Tin tức

Phim kinh dị Hàn Quốc tìm cảm hứng ma quỷ châu Á

26/08/2021

Do Na Hong Jin sản xuất và nhà làm phim Thái Lan Banjong Pisanthanakun đạo diễn, tác phẩm kinh dị Thái Lan The Medium phát hành ngày 14/7 đã thu về hơn 820.000 lượt xem tại các rạp Hàn Quốc.

The Medium hiện đứng ba là phim thành công nhất về mặt thương mại của một nhà sáng tạo Hàn Quốc phát hành năm nay sau Escape from Mogadishu, ở vị trí số 1 và Hard Hit. Lấy bối cảnh vùng Isan của Thái Lan, phim xoay quanh một gia đình bị quỷ ám.

Cảnh phim The Medium. Đạo diễn Pisanthanakun cảm thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa shaman Hàn Quốc và Thái Lan

Một bộ phim siêu nhiên khác The Cursed: Dead Man’s Prey, do vị đạo diễn đứng sau Train to Busan (2016) Yeon Sang Ho viết kịch bản, đã được phát hành vào ngày 28/7. Cốt truyện xoay quanh một dukun, thuật ngữ Indonesia chỉ pháp sư, điều khiển xác chết làm phương tiện trả thù.

Kinh dị siêu nhiên do các nhà làm phim Hàn Quốc sáng tạo, thể loại mà ngày nay người ta gọi là “K-horror”, thường bắt nguồn từ truyền thuyết và thần thoại của các nước châu Á láng giềng được điều chỉnh để phù hợp với câu chuyện của Hàn Quốc. The Cursed: Dead Man’s Prey thực chất là phần phụ của phim bộ truyền hình dài tập tvN The Cursed, truyền bá tà giáo Indonesia với phiên bản xác sống phương Đông, được gọi là jaechaui trong tiếng Hàn. Jaechaui là những xác sống từ cõi chết sống lại, bắt nguồn từ cuốn sách có tựa đề Yongjaechonghwa, do Sung Hyun (1430-1504) viết trong thời kỳ đầu triều đại Joseon (1392-1910). Cuốn sách còn ghi chép về văn hóa dân gian và tôn giáo.

Cảnh từ phim The Cursed: Dead Man’s Prey, truyền bá tà giáo Indonesia với phiên bản xác sống phương Đông, được gọi là jaechaui trong tiếng Hàn

Thay vì chỉ tập trung vào các yếu tố đẫm máu của thể loại kinh dị siêu nhiên, The Cursed: Dead Man’s Prey theo chân các nhân vật chính mà cuối cùng dẫn đến việc họ khám phá ra những hoạt động bẩn thỉu của một tập đoàn dược phẩm.

“Tôi đã cân nhắc cách phát triển thần thoại và truyền thuyết châu Á để phù hợp với truyền thuyết đương đại,” đạo diễn Yeon nói sau buổi chiếu báo chí bộ phim vào tháng trước. “Liệu những sinh vật khác từ cuốn sách này bước ra có những giải thích cụ thể hơn về nguồn gốc của chúng, jaechaui được xem là mê tín dị đoan. Nên tự nhiên tôi đi đến thắc mắc không biết có phải jaechaui có nguồn gốc nước ngoài. Tôi biết các pháp sư thực hành pháp thuật hắc ám có thể hồi sinh một xác chết, và khi tôi tìm kiếm phiên bản ma thuật hắc ám ở châu Á, tôi đã liên kết dukun từ Indonesia [với chuyện kể].”

Biên đạo Jeon Young, người đứng sau chuyển động của thây ma trong Train to Busan và loạt phim Netflix Kingdom (2019-), đã tham gia thiết kế chuyển động của jaechaui trong The Cursed. Không giống kiểu cử động giật giật, mau lẹ của xác sống khi chúng săn lùng con người để ăn thịt, xác sống trong The Cursed trông giống những con rối dây.

Không giống kiểu cử động giật giật, mau lẹ của xác sống khi chúng săn lùng con người để ăn thịt, xác sống trong The Cursed trông giống những con rối dây

“Tôi không biết về dukun cho đến khi bắt đầu thực hiện dự án này,” đạo diễn Kim Yong Wan nói. “Có nhiều loại dukun khác nhau làm pháp sự cho những mục đích khác nhau. Một số sử dụng ma thuật làm hại con người và một số xem bói. Chúng tôi đã dựa trên những tình cảm phổ quát như tình gia đình [khi chúng tôi giải thích động cơ đằng sau sự trả thù của dukun] để văn hóa Indonesia không bị coi thường hoặc bị hiểu lầm theo bất kỳ cách nào.”

“Tôi cảm thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa shaman Hàn Quốc và Thái Lan,” đạo diễn Pisanthanakun của The Medium[ đã nói trong các cuộc phỏng vấn báo chí. Do đạo diễn kiêm nhà sản xuất Na Hong Jin viết kịch bản, Pisanthanakun đã đích thân phỏng vấn 30 pháp sư sống ở nhiều vùng khác nhau của Thái Lan để miêu tả chính xác thực tế trừ tà địa phương.

Người Hàn Quốc tạo nội dung cho các hạ tầng phát trực tuyến, vốn đã thành công với những phim K-horror như Train, Peninsula (2020) và Kingdom, cũng bị lôi cuốn vào những câu chuyện thần thoại bắt nguồn từ các nước châu Á. Mặc dù những câu chuyện thần thoại như thế là mới lạ đối với khán giả Hàn Quốc, nhưng chúng cũng đủ quen thuộc để có thể liên hệ với bối cảnh cảm xúc và văn hóa của họ.

The Cursed: Dead Man’s Prey thực chất là phần phụ của phim bộ truyền hình dài tập tvN The Cursed (ảnh)

Một phim khác của Netflix The 8th Night, được phát hành trên hạ tầng này vào tháng trước, xoay quanh cuộc chiến tám ngày giữa một cựu tu sĩ và một linh hồn hàng thiên niên kỷ chiếm hữu con người và cuối cùng mở cửa cho địa ngục thoát lên trần gian. Mặc dù bộ phim lập tức đạt được vị trí số 1 trong Tốp 10 trên bảng xếp hạng Netflix Hàn Quốc, nhưng nó nhanh chóng bị rớt khỏi danh sách vì người xem chỉ trích sự thiếu nhất quán trong cốt truyện. Tuy nhiên, bộ phim đã được yêu thích hơn ở các nước lân cận. Nó chiếm vị trí hàng đầu trong cùng danh sách Netflix ở Philippines theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Felixpatrol, và xếp thứ 2 ở Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Nam diễn viên Lee Sung Min, người đóng vai cựu tu sĩ Jin Soo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng anh xem bộ phim là cơ hội “để đưa văn hóa Phật giáo của chúng ta vào tâm điểm chú ý trên khắp thế giới. Đề cao khía cạnh tôn giáo cũng là điều phân biệt phim của chúng tôi với các thể loại tương tự khác.”

The 8th Night đã phát hành trên Netflix

Trong một báo cáo có tiêu đề “Nhìn vào bối cảnh văn hóa của ngành công nghiệp điện ảnh Malaysia thông qua phim kinh dị” (bản dịch) do Hong Sung Ah, phóng viên Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc tại Malaysia xuất bản tháng trước, Hong lưu ý rằng các nước Đông Á rất quen thuộc với các chủ đề liên quan để diệt trừ linh hồn ma quỷ thông qua pháp sư. “Ở Thái Lan, một quốc gia Phật giáo, các nhà sư xua đuổi hồn ma trong phim kinh dị của họ, còn ở các nước như Malaysia và Indonesia, giáo sĩ Hồi giáo đọc Kinh Quran để trừ tà.”

Có vẻ như các yếu tố từ các quốc gia châu Á khác sẽ tiếp tục được đưa vào nội dung kinh dị Hàn Quốc. Một lợi thế là chi phí sản xuất có thể giảm tùy thuộc vào bối cảnh của bộ phim. Ví dụ, chi phí sản xuất cho The Medium lên tới 2,3 tỉ won (1,9 triệu USD), cao gấp đôi chi phí sản xuất trung bình của một bộ phim ở Thái Lan, nhưng được coi là kinh phí thấp ở thị trường phim Hàn Quốc.

Yoo Ah In trong cảnh phim Hellbound

Đạo diễn Yeon sẽ tiếp tục mở rộng loạt phim kinh dị của mình thông qua các hạ tầng phát trực tuyến như Netflix và Tving.

“Khi mối quan tâm toàn cầu chuyển sang nội dung Hàn Quốc, tôi nghĩ việc hợp tác với các công ty sản xuất ở nước ngoài cũng trở nên dễ dàng và chủ động hơn so với trước đây,” Yeon nói trong phỏng vấn với JoongAng Ilbo, một chi nhánh của JoongAng Daily. “Tôi từng nói đùa về việc tạo ra câu chuyện về một pháp sư Hàn Quốc hành nghề trừ tà ở New York, nhưng điều đó thực sự đang được tạo ra ngay lúc này đây.”

Khi nội dung giải trí Hàn Quốc tiếp tục phổ biến toàn cầu, Yeon nói anh trở nên thận trọng hơn trong việc miêu tả chính xác các nguồn văn hóa khác nhau mà anh sử dụng trong câu chuyện của mình.

“Ví dụ, loạt phim nguyên tác Netflix sắp tới của tôi Hellbound cũng được dự kiến ​​phát hành đồng thời ở hơn 190 quốc gia,” anh nói.

“Có thể có những phần mà người xem thuộc các sắc tộc khác nhau cảm thấy tôi đã thao túng hoặc xuyên tạc văn hóa của họ, theo những cách mà tôi không bao giờ lường trước được, vì vậy tôi phải cực kỳ cẩn thận trong những khía cạnh đó.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily