Tin tức

Phim về Kinh kịch Trung Quốc Enter the Forbidden City trình chiếu ở Mỹ trong năm 2020

20/02/2020

Sau sáu năm nghiên cứu, viết kịch bản và sản xuất, đạo diễn Trung Quốc Hồ Mai đã có một bộ phim nhằm vượt qua ranh giới văn hóa và khơi dậy sự quan tâm của khán giả trẻ đối với một nghệ thuật Trung Hoa cổ.

Enter the Forbidden City, bộ phim theo dõi sự ra đời của Kinh kịch, sẽ ra rạp ở Mỹ trong nửa đầu năm 2020, cho khán giả Mỹ và thế giới biết đến một kết cấu quan trọng của văn hóa Trung Quốc.

Bối cảnh kinh thành Bắc Kinh trong phim

“Phản ánh sự tự tin về văn hóa của chúng ta, bởi vì Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật rộng lớn và sâu sắc,” Hồ Mai nói trong một phỏng vấn với China Daily.

Cốt truyện phim, lấy bối cảnh thời nhà Thanh (1644-1911), kể về hành trình của hai ca sĩ Kinh kịch liều mạng biểu diễn mừng thọ thứ 80 của Hoàng đế Càn Long và lấy lại danh tiếng cho đoàn kịch của họ. Phim truy lại lịch sử về cách nghệ thuật cổ xưa phong phú này kết hợp với nhau từ khi một số thành viên của các đoàn kinh kịch tỉnh An Huy, ở lại Bắc Kinh sau lần biểu diễn thành công vào cuối thế kỷ 18, pha trộn phong cách của họ với nhiều doàn kinh kịch địa phương khác.

Quá trình sản xuất không dễ dàng. Theo Hồ Mai, có thời điểm phim trường bốc cháy, thảm họa phá hủy tất cả các trang phục trên trường quay khi bộ phim sắp sửa đóng máy. Nhưng cô quyết tâm đưa dự án của mình vượt qua.

Loại hình nghệ thuật này thể hiện các nghệ sĩ trang điểm phức tạp, trang phục thêu và kể những câu chuyện độc đáo

Hồ Mai lưu ý rằng năm 2020 đánh dấu sinh nhật lần thứ 230 Kinh kịch ra đời, nhạc kịch Trung Quốc kết hợp ca hát, diễn xuất và võ thuật. Cô muốn tung ra bộ phim vào đêm trước ngày tạo ra “quốc bảo” này.

“Đây là một biểu hiện cho sự thông thái của con người Trung Hoa và cô đọng truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của nền văn minh Trung Hoa,” đạo diễn Hồ Mai nói.

Để nắm bắt lịch sử đằng sau bộ phim, Hồ Mai và nhóm của cô đã đi đến các khu vực miền núi tỉnh An Huy, Trung Quốc, nơi kinh kịch đóng một phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ em.

“Vai trò của kinh kịch ở đây là nó cô đọng hàng ngàn năm âm nhạc, kịch, chính trị, văn hóa, trí tuệ thế giới và các nguyên tắc đạo đức vào các tiết mục khác nhau,” Hồ Mai nói. “Khoảng 1.000 ca khúc kinh kịch nổi tiếng trong khu vực này đã được truyền từ cha mẹ sang con cái, từ thế hệ này sang thế hệ khác,” cô nói thêm.

Bộ phim miêu tả tinh thần theo đuổi nghệ thuật của các nghệ sĩ kinh kịch

Năm 2010, Kinh kịch được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Được coi là “loại hình sân khấu quốc gia”, loại hình nghệ thuật này thể hiện các nghệ sĩ trang điểm phức tạp, trang phục thêu và kể những câu chuyện độc đáo.

Trước đây, những bộ phim về Kinh kịch Trung Quốc, như Bá vương biệt Cơ, đã lên màn ảnh rộng ở phương Tây và được khán giả quốc tế ca ngợi, nhưng vẫn chỉ có một vài người quen thuộc với loại hình nhạc kịch bí ẩn này, có lẽ là do rào cản ngôn ngữ và bản chất bí truyền của nó.

Mai Lan Phương, một trong những nghệ sĩ kinh kịch hàng đầu của Trung Quốc, được cho là đã phổ biến loại hình nghệ thuật này đến khán giả phương Tây sau chuyến đi Mỹ và châu Âu vào những năm 1930.

“Bộ phim của chúng tôi miêu tả tinh thần theo đuổi nghệ thuật của các nghệ sĩ kinh kịch. Chính xác là nhờ làm việc chăm chỉ và nỗ lực của các thế hệ nghệ sĩ mà Kinh kịch có thể lan ra khỏi Trung Quốc,” Hồ Mai nói. Cô hy vọng bộ phim tạo ra cầu nối với khán giả phương Tây.

Vai Phượng cách cách của Mã Y Lợi trong phim

Kinh kịch tương tự với opera phương Tây về nhiều phương diện, Hồ Mai nói. “Kinh kịch Trung Quốc, từ hát và biểu diễn, đến cách xướng âm, đến cấu trúc của câu thoại và câu chuyện, tương tự các vở opera phương Tây. Nó cũng là một hệ thống biểu diễn toàn năng,” Hồ Mai nói.

Cô cho biết bộ phim còn đưa người xem vào cuộc sống của các nghệ sĩ Kinh kịch, những người không được hưởng địa vị cao trong xã hội do bị xem là “xướng ca vô loài” ở thời nhà Thanh."

“Trong lịch sử Trung Quốc, các vở tuồng cổ, kể cả Kinh kịch, đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền lại di sản của Trung Quốc từ thế hệ này sang thế hệ khác,” Hồ Mai nói. “Kinh kịch không còn phổ biến như trước, đặc biệt là với khán giả trẻ, nhưng giá trị nghệ thuật của nó rất cao. Chúng tôi hy vọng có thể đưa Kinh kịch đến với hàng ngàn hộ gia đình thông qua việc bộ phim của chúng tôi và mang nó đến với mọi người trên khắp thế giới,” Hồ Mai nói thêm.

Bộ phim do kịch tác gia Trâu Tĩnh Chi viết kịch bản, với sự tham gia của Phú Đại Long, Mã Kính Hàm, cũng như các nữ diễn viên Vương Tử Văn và Mã Y Lợi. Phim sẽ do Cinema Libre Studio, có trụ sở tại Burbank, California, phát hành ở Mỹ.

Đạo diễn Hồ Mai (thứ hai từ trái qua) cùng dàn diễn viên trong một sự kiện ra mắt phim

Phim đã ra mắt khán giả Trung Quốc Đại lục vào ngày 10 tháng 5 năm 2019. Phim đã từng công chiếu ở Mỹ tại Liên hoan phim Mỹ-Trung (CAFF) ở Alhambra, California (17, 20 và 21 tháng 11 năm 2019). Hồ Mai đã mang về giải đạo diễn xuất sắc nhất và 10 giải Thiên Thần Vàng hàng đầu tại lễ khai mạc CAFF thường niên lần thứ 15 vào ngày 5/11/2019.

Hồ Mai, tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 1982, là một trong những thành viên tiên phong của điện ảnh Trung Quốc Thế hệ thứ năm cùng với các bạn đồng môn Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca. Cô nổi tiếng ở Trung Quốc với một số tác phẩm truyền hình và điện ảnh được ca ngợi. Bộ phim trước đó của cô là Khổng Tử, có sự tham gia của Châu Nhuận Phát, đã phát hành ở Mỹ năm 2010.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily