Tin tức

Diễn viên lồng tiếng chiến đấu với hiểm họa trí tuệ nhân tạo đánh cắp giọng nói của họ

18/07/2025

Khi công nghệ mới đe dọa ngành công nghiệp lồng tiếng trị giá 3 tỉ bảng Anh, các chuyên gia lồng tiếng giải thích vì sao khán giả nên lắng nghe nỗi sợ hãi của họ.

Julia Roberts trong phim Pretty Woman

Khi Julia Roberts bước vào chiếc Lotus Esprit của Richard Gere, chiếc xe chạy cà giật trên Đại lộ Hollywood trong phim Pretty Woman năm 1990, người Đức đã nghe Daniela Hoffmann, chứ không phải Roberts, thốt lên: “Man, this baby must corner like it’s on rails!” Tại Tây Ban Nha, Mercè Montalà đã lồng tiếng cho câu thoại này, trong khi khán giả Pháp nghe từ Céline Monsarrat. Trong những năm tiếp theo, giọng nói của “người đàn bà đẹp” Hollywood sẽ khác đi tại các rạp chiếu phim trên toàn thế giới, nhưng đối với khán giả bản xứ, giọng của cô vẫn vậy.

Các diễn viên lồng tiếng sẽ trở nên nổi tiếng ở quê nhà, nhưng ngày nay, công việc của họ đang bị trí tuệ nhân tạo đe dọa. Sử dụng AI là một điểm gây tranh cãi lớn trong cuộc đình công của các diễn viên Hollywood năm 2023, khi cả biên kịch và diễn viên đều bày tỏ lo ngại nó có thể làm suy yếu vai trò của họ, và đấu tranh đòi luật pháp liên bang bảo vệ công việc của họ.

‘Đừng đánh cắp giọng nói của chúng tôi’… Các nghệ sĩ lồng tiếng đã tham gia cuộc đình công chống lại các hãng phim Hollywood ở Los Angeles năm 2023

Không lâu sau đó, hơn 20 nghiệp đoàn, hiệp hội và công đoàn diễn viên lồng tiếng đã thành lập liên minh United Voice Artists để vận động với khẩu hiệu “Đừng đánh cắp giọng nói của chúng tôi.” Tại Đức, quê hương của “giải Oscar lồng tiếng”, các nghệ sĩ cảnh báo rằng công việc của họ đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều phim lồng tiếng bằng AI được đào tạo bằng giọng nói của họ mà không có sự đồng ý của họ.

“Đây là chiến tranh với chúng tôi,” Patrick Kuban, diễn viên lồng tiếng và nhà tổ chức của công đoàn lồng tiếng Voix Off, đã cùng với Liên đoàn Nghệ sĩ Biểu diễn Pháp khởi xướng chiến dịch #TouchePasMaVF (“đừng chạm vào phiên bản tiếng Pháp của tôi”), chia sẻ. Họ muốn thấy lồng tiếng được bổ sung vào chính sách “ngoại lệ văn hóa”, một chính sách của chính phủ Pháp coi sản phẩm văn hóa là một phần của bản sắc dân tộc và cần được nhà nước bảo vệ đặc biệt.

Chiến dịch #TouchePasMaVF (“đừng chạm vào phiên bản tiếng Pháp của tôi”)

Lồng tiếng không chỉ là việc dịch phim sang tiếng mẹ đẻ, Kuban giải thích, mà còn được điều chỉnh “theo hài hước kiểu Pháp, bao gồm các tham chiếu, văn hóa và cảm xúc.” Kết quả là, theo một nghiên cứu của Audiens Group năm 2023, AI có thể khiến khoảng 12.500 việc làm tại Pháp gặp rủi ro: bao gồm biên kịch, biên dịch, kỹ sư âm thanh, cũng như chính các diễn viên lồng tiếng.

“Con người có thể mang đến [cho những vai trò này]: kinh nghiệm, chấn thương và cảm xúc, bối cảnh, nền tảng và các mối quan hệ,” Tim Friedlander, một diễn viên lồng tiếng, chủ phòng thu, nhạc sĩ và chủ tịch Hiệp hội Diễn viên Lồng tiếng Hoa Kỳ, cho biết thêm. “Tất cả những điều mà con người chúng ta kết nối. Bạn có thể có một giọng nói nghe có vẻ tức giận, nhưng nếu không cảm thấy tức giận, bạn sẽ mất kết nối.”

Tim Friedlander, người sáng lập Hiệp hội Diễn viên Lồng tiếng Quốc gia, phát biểu cảnh báo về hiểm họa AI tại Comic-Con ở San Diego vào ngày 21 tháng 7 năm 2023

Kể từ khi phim nói ra đời vào cuối những năm 1920 và 1930, lồng tiếng đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hơn 4,04 tỉ đôla trên toàn cầu. Lần đầu tiên được áp dụng ở châu Âu bởi các nhà lãnh đạo độc tài muốn xóa bỏ những ám chỉ tiêu cực đến chính phủ của họ và quảng bá ngôn ngữ của họ. Mussolini đã cấm tuyệt đối tiếng nước ngoài trong phim ảnh, một chính sách đã thúc đẩy xu hướng ưa chuộng phim lồng tiếng hơn là phim phụ đề ở quốc gia này.

Ngày nay, 61% khán giả Đức và 54% khán giả Pháp cũng chọn phim lồng tiếng, trong khi Disney lồng tiếng các xuất phẩm của họ sang hơn 46 ngôn ngữ. Nhưng với sự phát triển của AI, đối tượng hưởng lợi từ việc lồng tiếng có thể sớm thay đổi.

Đầu năm nay, công ty khởi nghiệp ElevenLabs có trụ sở tại Anh đã công bố kế hoạch nhân bản giọng nói của Alain Dorval — “voix de Stallone”, người đã lồng tiếng cho Sylvester Stallone trong khoảng 30 bộ phim từ những năm 1970 trở đi — trong bộ phim ly kỳ mới, Armor, trên Amazon. Vào thời điểm đó, các hợp đồng không nêu rõ cách tái sử dụng giọng nói của diễn viên: gồm cả việc đào tạo phần mềm AI và tạo ra giọng nói tổng hợp mà cuối cùng có thể thay thế hoàn toàn diễn viên lồng tiếng.

Sylvester Stallone trong bộ phim ly kỳ mới, Armor, trên Amazon

“Đó là một loại quái vật,” Kuban nói. “Nếu không có sự bảo vệ, tất cả các loại việc làm sẽ mất hết: sau ngành công nghiệp điện ảnh, sẽ là ngành công nghiệp truyền thông, ngành công nghiệp âm nhạc, tất cả các ngành công nghiệp văn hóa, và một xã hội không có văn hóa sẽ không tốt đẹp gì.”

Khi ChatGPT và ElevenLabs ra mắt thị trường vào đầu năm 2022, biến AI thành một công nghệ hướng đến công chúng, “đó là một mối đe dọa trên lý thuyết, chứ không phải là mối đe dọa trực tiếp,” Friedlander nói. Nhưng khi thị trường phát triển, bao gồm công ty khởi nghiệp Deepdub của Israel ra mắt, một nền tảng AI cung cấp dịch vụ lồng tiếng và thuyết minh phim, những vấn đề liên quan đến công nghệ giọng nói tổng hợp đã trở nên không thể bỏ qua.

“Nếu bạn đánh cắp giọng nói của tôi, bạn đang đánh cắp danh tính của tôi,” Daniele Giuliani, người lồng tiếng cho Jon Snow trong Game of Thrones và là đạo diễn lồng tiếng, chia sẻ. Anh là chủ tịch Hiệp hội Lồng tiếng Ý, ANAD, gần đây đã đấu tranh đưa các điều khoản về AI vào trong hợp đồng quốc gia nhằm bảo vệ diễn viên lồng tiếng trước việc giọng nói của họ bị sử dụng một cách bừa bãi và trái phép, đồng thời cấm sử dụng giọng nói đó vào học máy và khai thác dữ liệu sâu — một đề xuất đang được sử dụng làm mô hình ở Tây Ban Nha. “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi không muốn giọng nói của mình bị lợi dụng để nói bất cứ điều gì người khác muốn.”

Daniele Giuliani, người lồng tiếng cho Jon Snow trong Game of Thrones và là đạo diễn lồng tiếng

AI cũng đã vươn vòi bạch tuộc ra toàn cầu. Tại Ấn Độ, nơi 72% khán giả thích xem nội dung bằng ngôn ngữ khác, Sanket Mhatre, người lồng tiếng cho Ryan Reynolds trong phim siêu anh hùng Green Lantern năm 2011, bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn, và hầu hết các hợp đồng này đều có điều khoản rất rõ ràng về việc giọng nói của bạn sẽ được sử dụng vĩnh viễn ở bất kỳ đâu trên thế giới,” Mhatre nói. “Giờ đây, với AI, ký kết kiểu thế này thì về cơ bản là ký kết sự nghiệp của bạn.”

Mhatre lồng tiếng Hindi cho hơn 70-100 bộ phim Hollywood mỗi năm, cũng như phim Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp; phim bộ truyền hình, chương trình hoạt hình, anime, phim tài liệu và sách nói. “Mỗi ngày, tôi kể lại những câu chuyện từ nơi nào đó trên thế giới cho người dân đất nước tôi bằng ngôn ngữ của họ, bằng giọng nói của họ. Thật đặc biệt,” anh nói. “Đây là một bài tập dung hợp. Ở Ấn Độ, nếu không nói tiếng Anh thì bạn rất dễ bị coi thường và cảm thấy mình kém cỏi. Nhưng khi bạn có thể lồng tiếng Hindi cho phim ảnh, giờ đây người ta hiểu được phim ảnh và có thể bàn luận.”

Sanket Mhatre lồng tiếng Hindi cho hơn 70-100 bộ phim Hollywood mỗi năm

Anh nhận thấy số lượng công việc lồng tiếng cho quảng cáo doanh nghiệp, video đào tạo và các nội dung thông tin khác đang giảm dần, nhưng anh cho rằng hiện tại công việc của mình vẫn ổn vì AI không thể thích ứng với các sắc thái văn hóa hoặc hành động theo cảm xúc của con người.

“Nếu khuôn mặt của diễn viên không hiển thị trên màn hình, hoặc nếu bạn chỉ nhìn thấy lưng của họ, ở Ấn Độ, chúng tôi có thể thử thêm một biểu cảm hoặc một câu thoại để làm rõ cảnh quay hoặc cung cấp thêm ngữ cảnh.” Anh giải thích, khi có nhắc đến phim du hành thời gian trong một phim khoa học viễn tưởng, người lồng tiếng có thể liệt kê các tựa phim Bollywood thay thế.

Nhưng khi AI học hỏi nhiều hơn từ diễn viên lồng tiếng và những người khác, Mhatre nhận thức được rằng việc áp dụng công nghệ này sẽ nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều cho các công ty so với thuê diễn viên lồng tiếng, biên dịch viên và kỹ sư âm thanh.

“Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi không muốn giọng nói của mình bị lợi dụng để nói bất cứ điều gì người khác muốn”

“Chúng ta cần phải phản đối robot,” Kuban nói. “Chúng ta cần sử dụng chúng cho những mục đích hòa bình, có thể là biến đổi khí hậu hay những việc tương tự, nhưng chúng ta cần có diễn viên trên màn ảnh.” 

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian