Tin tức

Phim tài liệu độc lập tái hiện tấn thảm kịch Yongsan năm 2009

10/08/2012

Two Doors thu hút 40.000 khán giả chỉ trong vòng ba tuần lễ sau khi phát hành.

Ngày 20/1/2009, cư dân của một khu vực quy hoạch ở Yongsan, Seoul, chiếm lấy tầng trên cùng của một tòa nhà bốn tầng có tên "Namildang" từ ngày hôm trước để phản đối dự án của thành phố.

Một nhóm lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh (SWAT) được cử đến để bắt giữ những người biểu tình. Hỏa hoạn đã xảy ra trong cuộc đột kích đầy bạo lực trước bình minh, giết chết năm người biểu tình và một cảnh sát. Tòa án Trung ương Seoul cho là những người cầm đầu vụ biểu tình chịu trách nhiệm cho vụ hỏa hạn và tuyên án bọn họ bị tù. Vụ việc đó giờ được khắp nơi biết đến như là “tấn thảm kịch Yongsan.”

Áp phích phim Two Doors

Đã có một số phim tài liệu về những gì xảy ra vào hôm đó. The Story of Namildang in Yongsan (2010) của đạo diễn Oh Doo Hee nói về một nhóm phụ nữ đứng tuổi đã cố bám trụ Namildang trong khoảng một năm sau thảm kịch, cho đến khi tòa nhà bị phá hủy vào tháng 12/2010. My sweet home (2010) của đạo diễn Kim Cheong Seung, nói về ba người biểu tình bị kết án bảy năm tù vì biểu tình ở nóc nhà.

Song, bộ phim tài liệu Two Doors gần đây chỉ tập trung vào sự việc đã xảy ra vào ngày thảm kịch đó. Sử dụng cảnh phim quay ban đêm - chủ yếu do phóng viên ghi hình làm việc cho các đài truyền hình internet lúc đó quay được – cũng như các tài liệu ghi âm lời khai ở tòa bởi các cảnh sát thuộc lực lượng SWAT, phim khéo léo tái hiện lại một loạt sự kiện dẫn đến cái chết của sáu người. Cuối cùng bộ phim tiết lộ và lập luận rằng có một bên thứ ba – ngoài những người cảnh sát cấp bậc thấp và người biểu tình xung đột trong cuộc đột kích – bên thực sự chịu trách nhiệm cho tấn thảm kịch.

Phim được tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Là dự án hợp tác giữa các nhà làm phim với nhóm LGBT và các nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi phụ nữ Kim Il Ran và Hong Ji You, phim đã thu hút khoảng 40.000 khán giả chỉ sau ba tuần công chiếu. Một vài nhân vật nổi tiếng trong đó có thị trưởng Seoul Park Won Soon ca ngợi bộ phim vì thành tích về mặt điện ảnh cũng như ý nghĩa chính trị.

Một cảnh trong phim

Ở nửa đầu phim, khán giả được gợi nhớ lại các sự việc đã được biết: Quan tòa ra lệnh khám nghiệm tử thi mà không có sự đồng ý của thành viên gia đình nạn nhân, và cảnh sát từ chối trình hơn 3.000 trang hồ sơ vụ án cho tòa án. Qua các cuộc phỏng vấn với luật sư và các nhà hoạt động xã hội, bộ phim cũng đặt nghi vấn liệu việc chính phủ cử lực lượng SWAT - những người được đào tạo để thực hiện công việc đầy nguy hiểm mà vượt ngoài khả năng của cảnh sát bình thường, chẳng hạn như khủng bố - để bắt giữ dân thường có đúng hay không.

Thú vị thay, phim không có lấy một cuộc phỏng vấn với những người biểu tình. Kim Il Ran và Hong Ji You đã có một quyết định tỉnh táo tái hiện lại sự kiện thông qua các lời khai miệng lẫn trên giấy của những sĩ quan SWAT đã có mặt ở hiện trường. Khán giả không thấy được gương mặt những sĩ quan này mà chỉ nghe giọng nói của họ. Người ta nhận ra rằng những sĩ quan này không được bộ chỉ huy cho biết chính xác về nguy hiểm có thể xảy ra, và được lệnh hoàn thành nhiệm vụ mặc dù ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội. Một trong những sĩ quan quả quyết tình cảnh trên mái nhà như “địa ngục trần gian,” trong khi nhiều sĩ quan khác nói họ không biết nhiều về mục đích của kế hoạch và hành động ngày đó.

Phim cũng ngụ ý đôi khi sự thật tồn tại trong im lặng hơn là bằng lời nói. Khi được hỏi ông nghĩ bên nào chịu trách nhiệm cho cái chết của đồng nghiệp, một sĩ quan ngập ngừng hồi lâu trước khi nói, “những người biểu tình.” Sự ngập ngừng là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong phim.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi