Tin tức

Màn bạc Trung Quốc tổn thất nặng trong công cuộc chống dịch

03/06/2022

“Sau hai năm ròng rã, hầu hết rạp chiếu bóng ở Trung Quốc đều hết tiền,” Liu Jianxin, tổng giám đốc một công ty quản lý rạp chiếu phim ở Bắc Kinh cho biết. Ông Liu nói nhiều rạp đã đóng cửa do đợt bùng phát Covid-19 gần đây nhất có thể khó mở cửa trở lại.

Bên cạnh những hạn chế Covid-19, các rạp chiếu phim cũng đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm phim mới

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, hơn một nửa trong số 12.000 rạp chiếu phim ở Trung Quốc đã phải đóng cửa do các quy định kiểm soát đại dịch, theo số liệu từ nền tảng bán vé Dengta của Alibaba. Dữ liệu tương tự cho thấy trong năm tuần qua, ngay cả khi hơn 3.000 rạp đã mở cửa lại, doanh thu phòng vé vẫn không tăng.

Trung Quốc đang trên đà phát hành số lượng phim năm nay chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Khi khán giả cân nhắc hậu quả của việc tiếp xúc với virus, họ tránh xa các rạp chiếu bóng. Trong kỳ nghỉ lễ Lao động bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 — thời gian phòng vé thường làm ăn khấm khá — doanh thu bán vé chỉ đạt 295 triệu nhân dân tệ, thấp thứ hai với kỳ nghỉ lễ này kể từ năm 2013. Tương tự, trong ba ngày Tết Thanh minh tháng 4, doanh thu phòng vé thấp thứ nhì tính trong một thập kỷ, với năm 2020 ghi nhận con số còn thấp hơn.

Người trong ngành từng kỳ vọng ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc sẽ phục hồi mức trước đại dịch vào năm 2022. Nhưng bây giờ, nhiều nguồn tin nói với Caixin rằng doanh thu phòng vé của năm nay có thể sẽ cỡ chừng 20 tỉ nhân dân tệ thu được vào năm 2020 — chưa đến một phần ba của con số năm 2019. Có nghĩa là nhiều rạp chiếu phim, đặc biệt những rạp chiếu nhỏ, sẽ không thể đảo ngược chuỗi thua lỗ bắt đầu vào năm 2020.

Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ trước hàng rào phong tỏa một khu vực ở Thượng Hải ngày 25/3/2022. Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, hơn một nửa trong số 12.000 rạp chiếu phim ở Trung Quốc đã phải đóng cửa do các quy định kiểm soát đại dịch

Bên cạnh những hạn chế Covid-19, các rạp chiếu phim cũng đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm phim mới, các quy định thắt chặt về chiếu phim nhập khẩu nước ngoài và thiếu trợ cấp của chính phủ. Một người trong giới kinh doanh rạp cho biết: “Đây sẽ là một năm khó khăn hơn cho các rạp chiếu phim so với năm 2020.”

Rạp chiếu bóng vật vã

Là một phần trong kế hoạch chi tiết của chính quyền trung ương để Trung Quốc trở thành cường quốc điện ảnh, quốc gia này đang trên đường xây dựng hơn 100.000 phòng chiếu đến cuối năm 2025. Con số này nhiều nhất thế giới và sẽ là một sự gia tăng đáng kể so với khoảng 74.000 phòng chiếu hôm nay.

Nhưng giờ đây, sự mở rộng nhanh chóng đó đang khiến nhiều công ty thiệt hại bởi đại dịch, tốn kém tiền thuê và bảo trì trong khi không kín chỗ hoặc vắng tanh. “Tôi sở hữu ba rạp chiếu phim và trong ba năm qua, tôi đã lỗ 6 triệu nhân dân tệ,” Hu Chao, chủ tịch của Henan Xinyang Erdong Cinema, nói với Caixin. Ngay cả khi doanh thu phòng vé năm 2021 của Trung Quốc là 47,3 tỉ nhân dân tệ — cho đến nay vẫn là thị trường lớn nhất so với bất kỳ thị trường nào — công ty của ông vẫn lỗ hơn 600.000 nhân dân tệ.

Nhiều nhà đầu tư hiện chỉ sẵn sàng đầu tư vào những xuất phẩm gọi là “giai điệu chủ đạo” được chính sách của chính phủ khuyến khích

Theo nhà cung cấp thông tin endata.com, hơn ba phần năm số rạp chiếu phim của Trung Quốc đạt doanh thu phòng vé trên 3 triệu nhân dân tệ vào năm 2019. Năm 2021, con số này đã giảm xuống còn khoảng hai phần năm.

Tình hình thậm chí còn khó khăn hơn trong quý đầu tiên của năm 2022. Jinyi Media Quảng Châu đã lỗ ròng 42 triệu nhân dân tệ, đảo ngược lợi nhuận ròng hàng chục triệu mỗi năm trước đó. Trong báo cáo thu nhập của mình, công ty cho biết khoảng một nửa số rạp chiếu phim của họ đã đóng cửa một thời gian. Omnijoi Media đã chứng kiến lỗ ròng tăng lên gần 38 triệu nhân dân tệ trong quý. Cùng kỳ năm ngoái, họ lỗ 4 triệu nhân dân tệ.

Một nguồn tin tại một công ty quản lý rạp chiếu phim ở Thượng Hải cho biết, giá thuê rạp chiếu phim thường tăng khoảng 10% sau mỗi ba năm, vì vậy họ đang chịu áp lực tài chính nhiều hơn thời điểm bắt đầu đại dịch. Ngoại lệ duy nhất sẽ là các chuỗi được các công ty bất động sản chống lưng, vốn thường ăn chia phần trăm lợi nhuận dưới dạng tiền thuê.

Nguồn tin cho biết thêm, trong khi các công ty có tiền mặt có thể tận dụng cơ hội cho một số thương vụ thâu tóm hời, sẽ không có làn sóng thu mua lớn vì ngay cả những công ty hoạt động tốt nhất cũng không mặn mà. Liu đồng ý, nói rằng định giá của một số công ty điện ảnh đã giảm xuống dưới mức chi phí xây dựng rạp chiếu phim. Ông nói: “Nhiều rạp chiếu đóng cửa hơn là được chuyển giao cho các công ty khác.”

Lighting Up the Stars kể câu chuyện một cựu lừa đảo và một cô bé

Ít phim phát hành hơn

Vu Đông, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn điện ảnh nhà nước khổng lồ Bona Film Group, đã cảnh báo nhiều lần vào năm 2020 rằng Covid-19 sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất phim, dẫn đến không có phim mới phát hành. Vấn đề này càng trở nên căng thẳng hơn trong những tháng gần đây, khi hoạt động sản xuất tại hai trung tâm sản xuất phim lớn nhất Trung Quốc — Bắc Kinh và Thượng Hải — bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19 của hai đô thị này.

Mathilda Shen Yue, Giám đốc điều hành hãng phim CYFilms có trụ sở ở Thượng Hải, nói với Caixin rằng đầu tư đã giảm “mạnh” kể từ năm 2020. Một nhà sản xuất phim tại một hãng phim được niêm yết cho biết nhiều nhà đầu tư hiện chỉ sẵn sàng đầu tư vào những xuất phẩm gọi là “giai điệu chủ đạo” được chính sách của chính phủ khuyến khích. Phim “giai điệu chủ đạo” là cách gọi thân mật những bộ phim có chủ đề yêu nước hoặc tuyên truyền.

Bên cạnh gián đoạn sản xuất, các hãng phim còn miễn cưỡng phát hành những bộ phim đã hoàn thiện trong một thị trường lãnh đạm như vậy. Số liệu từ endata.com cho thấy Trung Quốc sản xuất 650 phim nội địa vào năm 2020, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước đó. Năm 2021, số phim tăng trở lại lên 740, vẫn thấp hơn 1.037 phim được sản xuất vào năm 2019.

One Week Friends do Alibaba Pictures sản xuất, phiên bản làm lại một câu chuyện tình lãng mạn tuổi mới lớn của Nhật Bản

Một số bộ phim nội địa được cho là sẽ phát hành trong thời gian nghỉ Tết Thanh minh đã bị hoãn lại bao gồm Lighting Up the Stars của Lian Ray Pictures và China Film, kể câu chuyện một cựu lừa đảo và một cô bé; Detective vs Sleuths của Emperor Motion Pictures và One Week Friends do Alibaba Pictures sản xuất, phiên bản làm lại một câu chuyện tình lãng mạn tuổi mới lớn của Nhật Bản.

Tình hình lặp lại trong năm ngày nghỉ Lễ Lao động vào tháng 5. Phim hài giả tưởng được Wanda Media hậu thuẫn Give Me Five; The Procurator của Cultural Investment Holdings hợp tác sản xuất với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Post-Truth do Alibaba Pictures đầu tư, phim hài xoay quanh hàng loạt vụ án lừa đảo; và ba phim khác đều bị hoãn phát hành.

Stay with Me do Beijing Enlight Media sản xuất, một trong số ít phim chiếu vào dịp nghỉ lễ tháng 5, là phim có thành tích tốt nhất trong khoảng thời gian này với gần 88 triệu nhân dân tệ doanh thu phòng vé. Bộ phim đứng đầu kỳ nghỉ này năm 2021 đã thu về 509 triệu nhân dân tệ.

Phim hài giả tưởng được Wanda Media hậu thuẫn Give Me Five

Không có giải pháp dễ dàng

Đối mặt với những vấn đề này, các rạp chiếu bóng đã cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng cách nào đó và thu hút người xem trở lại chỗ ngồi. Một số rạp đã cố gắng nhập thêm các xuất phẩm nước ngoài để lấp đầy lịch chiếu, đặc biệt là từ Hollywood. Nhưng Bắc Kinh không muốn vậy.

“Các cơ quan quản lý khuyến khích chúng tôi nhập khẩu nhiều phim hơn từ các quốc gia nhỏ hơn,” một nguồn tin cấp quản lý của một nhà phát hành phim cho biết. Nhưng điều đó khiến cho rất khó tìm được những bộ phim có chất lượng tốt mà khán giả Trung Quốc thực sự muốn trả tiền để xem.

Caixin cũng được biết rằng quá trình thẩm định phim nhập khẩu đã mất nhiều thời gian hơn kể từ năm ngoái, vì các cơ quan quản lý yêu cầu tài liệu bổ sung, gồm cả phụ đề và bản dịch.

Việc các hãng lớn như Walt Disney và Warner Bros Entertainment ngày càng phát hành phim trực tuyến cùng lúc với rạp chiếu cũng đã làm giảm động lực nhập khẩu chúng — do quá trình kiểm duyệt kéo dài, thường có nghĩa là phát hành sau Bắc Mỹ.

Post-Truth do Alibaba Pictures đầu tư, phim hài xoay quanh hàng loạt vụ án lừa đảo

“Một khi bộ phim được tung lên mạng, nó sẽ bị sao chép lậu,” nguồn tin từ nhà phát hành phim nói, và thêm rằng nếu phim đó không có chất xinê hoành tráng thì người ta sẽ chờ xem ở nhà thôi.

Theo Dengta, hơn 100 phim nhập khẩu đã được phát hành ở Trung Quốc mỗi năm trong bốn năm trước đây tính đến hết năm 2019, đạt mức cao nhất là 136 phim vào năm 2019. Nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 70 phim trong hai năm kế tiếp. Tính đến cuối tháng 5, Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu 28 xuất phẩm quốc tế trong năm 2022 tính đến nay.

Khi Trung Quốc có vẻ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách “zero-Covid”, các rạp chiếu đã và đang tìm tòi cách khác để kiếm tiền. Nguồn tin từ công ty quản lý rạp cho biết: “Một số rạp chiếu đã bổ sung thêm quán bar và chơi game, nhưng rốt cuộc làm vậy lại khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn về tài chính vì cần nhân viên mới.”

Một số người trong ngành đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ các rạp chiếu phim bằng trợ cấp và giảm thuế. “Hầu hết các rạp chiếu phim ở Trung Quốc là doanh nghiệp tư nhân, nhưng họ phải tuân theo yêu cầu của Cục Điện ảnh Trung Quốc về hạn chế dung lượng khán giả (như một biện pháp chống dịch),” Hu nói. “Chính phủ nên giúp các công ty tư nhân được miễn tiền thuê, không chỉ những công ty cho thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước.”

Bom tấn Hollywood Jurassic World Dominion đã có lịch phát hành ngày 10/6 ở Trung Quốc. Nhưng cơ quan quản lý khuyến khích nhập khẩu nhiều phim hơn từ các quốc gia nhỏ hơn, khiến cho rất khó tìm được những bộ phim có chất lượng tốt mà khán giả Trung Quốc thực sự muốn trả tiền để xem

Các thành phố của Trung Quốc, gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, đã miễn tối đa sáu tháng tiền thuê đối với các hợp đồng thuê bất động sản nhà nước vào năm 2020 và 2022 vì các quy định và hạn chế Covid-19.

Vào năm 2020, cơ quan giám sát điện ảnh và Bộ Tài chính đã miễn thuế cho tất cả các rạp chiếu phim ở tỉnh Hồ Bắc, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lây nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Caixin Global