được xem là có tính đột phá nữa.

Phim điện ảnh Hồng Kông không chỉ thất bại ở Đại lục mà còn thất bại ở Hồng Kông. Trên thực tế, thất bại của những bộ phim Hồng Kông kinh phí lớn ở sân nhà là một trong những nguyên nhân vì sao các đạo diễn Hồng Kông chuyển hướng đến Đại lục. Khán giả Hồng Kông thích xem các phim Hollywood được dàn dựng công phu, các chương trình truyền hình Mỹ, và các phim nội địa kinh phí thấp hơn. Phim tình cảm hài nội địa Love in a Buff / Khói thuốc tình yêu gặt hái thành công vang dội tại Hồng Kông. Thậm chí phim cấp ba kinh phí thấp Vulgaria cũng đã phá kỷ lục doanh thu phòng vé. Những phim điện ảnh đồng sản xuất giữa Hồng Kông và Trung Quốc như Long môn phi giáp, Quan Vân TrườngTân Thiếu Lâm tự đều thất bại thảm hại ở Hồng Kông.

Cảnh trong phim Xích Bích

Còn ở Đại lục, các bộ phim đồng sản xuất được đón nhận tốt hơn, nhưng thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Kết quả là, một vài đạo diễn thử bắt tay vào thực hiện những thể loại mới, như khoa học viễn tưởng hay tâm lý ly kỳ, nhưng đa phần những phim này bị lu mờ bởi cái bóng của Hollywood.

Giai đoạn 4: Sự trỗi dậy của thế hệ đạo diễn thứ sáu

Khi các đạo diễn Hồng Kông quay trở về thị trường sân nhà để sản xuất các bộ phim nhỏ hơn, thì nhiều đạo diễn Trung Quốc cũng làm như vậy và trở lại với lớp đạo diễn “thế hệ thứ sáu”. Thế hệ đạo diễn thứ sáu – dùng để chỉ những đạo diễn trẻ hơn được quốc tế công nhận sau thế hệ thứ năm – đã trỗi dậy vượt bậc sau thời kỳ làm phim lặng lẽ.

Thế hệ đạo diễn thứ sáu manh nha từ đầu những năm 1990. Với phong cách làm phim kinh phí thấp và nghiệp dư, quay phim kiểu phim tài liệu, chủ đề mang tính cá nhân, và ưu tiên tuyển chọn các diễn viên tay ngang, đã biến thế hệ đạo diễn thứ sáu trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu đa ngành về điện ảnh Trung Quốc. Các đạo diễn thế hệ thứ sáu chưa bao giờ thực hiện những bộ phim thành công về mặt thương mại, nhưng với một Trung Quốc luôn háo hức chào đón những tài năng mới, thì những đạo diễn ngầm này có thể có cơ hội để tỏa sáng.

Áp phích phim Nam Kinh! Nam Kinh

Crazy Racer năm 2009 của đạo diễn Ninh Hạo đã đứng đầu doanh thu phòng vé, thu về hơn 100 triệu tệ ở Đại lục. Cùng năm đó, bộ phim Nam Kinh! Nam Kinh! của Lục Xuyên cũng nối gót với 170 triệu tệ. Trong thời gian này, Vương Tiểu Soái đã phát hành bộ phim thành công nhất về mặt thương mại nhất của mình, In Love We Trust. Những bộ phim tâm lý tương tự khác do thế hệ đạo diễn thứ sáu thực hiện, gồm có Bạch Lộc Nguyên, Hoàng kim đại kiếp án / Guns N’Roses, Tương ái / Enternal Moment, và The Chef, the Actor, the Scoundrel, tất cả đều vượt hơn 100 triệu tệ doanh thu phòng vé; The Chef, the Actor, the Scoundrel thành công nhất, đã kết thúc đợt chiếu rạp với hơn 270 triệu tệ.

Có thể rút ra một số kết luận vì sao thế hệ đạo diễn thứ sáu đột nhiên trở nên thành công ở phòng vé. Thứ nhất, họ không làm phim tâm lý hành động cổ trang. Thứ hai, họ sẵn sàng bỏ ngoài yếu tố phòng vé và lựa chọn theo đuổi sở trường của mình, hơn là bắt chước thành công của những người tiền nhiệm. Thứ ba, phim của họ có kinh phí sản xuất thấp, và do vậy đạt lợi nhuận cao hơn.

Giai đoạn 5: Lớp đạo diễn tân binh

Hai năm trước, điện ảnh Trung Quốc đối mặt với xu hướng mới – sự trỗi dậy của lớp đạo diễn được gọi là “tân binh” và những bộ phim ăn khách gần đây của họ. Tuy nhiên, tên gọi của xu hướng mới này, dễ bị hiểu lầm. Các đạo diễn có bước đột phá gần đây như Lý Ngọc, Từ Tịnh Lôi, Từ Tranh, Tiết Hiểu Lộ và Triệu Vy đều được giới truyền thông Trung Quốc phong là “lớp đạo diễn tân binh”, nhưng vì các nghệ sĩ uy tín này từng tích lũy nhiều năm kinh nghiệm nghề nghiệp trước khi khởi nghiệp đạo diễn, nên biệt danh “tân binh” là không phù hợp.

Từ Tịnh Lôi, Từ Tranh và Triệu Vy tất cả đều là những ngôi sao phòng vé nổi tiếng trước khi họ chuyển hướng sang đạo diễn phim. Lý Ngọc không phải là diễn viên, nhưng cô là một người dày dạn kinh nghiệm, vì cô đã thực hiện bảy phim độc lập trước bộ phim ăn khách hàng triệu đôla Double Xposure / Hai lần gặp mặt năm 2012. Tiết Hiểu Lộ là một biên kịch nổi trội trước khi bắt đầu sự nghiệp đạo diễn, đã bùng nổ sau khi phim hài lãng mạn Finding Mr. Right đứng đầu doanh thu phòng vé, thu về hơn 575 triệu tệ.

Cảnh trong phim Double Xposure

Hiện tượng mới về lớp đạo diễn tân binh này cũng có ảnh hưởng đến Hồng Kông và Đài Loan – nữ diễn viên Hồng Kông Dương Thái Ni hiện đang chuẩn bị cho tác phẩm đạo diễn đầu tay của mình như Hoa hồng Noel; còn quán quân doanh thu phòng vé của Đài Loan You Are the Apple of My Eye, là tác phẩm khởi nghiệp đạo diễn của Cửu Bả Đao.

Vậy tại sao những đạo diễn “tân binh” này đạt được thành công lớn như vậy? Họ khác gì so với thế hệ thứ năm, thứ sáu và các đạo diễn Hồng Kông?

Giống như lớp đạo diễn thế hệ thứ sáu trước, các đạo diễn tân binh là những người sẵn sàng dấn thân. Họ chuyển mình chạy theo các xu hướng và phong cách mới trong phim của họ – hầu hết các bộ phim ăn khách gần đây của Trung Quốc đều là phim hiện đại thay vì phim sử thi. Thêm vào đó, các đạo diễn tân binh đều nhắm đến các khán giả mục tiêu khác – đó là phụ nữ. Các bom tấn phòng vé gần đây giống như Finding Mr. Right, 33 ngày thất tình, và So Young đều là phim tình cảm hài, thu hút khán giả nữ. Thật ra, xu hướng mới này chất chứa thành kiến về giới tính trong cách làm phim, nhưng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Trung Quốc trong mấy năm gần đây, thì không bao giờ là ý tưởng tồi khi thử những cái mới.

Điện ảnh Trung Quốc năm nay lại tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của thế hệ đạo diễn mới, các bộ phim hiện đại, và nội dung hợp thời, nhưng với bầu không khí luôn biến đổi của Trung Quốc thì tương lai không bao giờ có thể dự đoán được.

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jayne Stars


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi