Tin tức

Phim khoa học-viễn tưởng Hollywood đang ăn theo anime

18/06/2014

Cốt truyện của Transcendence xoay quanh khả năng của điều khiển học rất sáng tạo, nhưng điều này đã được làm từ 16 năm trước. Hollywood luôn thoải mái vay mượn từ truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản (anime).

Nếu nghĩ Spirited Away là đỉnh cao của hoạt hình Nhật Bản trong trạng thái lâng lâng ảo giác thì bạn đã bỏ qua điều mà Hollywood đã biết bao lâu nay. Những kịch bản bom tấn khoa học-viễn tưởng sẽ nói rõ: những phim theo phong cách Christopher Nolan mang nhiều âm hưởng Nhật Bản hơn cả phim Godzilla mới.

Đặc biệt là Transcendence, do Nolan đồng sản xuất, tiếp tục đề tài lớn về cốt truyện quen thuộc đáng ngờ. Chuyện một người đàn ông khi chết được ban tặng sự bất tử và sức mạnh vượt trội nhờ công nghệ là điều mà hoạt hình và truyện tranh Nhật đã sử dụng như cơm bữa. Mùa ba của Digimon còn đi vào thực tại đen tối khi phần mềm máy tính con người tìm cảm giác trong thế giới ảo cơ mà. Nhưng không chỉ có Nolan tìm cảm hứng từ đền đài hoạt hình Nhật Bản đâu.

Khi The Hunger Games của Suzanne Collins xuất bản năm 2008, những người hâm mộ văn hóa Nhật Bản đã nhanh chóng thấy sự tương đồng giữa Katniss Everdeen và Koushun Takami trong tiểu thuyết Battle Royale năm 1999 – có nội dung mỗi năm một lớp học ngẫu nhiên ở Nhật Bản được đưa đến một hòn đảo và các học sinh phải tàn sát lẫn nhau – khi hai nhân vật đều tình nguyện tham gia đấu trường sinh tử giữa các thiếu niên. Collins tuyên bố cô chưa từng đọc cuốn tiểu thuyết này.

Nhưng không vì thế mà nói rằng chúng là những tác phẩm duy nhất khai thác đề tài này: Stephen King dùng ý tưởng tương tự cho tiểu thuyết The Longest Walk. Phương Tây đã nhiều lần sản xuất các tác phẩm khoa học-viễn tưởng triết lý, từ Frankenstein của Mary Shelley năm 1818 tới 2001: A Space Odyssey năm 1968 của Kubrick rồi thậm chí tới Blade Runner năm 1982 (chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Do Androids Dream of Electric Sheep? của Phillip K. Dick năm 1968). Cũng cùng năm đó bộ truyện tranh lớn nhất của Nhật Bản về đề tài tương lai suy tàn xuất bản lần đầu: Akira của Katsuhiro Otomo, về thế giới sau chiến tranh hạt nhân với những đứa trẻ du côn mồ côi bị chính phủ bắt giữ để kìm hãm khả năng ngoại cảm chúng có.

Người hâm mộ văn hóa Nhật Bản đã nhanh chóng thấy sự tương đồng giữa Katniss Everdeen
trong
The Hunger Games và Koushun Takami trong tiểu thuyết Battle Royale

Nhưng từ đây có thể nói hoạt hình Nhật Bản đã luôn đi trước trong việc sản xuất viễn cảnh kỳ quặc và tuyệt vời về một tương lai dưới trướng công nghệ và tiêu chuẩn đạo đức không ranh giới. Từ truyện giả tưởng đơn giản dài kỳ như Outlaw StarCowboy Bebop tiền đề cho Firefly, hay Ghost in the Shell là ảnh hưởng lớn cho The Matrix, anime trở thành một nguồn dồi dào cho những câu chuyện thú vị ở tương lai: tới mức The Matrix phải có một bộ phim anime ăn theo.

Nhưng thập kỷ qua đã thấy một sự tăng vọt trong lượng phim Hollywood không thừa nhận cảm hứng hay tính tương đồng với những sản phẩm Nhật Bản lớn nhất. Inception, ngoài việc giống một bộ truyện Scrooge McDuck tới phát sợ, có vẻ lấy cảm hứng từ Paprika năm 2006, nói về những nhà tâm lý trị liệu có khả năng đi vào giấc mơ để bắt tội phạm. Paprika có một lượng fan riêng đông đảo và Nolan đã nhỏ nhẹ thừa nhận sự giống nhau giữa hai phim. Tuy vậy, binh đoàn đồ chơi và biểu tượng văn hóa của Satoshi Kon vẫn tươi tắn và lạ lùng hơn so với viễn cảnh đô thị ủ ê của Nolan.

Bom tấn Pacific Rim năm ngoái thừa kế rất nhiều từ các series về rôbô khổng lồ của Nhật Bản trong đó có Gundam. Nhưng nó tưởng niệm một nguồn cảm hứng kỳ quặc và được biết đến nhiều không kém: Neon Genesis Evangelion, series hoạt hình hỗn loạn của Hideaki Anno sau ngả về chiều hướng giảng triết lý khi suy thoái kinh tế khiến kinh phí cho series bị cắt bỏ. Cả hai series đều có những người máy khổng lồ được con người dùng “giao diện trung hòa” để điều khiển, năm 2012 bộ phim Rebuild of Evangelion 3.0 còn có những người máy “Eva” hai phi công không khác những bộ máy trong phim của Guillermo del Toro là mấy. Tuy cả del Toro và biên kịch Travis Beachman đều thừa nhận có biết Neon Genesis Evangelion, thì del Toro bối rối nói thêm “Tôi có bộ đĩa nhưng chưa hề mở ra xem.”

Cảnh trong phim Paprika (2006) của Nhật Bản

Một trong những sự tương đồng chuẩn xác không thể chối cãi nhất là Her của Spike Jonze và Chobits của Clamp. Dù khác nhau về mặt hình ảnh – Chobits giữ đúng phong cách của Clamp với những cô gái mắt to và những bộ váy Lolita gothic, đối lập hoàn toàn với thế giới tương lai chỉn chu với quần cạp cao và nội thất công thái học của Jonze – về mặt nội dung chúng hoàn toàn giống nhau. Trong Chobits, cậu hầu bàn xui xẻo Hideki mua một “persocom”, người máy tên Chii, và dần yêu cô. Cuộc hội thoại giữa Theodore (Joaquin Phoenix) và cô bạn thân Amy (Amy Adams) về tình yêu với máy móc trong Her cũng tương tự các cuộc trò chuyện của Hideki với các nhân vật như Hiroyasu, người yêu một persocom có chứng mất trí nhớ từ lỗi bộ cứng, hay cô giáo của Hideki, bị chồng đuổi khỏi nhà để sống với một persocom.

Phản đối các mối quan hệ này là chủ đề chung của hai bộ phim, cũng như việc máy tính có năng lực tiến hóa vượt những con người chúng yêu. Chii, giống như Samantha (Scarlett Johannson), biến thành một thực thể siêu việt đe dọa mối quan hệ giữa cô và con người. Jonze chưa khẳng định chính thức nguồn cảm hứng từ Chobits, hay việc hằng hà sa số những cô gái rôbô giúp việc mang nặng ảnh hưởng anime từ Tabatha trong Tales of Symphonia tới Melfina trong Outlaw Star.

Transcendence có cốt truyện lấy từ cả hoạt hình nhăng cuội và hậu hiện đại kinh điển, một nhà khoa học thiên tài giữ mạng sống của mình bằng cách sáng tạo một phiên bản máy tính của chính anh và dần trở nên toàn năng. Nếu thấy ý tưởng này tuyệt vời, thì bởi nó là như vậy, và nó cũng được làm từ 16 năm trước với Serial Experiments Lain. Trong Lain, một nữ sinh Nhật Bản kết nối với bạn bè qua The Wired (một hệ thống mạng nhìn xa trông rộng khôn lường) và dụ dỗ Lain phát triển một máy tính cao cấp để trở thành một vị thần vi tính trong hệ thống mạng sau khi cô nữ sinh này tự tử. Khi chị gái Lain bị kẹt giữa hai thế giới, một dạng trò chơi Doom trên mạng cũng hòa trộn với trò chơi trốn tìm ngoài đời, và NSA tìm cách giết cô gái muốn thống trị thế giới.

Hideki và Chii trong Chobits

Điểm khác biệt của Transcendence là ở mặt thẩm mỹ: Lain xảy ra ở một phiên bản xa lạ cả ở hình ảnh lẫn ý niệm của thực tế: khung cảnh như màu nước rất kỳ quặc, những điềm báo ác mộng liên tục đến với các nhân vật, và “Lain” phân thành ba bốn người khác nhau khi thực tế vỡ vụn dần ở phần kết.

Dĩ nhiên, sẽ không thể có Transcendence nếu không có Serial Experiments Lain. Nhưng không tài nào chứng minh được điều này. Ta chỉ có thể ngồi ngẫm lại cáo trạng rằng hoạt hình Nhật Bản đang trở thành một cảng ý tưởng quan trọng. Nhưng bỏ qua luân lý của nguồn gốc nghệ thuật, sự hiện diện của nó đem lại một câu hỏi thú vị: Phương Tây, sau thời gian dài bóp méo những hành vi kỳ quặc của Nhật Bản, sẽ ra sao khi trả lời cùng những câu hỏi đó trong nghệ thuật của mình?

Lấy ví dụ từ các tranh cãi xung quanh The Hunger GamesBattle Royale ở trên, cả hai tiểu thuyết đều nói về thiếu niên bị bắt tham gia một cuộc đấu sinh tử do chính phủ tổ chức. Battle Royale khởi nguồn từ tính cạnh tranh trong hệ thống giáo dục Nhật Bản (Hideki, nhân vật chính trong Chobits, tham gia một trường chuyên để thi đỗ đại học), góp phần tăng chỉ số tự tử trong thanh thiếu niên ở đây. The Hunger Games cũng bất ngờ thành công ở thời điểm khó truy cập được giáo dục cao hơn: học phí tại Anh tăng gấp ba cho năm học 2012-2013 trong khi học phí tại Mỹ tăng cao hơn chỉ số lạm phát. Her xuất hiện khi các mối quan hệ tình cảm đang được số hóa: hẹn hò bằng phần mềm, qua mạng hay trang web ảo như Second Life đang đánh dấu hỏi về đời sống tình dục của con người trong tương lai, nhưng những câu hỏi này đã phủ sóng Nhật Bản được một thời gian rồi.

Một hình ảnh trong Serial Experiments Lain

Hollywood đang tự do mượn ý tưởng từ quá khứ nghệ thuật của Nhật Bản. Tiềm năng điều khiển học, tính cạnh tranh trong giáo dục, và vai trò của máy tính trong tình cảm giữa con người đang trở thành những câu hỏi ở đây lúc này trong khi chúng đã là những mối lo được phát sóng và tiếp thu ở Nhật Bản từ lâu. Chỉ khác là ở Mỹ, chúng đóng bộ trong hình hài Johnny Depp cùng kinh phí 100 triệu USD.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi