Tin tức

Tại sao phòng vé Trung Quốc yêu thích chuyện tình lãng mạn của người giàu

16/06/2014

Câu hỏi trị giá ba tỉ đôla: Loại phim nào khán giả Trung Quốc muốn xem?

Gần đây, câu trả là có vẻ là thể loại lãng mạn hào nhoáng lấy bối cảnh những thành phố phát triển mạnh. Phim bom tấn Tiểu thời đại / Tiny Times, câu chuyện tình tuổi thiếu niên phù phiếm lấy bối cảnh tại Thượng Hải, và Beijing Love Story / Chuyện tình Bắc Kinh, tập hợp những câu chuyện về các cặp đôi giàu có tại thủ đô, đã chiếm cứ các bảng xếp hạng và phòng vé trong năm ngoái.

Tuy nhiên, những khán giả giàu có tại các thành phố lớn nhất của đất nước này có vẻ chẳng mặn mà gì với thể loại lãng mạn.

Tiểu thời đại không phải là phim dành cho người trưởng thành,” Tiêu Xuân Hoa, biên tập viên tại một công ty xuất bản ở Bắc Kinh nói cô chỉ xem phim này bởi chiến dịch quảng cáo rùm beng, cho biết. Tiêu Xuân Hoa, 24 tuổi, không có bạn bè nào thích những phim kiểu này, cô nói, cho biết thêm rằng “kiểu phim như thế chủ yếu thu hút thanh thiếu niên, đặc biệt những em ở các thành phố hạng hai hoặc ba của Trung Quốc.”

Linh cảm của Tiêu Xuân Hoa được chứng thực bởi số liệu gần đây của Entgroup, một công ty tư vấn ngành công nghiệp giải trí, trong đó cho thấy rằng 2013 là năm đầu tiên những thành phố lớn của Trung Quốc chiếm chưa đến nửa thu nhập phòng vé với tỷ lệ 48%.

Cảnh trong phim Tiểu thời đại

Khẩu vị của giới trẻ “tỉnh lẻ” Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng mạnh trong ý tưởng của các bộ phim được thực hiện và được chú ý tại các rạp, Chu Lê Minh, một trong những nhà bình luận phim nổi bật nhất của Trung Quốc cho biết. “Thiếu nữ ở các thành phố hạng nhất đều đã biết cuộc sống nơi đây như thế nào,” anh nói. “Họ biết những phim như Tiểu thời đại mang đến một sự khắc họa siêu phóng đại về cuộc sống ở thành phố lớn. Nhưng thiếu nữ tại các thành phố hạng hai và ba chưa bao giờ chứng kiến kiểu sống này và bị thu hút.”

Sự yêu thích này có tác động lớn đến nền công nghiệp điện ảnh phát triển ngày càng nhanh. Các phòng vé của Trung Quốc đã thu về 21,6 tỉ nhân dân tệ (3,17 tỉ đôla) vào năm 2013, tăng 27% so với năm trước, theo công ty tư vấn Artisan Gateway. Sự “phân chia thị hiếu” giữa khán giả ám ảnh với sự quyến rũ đến từ những nơi ít được biết đến và những khán giả thành thị lớn tinh tế có vẻ sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp điện ảnh của nước này trong những năm tới, Chu Lê Minh cho biết.

Sự thành công của những phim như Tiểu thời đại, tác phẩm dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn – đạo diễn Quách Kính Minh và đã có phần tiếp theo (và một phần nữa đang thực hiện), không chỉ là nhờ nhu cầu đến từ các thành phố hạng hai. Quản lý của nhà nước cũng đóng vai trò ở đây.

Cảnh trong phim Chuyện tình Bắc Kinh

Nicole Talmacs, một nhà nghiên cứu điện ảnh và giai cấp ở Trung Quốc tại Đại học Sydney, chỉ ra ranh giới mong manh giữa làm hài lòng cả nhà kiểm duyệt và các nhà đầu tư. "Phim Trung Quốc đều về sự tích cực, lạc quan, và khắc họa hiện đại," bà giải thích. "Những câu chuyện tình yêu thì an toàn, đặc biệt là về tình yêu giữa những người cùng tầng lớp, giống như trong những phim này."

Được rồi, nhưng một cuộc tranh luận gần đây trên Zhihu, phiên bản Trung Quốc của trang mạng đặt câu hỏi và trả lời Quora, hỏi rằng, tại sao phim Trung Quốc có vẻ gần như chỉ thích chuyện tình của người giàu?

Như tại Mỹ, các cơ hội quảng cáo thương hiệu trong điện ảnh cũng đóng một vai trò lớn trong việc quyết định rằng phim nào được chào đón, nhà phân tích cho biết. Chỉ đơn giản bằng việc thêm vào những vật phẩm xa xỉ, Talmacs nói, những bộ phim như Tiểu thời đại hay Chuyện tình Bắc Kinh (phim đã tạo kỷ lục phòng vé trong ngày Lễ tình nhân) có nhiều tiền hơn để chi cho chất lượng sản xuất, địa điểm ghi hình và sức mạnh của ngôi sao. Trung Quốc có làm phim về những cặp đôi nghèo khó, chỉ là những phim này không ra rạp thường xuyên, bà cho biết.

Cảnh trong phim Chuyện tình Bắc Kinh

Giả Chương Kha, một trong những đạo diễn có suy nghĩ độc lập thành công nhất của Trung Quốc, than thở về những động lực tài chính trong một cuộc phỏng vấn gần đây với China Real Time. "Toàn bộ ngành công nghiệp phim dường như đã quyết định rằng chúng ta chỉ có thể học hỏi từ Hollywood," ông nói. Trong khi có một số dự án độc lập sẵn có nhằm hỗ trợ những tài năng trong nước, bao gồm cả một chương trình do chính công ty sản xuất X-Stream Pictures của đạo diễn Giả điều hành, hiện đang thiếu những nỗ lực trên quy mô rộng để đa dạng hóa ngành điện ảnh, ông cho biết. "Nếu, trong một vài năm, chúng tôi hết tiền hoặc hết hứng thú, [chương trình của chúng tôi] sẽ dừng lại", Giả Chương Kha nói. "Không có gì là làm lợi cho toàn xã hội cả."

Chu Lê Minh đồng ý, cho biết ông nghĩ xu hướng “tiền nhanh” trong việc làm phim ở Trung Quốc là tiến triển đáng buồn. “Không phải thiếu tài năng,” ông nói. “Kịch bản hay bị từ chối vì cùng một lý do. Đó là thị trường và nhà đầu tư.”

Cảnh trong phim Chuyện tình Bắc Kinh

Có lẽ tuyên bố chỉ trích nhất về chất lượng của phim Trung Quốc được Hiệp hội đạo diễn phim Trung Quốc phát biểu gần đây, tổ chức này vừa từ chối trao giải thưởng hàng năm cho Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc nhất, với lý do thiếu các ứng cử viên xứng đáng. (Bộ phim gần đây nhất của Giả Chương Kha, A Touch of Sin, không đủ điều kiện bởi đã không được chấp thuận chiếu tại Trung Quốc.)

Về phần mình, Tiêu Xuân Hoa, sinh ra ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, tin rằng khán giả thành phố nhỏ cũng đã sẵn sàng đón nhận những phim chất lượng tốt hơn. "Quách Kính Minh có thể đánh lừa trẻ em, nhưng thực sự ở nơi tôi lớn lên, những người trẻ tuổi chỉ quan tâm đến phim và vấn đề có ý nghĩa như ở đây, tại Bắc Kinh."

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Wall Street Journal


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi