Tin tức

Điện ảnh Trung Quốc gặp khó ngay trong khu vực châu Á

11/06/2014

Trong khi sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc – phòng vé nước này đạt 3,57 tỉ đôla trong năm 2013 – đang thu hút sự chú ý của các nước láng giềng châu Á, những thách thức bao gồm công tác kiểm duyệt, cũng như tập quán văn hóa và xã hội từ trước tới nay đã ngăn cản một thị trường châu Á thống nhất.

Với những phim ăn khách tại Đại lục, đây không hẳn là vấn đề lớn, song những nhà làm phim thực hiện các tác phẩm dành cho khán giả khu vực nhận thấy họ không thể vươn ra quy mô lớn.

Cảnh trong phim Say Yes của đạo diễn Đài Loan Trần Chính Đạo

“Trung Quốc tựa như một nam châm khổng lồ vì quy mô và tiềm năng làm giàu nơi đây,” Albert Lee, giám đốc điều hành EMP, tập đoàn đặt trụ sở tại Hồng Kông có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực tài chính điện ảnh Trung Quốc.

Tất nhiên, có những đạo diễn và nhà sản xuất từ Hồng Kông và Đài Loan được lợi từ việc tăng cường hoạt động của họ tại Trung Quốc – tiêu biểu là các nhà làm phim Hồng Kông Từ Khắc và Trần Gia Thượng, và đạo diễn Đài Loan Trần Chính Đạo, phim hài Say Yes của anh do Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc phân phối và thu về hơn 31 triệu đôla tại Đại lục. Những trụ cột của điện ảnh Hồng Kông như Trần Khả Tân và Đỗ Kỳ Phong đang làm phim nhắm đến khán giả Đại lục.

Với các nhà làm phim Trung Quốc như Từ Tranh (Lost in Thailand), Quách Kính Minh (Tiểu thời đại) và Triệu Vy (So Young), thành công tại quê nhà giúp duy trì đà phát triển. Tuy nhiên, những bộ phim đó hầu như không giành được sự chú ý của khán giả ngay cả ở những khu vực gần gũi như Hồng Kông, nơi này nền văn hóa thể hiện tư duy hài hước khác. Các phim bom tấn từ những đạo diễn hàng đầu Trung Quốc như Phùng Tiểu Cương hiếm khi gây xôn xao tại phòng vé Hồng Kông.

Cảnh trong phim Tiểu thời đại

Với các nhà làm phim bên ngoài Đại lục có tác phẩm mang tính khu vực hơn, tình hình trở nên hạn hẹp hơn về mặt kinh tế.

Đài Loan duy trì hạn ngạch 10 phim nhập khẩu mỗi năm từ Trung Quốc, mặc dù phim Đài Loan có thể nhập khẩu thoải mái hơn vào Đại lục. Ngày càng nhiều, những thành công như phim lãng mạn tuổi học trò năm 2011 You Are the Apple of My Eye / Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, mang tính ngoại lệ hơn là quy luật. Apple bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc cắt bớt, nhưng vẫn thu về khoảng 8,2 triệu đôla, đưa tác phẩm trở thành phim Đài Loan ăn khách nhất tại Đại lục năm đó. Tuy nhiên, con số này thật khiêm tốn khi so sánh với phim đồng sản xuất Hồng Kông – Trung Quốc Flowers of War (hơn 100 triệu đôla) và Long Môn phi giáp (hơn 70 triệu đôla).

Dù vậy, Apple vẫn thành công vang dội ở Hồng Kông (7,9 triệu đôla), và được đón nhận nồng nhiệt tại Singapore (2,3 triệu đôla), nơi có đông đảo dân số nói tiếng Hoa.

Trong khi Singapore chứng kiến sự hùng hậu tại phòng vé của phim thương mại địa phương như phim hài Ah Boys to Men / Tân binh chính truyện và phần sau phim này của Lương Trí Cường, phim nghệ thuật được yêu thích của Trần Triết Nghệ Ilo Ilo, không có dấu hiệu nào cho thấy những phim như thế gây đồng cảm với khán giả Đại lục.

Cảnh trong phim You Are the Apple of My Eye

Ngoài ra, ảnh hưởng của nhà chức trách Trung Quốc vẫn là vấn đề. Trong khi các nhà kiểm duyệt rõ ràng ngăn chặn một số chủ đề (đặc biệt là ma túy, tình dục, tôn giáo), một số đề tài cấm kỵ trước kia nay thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh Trung Quốc nếu nhà làm phim khéo léo bao hàm lời giải thích thỏa đáng (“tất cả chỉ là một giấc mơ”) hay trừng phạt những kẻ sai trái.

Nhưng ngay cả mức độ kiểm duyệt đó cũng đủ tạo ra sự khác biệt trong các bộ phim và khiến khán giả ngoài Đại lục chán ngấy. “Chúng tôi gặp nhiều nhà làm phim và nhà sản xuất ham mê làm phim cho cả ba thị trường (Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan),” Thiện Đông Bính, giám đốc sản xuất tại LeVision Pictures, một công ty Đại lục, nói. “Nhưng khán giả không chấp nhận chúng.”

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy kiểm duyệt đang được nới lỏng. Hai trong số các lựa chọn tại Liên hoan phim Berlin năm nay là minh họa rõ ràng. Lâu Diệp từng là đạo diễn bị cấm, và trong khi phim tranh giải Blind Massage của anh giải quyết các chủ đề nhạy cảm bao gồm tai nạn hầm mỏ và rửa tiền, tác phẩm được tham dự với tư cách đại diện phim Trung Quốc chính thức. No Man’s Land của Ninh Hạo hoài nghi đạo đức của những người tôn sùng tiền và quyền lực – nhưng sau khi bị giữ trong kho ba năm, tác phẩm ra rạp vào tháng 12 vừa qua và thu về khoản kha khá 23 triệu đôla trong tuần đầu công chiếu.

Thế nhưng, đa phần người trong ngành đồng ý rằng hiện tại, tiền và tài năng có thể vượt qua ranh giới nội bộ Trung Quốc dễ dàng hơn bản thân câu chuyện.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi