Tin tức

Millie Bobby Brown và Chris Pratt đối mặt với robot nổi loạn trong The Electric State

29/10/2024

Các nhà làm phim Avengers: Endgame Joe và Anthony Russo hé lộ những bức ảnh đầu tiên từ thiên truyện phiêu lưu trong thời đại AI xoay quanh định nghĩa nhân tính.

Phiên bản Herman khổng lồ (do Anthony Mackie lồng tiếng) gánh Mille Bobby Brown, Chris Pratt và chú robot Kid Cosmo trên vai khi họ tìm đường vào sa mạc trên chiếc xe buýt không có động cơ

Hãy tưởng tượng một tương lai tan hoang. Nhưng thực ra đó không phải là tương lai — câu chuyện này diễn ra vào năm 1994, sau một trận chiến giữa loài người và trí tuệ nhân tạo kết thúc trong bế tắc tàn khốc. Những người chết đã được chôn cất; những người máy bị phá hủy nằm rỉ sét nơi chúng ngã xuống. Những người máy bại trận đã bị trục xuất đến “khu vực cấm” ở sa mạc phía tây nam, trong khi xã hội loài người cố gắng tái thiết mà không cần sự trợ giúp của những sinh vật máy móc họ tạo ra.

Đó là bối cảnh của The Electric State, bộ phim phiêu lưu trải dài mới của hai anh em nhà Russo từ Avengers: Infinity WarEndgame. Dự án kết hợp hài phiêu lưu tuổi mới lớn với những suy ngẫm triết học về điều gì khiến ai đó (hoặc thứ gì đó) thực sự sống. “Bạn có thể nhận ra tính nhân đạo trong công nghệ và bạn có thể nhận ra tính vô nhân đạo ở con người,” Anthony Russo nói khi chia sẻ những hình ảnh đầu tiên độc quyền từ bộ phim. “Cả hai điều đều có thể. Đấu tranh là ở đó.”

Dạo qua tàn tích của một chiến trường trong cuộc chiến giữa người và robot đã tàn phá xã hội

Sau khi kết thúc nhiệm vụ kéo dài một thập kỷ cho bộ phim tập hợp đội hình siêu anh hùng lớn nhất của Marvel, hai anh em Russo đã đạo diễn bộ phim tội phạm Cherry năm 2021 và phim sát thủ ly kỳ The Gray Man năm 2022, bên cạnh sản xuất nhiều dự án khác (bao gồm bộ phim đoạt giải Oscar Everything Everywhere All at Once). Mùa hè vừa rồi, họ đã khiến người hâm mộ sửng sốt khi thông báo sẽ trở lại Vũ trụ Điện ảnh Marvel, đưa nam diễn viên Iron Man Robert Downey Jr. cùng trở lại — mặc dù lần này anh sẽ vào vai phản diện Doctor Doom.

Trước giờ không mấy khi họ làm dự án nhỏ, nhưng hai anh em cho biết The Electric State, sẽ ra mắt trên Netflix vào đầu năm 2025, đã khơi dậy trong họ lần nữa niềm mong muốn tạo ra những sử thi giả tưởng rộng lớn. “Vài tháng trước chúng tôi chưa hề có ý định này, nhưng bộ phim thực sự như một cầu nối đáng nhớ để chúng tôi quay trở lại thể loại đó,” Anthony nói. “Đây là khúc dạo đầu thú vị cho việc quay lại Marvel và cố gắng tiếp tục đưa câu chuyện đó tiến triển.”

“Làm việc với Chris thực sự rất vui nhộn và đã dạy tôi rất nhiều điều,” Brown nói. “Anh ấy rất thông thái và tốt bụng. Anh ấy đối xử với tôi như một người bạn ngay từ lần đầu gặp mặt” 

The Electric State có sự tham gia của Millie Bobby Brown trong vai Michelle, cô gái trẻ đang tìm kiếm đứa em trai thất lạc mà cô từng tin là đã chết. Khi câu chuyện bắt đầu, có vẻ cậu bé đã tìm ra cô thông qua một robot điều khiển từ xa trông như phiên bản kích thước người thật bằng thiếc của người hùng khoa học-viễn tưởng yêu thích của cậu, Kid Cosmo (một sáng tạo nguyên bản cho câu chuyện này, mặc dù nó có những nét cổ điển). Robot này chỉ có thể nói những câu cửa miệng, nhưng nó cố gắng dẫn Michelle đến địa điểm thật của em trai. Mặc dù trông và nghe giống như cỗ máy, nhưng bên trong, cô nhìn thấy linh hồn của đứa em trai mà cô nghĩ đã ra đi mãi mãi.

Chris Pratt đóng vai Keats, cựu chiến binh trở thành tài xế xe tải đường dài, tham gia vào đường dây buôn lậu với kẻ thù cũ của anh — cỗ máy xây dựng tên là Herman (do Anthony Mackie lồng tiếng) giống một con búp bê Matryoshka của Nga, có thể biến thành các phiên bản kích thước khác nhau của chính mình. Họ là những người duy nhất có thể giúp Michelle mạo hiểm vượt qua vùng đất của kẻ thù và truy tìm cậu bé mất tích, đồng thời lý giải nguyên do tại sao thằng bé bị bắt cóc.

Millie Bobby Brown và Chris Pratt gia nhập nhóm chiến binh máy móc trong cuộc cách mạng của họ. Herman cỡ bé của Anthony Mackie ở phía bên trái, cùng với Popfly của Brian Cox, Ông Peanut của Woody Harrelson và Penny Pal của Jenny Slate

Michelle của Brown là một cô gái phong cách grunge thế hệ X điển hình thời những năm 90, thô lỗ và bị tổn thương sau khi mất toàn bộ gia đình, mà cô nghe kể là chết vì tai nạn xe hơi. Nữ diễn viên của Stranger Things cho biết cô đã cố gắng biến nhân vật trở nên kiên cường, nhưng anh em nhà Russo khuyên cô không nên đi quá xa. “Lời nhắn mà tôi luôn nhận được là, cô ấy vẫn là con người,” Brown nói. “Cô ấy nổi loạn và đúng vậy, cô ấy không muốn tuân theo các quy tắc và cô ấy vô cùng đau đớn vì phải đối mặt với rất nhiều buồn khổ. Nhưng cô ấy không phải là bất khả chiến bại.”

Nữ diễn viên 20 tuổi, bắt đầu vào vai nhân vật có siêu năng lực ngoại cảm Eleven trong Stranger Things khi mới 11 tuổi, cho biết cô đã dựa vào trải nghiệm của chính mình khi cố tỏ ra mạnh mẽ dẫu cho không cảm thấy như vậy. “Đúng ra thì chúng tôi bằng tuổi nhau, vì vậy tôi nghĩ: Lúc nào tôi không muốn thể hiện sự yếu đuối của mình? Lúc nào thì tôi muốn thể hiện? Và tôi chỉ tung hứng hai chuyện đó,” cô nói. “Tôi thực sự muốn cô ấy thể hiện rằng cô ấy là con người sắt đá vì tôi muốn đó là nhận thức bên ngoài về con người cô ấy. Nhưng thực tế là, khi bạn hiểu cô ấy hơn, cô ấy mềm mỏng và gần gũi hơn. Và tôi đã cố gắng truyền đạt càng nhiều trải nghiệm của riêng mình vào cô ấy càng tốt.”

Quan Kế Huy trong vai Tiến sĩ Amherst, nhân vật bất đắc chí có một số câu trả lời cho các nhân vật chính đang tìm kiếm về người em trai mất tích của Michelle

Vào thời điểm này trong dòng lịch sử của The Electric State, nhân loại thắng cuộc chiến nhưng đã mất đi đường lối của họ. Cuộc sống của hầu hết mọi người đều bị chi phối bởi các thiết bị kỹ thuật số, như mũ bảo hiểm mà họ sử dụng để trốn thoát vào thế giới tưởng tượng ảo. Ở nơi khác, những robot lưu vong vật lộn kiểu khác, cay đắng vì không có quyền lợi, tuyệt vọng để chứng minh tính cá nhân và ý chí tự do của mình. Họ được dẫn dắt bởi…. Ông Peanut. Đúng vậy, biểu tượng của hãng Planters. Ông là một thiết bị có tri giác từng được tạo ra cho mục đích tiếp thị, đã tiến hóa thành chính khách lớn tuổi mệt mỏi vì chiến trận. Ông dẫn dắt dàn máy móc đồng loại, hầu hết được thiết kế giống ông, có vẻ ngoài hoạt hình trong khi được lập trình có tâm trí, cảm xúc thực tế và bản năng sinh tồn mạnh mẽ.

Ông Peanut do Woody Harrelson lồng tiếng, và ẩn sau vẻ ngoài cứng rắn là nét gì đó của một cựu tổng thống nổi tiếng lớn lên trong trang trại trồng lạc ở Georgia. “Chúng tôi đã tạo ra một nét dân dã phỏng theo Jimmy Carter,” Anthony Russo nói. Nhà cách mạng robot này cũng chia sẻ một khía cạnh bi thảm với Carter, vị tổng thống một nhiệm kỳ được ngưỡng mộ vì sự chu đáo nhưng gặp khó khăn để lãnh đạo hiệu quả. “Ông ấy gần như có chút lịch sử chung với Carter theo nghĩa là ông ấy quan tâm đến lý tưởng hơn là tính thực dụng, và mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp như ông ấy hy vọng,” Joe Russo nói.

Các tổng thống Mỹ có chuyên cơ Không Lực Một, nhưng nhà lãnh đạo robot bất đồng chính kiến lại di chuyển bằng Xe Hạt lạc (xe này có thật nhé)

Bộ phim ra đời nhờ khám phá của một biên kịch kỳ cựu của Marvel, Christopher Markus. Ông mê mẩn cuốn sách The Electric State của nghệ sĩ người Thụy Điển Simon Stålenhag ra mắt năm 2018. Markus và đồng biên kịch Stephen McFeely đã chuyển đề tài sáng tác từ siêu anh hùng sang robot khi viết kịch bản để anh em nhà Russo đạo diễn cho Netflix. “Kết cấu hình ảnh thực sự mạnh mẽ và mang lại cảm giác một câu chuyện về những gia đình tan vỡ và những con người tan vỡ cố gắng tìm thấy nhau trong một thế giới tan vỡ,” Joe Russo nói. “Nó cũng cộng hưởng với chúng ta, khi nuôi dạy con cái trong một thế giới đầy rẫy công nghệ.”

Trong câu chuyện khoa học-viễn tưởng này, hầu hết mọi người đã bắt đầu để bản thân tê liệt bằng các thiết bị của họ đến mức mất cảm giác — gây ra sự tàn ác không chỉ cho kẻ thù máy móc của họ, mà còn với nhau. Trong khi đó, lập trình tiên tiến của các đối thủ robot khiến các sinh vật máy móc phấn đấu hướng tới điều gì đó gần với sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Cuộc đấu tranh này có nguồn gốc từ thế giới thực, khi trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển với tốc độ cấp số nhân và các cá nhân, tập đoàn và cơ quan chính phủ phải vật lộn với những câu hỏi về hậu quả khôn lường hoặc không mong muốn — cũng như những câu hỏi về đạo đức về trách nhiệm của chúng ta đối với những sáng tạo có thể tự nhận thức.

Giancarlo Esposito trong vai Đại tá Bradbury, một thợ săn robot lấy tiền thưởng, trong thế giới ảo gặp Ethan Skate do Stanley Tucci thủ vai, có công ty công nghệ Sentre luôn khiến thế giới loài người bận tâm và xao nhãng

“Đây có thể là một chủ đề mang tính công kích nếu câu chuyện được đặt trong bối cảnh hiện tại,” Joe Russo nói. “Đôi khi chúng tôi thấy là nếu đưa vào một câu chuyện ngụ ngôn và loại bỏ tính thời điểm của nó, bạn có thể tạo ra không gian để mọi người nghiền ngẫm theo cách khác. Simon Stålenhag đã rất thông minh trong việc để cho con người sử dụng công nghệ mà phi nhân hóa chính mình, và kể câu chuyện công nghệ khao khát trở thành con người. Đến thời điểm nào thì hai câu chuyện này giao nhau, và đến thời điểm nào thì công nghệ trở nên nhân văn hơn con người?”

Nếu nói thế nghe có vẻ nặng nề, thì hai anh em đạo diễn cũng biết. Đó là lý do The Electric State đi trên dây giữa khoa học-viễn tưởng suy đoán và hài tình bạn theo kiểu cổ điển. Đó cũng là lý do robot thường được miêu tả là những sinh vật ngớ ngẩn, ọp ẹp hoặc kỳ cục, những sinh vật chơi đùa với sự đồng cảm của khán giả thay vì là những kẻ hủy diệt ghê rợn, không thể ngăn cản. “Mục đích là tạo ra những cảm xúc phức tạp cho bạn, vừa buồn cười vừa bi thảm,” Joe Russo nói. “Câu chuyện trong bộ phim là những robot được tạo ra trên thế giới này để làm đẹp mắt, để không gây đe dọa, để khiến bạn yêu chúng. Để khiến bạn mỉm cười, để bán đồ cho bạn, để chăm sóc bạn. Vì vậy, chúng được thiết kế để có nét ngộ nghĩnh trong phim.”

Keats của Pratt nhận được sự hỗ trợ từ Herman của Anthony Mackie trong một cảnh chiến đấu trong The Electric State

Câu chuyện lịch sử khác này kể rằng những robot cử động đầu tiên của Walt Disney làm cho Disneyland có bước tiến kinh ngạc, dẫn đến những robot thông minh vài thập kỷ sau — rồi nổi loạn chống lại người sáng tạo ra chúng. “Những robot này có vẻ ngoài vô hại nhất có thể, và cuối cùng chúng cảm thấy mình đang bị đối xử tệ bạc và mong muốn được đối xử ngang với con người, điều này dẫn đến chiến tranh,” Joe Russo cho biết. “Và bây giờ bạn thấy hai mặt kỳ lạ khi những robot phục vụ rất hiền lành và dễ chịu giờ đang cố gắng giết bạn.”

Anh em nhà Russo thừa nhận họ phải mất công đàm phán để có được bản quyền nhân vật của Harrelson, vì các giám đốc điều hành của Planters thuộc công ty mẹ Hormel Foods không ngay lập tức chấp nhận biểu tượng công ty của họ được miêu tả là thủ lĩnh cuộc nổi loạn. “Chúng tôi đã theo đuổi một thời gian dài và mất cả quá trình để người của Hormel chấp nhận,” Anthony cho biết. “Cần rất nhiều người trung gian và các cuộc trò chuyện thông qua những người trung gian về điều chúng tôi đang cố gắng làm, và cuối cùng mọi chuyện đã ổn thỏa.”

Brown tìm đến các nhạc sĩ thập niên 90 để lấy cảm hứng. “Nói chung là rất nhiều Avril Lavigne,” cô miêu tả nhân vật Michelle của mình

“Họ đã cho chúng tôi quyền sáng tạo,” Joe nói thêm. “Một sáng tạo cân bằng tinh tế vì bạn không muốn làm bộ phim trở nên quá thương mại hoặc mức độ thực tế khiến bạn thoát khỏi tính ngụ ngôn, nhưng chúng tôi cảm thấy Ông Peanut phù hợp với tông điệu thiết kế của những robot khác, và chúng tôi thấy buồn cười vì về cơ bản ông ấy là Atticus Finch* của họ. Robot ăn nói lưu loát và chu đáo nhất là một hạt lạc chống gậy và đội mũ chóp.”

Những máy móc khác đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện bao gồm Jenny Slate lồng tiếng cho Penny Pal, robot đưa thư vui vẻ, và Brian Cox lồng tiếng cho Popfly, cỗ máy ném bóng chày trục trặc, có lẽ vì bị truyền quá nhiều luồng tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Em trai mất tích của Michelle có dạng người do nam diễn viên Woody Norman thủ vai, nhưng robot Cosmo đại diện cậu do Alan Tudyk lồng tiếng, nói những câu cách ngôn được thu từ phim bộ hoạt hình ăn khách đã truyền cảm hứng cho robot này.

Anh em nhà Russo thừa nhận họ phải mất công đàm phán để có được bản quyền nhân vật Ông Peanut của Harrelson

Những gương mặt con người khác trong phim là diễn viên đoạt giải Oscar cho Everything Everywhere Quan Kế Huy trong vai Tiến sĩ Amherst, nhân vật chủ chốt trong hành trình tìm kiếm cậu bé mất tích; Stanley Tucci trong vai Ethan Skate, doanh nhân công nghệ có các thiết bị thực tế ảo gây nghiện đã vô tình làm tê liệt nhân loại; và Giancarlo Esposito trong vai Đại tá Bradbury, người hùng của ngày tận thế robot, đang sử dụng một đội biệt kích máy bay không người lái biết đi để săn lùng và tiêu diệt từ xa những cỗ máy trí tuệ nhân tạo vượt biên giới.

Nhân vật của Esposito không thể từ bỏ chiến đấu và vẫn giữ lòng căm ghét robot ngay cả khi dành phần lớn thời gian sống trong một cỗ máy để tuần tra. Trái ngược với nhân vật của Pratt, một cựu chiến binh khác đã từ bỏ sự thù địch của mình — mặc dù anh và người bạn máy Herman cãi nhau như cơm bữa không khác gì cặp vợ chồng già.

“Một mức độ nhân tính sau chiến tranh đã mất đi,” Pratt nói. “Bạn gần như phải coi kẻ thù của mình là robot, là cỗ máy giết người xảo quyệt. Là cuộc chiến một mất một còn.”.

Trong câu chuyện khoa học-viễn tưởng này, hầu hết mọi người đã bắt đầu để bản thân tê liệt bằng các thiết bị của họ đến mức mất cảm giác — gây ra sự tàn ác không chỉ cho kẻ thù máy móc của họ, mà còn với nhau

Nhưng sau chiến tranh cũng có hiện tượng ngay cả những người từng tuyệt vọng cố gắng tiêu diệt lẫn nhau đột nhiên thay đổi quan điểm. “Một khi chiến tranh kết thúc và những người ra quyết định đã ký hiệp định đình chiến, tôi nghĩ rất dễ nhận ra bản thân trong những người lính đối mặt với bạn,” nam diễn viên nói. Đó là điều xảy ra với Keats và Herman. “Có rất nhiều ví dụ trong phim về việc sử dụng robot để ngầm đưa tính nhân văn vào chiến tranh,” Pratt nói.

Mặc dù hầu hết các robot trong The Electric State đều được tạo ra bằng kỹ thuật số, các nhân vật đều có người đóng trong hầu hết các cảnh. Người đóng vai Herman ở kích thước bằng R2-D2 tình cờ là người cũng đã từng cố giết Pratt trước đây.

Martin Klebba, nam diễn viên cao 1 mét 2 nổi tiếng nhất với vai thành viên thủy thủ đoàn cau có của Jack Sparrow trong các phim Cướp biển vùng Caribê, trước đây từng đóng thế một con khủng long Dimorphodon biết bay đã vật lộn với Pratt và cố gắng moi ruột anh trong Jurassic World. Khi đó, cảnh chiến đấu đóng thế trở nên dữ dội hơn cả hai người họ tưởng.

“Kết cấu hình ảnh thực sự mạnh mẽ và mang lại cảm giác một câu chuyện về những gia đình tan vỡ và những con người tan vỡ cố gắng tìm thấy nhau trong một thế giới tan vỡ,” Joe Russo nói

“Anh ta mặc bộ đồ bó sát đứng trên ngực tôi, và đây là khoảnh khắc con khủng long có cánh này cắn vào mặt tôi và tôi hất nó ra. Và rồi Bryce Dallas Howard xuất hiện dùng báng súng đập vào đầu con khủng long đấy và chúng tôi hôn nhau,” Pratt nhớ lại. “Ngay trước khoảnh khắc đó, tôi vòng tay qua cổ anh ta và nói, ‘Diễn!’ Và anh ta nghiêng người về phía tôi và bắt đầu gầm gừ, sủa và cố cắn mặt tôi. Thật sự rất đáng sợ. Và tôi đã ném anh ta theo cách phải làm. Anh ta nện đầu xuống đất, vỡ be bét, máu chảy khắp nơi. Tôi nói, ‘Ôi trời ơi. Tôi xin lỗi, anh bạn!’ Anh ta kiểu, ‘Mọi chuyện ổn cả thôi. Tôi là diễn viên đóng thế mà!’ Anh ta quấn băng lên đầu, lập tức nhảy trở lên ngực tôi và chúng tôi quay lại đúp khác.”

Lần này, Klebba hóa thân thành một robot xây dựng thấp bé nhưng cứng cáp, có tình bạn vừa yêu vừa ghét với Keats của Pratt. Những cuộc ẩu đả trong quá khứ đã gắn kết hai diễn viên, có nghĩa là họ có thể hành hạ nhau trong quá trình thực hiện The Electric State theo cách mà chỉ những người thực sự quan tâm đến nhau mới có thể làm được. “Tôi đã cười phá lên khi thấy đó là Marty,” Pratt nói. “Tôi nói, ‘Marty! Thật sao!’ Anh ấy là bạn tôi.”

The Electric State đi trên dây giữa khoa học-viễn tưởng suy đoán và hài tình bạn theo kiểu cổ điển. Đó cũng là lý do robot thường được miêu tả là những sinh vật ngớ ngẩn, ọp ẹp hoặc kỳ cục, những sinh vật chơi đùa với sự đồng cảm của khán giả thay vì là những kẻ hủy diệt ghê rợn, không thể ngăn cản

Pratt cho biết anh đã thủ vai Keats theo một người bạn thời thơ ấu khác của mình, bạn hàng xóm lớn hơn anh vài tuổi và rất ngầu, ít nhất là đối với Pratt bảy tuổi. “Có lẽ là năm 86? MTV mới ra mắt và David Lee Roth rất nổi tiếng,” Pratt nói. “Tôi thấy David Lee Roth trên MTV và tôi nghĩ, ‘Ồ — đó là hàng xóm của tôi.’ Anh ấy có mái tóc dài bồng bềnh, chơi guitar điện, mặc quần co giãn sọc ngựa vằn và nhảy trên tấm bạt lò xo mini ở sân sau. Anh ấy thực sự là anh chàng tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp vào thời điểm đó trong bảy năm cuộc đời mình.”

Gần đây, nam diễn viên đã cố gắng tìm kiếm thần tượng thời thơ ấu này, nhưng phát hiện ra anh đã qua đời. Tuy nhiên, diễn xuất của Pratt trong The Electric State sẽ là một sự tri ân. “Tôi đã không liên lạc gì với anh ấy suốt 35 năm. Nhưng anh ấy luôn là nhân vật biểu tượng trong cuộc đời tôi và tôi muốn xây dựng nhân vật dựa trên anh ấy, dựa trên một anh chàng từ những năm 80. Bởi vì, tất nhiên, bộ phim diễn ra trong một phiên bản khác của những năm 90,” Pratt nói. “Tôi muốn để tóc dài. Tôi có nhạc và nhẫn, vòng cổ và móc chìa khóa, tất cả những thứ này. Tôi cố gắng ễnh bụng ra khi bước đi. Tướng đi hơi vòng kiềng, và tôi nghĩ thế mới giống anh ấy.”

Joe (trái) và Anthony Russo đạo diễn một cảnh trong The Electric State với Millie Bobby Brown. “Họ là những người có tinh thần tự do và họ thực sự đã cho tôi sân chơi để phát triển và sáng tạo cùng họ,” cô nói

Có thể đó không phải là người bạn muốn cùng chiến hào khi robot lên cơn giết người, nhưng không thể phủ nhận bản chất con người tuyệt đối của một anh chàng như vậy.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vanity Fair


*Atticus Finch: một luật sư, nhân vật chính trong tiểu thuyết Giết con chim nhại của Harper Lee.