Tin tức

Gladiator II võ sĩ giác đấu trong Đấu trường La Mã ngập nước đầy cá mập

24/10/2024

Đấu trường La Mã, đầy nước và nhung nhúc kẻ săn mồi, trở thành bối cảnh của trận thủy chiến hoành tráng trong phần tiếp theo của Ridley Scott.

Khi Gladiator phát hành vào năm 2000, người hâm mộ và các nhà phê bình đã hoan nghênh hiệu ứng hình ảnh và khâu dựng phim, từ Đấu trường La Mã cao chót vót đến những bộ trang phục chi tiết và những con hổ rình rập.

Đấu trường La Mã ngập nước

Hơn hai thập kỷ sau, các kiến trúc sư của bộ phim đó đã tái hợp cho một nhiệm vụ khó khăn: xây dựng phần tiếp theo nắm bắt được những hiệu quả thị giác mà người ta đã yêu thích ở bộ phim đầu tiên, đồng thời tìm ra những cách mới để làm khán giả ngạc nhiên.

Gladiator II (ra rạp ở Việt Nam ngày 15 tháng 11 với tựa Võ sĩ giác đấu II) bao gồm các yếu tố quen thuộc — những pha đấu kiếm được biên đạo chặt chẽ và những phát biểu kiêu ngạo về Đế chế La Mã — nhưng có thêm các cảnh chiến đấu trong Đấu trường La Mã bao gồm một cảnh có tê giác và một cảnh khác có cá mập.

“Hoành tráng, hơn cả hoành tráng,” Arthur Max, dựng phim, cùng với đạo diễn Ridley Scott và nhà sản xuất Douglas Wick, là thành viên của nhóm trí tuệ đứng sau hai bộ phim. “Mọi thứ chúng tôi đã làm trong phần đầu tiên đều được khuếch đại lên tầm vóc và quy mô lớn hơn nhiều.”

Tê giác xuất hiện trong phim

Phần lớn khâu dựng bối cảnh của bộ phim dựa trên nghiên cứu tỉ mỉ, với việc Max đến Bảo tàng Tàu thuyền La Mã Fiumicino, đến các phòng thí nghiệm bảo tồn ở Pompeii và đến các bảo tàng ở Athens, cùng các địa điểm khác. Họ cũng nghiên cứu các mô hình tàu chiến tại Bảo tàng Anh ở London và hình minh họa từ sách lịch sử quân sự.

Nhưng bộ phim cũng được pphe1p sáng tạo, vì nhiều hình ảnh và cảnh quay xuất phát từ trí tưởng tượng của Scott. Tránh sử dụng máy tính mà dùng bút và giấy, Scott thường hình dung các cảnh và sau đó vẽ ra để êkíp của ông tái tạo trên màn hình.

“Kể cả khi chưa tìm thấy địa điểm, tôi sẽ tưởng tượng ra địa điểm và vẽ ra,” Scott nói. “Và sau đó sẽ tìm được địa điểm phù hợp với những gì tôi đã vẽ.”

Các vòi nước hình đầu Neptune, vị thần biển của La Mã

“Điều quý giá nhất tôi đã làm trong cuộc đời mình là học mỹ thuật,” ông nói thêm.

Một cảnh tham vọng liên quan đến cuộc đụng độ trong Đấu trường La Mã sau khi đã bị ngập nước. Hai con tàu — một chở đầy lính La Mã, một chở các đấu sĩ — dàn dựng trận hải chiến, vờn nhau và đâm vào nhau khi cá mập lướt bên dưới nước.

Những con tàu này được thiết kế để trông thật nhất có thể: Dài từ 17 đến 20 mét, có cột buồm thật, sàn lát ván, đinh sắt và keo hắc ín, Max nói. Gỗ và sắt tạo nên bề mặt tàu, thép nhẹ bên dưới.

Sau khi lắp ráp, chúng được chuyển bằng cần cẩu cao 36,5 mét lên hai phương tiện thủy lực điều khiển từ xa, mỗi phương tiện có hàng chục bánh xe. Những bệ di động này cho phép đoàn làm phim di chuyển các con tàu xung quanh đấu trường.

Trận thủy chiến

Các cảnh quay trên không hai con tàu trên bối cảnh Đấu trường La Mã ở Malta, nơi cũng đã quay Gladiator đầu tiên. Những cảnh quay này được dàn dựng trên mặt đất khô, sau đó làm hiệu ứng hình ảnh để thêm nước vào.

“Chúng tôi quyết định rằng làm nước trên mặt đất khô sẽ thực tế hơn vì kể từ bộ phim đầu tiên đến nay công nghệ đã tiến xa đến mức thêm nước vào dễ hơn là làm trong nước,” Max nói.

Để quay các cận cảnh trận thủy chiến này, trong đó đấu sĩ và binh lính vật lộn tay đôi và một số người rơi xuống nước đầy cá mập, êkíp sản xuất đã chuyển đến một bể chứa khổng lồ, sâu 2,4 mét và kích thước bằng một sân bóng đá.

Ở đó, họ đã xây dựng một phần của Đấu trường La Mã, bao gồm các vòi nước hình đầu Neptune, vị thần biển của La Mã. Những vòi nước đó đổ nước vào bể, một máy bơm chìm sẽ rút nước và chuyển trở lại các vòi.

Các con khỉ đầu chó, do các diễn viên đóng thế mặc đồ đen và sơn mặt

Chính Scott nảy ra ý tưởng đưa cá mập vào. Ông lấy cảm hứng bởi một sự cố xảy ra nhiều năm trước, khi ông đang quay phim White Squall (1996): Trong thời gian vị đạo diễn trú tại một khách sạn ở Caribê, ai đó đã ném một con cá mập dài 1,8 mét vào hồ bơi, ông nói.

“Họ không thể đưa nó ra, vì vậy con cá mập một mình làm chủ có cả hồ bơi,” ông nói.

Không ai thực sự biết liệu người La Mã có đưa cá mập vào Đấu trường La Mã hay không, Max nói, nhưng mục tiêu là tăng cường kịch tính của cảnh quay bằng cách cho thấy những kẻ săn mồi này đang rình rập dưới nước.

Scott cũng muốn giới thiệu các loài động vật mới khác vào các trận giác đấu, gồm cả tê giác. Để tạo ra con tê giác, đội sản xuất đã xây dựng bộ khung và phủ lên một lớp da nhân tạo, sau đó gắn nó lên một phương tiện thủy lực nhỏ hơn, tương tự những phương tiện được sử dụng cho các con tàu.

Đạo diễn Ridley Scott trên trường quay Võ sĩ giác đấu II

Một cảnh khác có các con khỉ đầu chó, do các diễn viên đóng thế mặc đồ đen và sơn mặt. Họ có những chiếc nạng ngắn giả làm cánh tay của những sinh vật này.

“Ý tưởng là cố gắng cho khán giả cảm giác hồi hộp giống như một người La Mã cảm nhận khi xem trên khán đài,” Wick nói.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times