Tin tức

Hoạt hình độc lập phá vỡ thế độc tôn của Hollywood

11/04/2025

Flow, do Gints Zilbalodis đạo diễn, thuộc vào làn sóng phim hoạt hình không phải của Hollywood kể những câu chuyện sâu sắc nhắm đến đối tượng khán giả là người lớn.

Khi đạo diễn Gints Zilbalodis nhận giải Oscar vào tháng trước cho bộ phim hoạt hình mới lạ Flow, ông đã cảm ơn cha mẹ và “những em mèo và chó” của mình — thật phù hợp, vì bộ phim hoạt hình lôi cuốn này kể về một chú mèo và những loài động vật khác sinh tồn sau trận lụt lớn.

Bộ phim hoạt hình lôi cuốn Flow kể về một chú mèo và những loài động vật khác sinh tồn sau trận lụt lớn

Sau đó, ông thêm một lời kêu gọi đoàn kết cho ngành công nghiệp: “Tôi thực sự xúc động trước sự đón nhận nồng nhiệt mà bộ phim của chúng tôi nhận được... và tôi hy vọng nó sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà làm phim hoạt hình độc lập trên toàn thế giới.”

Thành công của Flow khi đánh bại các phim hoạt hình hãng lớn của Mỹ như Inside Out 2The Wild Robot để thắng Giải thưởng Viện Hàn lâm và Quả Cầu Vàng vào tháng 1 chắc chắn sẽ khích lệ các nhà làm phim hoạt hình khác bên ngoài Hollywood.

Được sản xuất tại Latvia với kinh phí 3,7 triệu USD, Flow đã thu về doanh thu bán vé gấp 10 lần con số đó cho đến nay. Có lẽ nhờ không lời thoại nên câu chuyện ngụ ngôn này vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng gần như không thể tưởng tượng Pixar hay DreamWorks mà lại tạo ra được thứ gì huyền bí như vậy.

Memoir of a Snail kiệt tác u sầu về Grace (do Sarah Snook lồng tiếng) và Gilbert (Kodi Smit-McPhee), cặp song sinh sống ở Melbourne những năm 1970 bị chia cắt sau khi cha mẹ qua đời

Zilbalodis có thể đã đạt được ước nguyện mà không nhận ra, vì 2025 dường như là năm của hoạt hình độc lập.

Bộ phim Memoir of a Snail, cũng được đề cử giải Oscar cùng với Flow, là một kiệt tác u sầu, câu chuyện do Úc thực hiện về Grace (do Sarah Snook lồng tiếng) và Gilbert (Kodi Smit-McPhee), cặp song sinh sống ở Melbourne những năm 1970 bị chia cắt sau khi cha mẹ qua đời. Trong bộ phim đó, hài hước đen tối — cười những người thích đổi bạn tình và chủ nghĩa khỏa thân — hòa quyện với những liên hệ các vấn đề trong thế giới thực ảm đạm hơn, bao gồm bệnh Alzheimer và chủ nghĩa chính thống tôn giáo.

Như đạo diễn Adam Elliot gần đây đã nói với tờ báo Anh The Guardian, hoạt hình không chỉ là về cái kết có hậu: “Tại sao cứ phải là Disney?”

The Most Precious of Cargoes lấy bối cảnh thời kỳ diệt chủng Holocaust, kể về ông tiều phu người Ba Lan và vợ đã cứu một đứa trẻ sơ sinh bị ném ra khỏi tàu hỏa đến trại tập trung Auschwitz của chế độ Đức Quốc xã

Michel Hazanavicius có lẽ sẽ đồng ý với câu nói đó. Đạo diễn phim hài câm từng đoạt giải Oscar The Artist vừa thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tay, The Most Precious of Cargoes, dựa trên truyện ngắn năm 2019 của Jean-Claude Grumberg.

Câu chuyện ngụ ngôn lấy bối cảnh thời kỳ diệt chủng Holocaust, kể về ông tiều phu người Ba Lan và vợ đã cứu một đứa trẻ sơ sinh bị ném ra khỏi tàu hỏa đến trại tập trung Auschwitz của chế độ Đức Quốc xã.

Hazanavicius có thể làm một phim người đóng, nhưng cảm thấy hoạt hình là cách tiếp cận trung thực hơn. “Vì những gì nằm ngoài khung hình,” ông nói.

“Tôi quen biết đoàn làm phim. Tôi biết những người này [diễn viên] không trên đường đến trại tử thần. Tôi biết nếu rét, họ có chăn và đồ ăn và mọi thứ. Tôi biết họ đang giả vờ. Tôi biết họ đang nói dối.

Hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành không mới. Ảnh từ chuyển thể hoạt hình Fritz the Cat của Ralph Bakshi

“Bản vẽ không nói dối. Không có gì nằm ngoài khung hình. Họ ở đây chỉ để [gợi lên] và gợi ý những gì đã xảy ra.”

Tất nhiên, phim hoạt hình dành cho khán giả trưởng thành không mới, từ chủ nghĩa siêu thực của Jan Svankmajer và tác phẩm của Ralph Bakshi — đáng chú ý là chuyển thể Fritz the Cat của Robert Crumb — cho đến bậc thầy Hayao Miyazaki của Studio Ghibli.

Giống như Hazanavicius gợi lên cuộc diệt chủng Holocaust — với đoàn tàu đầy những khuôn mặt ma quái — những chủ đề đau thương nhất có thể được truyền tải một cách mạnh mẽ bằng phương tiện hoạt hình.

Ví dụ, hãy nghĩ đến bản chuyển thể năm 1986 When the Wind Blows của Raymond Briggs, câu chuyện về một cặp vợ chồng già người Anh đang phải đối mặt với hậu quả phóng xạ do cuộc tấn công hạt nhân.

Những chủ đề đau thương nhất có thể được truyền tải một cách mạnh mẽ bằng phương tiện hoạt hình. Ảnh: When the Wind Blows của Raymond Briggs, câu chuyện về một cặp vợ chồng già người Anh đang phải đối mặt với hậu quả phóng xạ do cuộc tấn công hạt nhân

Tuy nhiên, thế kỷ này đã chứng kiến ​​hoạt hình dành cho người lớn trong các rạp chiếu phim không còn được ưa chuộng nữa — với một số trường hợp ngoại lệ, như Waltz with Bashir (2008) về cuộc chiến tranh Lebanon năm 1982, hoặc Persepolis (2007), kể lại quá trình trưởng thành của một cô gái Iran trong Cách mạng Hồi giáo.

Còn thì luôn là truyền hình — và các phim dài tập của Mỹ như South ParkThe Simpsons — được sử dụng hoạt hình một cách khiêu khích. Nhưng những bộ phim như Flow, Memoir of a SnailThe Most Precious of Cargoes là bằng chứng cho thấy một lần nữa hoạt hình đang chống lại sự thống trị của Hollywood.

Zilbalodis là ví dụ hoàn hảo về cách hoạt hình không nhất thiết phải là doanh nghiệp. Những bộ phim ngắn và tác phẩm đầu tay năm 2019 của anh, Away, kể về một cậu bé và một chú chim du hành từ hòn đảo xa lạ, đều được thực hiện thủ công.

Zilbalodis là ví dụ hoàn hảo về cách hoạt hình không nhất thiết phải là doanh nghiệp. Những bộ phim ngắn và tác phẩm đầu tay năm 2019 của anh, Away, kể về một cậu bé và một chú chim du hành từ hòn đảo xa lạ, đều được thực hiện thủ công

“Trong những bộ phim trước đây, tôi tự mình làm mọi thứ,” anh nói. Mặc dù vẫn giữ được sự tự do như vậy, Flow do một nhóm nhỏ thực hiện; lúc nào cũng có năm họa sĩ hoạt hình trong xưởng phim của anh ở Latvia và 18 họa sĩ hoạt hình khác ở Bỉ và Pháp.

Mặc dù vậy, đó là một con số nhỏ so với số lượng tác phẩm hoạt hình của hãng phim Mỹ có cả một hồi đồng biên kịch.

Đây là lần đầu tiên Zilbalodis làm việc với những người khác — phản ánh câu chuyện phim, trong đó chú mèo đen vô danh hợp tác để sống sót sau trận lụt.

“Tôi đã cân nhắc khá kỹ khi kể câu chuyện cá nhân này,” anh nói. “Thực ra, tôi đã viết xong câu chuyện trước khi làm việc với nhóm, vì vậy tôi cứ cầm chắc sẽ có nhiều xung đột và kịch tính. Nhưng quá trình thực tế diễn ra suôn sẻ hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy trong phim.”

Hoạt hình cắt giấy đầy màu sắc, một kỹ thuật có từ năm 1926 với The Adventures of Prince Achmed của Lotte Reiniger

Tương tự, Michel Gondry đang tập trung trở lại vào hoạt hình tự chế. Trong bộ phim mới Maya, Give Me a Title, đạo diễn người Pháp đứng sau Eternal Sunshine of the Spotless Mind đã tạo ra một loạt các câu chuyện kỳ ​​ảo phi lý dựa trên các tiêu đề mà cô con gái nhỏ Maya đặt — chẳng hạn “Maya in the Sea with a Bottle of Ketchup”, trong đó một cô gái trẻ cố gắng ngăn chặn loại gia vị này làm ô nhiễm các đại dương trên thế giới.

Thêm vào sự quyến rũ, những phim này được tạo hình bằng hoạt hình cắt giấy đầy màu sắc, một kỹ thuật có từ năm 1926 với The Adventures of Prince Achmed của Lotte Reiniger, bộ phim hoạt hình dài tập lâu đời nhất còn tồn tại.

Gondry thường xuyên chuyển sang hoạt hình, từ đoạn phim thú vị của ông cho đĩa đơn “Fell in Love With a Girl” của The White Stripes, với ban nhạc hai thành viên được dựng dưới dạng Lego, cho đến phim tài liệu năm 2013 về nhà hoạt động trí thức và chính trị Noam Chomsky, Is The Man Who Is Tall Happy?

Hình ảnh từ Maya, Give Me a Title: “Maya in the Sea with a Bottle of Ketchup”, trong đó một cô gái trẻ cố gắng ngăn chặn loại gia vị này làm ô nhiễm các đại dương trên thế giới

Bạn cảm thấy Gondry hạnh phúc nhất là khi ông làm hoạt hình.

“Một bức vẽ chỉ là một bức vẽ,” ông nói. “Nếu bạn muốn làm cho nó chuyển động, bạn phải dùng tay cầm nó, nhưng khi bạn làm hoạt hình, bạn chụp một bức ảnh, và nó tự chuyển động. Vì vậy, giống như phép thuật. Mỗi lần làm thế, tôi đều có cùng một cảm giác.”

Cảm giác kỳ diệu, bí ẩn đó cũng hiện diện trong tác phẩm của Stephen và Timothy Quay, những họa sĩ hoạt hình chịu ảnh hưởng của Svankmajer, nổi lên vào năm 1986 với bộ phim ngắn stop-motion sử dụng rối, Street of Crocodiles.

Tác phẩm mới nhất của họ, Sanatorium Under the Sign of the Hourglass, kết hợp khó hiểu giữa người đóng và hoạt hình dựa trên những câu chuyện của nhà văn siêu thực người Ba Lan Bruno Schulz, được họ tự làm hoạt hình, nay một chút mai một chút, trong gần một thập kỷ.

Phim ngắn stop-motion sử dụng rối Street of Crocodiles

“Chúng tôi luôn biết mình sẽ quay lại để làm cho nó phong phú hơn,” họ nói với người viết bài này. “Chúng tôi không bao giờ từ bỏ.”

Ở tuổi 77, họ được cho là những ông tổ của phim hoạt hình độc lập — mặc dù đối với họ, quan trọng là tìm ra phương tiện truyền thông với nguồn lực hạn chế giúp họ hiện thực hóa trí tưởng tượng kỳ ảo của mình.

“Chúng tôi sẽ có toàn quyền kiểm soát. Thiên hạ sẽ để chúng tôi yên… để chúng tôi có thể hoạt động với ngân sách rất tối thiểu,” họ nói.

Sanatorium Under the Sign of the Hourglass, kết hợp khó hiểu giữa người đóng và hoạt hình dựa trên những câu chuyện của nhà văn siêu thực người Ba Lan Bruno Schulz

Cuối cùng, có vẻ như hoạt hình Mỹ không phải là phim hoạt hình duy nhất trong ngành rồi.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post